Mây là một thành phần tự nhiên thường gặp trong chụp ảnh phong cảnh. Để chụp được những tấm ảnh mây trời như ý cũng cần biết một số kỹ thuật liên quan.

 

 

Mây, kết hợp với một số yếu tố khác như tiền cảnh hoặc cảnh vật trải dài đến đường chân trời ở phía xa trong hậu cảnh, góp phần tạo nên kịch tính cho bức ảnh. Hơn nữa các đám mây còn là yếu tố chính để tạo nên bầu trời trong bức ảnh. Để có tấm ảnh phong cảnh với trời mây hoàn hảo, người chụp nên nắm vững một số mẹo dưới đây.

 

 

1. Tìm hiểu về các loại mây khác nhau

Nếu bạn hiểu rõ điều bạn muốn tìm kiếm khi chụp ảnh mây, thì bạn có thể làm điều đó hiệu quả hơn. Vậy nên điều cần thiết là bạn hãy cố gắng lập kế hoạch trước và thiết lập sẵn những bức ảnh tương đối cụ thể. Như vậy bạn cần biết loại đám mây sẽ hình thành ở đâu, khi nào và trong hoàn cảnh nào

 

 

Ví dụ, có rất nhiều loại đám mây khác nhau để khám phá. Chúng bao gồm mây tích, mây tầng, mây tầng tích, và mây tích mưa. Tất cả các loại mây đó đều một diện mạo khác nhau. Một số địa điểm thậm chí có thể thu hút các đám mây đặc biệt – như các đám mây dạng thấu kính hình thành phía trên Núi Rainier (trong bức ảnh minh họa dưới đây).

 

 

 

Núi Rainier (ảnh: Jonathan / CC0).

 

 

 

Hiểu biết về các loại mây này sẽ giúp bạn tự tin, hoặc biết cách làm thế nào và khi nào bạn có thể chụp được những đám mây trắng mịn hoàn hảo phía trên cảnh vật của mình, từ đó sẽ giúp bạn có được những bức ảnh kịch tính và thú vị hơn.

 

 

2. Vận dụng thời tiết

Thông thường những nhiếp ảnh gia chỉ thích đi chụp vào những ngày nắng đẹp. Bởi vì ngoài việc dễ có được những bức ảnh đẹp ra thì điều họ muốn nhất là bảo vệ tốt thiết bị. Điều đó có nghĩa là tránh các yếu tố như mưa, tuyết và gió mạnh mà có thể quăng bụi hoặc cát vào ống kính máy ảnh của họ.

 

Tuy nhiên, khi quá bảo vệ đồ nghề và tránh thời tiết xấu, bạn có thể đã thực sự bỏ lỡ một số bức ảnh đám mây tốt nhất. Khi trời có gió, những đám mây có thể di chuyển nhanh và bị dồn đẩy tạo thành những hình dạng thú vị. Khi trời bão, những đám mây đen lớn thậm chí có thể làm cho bầu trời dường như hùng vĩ và kịch tính hơn nữa.

 

 

 

Thiên nhiên (ảnh: Johannes Plenio / CC0).

 

 

 

Cách tốt nhất để giải quyết vấn đề này là dùng một nắp che để bảo vệ máy ảnh và ống kính của bạn. Nắp che này thường được làm bằng nhựa trong suốt, để có thể hoàn toàn che chắn cho máy ảnh của bạn mà không che khuất tầm nhìn của bạn. Bạn còn nên mặc đủ ấm, dùng quần áo không thấm nước, để tránh bị ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Nếu run tay vì lạnh thì chắc chắn máy ảnh sẽ bị rung và hình ảnh sẽ bị mờ.

 

 

3. Sử dụng kính lọc

Kính lọc rất hữu ích vì một số lý do. Ít nhất là trên thực tế chúng có thể giúp bảo vệ ống kính của bạn. Bất kỳ vết trầy xước nào trên kính lọc có thể dễ dàng được loại bỏ, vì bạn chỉ cần mua một chiếc kính lọc khác với giá rẻ để thay thế. Điều đó tiết kiệm chi phí hơn nhiều so với việc mua một ống kính mới! Bạn thậm chí có thể gặp may nếu bạn lỡ tay làm rơi máy ảnh và làm hỏng kính lọc trong khi ống kính vẫn ổn.

 

Một công dụng hữu ích khác của kính lọc là nó thực sự có thể giúp cải thiện giao diện của hình ảnh của bạn. Việc có kính lọc lắp trên ống kính trước tiên có thể thay đổi giao diện của quang cảnh bầu trời mà bạn chụp, cụ thể như mô tả dưới đây.

 

 

 

Những đám mây (ảnh: RÜŞTÜ BOZKUŞ / CC0).

 

 

Một chiếc kính lọc phân cực (polarizing filter) là lựa chọn tốt nhất để tách các đám mây khỏi nền trời phía sau chúng, làm tối bớt màu xanh lam và khiến chúng thực sự nổi bật. Điều này thậm chí còn hiệu quả hơn khi bạn chụp ảnh với mục đích chuyển đổi sang đơn sắc, nhưng nó cũng có tác dụng với ảnh màu. Hiệu ứng này xảy ra do kính lọc đã ngăn một số sóng ánh sáng nhất định đi qua ống kính, ảnh hưởng đến cách cảm nhận hình ảnh của chiếc cảm biến.

 

Một loại kính lọc hữu ích khác để chụp ảnh đám mây là kính lọc mật độ trung tính có chia độ (GND: Graduated Neutral Density filter). Kính này giúp giảm khe hở trong độ phơi sáng bao trùm một cảnh chụp. Bạn có thể hỏi: Khi nào nên sử dụng kính lọc này? Đó là khi bạn chụp cảnh hoàng hôn hoặc bình minh, nơi có những đám mây lơ lửng trên ánh sáng rực rỡ của mặt trời mọc hoặc lặn.

 

Khi chụp mây trời, tiền cảnh thường rất tối. Vì vậy để đạt được sự cân bằng cho bức ảnh, bạn cần giảm sự khác biệt đó. Nên bạn có thể vẫn sẽ phải làm thêm một chút công việc hậu kỳ để cân bằng thêm khe hở phơi sáng, nhưng dùng một kính lọc GND khi chụp sẽ cho bạn một khởi đầu tốt.

 


4. Canh thời gian phơi sáng của bạn

Một nhiếp ảnh gia phong cảnh thường có xu hướng để tốc độ màn trập chậm để có được hiệu ứng phơi sáng dài. Cách làm này có thể biến những dòng sông thành những dải ruy băng mượt mà, tạo ra một sắc thái thú vị cho hình ảnh. Tuy nhiên, trong chụp ảnh mây nếu làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến hình dạng đám mây bạn muốn chụp.

 

Phơi sáng lâu có thể khiến những đám mây trở nên không có hình dạng nhất định hoặc vô hình, khi đó bầu trời xuất hiện trong bức ảnh chỉ đơn giản là một màu trắng mà không có chi tiết thực sự. Bạn có thể điều chỉnh các mức phơi sáng khác nhau để xem những gì phù hợp với phong cảnh cụ thể đó. Biết đâu phong cảnh mà bạn chụp với phơi sáng dài trông sẽ thực sự thú vị với một bầu trời mượt mà, siêu thực.

 

 

 

Biển cả (ảnh: Loaded Landscapes / CC0).

 

 

 

Tuy nhiên, thông thường bức ảnh trông sẽ đẹp hơn nếu bạn có thể chụp được hình dạng các đám mây một cách rõ ràng, sắc nét. Bạn có một cách để thỏa hiệp, đó là chụp nhanh hình ảnh bầu trời với những đám mây trước, rồi sau đó sử dụng cài đặt phơi sáng dài để chụp vùng mặt đất, rồi cuối cùng kết hợp cả hai bức ảnh lại với nhau trong công việc hậu kỳ.

 

 

5. Bổ sung thêm các yếu tố

Khi những đám mây trông thực sự đẹp, như thể chúng được vẽ lên bầu trời, có thể bạn chỉ muốn chụp riêng những đám mây đó. Bạn có thể cắt bỏ những chi tiết khác bằng cách nghiêng máy ảnh của bạn lên trời và để phong cảnh rớt xuống. Tuy nhiên, làm như vậy thường tạo ra một hình ảnh thiếu chiều sâu và mục đích.

 

Khi bạn thêm các yếu tố khác vào khung hình, nó ngay lập tức trở nên thú vị hơn. Chỉ cần một gợi ý về phong cảnh có thể đủ để mang lại cảm giác hoàn toàn khác biệt cho bức ảnh sản phẩm. Bạn có thể thử tìm kiếm các cấu trúc cao hơn ở xung quanh mà có thể chia đôi bầu trời trong ảnh, chẳng hạn như cột điện thoại hoặc đèn đường. Cây cối, các tòa nhà, hoặc thậm chí là phong cảnh đồi núi có thể tạo chiều sâu cho phần dưới cùng của bức ảnh.

 

 

 

Hải đăng (ảnh: Loaded Landscapes / CC0).

 

 

 

Bạn cũng nên cố gắng lùi lại một chút từ những đám mây mà bạn thấy thú vị. Hãy thu nhỏ đám mây hơn và chụp một số nền trời trống xung quanh chúng, vì nếu chỉ có các khu vực màu trắng của đám mây thì sẽ không hoàn toàn ngoạn mục. Lùi lại sẽ giúp cho bố cục tổng thể được thông thoáng hơn, và sẽ làm cho những đám mây cụ thể mà bạn muốn lấy nét trở nên nổi bật hơn nữa.

 

Hãy nhớ rằng các quy tắc bố cục khi chụp ảnh bầu trời cũng giống như khi chụp một bức ảnh phong cảnh đầy đủ. Quy tắc một phần ba, sử dụng các đường dẫn và các kỹ thuật đã được thử nghiệm khác có thể tạo cho hình ảnh của bạn cảm giác mạnh mẽ hơn.

 

Tất cả những lời khuyên nói trên là để giúp hình ảnh những đám mây bạn chụp trở nên ngoạn mục hơn, cho dù những đám mây đó là sự kiện chính hay chỉ là một yếu tố bổ sung cho phong cảnh của bạn. Hãy chắc chắn rằng bạn cũng thử nghiệm cải thiện bức ảnh trời mây trong xử lý hậu kỳ, bằng cách tăng cường các màu xanh lam, hồng và cam, tăng độ tương phản, v.v. để cho hình ảnh cuối cùng thêm phần hấp dẫn nhé.

Theo Rhiannon D’Averc / Loaded Landscapes