Theo thống kê về nguyên nhân tử vong tại Úc, cứ bốn người qua đời trong đó có thể một người (24%) là bệnh nhân của tim mạch. Điều này nghĩa là trung bình, có khoảng 120 người ở Úc tử vong vì bệnh tim mạch mỗi ngày, tức là cứ 12 phút lại có một người. Nam giới tử vong vì bệnh tim mạch nhiều hơn nữ giới 40%.
Nói một cách khác, cứ 6 người ở Úc thì có một người cho biết mình đang sống chung với bệnh tim mạch (Cardiovascular disease – CVD), chiếm hơn 4.6 triệu người (khoảng 18% tổng số dân Úc). Bệnh tim mạch (CVD) bao gồm các bệnh về tim và mạch máu (ví dụ: bệnh tim mạch vành, hở van tim), và đột quỵ là một trong những vấn đề sức khỏe lớn nhất của Úc.
Khoảng mỗi phút lại có người Úc nhập viện vì bệnh tim mạch, tương đương hơn 1,500 ca nhập viện mỗi ngày.
Số nam giới nhập viện vì bệnh tim mạch nhiều hơn nữ giới (40%) mỗi năm.
Khoảng 5 tỷ đô-la được chi mỗi năm cho các dịch vụ bệnh viện công dành cho người mắc bệnh tim mạch, chiếm 11% tổng chi phí nhập viện – tỷ lệ lớn nhất trong bất kỳ nhóm bệnh nào.
Tim là một bộ phận rất quan trọng trong cơ thể, nhưng nhiều người thường không quan tâm cho đến khi thấy tức ngực, nhịp thở không đều, hay mệt… lúc đó mới tìm gặp bác sĩ tim.
Thực tế cho thấy, hầu hết mọi người đợi đến độ tuổi 40 hoặc 50 mới đi khám tim mạch lần đầu, nhưng nếu chúng ta muốn chủ động chăm sóc sức khỏe tim mạch, bác sĩ chuyên khoa tim mạch khuyên rằng nên bắt đầu đặt lịch khám định kỳ ngay từ độ tuổi 20. Tất nhiên khám bệnh tim trong lúc còn trẻ, chúng ta phải trả tiền khám bệnh, mỗi lần có thể lên tới hai, ba trăm đô tiền mặt, sau đó Medicare hoàn trả lại một phần. Những người lớn tuổi hoặc có thẻ hưởng trợ cấp xã hội, một số bác sĩ chuyên khoa nhận “bulk bill” (tính phí thẳng với Medicare), người khám bệnh sẽ không phải trả thêm khoảng chênh lệch. Bác sĩ (GP) có thể cho chúng ta biết điều này.
Những người ở độ tuổi 20 ít khi nghĩ đến việc đi khám tim mạch và bệnh tim. Tuy nhiên, việc đi khám tim mạch ở độ tuổi 20 và 30 đơn giản là một cách tốt để bắt đầu theo dõi sức khỏe tim mạch. Bằng cách đó, nếu có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào xuất hiện sớmbác sĩ tim mạch có thể giúp tránh những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn trong tương lai.
Không có quy tắc cụ thể nào về độ tuổi nên bắt đầu đặt lịch khám tim mạch, nhưng khi bước sang tuổi 50, chúng ta nên bắt đầu (nếu chưa một lần nào) đi khám tim mạch ít nhất mỗi năm một lần. Một số vấn đề về tim mạch khác nhau có khả năng xuất hiện trước độ tuổi này, nhưng nếu theo dõi sức khỏe tim mạch chặt chẽ, chúng ta có thể tránh được các vấn đề khác thường xuất hiện khi tuổi tăng lên.
Tại sao cần chạy Điện tâm đồ (ECG)?
Khi đi khám bệnh, chúng ta nói với bác sĩ mình đau tức ở ngực, tim đập nhanh hoặc các vấn đề về tim khác; bác sĩ có thể đề nghị làm điện tâm đồ.
Điện tâm đồ có thể cho biết chúng ta đang hoặc đã từng gặp phải:
-đau tim
-căng cơ tim, do hẹp hoặc tắc nghẽn động mạch tim
-nhịp tim không đều
-viêm màng ngoài tim (viêm niêm mạc tim)
-đường dẫn truyền điện tim bất thường
Việc làm điện tâm đồ rất đơn giản. Chúng ta không cần phải làm gì đặc biệt để chuẩn bị cho điện tâm đồ. Trước khi làm điện tâm đồ, nhân viên phụ trách máy đo điện tâm đồ sẽ ghi nhận huyết áp, sức nặng và yêu cầu chúng ta cởi bỏ áo, để được gắn 10 dây dẫn từ máy bằng các điểm dính trên ngực và khoảng trên hoành cách mô. Điện cực ECG phải được đặt trên da sạch và khô. Máy sẽ đọc kết quả và vẽ thành đồ biểu trong vòng 5 phút.
Có ba loại ECG khác nhau.
-ECG trong trạng thái nghỉ ngơi: Chúng ta nằm ng- hiêng, giữ thân người yên vị và thở bình thường trong khi ghi ECG.
-ECG lưu động (còn gọi là ECG 24 giờ, hoặc máy theo dõi Holter): Chúng ta đeo điện cực và mang theo máy theo dõi trong khi thực hiện các hoạt động thường ngày trong 24 giờ.
-Xét nghiệm gắng sức tim: ECG được ghi lại khi chúng ta chạy trên máy chạy bộ (treadmill). Xét nghiệm này kiểm tra các vùng cơ tim bị co thắt khi gắng sức.
Nếu đang trong quá trình ghi ECG, chúng ta bị đau ngực hoặc các vấn đề khác, chúng ta phải báo ngay cho nhân viên thực hiện xét nghiệm.
Nếu chúng ta đang thực hiện ECG lưu động, chúng ta cần ghi lại thời điểm có triệu chứng bất thường của tim.
Bác sĩ sẽ xem xét điện tâm đồ và diễn giải những gì nó nói về tim của chúng ta và thảo luận kết quả với chúng ta. Nếu bác sĩ nhận thấy vấn đề nghiêm trọng trong điện tâm đồ, bác sĩ lên kế hoạch điều trị cho chúng ta. Đôi khi chúng ta có thể cần các xét nghiệm khác, chẳng hạn như siêu âm tim (echocardiogram), xét nghiệm máu hoặc chụp mạch (hình ảnh mạch máu của tim).
Một số vấn đề về tim rất khó chẩn đoán nếu các triệu chứng của chúng ta không xuất hiện trong khi bạn đang thực hiện điện tâm đồ (ECG). Một số điện thoại thông minh và đồng hồ thông minh có thể tái tạo điện tâm đồ từ dạng sóng của mach máu. Điều này có thể hữu ích trong việc chẩn đoán các bất thường về nhịp tim, nhưng độ chính xác của các ứng dụng và thiết bị này vẫn chưa được biết rõ. Có những nghiên cứu đang kiểm tra điều này. Nếu chúng ta thường xuyên mang trong người điện thoại thông minh có ứng dụng ghi nhịp tim đập hoặc đồng hồ thông minh, chúng ta có thể đề cập điều này với bác sĩ rất có thể thông tin từ thiết bị này hữu ích trong việc theo dõi vấn đề tim mạch của chúng ta.
Tim người có 4 buồng để chứa và bơm máu, 2 phần nhỏ ở phía trên gọi là tâm nhĩ, 2 phần dưới lớn hơn gọi là tâm thất.
Máu theo tĩnh mạch từ các cơ quan trong cơ thể trở về tâm nhĩ phải, máu từ phổi trở về tâm nhĩ trái. Tâm nhĩ trái bóp sẽ bơm máu vào tâm thất trái, tâm nhĩ phải đưa máu vào tâm thất phải. Sau đó tâm thất phải sẽ bóp để bơm máu theo động mạch lên phổi và tâm thất trái bóp để bơm máu xuống cơ quan cơ thể. Tim có khả năng hoạt động đều đặn và thứ tự như thế là nhờ vào hệ thống các tế bào dẫn điện đặc biệt nằm trong cơ tim.
Trong tâm nhĩ phải có nút xoang gồm các tế bào có khả năng phát ra xung điện. Xung điện này truyền ra các cơ xung quanh làm co bóp hai tâm nhĩ (tạo nên sóng P trên điện tâm đồ). Sau có dòng điện tiếp tục truyền theo một chuỗi tế bào đặc biệt đến nút nhĩ thất nằm gần vách liên thất, rồi theo chuỗi tế bào sợi Purkinje chạy dọc vách liên thất lan vào các cơ xung quanh (tạo ra loạt sóng QRS) làm hai tâm thất co bóp. Sau đó, các xung điện giảm đi, tâm thất giãn ra (tạo nên sóng T). Chu kỳ tim là một quá trình đảm bảo máu lưu thông liên tục khắp cơ thể, cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho các mô đồng thời loại bỏ các chất thải. Chu kỳ tim có thể được chia thành ba giai đoạn:
-Tâm nhĩ thu: tâm nhĩ co bóp.
-Tâm thất thu: tâm thất co bóp. Giai đoạn này diễn ra sau tâm nhĩ thu sau 0.1-0.2 giây.
-Tâm trương: cả tâm nhĩ và tâm thất giãn ra.
Các van tim mở ra khi buồng tim trước nó có áp suất cao hơn buồng tim mà nó dẫn đến. Các van tim đóng lại nếu áp suất của buồng tim trước nó thấp hơn áp suất của buồng tim mà máu đang chảy qua, điều này giúp máu không bị trào ngược do chênh lệch áp suất.
Trong kỳ tâm nhĩ thu, van nhĩ thất mở ra để máu có thể đi vào tâm thất.
Sau đó, trong kỳ tâm thất thu, van nhĩ thất đóng lại, và van bán nguyệt mở ra để máu rời khỏi tim qua các động mạch lớn, thay vì quay trở lại tâm nhĩ.
Sự đóng lại tuần tự của hai bộ van tạo ra âm thanh "bùm-bùm" đặc trưng của nhịp tim.
Điện tâm đồ (ECG) là một trong những xét nghiệm tim phổ biến nhất. Đây là cách duy nhất để phát hiện một số vấn đề về xung điện của tim. Có một số lý do khiến một người có thể bị điện tâm đồ, bao gồm nhịp tim không đều, khó thở khi gắng sức, huyết áp cao đáng kể, hồi hộp hoặc nghi ngờ có vấn đề về van tim. Điện tâm đồ cũng có thể là một cách hữu ích để loại trừ các vấn đề. Nếu bác sĩ đề nghị chúng ta làm điện tâm đồ, hãy coi đó như một xét nghiệm cần thiết./.