Các nhà tâm lý học cho rằng việc thiếu sự nhàm chán có thể cản trở sự sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề của trẻ em cũng như người lớn. (Pexels)

 

 

Các chuyên gia tâm lý học cho rằng việc thiếu sự nhàm chán có thể cản trở sự sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề của trẻ em cũng như người lớn.

 

Giải trí vô tận liên quan đến giảm khả năng sáng tạo

Theo Stephanie Lee, nhà tâm lý học lâm sàng chuyên về tối ưu hóa giáo dục và sức khỏe tâm thần của trẻ, sự nhàm chán là nền tảng để trẻ em và thanh thiếu niên tạo ra ý tưởng của riêng mình. Bà lưu ý rằng giải trí kỹ thuật số quá mức thường khiến trẻ mất đi sự nhàm chán, cản trở trí tưởng tượng.

 

Một nghiên cứu nhi khoa vào năm 2019 được công bố trên Tạp chí Nhi khoa Ý cho thấy, phương tiện truyền thông xã hội có liên quan đến tình trạng suy giảm khả năng sáng tạo ở thanh thiếu niên. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng, mạng xã hội và thói quen sử dụng điện thoại thông minh có thể tương quan với kết quả học tập kém, giảm khả năng tập trung và giảm khả năng sáng tạo.

 

Nghiên cứu này cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa mạng xã hội và sức khỏe tâm thần kém ở thanh thiếu niên. Theo một nghiên cứu năm 2021 được công bố trên tạp chí Education and Health Promotion, đối với thanh thiếu niên nghiện mạng xã hội, thường bị thiếu một số kỹ năng sống nhất định như giải quyết vấn đề và khả năng phục hồi.

 

Bà Lee cho biết, hoạt động giải trí thông thường có thể ngăn cản trẻ em sáng tạo nếu so sánh hiệu suất công việc hoặc sản lượng của chúng với nội dung chúng tiêu thụ bên ngoài. Bà nói thêm, ngược lại, các hình thức giải trí [cao cấp] hơn - chẳng hạn như xem một bộ phim tài liệu kích thích tư duy hoặc tham dự một buổi hòa nhạc - có thể kích thích sự sáng tạo.

 

Những đứa trẻ buồn chán trở thành người giải quyết vấn đề tốt hơn

Trả lời phỏng vấn với The Epoch Times, Sandi Mann, giáo sư tâm lý học tại Đại học Central Lancashire ở Anh, nói rằng sự buồn chán là liều thuốc giải độc giúp xây dựng các kỹ năng sống cơ bản. Bà nói thêm, khi chúng ta [sử dụng điện thoại, mạng xã hội hoặc bất kỳ phương tiện giải trí nào đó] để quên đi sự buồn chán của mình, chúng ta không cho phép tâm trí mình trăn trở và tìm ra giải pháp sáng tạo cho sự buồn chán đó.

 

Giải quyết sự nhàm chán giúp cải thiện khả năng giải quyết vấn đề, điều này có liên quan đến sức khỏe tinh thần tốt hơn. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Preventive Medicine cho thấy, khả năng giải quyết vấn đề có thể dự đoán xu hướng trầm cảm và lo lắng. Bà Lee nói: “Giải quyết vấn đề một cách độc lập là cách chúng tôi giúp trẻ em và thanh thiếu niên xây dựng khả năng tự chủ, lòng tự trọng và sự tự tin”.

 

Trong khi viết nhật ký và nghệ thuật thúc đẩy khả năng giải quyết vấn đề thì mạng xã hội lại làm suy yếu nó. Lượng dopamine sản sinh nhanh chóng trong quá trình sử dụng mạng xã hội mang đến sự hài lòng thoáng qua và có thể gây trầm cảm. Ngược lại, việc giải quyết vấn đề mang lại thành quả và sự thỏa mãn lâu dài.

 

Bà Mann nói thêm, những khoảnh khắc chúng ta giải quyết một vấn đề sẽ vô hiệu hóa cảm giác bất lực, điều này vốn rất có hại cho sức khỏe tinh thần của chúng ta về lâu dài.

 

Thời gian nhàn rỗi rất quan trọng để xây dựng khả năng phục hồi của thanh thiếu niên

Bà Lee giải thích: Các nghiên cứu ưu tiên liên kết việc cải thiện khả năng giải quyết vấn đề với khả năng phục hồi. Do đó, sự nhàm chán có thể xây dựng khả năng phục hồi, điều mà Gen Z, những người sinh từ 1995 đến 2010, dường như còn thiếu. Thế hệ này dành hàng giờ mỗi ngày trên mạng xã hội.

 

Cũng giống như việc giải trí làm cản trở khả năng giải quyết vấn đề, nghiên cứu cho thấy nó làm giảm khả năng thể hiện sự kiên cường của thanh thiếu niên khi đối mặt với những tình huống thử thách. Bà Lee cho biết: “Khả năng kiểm soát sự buồn chán một cách độc lập thể hiện tính tự chủ và hiệu quả của bản thân. Đây là nền tảng để xây dựng khả năng phục hồi”.

 

Một lợi ích khác cho sự nhàm chán? Nó giúp trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn quản lý những cảm xúc căng thẳng và nghịch cảnh. Nó giúp chúng ta biết cách đương đầu với những thách thức lớn hơn trong cuộc sống.

 

Bà Lee nói thêm: “Chúng ta thường phải lập kế hoạch, chiến lược và giải quyết vấn đề để loại bỏ sự nhàm chán, đây là cách thực hành tốt cho trẻ em, thanh thiếu niên — và cả người lớn”.

 

(Theo Vance Voetberg - The Epoch Times)
(ntdvn.net, Bảo Vy biên dịch)

 

 

Vance Voetberg

 

Vance Voetberg là nhà báo tự do của The Epoch Times có trụ sở tại Tây Bắc Thái Bình Dương. Anh có bằng Cử nhân Báo chí và mong muốn trình bày những tin tức liên quan đến sức khỏe một cách trung thực, truyền cảm hứng. Anh ấy là người sáng lập blog dinh dưỡng “Running On Butter.”