(Ảnh: BBC)
Emily Morris, 21 tuổi, đến từ thành phố Swindon tại miền Tây Nam nước Anh, chi khoảng 20 bảng (hơn 600.000 đồng) mỗi tháng tại Shein – gã khổng lồ thời trang nhanh của Trung Quốc. Cô thường mua sắm ở đây mỗi khi cần một bộ trang phục mới cho các bữa tiệc hoặc kỳ nghỉ.
Cô nói, "Bạn gần như luôn tìm thấy thứ mình cần, dù chất lượng không tốt.”
Giống như hàng triệu người ở Anh và Mỹ, Emily mua hàng từ cửa hàng trực tuyến này chủ yếu vì giá cả phải chăng.
Công ty này đã vấp phải chỉ trích về cách đối xử với người lao động, khi một cuộc điều tra của BBC cho thấy công nhân làm việc tới 75 giờ mỗi tuần, vi phạm luật lao động Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này dường như không ngăn cản người mua sắm tiếp tục mua quần áo từ Shein.
'Giá cả phải chăng'
Emily từng cân nhắc việc ngừng mua hàng từ Shein do cách đối xử của họ với người lao động, nhưng cô cho biết các nơi khác "quá đắt đỏ".
Cô nói, "Tôi không ngại nói rằng mình mua sắm ở Shein vì tôi biết mình không phải người duy nhất.”
Con số thống kê chứng minh cô nói đúng, khi Shein đã thay đổi từ một công ty ít được biết đến cách đây vài năm thành một trong những hãng thời trang lớn nhất thế giới.
Doanh số toàn cầu của công ty ước tính đạt 36,9 tỷ USD vào năm ngoái, theo số liệu của công ty phân tích dữ liệu GlobalData.
Shein là công ty tư nhân và không công bố lợi nhuận toàn cầu, nhưng lợi nhuận tại Anh của họ đã tăng gấp đôi vào năm 2023, đạt hơn 24 triệu bảng, theo hồ sơ trên cơ quan đăng ký doanh nghiệp công khai của Anh Companies House.
Shein cung cấp hàng ngàn dòng sản phẩm quần áo khác nhau, vượt xa các đối thủ thời trang nhanh như H&M và Zara.
Công ty bán nhiều sản phẩm với giá dưới 10 bảng (khoảng 310.000 đồng VN) và nhanh chóng tung ra các thiết kế mới.
Shein đang chuẩn bị cho việc niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tại Anh, khiến công ty này bị giám sát chặt chẽ hơn về cả điều kiện lao động và tác động đến môi trường.
Năm ngoái, chính Shein phát hiện có lao động trẻ em trong chuỗi cung ứng của mình sau khi thắt chặt việc kiểm soát các cơ sở cung cấp hàng hóa.
Công ty cũng đối mặt với cáo buộc sử dụng bông được sản xuất bởi lao động cưỡng bức, và tuần trước đã từ chối trả lời các nghị sĩ Anh liệu họ có sử dụng loại bông này hay không.
BBC đã gửi yêu cầu bình luận đến Shein.
Đáp lại cuộc điều tra của BBC về điều kiện lao động, công ty cho biết họ "cam kết đảm bảo đối xử công bằng và tôn trọng nhân phẩm của tất cả người lao động trong chuỗi cung ứng của mình" và đang đầu tư hàng chục triệu đô la để tăng cường quản trị và tuân thủ.
Công ty tuyên bố, "Chúng tôi nỗ lực thiết lập các tiêu chuẩn cao nhất về trả lương và yêu cầu tất cả đối tác chuỗi cung ứng tuân thủ bộ quy tắc ứng xử của chúng tôi".
Công nhân chỉ được trả khoảng 1 đến 2 nhân dân tệ cho mỗi chiếc áo thun – tương đương từ khoảng 3.500 đến 6.900 đồng VN.
Sarah Johnson, nhà sáng lập công ty tư vấn Flourish Retail và cựu trưởng bộ phận mua sắm và kinh doanh tại công ty thời trang Asos Trung Quốc, cho biết Shein có thể trả nhiều hơn cho các nhà cung cấp, điều này sẽ giúp họ trả lương cao hơn cho công nhân.
Người cung cấp hàng hóa "không nhận được nhiều phần trong giá bán cuối cùng của sản phẩm".
Khi nói về người lao động, cô cho biết, "bạn có thể tăng lương cho họ mà giá thành sản phẩm chỉ tăng rất ít".
Cô cũng nói thêm rằng một lựa chọn khác là công ty giảm lợi nhuận.
'Tôi sẽ tiết kiệm'
Sophie Wills cho biết Shein "có lẽ sẽ không còn là lựa chọn" cho mình sau khi biết về điều kiện lao động trong chuỗi cung ứng của công ty này. Ảnh: BBC.
Sophie Wills, từ thành phố Birmingham, cho biết trước đây cô đã mua quần áo từ Shein vì giá cả phải chăng.
"Thời điểm hiện tại rất khó khăn," Sophie nói, đồng thời cho biết thêm rằng cô có lẽ không thể mua được quần áo cao cấp hơn vào lúc này.
Tuy nhiên, cô nói rằng việc tiết kiệm và "đầu tư vào các sản phẩm có chất lượng cao hơn có lẽ là hướng đi đúng".
'Toàn bộ trang phục của tôi đến từ Shein'
Cô Thando Sibenke, chụp ảnh cùng bạn của mình là Hafizh Saputra, nói rằng cô sẽ nghiên cứu thêm về các công ty mình mua quần áo. Ảnh: BBC
Thando Sibenke cho biết cô thường xuyên mua sắm tại Shein.
Cô nói, và nêu lý do rằng cô thích giá cả, sự tiện lợi và đa dạng, "Toàn bộ trang phục của tôi hiện tại là từ Shein."
Tuy nhiên, Thando cho biết cô dự định trong tương lai sẽ nghiên cứu thêm về cách mà các sản phẩm quần áo mình mua được sản xuất.
'Tôi thấy xấu hổ'
Georgina, 24 tuổi, đến từ London, nói rằng cô "cảm thấy xấu hổ" vì đã từng mua hàng ở Shein – và giờ đã dừng lại.
"Kể từ khi tìm hiểu, những điều tiêu cực vượt xa những điểm tích cực và ngay cả khi thấy quần áo của Shein trong các cửa hàng từ thiện, tôi cũng không cảm thấy thoải mái khi mua."
Chuyên viên thiết kế thời trang và học giả, Shazia Saleem, cho biết rằng những người thuộc thế hệ Z – những người sinh từ khoảng năm 1995 đến 2010 – thường nói trong các cuộc khảo sát rằng tính bền vững và đạo đức là điều quan trọng với họ, nhưng điều đó không nhất thiết phản ánh trong quyết định mua sắm.
Bà nói, người trẻ thường cảm thấy áp lực phải mua trang phục mới để duy trì hình ảnh trên mạng xã hội, và họ không có nhiều thu nhập khả dụng, nên có lẽ họ sẽ vẫn tiếp tục mua thời trang nhanh.
Bà cũng cho rằng mặc dù mọi người nên đưa ra quyết định mua sắm có ý thức, nhưng chính phủ cần tăng cường các quy định tiêu chuẩn thương mại tại Anh để đảm bảo các công ty bán những sản phẩm bền vững và có đạo đức.
Louise Deglise-Favre, nhà phân tích cấp cao về thời trang tại GlobalData, cũng cho biết bà kỳ vọng rằng giá cả phải chăng sẽ tiếp tục chiếm ưu thế hơn so với những lo ngại về đạo đức đối với người mua hàng Shein.
Bà nói, những khách hàng trẻ tuổi thường không có nhiều thu nhập khả dụng do đang đi học hoặc làm các công việc lương thấp.
Bà nói thêm, Shein tung ra hàng ngàn sản phẩm mới mỗi ngày, điều này có thể khuyến khích người tiêu dùng mua sắm quá nhiều – nhưng đó cũng là phản ứng đối với "mong muốn từ người tiêu dùng muốn liên tục cập nhật tủ đồ của mình với các xu hướng mới nhất".
(Nguồn BBC)