Công lý là gì khi sự thật không tồn tại? (Ảnh: Sang Hyun Cho/ Pixabay)
Làm sao ta có thể nhận biết được sự bất công khi mà ta còn chẳng phân biệt được đúng sai? Với câu hỏi đầy mâu thuẫn: "Liệu có thể có bất công nếu không có sự thật?", giáo sư Adams đặt ra một thử thách để ta tự mình phân định và chiêm nghiệm về hai khái niệm tưởng chừng đơn giản nhưng lại liên quan mật thiệt: Sự thật và Công Lý.
Với một câu hỏi đầy mâu thuẫn rằng: "Liệu có thể có bất công nếu không có sự thật?", Giáo sư Paul Adams đã nêu ra một vấn đề: Khi ta cổ súy cho hệ tư tưởng định nghĩa bản chất của sự thật phụ thuộc vào chủ quan cá nhân chứ không mang tính khách quan tự nhiên, ta đang dần để cho sự độc tài lên ngôi và để cho sự bất công từ từ xâm chiếm lấy đời sống của mình mà không tự nhận ra.
Mời quý độc giả cùng đọc và chiêm nghiệm những chia sẻ của vị học giả ưu tú từ Hoa Kỳ về Sự thật và Công lý.
__--__
Liệu có thể có bất công nếu không có sự thật?.
Martin Luther King Jr đã cân nhắc câu hỏi về sự thật và công lý này trong bức thư đầy uy quyền gửi từ Nhà tù Birmingham vào năm 1963. Lá thư là lời phúc đáp của ông tới các thành viên hội giáo sĩ. Họ vẫn phản đối nạn phân biệt chủng tộc nhưng lại chỉ trích động thái bất tuân dân sự, tức hành vi gây bất ổn xã hội hay tạo ra bạo động - một hành vi phạm pháp. Ý trọng tâm của Martin Luther King Jr là, luật pháp có thể công minh, nhưng cũng có thể bất công. Chúng ta có nhiệm vụ tuân thủ luật pháp công minh và chống lại, thậm chí loại bỏ luật pháp gây bất công. Đồng thời, chúng ta cần nhận ra rằng cả hai kiểu luật pháp này đều tồn tại, và cần học cách nhìn ra sự khác biệt giữa chúng.
Đề cập đến các ví dụ về chế độ chuyên chế của Đức Quốc xã dưới thời Hitler và cuộc cách mạng Hungary năm 1956 chống lại chế độ chuyên chế độc tài, Mục sư King viết:
“Chúng ta chớ bao giờ quên rằng, mọi điều Adolf Hitler làm ở Đức đều từng 'hợp pháp', và mọi điều những chiến binh tự do Hungary làm ở Hungary đều từng 'bất hợp pháp'. Giúp đỡ và an ủi người Do Thái ở nước Đức của Hitler đã từng là bất hợp pháp. Ngay cả như thế, tôi cũng chắc chắn rằng nếu tôi sống tại Đức thời ấy, tôi sẽ giúp đỡ và an ủi những người anh em Do Thái của mình. Nếu ngày nay tôi sống trong một đất nước cộng sản, nơi một số nguyên tắc rất gần với niềm tin Công Giáo bị đàn áp, tôi sẽ công khai cổ súy cho việc bất tuân thủ những đạo luật chống tôn giáo của đất nước đó”.
(Trích bản dịch của Trần Hà Linh, từ luatkhoa.org)
Mục sư King đưa ra các ví dụ — từ Kinh thánh, về cuộc tử đạo của những người theo đạo Thiên Chúa sơ khai, và Đảng trà Boston — về việc từ chối tuân theo thứ luật pháp bất chính.
Nhà lãnh đạo dân quyền Mỹ Martin Luther King Jr. (giữa) vẫy tay chào những người ủng hộ tại Trung tâm mua sắm ở Washington vào ngày 28/8/1963. (- / AFP qua Getty Images)
Sự thật và Công lý
Giống như những Tổ phụ lập quốc Hoa Kỳ, ông King không tìm cách bãi bỏ nền pháp trị mà kháng nghị để hoàn thiện nó. Cũng giống như ngài Thomas Jefferson, ông King nhận thấy rằng, luật pháp do chính quyền ngoại bang Thực dân Anh định nghĩa theo ý muốn của riêng họ. Cùng có nhận định như những Tổ phụ lập quốc, ông cũng nhận thấy rằng luật pháp được định nghĩa ra hồi đó là để vứt bỏ mọi ràng buộc đối với quyền lực và ý chí của những kẻ độc tài.
Vậy đâu là sự khác biệt giữa luật pháp chân chính và luật pháp bất công?
Khi trả lời câu hỏi này, cả mục sư King và bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ đều dựa trên truyền thống cổ điển cho rằng, luật pháp bắt nguồn từ thực tế khách quan, từ bản chất của vạn vật. Đó là một truyền thống tồn tại ít nhất từ thời của nhà hiền triết Aristotle. Mục sư King trích dẫn lời của Thánh Augustinô đã nêu nguyên tắc rằng, “Luật pháp gây bất công thì không phải là luật pháp”. Ông trích dẫn lời dạy của Thánh Tôma Aquinô rằng, “một điều luật bất chính là một điều luật của con người vốn không bắt nguồn từ luật vĩnh cửu và luật tự nhiên”.
Theo một cách tương tự, Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ đối ứng với “các quy luật của tự nhiên và của Thiên Chúa của tự nhiên”. Bản tuyên ngôn dựa trên những chân lý được đặt định là hiển nhiên, và khẳng định những quyền bất khả xâm phạm do Đấng Tạo hóa ban tặng, chứ không phải do nhà nước hay chủ quyền ban tặng:
“Chúng tôi khẳng định những chân lý này là hiển nhiên: rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, họ được Đấng Tạo hoá ban cho một số quyền tất yếu bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Bức tranh của John Trumbull tên Tuyên ngôn Độc lập, mô tả Ủy ban soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập gồm 5 người trình bày tác phẩm của họ trước Đại hội. Bức tranh có thể được tìm thấy ở mặt sau của tờ tiền 2 USD. Bản gốc được treo ở tòa nhà Capitol của Hoa Kỳ. (Ảnh: Wikimedia)
Không có sự thật thì đâu còn công lý.
Đối với một số người hiện đại, những lời tuyên bố như vậy đối với tính chân thật hoặc thực tế về bản chất dường như không thể dung thứ, vì sự thật mà bạn nhìn nhận khác với sự thật do tôi nhận thức. Chúng ta thấy một chủ nghĩa cấp tiến về tính tương đối lan rộng khắp trong các lĩnh vực luật pháp, giáo dục và truyền thông, mà hóa ra chủ nghĩa ấy lại không hề có sự bao dung. Nó không thể chấp nhận rằng, tôi có quyền tuyên bố về đức tin của mình, dù điều đó có vô lý hay phi logic hoặc trái với bản chất của con người hay loài người thế nào đi nữa. Việc bạn khoan dung với chủ nghĩa ấy là chưa đủ, mà giờ đây bạn phải tán dương điều đó với tất cả sự nhiệt tình hiển hiện, như của Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản [Triều Tiên] khi vỗ tay hoan nghênh những phát biểu từ vị Lãnh tụ kính yêu của mình.
Chủ nghĩa tương đối là hệ tư tưởng của những kẻ bạo chúa. Đối với Stalin và Hitler, lịch sử đứng về phía họ, chiến thắng là điều không thể tránh khỏi, và bất kỳ ai chất vấn bản chất định nghĩa về “sự thật” của họ về mặt khách quan sẽ trở thành kẻ thù của quốc gia. Bản thân “sự thật” bị coi là vấn đề về ý chí và quyền lực của tầng lớp thống trị. Nếu kết quả của các chính sách và sắc lệnh của họ không như những gì họ đã hứa, thì đó không phải là vì những chính sách ấy mâu thuẫn với thực tế, với những gì sẵn có và những ràng buộc của cuộc sống. Đó là bởi vì kẻ thù, trong và ngoài đảng cầm quyền, âm mưu phá hoại chương trình ấy.
Ở Hoa Kỳ, chúng ta đang thấy một tầm nhìn không có giới hạn về thực tế tương tự, không phải theo kiểu chủ nghĩa toàn trị đẫm máu của Stalin hay Hitler, mà nó nằm ở chính sự phủ nhận thực tế ngày càng gia tăng. Đó là sự từ chối đối với các quy trình dân chủ, từ chối việc thảo luận hoặc tranh luận, là vấn đề kiểm duyệt hoặc đàn áp phát ngôn, ngay cả đối với những thông tin đơn giản trên các phương tiện truyền thông và trong khuôn viên trường học. Những người dũng cảm lên tiếng vì sự thật và chống lại sự bất công có nhiều khả năng phải đối mặt với đám đông hằn học trên Twitter, thay vì lo ngại về Hồng Vệ binh của ĐCSTQ hay Binh đoàn Bão táp (Brownshirts) của Đức trên đường phố.
Tranh sơn dầu của Howard Chandler Christy vẽ năm 1940, mô tả cảnh tượng Tổ phụ lập quốc Hoa Kỳ George Washington chủ trì Hội nghị Philadelphia. Những người được xác định trong tranh: George Washington, Alexander Hamilton và Benjamin Franklin - cùng những người khác. (Ảnh: Wikimedia)
Trong các hoạt động tư pháp tích cực nhất của mình, thẩm phán đã nghỉ hưu của Tối cao Pháp viện Mỹ là ông Anthony Kennedy thường đính kèm những lời rao giảng về quyền được tự định nghĩa hiện thực theo ý mình. Lời hùng biện này là một dấu hiệu cho thấy, ông Kennedy sẽ phớt lờ Hiến pháp Hoa Kỳ và áp đặt quan điểm của riêng mình thay cho các quy trình về lập pháp và về chính trị dân chủ.
Trong phán quyết về vấn đề phá thai của Casey vào năm 1992, ông Kennedy đã có tuyên bố nổi tiếng rằng: "Trọng tâm của tự do là quyền định nghĩa khái niệm tồn tại, ý nghĩa, vũ trụ và bí ẩn của cuộc sống con người". Thành viên Ed Whelan của Trung tâm Chính sách Công và Đạo đức (Ethics and Public Policy Center) đã phiên dịch lại câu nói này như sau: “Những thẩm phán chúng tôi có thẩm quyền vô hạn để quyết định những vấn đề mà những công dân tầm thường là các bạn bị cấm giải quyết thông qua pháp luật”. Trên thực tế, những lời lẽ hoa mỹ của ông Kennedy đã đánh dấu sự khởi đầu cho một hành vi man rợ kéo dài hàng thập kỷ, là việc hợp pháp hóa hành vi giết hại những sinh linh vô tội dễ bị tổn thương trên quy mô chưa từng có, sự phủ nhận thực tế và từ chối quyền được sống của cả một lớp người, những sinh mệnh dễ bị tổn thương nhất trong chúng ta.
Tư tưởng về bản dạng chuyển giới (transgender identity) xuất hiện trong thời đại này là một ví dụ cực đoan cho việc, bạn phải đảm bảo yêu cầu phủ nhận sự thật để được coi là thành phần lịch sự trong xã hội bây giờ. Sự vô lý và không mạch lạc của những tuyên bố đang được đề cao như tiến bộ khoa học bởi chủ nghĩa kiểu ngụy khoa học bán tôn giáo này, cùng với sự thảm hại và lòng nhiệt thành của những người hưởng ứng, đã thể hiện ra một dạng giáo phái ngoại lai của những kẻ cực đoan. Những người hưởng ứng cho kiểu chủ nghĩa bản dạng chuyển giới này thường có tư tưởng như sau: Bạn phải chấp nhận sự tự định giới của tôi, nếu không bạn sẽ giết tôi; đó là hành vi phạm tội diệt chủng. Dù có chấp nhận cơn sốt trong các cô gái tuổi teen ở Hoa Kỳ và Anh, thì số lượng những người được xác định là chuyển giới vốn rất nhỏ. Song, sự tiếp nhận chóng vánh đối với hệ tư tưởng này của phe cực tả, các cơ quan chuyên môn, truyền thông, giáo dục, thư viện và nhà nước đầy quan liêu theo tư tưởng cấp tiến thì thật sự vượt quá ngoài tưởng tượng. Và điều này đã gây ra những thiệt hại không thể cứu vãn được đối với những người trẻ tuổi, đối với cơ thể và các mối quan hệ gia đình của họ.
Đứng sống dựa trên sự dối trá
Chủ nghĩa Cộng sản tại Trung Quốc và chủ nghĩa Quốc xã đều chấp nhận một chủ nghĩa tương đối để hạ thấp tầm quan trọng của “sự thật” thành vấn đề về ý chí và quyền lực, đồng thời tìm cách áp đặt cách họ nhận thức về sự thật lên người khác. Đó rõ ràng là sự chuyên chế, nếu không muốn nói là độc tài. Nhưng giờ đây, chúng ta đang chứng kiến cùng kiểu khuynh hướng đó đang trỗi dậy trong các hệ tư tưởng và phong trào do giới tinh hoa phương Tây thúc đẩy. Họ phủ nhận sự thật khách quan và tìm cách đàn áp quyền tự do ngôn luận, cắt giảm sự tranh luận cởi mở hay quyền ra quyết định dân chủ.
Ảnh kết hợp biểu tượng của các gã trùm công nghệ Big Tech: Facebook, Google và Twitter. (Ảnh: Pixabay)
Sự chuyên chế của chủ nghĩa tương đối cấp tiến là một trong những nghịch lý của nó. Nó phủ nhận chính sự tồn tại của thực tại khách quan, trong khi vẫn khăng khăng về sự thật của chính nó.
Liệu chúng ta có phải đầu hàng trước sự đàn áp này, vì sợ rằng việc nói ra sự thật sẽ khiến đám đông Twitter phẫn nộ đòi chúng ta bị chối bỏ, bị sa thải, từ chối nhập học vào trường đại học hoặc công việc mà chúng ta lựa chọn, hoặc bị loại khỏi các cam kết phát biểu hoặc bị từ chối việc làm trong tương lai?
Những nhân chứng đã sống sót sau cuộc đàn áp khốc liệt nhất trong thời đại chúng ta, dưới thời Đức Quốc xã, những người theo chủ nghĩa cộng sản, hoặc những kẻ khủng bố Jihadi của ISIS, có thể đưa ra câu trả lời. Cho dù nạn nhân sống sót là người Do Thái hay Cơ đốc giáo, nạn nhân của chế độ nô lệ hay đàn áp tôn giáo, họ luôn nhấn mạnh tầm quan trọng cuối cùng của việc kể lại và lắng nghe sự thật về những gì đã xảy ra tại nơi ấy. Quan điểm của lính canh trại tập trung và nạn nhân của họ trong thảm họa Holocaust đều khác nhau, cũng như sẽ có sự khác biệt trong quan điểm của những người theo đạo Cơ đốc ở các nước cộng sản Đông Âu so với các đặc vụ thuộc nhà nước chuyên chế đã bức hại họ.
Nói như vậy không phải để khẳng định rằng chỉ có một câu chuyện đúng sự thật về một sự kiện, hay rằng chúng ta phải luôn tin tưởng vào những người dám đứng ra tố cáo. Sự hủy hoại đối với nhiều cuộc đời và danh tiếng của nhiều người chỉ bởi một kẻ tự ảo tưởng là nạn nhân ấu dâm Carl Beech, nên là bài học khiến ta phải dừng bước trước khi áp dụng câu thần chú thời thượng “tin tưởng mọi nạn nhân”, hoặc áp dụng quy trình xử lý đầy lỗ hổng và giả định vô tội. Những cáo buộc giả mạo của Carl Beech đã khiến cảnh sát Anh phải tiến hành một cuộc điều tra lịch sử về lạm dụng tình dục sâu rộng, kéo dài từ năm 2014 đến năm 2016. Nhiều năm sau, vào năm 2019, Beech bị kết án với nhiều tội danh phá hoại công lý và một tội lừa đảo. Anh ta bị kết án 18 năm tù. Những cáo buộc gian dối của anh ta chống lại những cá nhân nổi tiếng, một số người không còn sống, đã dẫn đến một cuộc điều tra thiếu sót nghiêm trọng và gây ra thiệt hại to lớn cho những người bị Beech buộc tội và cả gia đình của họ, đồng thời ngăn cản những nạn nhân thực sự của nạn lạm dụng tình dục có dũng khí để bước ra.
Nhân loại cần sự thật
Công lý phụ thuộc vào việc ta nhận ra bản chất thực tế, khách quan của sự thật, và sẵn sàng nói ra sự thật đó bất chấp mọi cái giá phải trả hay mọi hiểm nguy ta cùng người thân phải đối mặt. (Ảnh: S. Hermann & F. Richter/Pixabay)
Công lý có thể bị biến đổi hình thái hoặc bị phủ nhận bởi những cáo buộc sai lầm: do việc không tiếp nhận các nạn nhân thực sự một cách nghiêm túc; và do nạn nhân sợ bị trả thù nếu họ nói ra sự thật. Ví dụ điển hình là vụ việc nổi tiếng xảy ra ở Rotherham, Vương quốc Anh trong nhiều thập kỷ, trong đó các nhà chức trách đã không làm tròn trách nhiệm trong việc có hành động khi nhận được báo cáo về một vụ buôn bán tình dục thực sự và lạm dụng tình dục trẻ em có tổ chức. Ước tính có khoảng 1.400 nạn nhân của vụ việc ở Rotherham và nhiều người trong số họ đã không nhận được sự tin tưởng.
Vấn đề đơn giản nằm ở chỗ, công lý phụ thuộc vào việc nhận ra bản chất thực tế, khách quan của sự thật (ngoài những gì nhà nước hoặc đảng phái hoặc các nhà lãnh đạo nói vào lúc này), xác lập sự thật của vấn đề, và sau đó nói về điều đó (hoặc ít nhất là không nói dối về nó), ngay cả khi cái giá để nói ra sự thật phải đánh đổi với sự bảo đảm về một công việc ổn định, hay trong những ngày tồi tệ này, là nguy cơ mà gia đình một người phải đối mặt. Đó là ưu tiên của những người đã chứng kiến những nỗi kinh hoàng như thảm họa Gulag của Nga, hoặc tại các trại tập trung của Đức Quốc xã. Nó cũng nên là ưu tiên hàng đầu của chúng ta.
Không có sự thật thì không thể nhận ra sự bất công, và do đó sẽ không tồn tại công lý.
Tác giả bài viết là ông Paul Adams - giáo sư danh dự về công tác xã hội tại Đại học Hawai‘i, đồng thời là giáo sư và phó trưởng khoa về các vấn đề học thuật tại Đại học Case Western Reserve. Ông là đồng tác giả của cuốn sách "Công bằng xã hội không phải như bạn nghĩ" (Social Justice Isn’t What You Think It Is), và đã viết nhiều về chính sách phúc lợi xã hội cũng như đạo đức nghề nghiệp và phẩm chất.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times và NTD Việt Nam.
(ntdvn.com - Theo Epoch Times tiếng Anh)