By Laura Doan, Erielle Delzer

January 16, 2025 / 4:57 PM EST / CBS News

(Biên dịch: BBT HuyLe; danviet.com.au)

 

 

 

(Hình ảnh cắt ra từ bản tin truyền hình của CBS, Nguồn: CBSnews.com)

 

 

 

HOA KỲ - Trong khi các cơ quan điều tra đang nỗ lực tìm hiểu nguyên nhân gây ra những vụ cháy rừng ở khu vực Los Angeles vừa rồi, một số thuyết âm mưu về nguồn gốc của các vụ cháy đã lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội.

 

Các bài đăng về các thuyết vô căn cứ — từ sự tham gia của người nổi tiếng đến vũ khí bí mật của chính phủ — đã thu hút hàng triệu lượt xem.

 

Bất chấp những nỗ lực kiểm tra dữ kiện thực tế, các chuyên viên nghiên cứu cho biết các thuyết âm mưu kiểu này thường xuyên xuất hiện sau các vụ cháy rừng lớn.

 

Abbie Richards, là chuyên viên nghiên cứu thông tin sai lệch, cho biết, "Tôi nghĩ rằng tin tức càng gây choáng ngợp về mặt cảm xúc, thì chúng ta sẽ chỉ thấy một lượng lớn các thuyết âm mưu để đối phó và khiến mọi người cảm thấy như họ đang làm chủ được cảm xúc".

 

 

Thuyết âm mưu về vũ khí quang năng có mục tiêu - Directed energy weapons - lại nổi lên

Các đoạn phim ngắn (video) gây hiểu lầm đã thúc đẩy những tuyên bố sai sự thật rằng vũ khí quang năng có mục tiêu (Directed energy weapons), thường được gọi là DEW, đã thổi bùng lên ngọn lửa. Thuyết âm mưu này cho rằng các chính phủ, hoặc tổ chức bí mật, sử dụng tia laser hoặc hệ thống vi sóng để gây ra các vụ hoản hoạn.

 

Các chuyên gia đã nhiều lần bác bỏ những lời tuyên bố này, và cho rằng các kiểu cháy bất thường là do các yếu tố tự nhiên như gió, địa hình và thảm thực vật.

 

Trong khi Hoa Kỳ đã phát triển và thử nghiệm các loại thiết bị DEW (thiết bị phóng quang năng có mục tiêu) cho các ứng dụng quân sự — chẳng hạn như vô hiệu hóa máy bay không người lái hoặc hỏa tiễn của đối phương — thì không có bằng chứng đáng tin cậy nào về việc các thiết bị quang năng có mục tiêu/có định hướng DEW được sử dụng trong các bối cảnh dân sự, bao gồm cả việc đốt cháy rừng.

 

Thuyết về các thiết bị DEW cũng xuất hiện trong các vụ cháy rừng ở California hồi năm 2018, với việc Dân biểu Marjorie Taylor Greene tuyên bố trong một bài đăng trên mạng xã hội, hiện đã bị xóa, nói rằng các đám cháy có thể do tia laser từ không gian gây ra. Và những người xem tin tức này trên mạng internet đã lan truyền thuyết âm mưu này trong các thảm họa khác bao gồm các vụ cháy rừng ở Canada và Maui hồi năm 2023, và vụ cháy rừng ở Texas Smokehouse Creek hồi năm 2024.

 

Joseph Uscinski, đồng tác giả của cuốn sách có tựa đề "American Conspiracy Theories", cho biết, "Hầu hết mọi người sẽ đọc những loại tin tức như thế này và hoàn toàn bác bỏ vì nó không phù hợp với cách họ nhìn nhận thế giới. Nhưng có những người nhìn thế giới qua lăng kính thuyết âm mưu".

 

 

Những tuyên bố rằng thời tiết là do con người tạo ra.

 

Nhiều tuyên bố đã lan truyền rằng chính phủ có thể đã sử dụng kỹ thuật địa kỹ thuật để dập tắt các vụ cháy rừng ở Los Angeles.

 

Các lý thuyết cho rằng chính phủ có một số khả năng kiểm soát đối với thời tiết đã xuất hiện sau một số thảm họa thiên nhiên, bao gồm cả các trận bão Helene và Milton. Và các chuyên viên khí tượng học cùng các cơ quan, bao gồm Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ đã bác bỏ những tuyên bố này.

 

Geoff Dancy, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Toronto, nói với CBS News, rằng “Mọi người đổ lỗi cho chính phủ, hoặc ,các giám đốc điều hành công ty vì nó dễ hơn là đối mặt với các vấn đề về cấu trúc, như tình trạng hạn hán".

 

Dancy nói,  "Điều đó hấp dẫn hơn đối với những người đang tuyệt vọng vì sự hỗn loạn trong thảm họa".

 

Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ Hoa Kỳ ( U.S. Government Accountability Office) cho biết trong một đánh giá vào tháng  Mười hai về việc gieo mây, ít nhất chín tiểu bang đang sử dụng công nghệ này, "chủ yếu được tài trợ ở cấp tiểu bang hoặc thấp hơn" và có rất ít sự can thiệp của liên bang.

 

Katja Friedrich, một chuyên gia vật lý về mây và là giáo sư tại Đại học Colorado ở Boulder, nói với PolitiFact rằng, để gieo mây có hiệu quả, bầu khí quyển xung quanh Los Angeles rộng lớn hơn sẽ cần nhiều ẩm độ hơn trong các đám mây để hơi nước ngưng tụ được.

 

Friedrich nói, "Khu vực L.A. hiện đang quá khô đến mức không có đủ hơi nước để bạn có thể ngưng tụ nó".

 

Thuyết âm mưu chiếm đất

Một tuyên bố vô căn cứ khác được chia sẻ trên mạng xã hội cho rằng các vụ cháy rừng ở Nam California (Southern California) đã được bắt đầu để dọn đất để các viên chức có thể dọn đường cho cái gọi là "thành phố thông minh" (“smart cities”), phù hợp với các mục tiêu của Liên hợp quốc.

 

Chương trình nghị sự của Liên Hợp Quốc nhằm cắt giảm khí thải toàn cầu, bao gồm các việc làm cho các thành phố bền vững hơn. Và sáng kiến ​​SmartLA 2028 Cho Khu vực Los Angeles (Los Angeles Area's SmartLA 2028 ) đề nghị cách tân hệ thống giao thông của thành phố, cùng với những thay đổi công nghệ khác, để làm cho thành phố xanh hơn — nhưng kế hoạch này không liên quan đến việc phá dỡ hoặc xây dựng lại trên diện rộng.

 

Thuyết âm mưu này cũng được chú ý sau các vụ cháy rừng ở Maui, khi một đoạn phim ngắn (video) về thống đốc Hawaii bị cắt xén, bị tách khỏi ngữ cảnh, và được chia sẻ cho nhiều người để củng cố tuyên bố sai sự thật rằng tiểu bang này đang hướng tới mục tiêu tạo ra một "thành phố thông minh" trên vùng đất bị thiêu rụi. Và các lý thuyết tương tự đã bị vạch trần sau các vụ cháy rừng ở Canada và Quần đảo Canary của Tây Ban Nha.

 

 

Thuyết âm mưu che đậy tội phạm cho những người nổi tiếng

Một số bài đăng trên mạng, đã được hàng triệu người trên TikTok đọc, đã tuyên bố sai sự thật rằng các vụ cháy rừng được châm ngòi để tiêu hủy bằng chứng trong vụ án buôn bán tình dục chống lại Sean "Diddy" Combs — tuyên bố sai sự thật rằng dinh thự của ông ấy đã bị thiêu rụi trong biển lửa.

 

Trên thực tế, biệt thự của Combs vẫn còn nguyên vẹn và nằm ngoài vùng sơ tán tính đến ngày 16 tháng Một.

 

Ngôi nhà của ông ấy đã bị các đặc vụ liên bang Hoa Kỳ đột kích hồi tháng Ba năm ngoái và thu giữ bằng chứng trên bất động sản, và tờ báo People đưa tin ngôi nhà đã được rao bán vào tháng Chín.

 

Những tuyên bố sai sự thật về nhà của người nổi tiếng cũng lan truyền sau vụ cháy rừng Maui, với một số người đã lan truyền những tuyên bố vô căn cứ rằng Oprah Winfrey đã góp phần gây ra những vụ cháy đó.

 

 

Trong góc nhìn từ trên không, ngôi nhà của Sean "Diddy" Combs được nhìn thấy trong cuộc đột kích của các đặc vụ thực thi pháp luật liên bang vào ngày 25 tháng 3 năm 2024 tại Los Angeles, California. Nguồn ảnh: MEGA/GC IMAGES/GETTY IMAGES

 

 

Giải quyết sự lan truyền của thuyết âm mưu

Thật trùng hợp, vào ngày xảy ra vụ cháy rừng, Facebook thông báo rằng họ sẽ chấm dứt chương trình kiểm tra thông tin của bên thứ ba và nới lỏng các hệ thống tự động giám sát vi phạm chính sách, thay vào đó dựa nhiều hơn vào người dùng (người có trương mục facebook và sử dụng facebook) để báo cáo các vấn đề trước khi họ (facebook) có hành động. Nền tảng (facebook) này đang áp dụng hệ thống "ghi chú cộng đồng" (“community notes”) do cộng đồng đóng góp, tương tự như trang X của Elon Musk.

 

Dancy cho biết những người theo thuyết âm mưu đang "hưởng lợi từ cuộc cách mạng thông tin" mà chúng ta đang sống. "Đó là phạm vi hoạt động nền kinh tế dựa trên sự quan tâm của người dùng internet – (attention economy”) - và các thuyết âm mưu gây được chú ý".

 

Ông ủng hộ việc quản lý các thuật toán truyền thông xã hội tạo ra sự ưu tiên cho các nội dung giật gân.

 

Richards, người đã viết luận án về các thuyết âm mưu về khí hậu đang lan truyền trên TikTok, đồng ý với ý kiến trên.

Bà cho biết "Bạn đang đấu tranh chống lại các thuật toán được thiết kế vì lợi nhuận chứ không phải để tạo ra một xã hội lành mạnh và có hiểu biết đứng đắn".