Cha mẹ hiểu tánh con hơn ai hết nên khi dạy thường “cho roi cho vọt” hơn là “cho ngọt cho bùi”. Một khi cha mẹ nào không nắm vững ý tưởng này mà làm ngược lại “thương con thì cho ngon cho ngọt” thế nào cũng bị con làm nũng đòi thêm. Ăn roi ăn vọt có “ngon” gì, sao lại dám đòi thêm; còn được “ngon ngọt”, dại gì mà không “vòi” thêm – tức là nũng nịu muốn xin thêm.
Từ chữ “vòi” mới nảy sinh ra “con voi” – con voi có cái vòi đi trước và hình thành thành ngữ “được voi đòi tiên”. Cả voi và tiên đều là thứ chẳng dễ gì thấy ở chung quanh vùng quê.
Có người cho rằng thành ngữ “được voi đòi tiên” bắt nguồn từ một món đồ chơi dân gian được nặn bằng bột màu tên tò he. Chúng thường có hình thù của những loài vật quen thuộc và các vị tiên. Được kể rằng, ở Nghệ Tĩnh, những món đồ chơi hình loài vật còn được gọi là “voi”, chúng có màu sắc đơn điệu, ít tốn bột và công phu nên giá thành cũng sẽ rẻ hơn so với hình tiên – nghĩa là tiên quý hơn voi.
Nhiều người giải thích rằng con voi tò he (nắn bằng bột, phết lên vài nét mực màu cho đẹp mắt) là đồ chơi gần gũi với trẻ em miền quê từ ngày xa xưa, nên đó là món quà mà mẹ thường mua cho con chơi. Nhưng cũng có người đem hình ảnh voi của bà Trưng bà Triệu để giải thích “cao siêu” xem như voi là thứ oai nghi, mạnh mẽ được trao tặng coi như một phẩm vật quý. Và từ đó voi và tiên “nằm” trong câu tực ngữ “được voi đòi tiên”.
Không giải thích cách dông dài, nhìn vào thực tế, voi là con vật to lớn có cặp ngà quý báu chẳng mấy ai ở nhà quê mà thấy chứ đừng nói đến là chủ sở hữu như bầy trâu bò, gia súc gà vịt.
Chính vì sự hiếm thấy và hiếm có đó nên “có voi mà cho con” thì quả là cha mẹ thương con vô chừng; dành “hàng độc” vô giá cho con, còn ai hơn được!
Vì sự ham thích trong lòng con “to hơn voi”, do đó con không chịu nhận voi là đủ mà muốn đòi thêm – tất nhiên đòi thứ gì đó còn hiếm và quý hơn cả voi.
Voi là động vật to xác nhất, có cặp ngà quý giá nhất (theo thời xa xưa), có sức lực mạnh mẽ nhất (xô đổ nhà, kéo cả một vài thân cây to ra khỏi rừng già) thì chẳng còn con vật nào khác sánh bằng.
Vậy thì trên voi còn gì nữa đây? Đó là tiên. Tiên có ba đặc tính: Đẹp đẽ - đẹp như tiên; quyền phép – bóp vú ông tiên lấy tiền đong gạo, bóp vú cụ đạo lấy gạo mà ăn; và biến hóa – kêu cầu được đáp ứng là tiên xuất hiện ngay. Chắc chắn chỉ còn món quà này mới đáp ứng được bé… tham lam!
Trong văn chương chữ nghĩa, nhà thơ trào phúng Trần Tế Xương cũng đã đưa “được voi đò tiên” vào tác phẩm “Thói đời” của mình:
Người bảo ông điên, ông chẳng điên,
Ông thương ông tiếc hoá ông phiền.
Kẻ yêu người ghét hay gì chữ,
Đứa trọng thằng khinh chỉ vị tiền.
Ở bể ngậm ngùi cơn tới lạch
Được voi tấp tểnh lại đòi tiên.
Khi cười khi khóc khi than thở,
Muốn bỏ văn chương học võ biền!
Câu “được voi đòi tiên” không ngoài mục đích ám chỉ lòng dạ con người tham lam; không bao giờ chịu “đuôc bấy nhiêu là đủ” mà luôn luôn muốn thêm. Ông Tú Xương mượn thành ngữ “được voi đòi tiên” để mằng mỏ, xỏ xiên quan quyền thối nát, gian tham của thời đại.
Nhưng cái hay của người xưa khi nói thành câu “được voi đòi tiên” là ở chữ “tiên”. Ai cũng biết “tiên” là thần, được người đời mong gặp nhưng thực tế chẳng hề có “tiên” trên cõi đời này. Vì vậy long tham không đáy của ai đó cũng chẳng mong là được.
Một câu nói có hai chiều. Một đằng tỏ ra con người tham lam quá độ; nhưng đằng khác cũng muốn nhắc nhở đừng vì cái tham của họ mà chúng ta phải đáp ứng – làm sao có “tiên” để nạp. Oái oăm, chúng ta không có tiên bằn xương bằng thịt, nhưng chúng ta có “tiền huyền” thay thế! Bởi vậy mà cường quyền, ác bác vẫn hiện hữu muôn thuở để không gặp được “tiên” nhưng nhận được “tiên huyền” – thật là huyền ảo!
Những người “bắt cá hai tay” hoặc “đứng núi này trông núi khác” hay
“tham đó, bỏ đăng” âu cũng cùng chung xuồng với “được voi đòi tiên”.
Đọc câu “được voi đòi tiên” để biết trải nghiệm của người Việt xa xưa tỏ cho thấy con người tham lam. Một người tham lam có thể chẳng bao giờ sống trong hạnh phúc. Người biết đủ mới có thể thỏa lòng (bằng lòng với điều mình đang có và coi là đủ) và thỏa lòng thì luôn cảm thấy an lành, vui hưởng – đó là hạnh phúc.
Người không biết đủ thì lúc nào cũng thấy thiếu thốn và làm sao có hạnh phúc thực sự đến với họ. Khi tham lam, con người sẵn sàng trở nên ích kỷ, mất lòng vị tha, kém đức độ khoan dùng. Sự ham muốn trong lòng luôn dày vò họ. Rõ là tham thực cực thân.
Kết lại:
Con chim ham ăn còn mắc cái tròng
Người mà tham của sao khỏi mắc vòng gian nan.
(Viết riêng cho Dân Việt)