Hình ảnh một dây chuyền sản xuất trong nhà máy của Ford vào năm 1913. Nguồn ảnh: Wikimedia Commons/public domain

 

Nguồn: Ford factory workers get 40-hour weekHistory.com

 

Biên dịch: Ban biên tập Báo Nam Úc, LHuy

 

Vào ngày 01 tháng Năm năm 1926, Công ty Xe hơi Ford - Ford Motor Company - trở thành một trong những công ty đầu tiên tại Mỹ thực hiện việc chỉ làm việc 5 ngày một tuần, 40 giờ một tuần cho các công nhân tại các nhà máy sản xuất xe hơi của mình. Chánh sách này được áp dụng đến cả các nhân viên văn phòng của Ford vào tháng Tám cùng năm.

 

Công ty xe hơi đặt trụ sở tại Detroit của Henry Ford đã từng có những bước đột phá trong chính sách sử dụng công nhân của mình trước đó. Vào đầu năm 1914, trong bối cảnh tình trạng thất nghiệp lan rộng và sự bất mãn của công nhân ngày càng gia tăng, Ford tuyên bố sẽ trả cho công nhân nam giới làm việc tại nhà máy mức lương tối thiểu là 5 đô-la cho một ngày làm việc 8 tiếng đồng hồ, tăng từ mức trước đó là 2,34 đô-la cho 9 giờ (chánh sách này được áp dụng cho công nhân nữ giới vào năm 1916).

 

Tin tức này đã gây chấn động cho nhiều người trong ngành – vào thời điểm đó, 5 đô-la một ngày là mức cao gần gấp đôi mức lương trung bình của một công nhân làm việc trong ngành xe hơi – nhưng đây hóa ra lại là một bước đi tài tình, ngay lập tức thúc đẩy năng suất trên các dây chuyền lắp ráp, và xây dựng ý thức trung thành và lòng tự hào về công ty của công nhân hãng Ford.

 

Quyết định giảm tuần làm việc từ sáu ngày xuống còn năm ngày ban đầu được đưa ra hồi năm 1922. Theo một bài báo được đăng trên tờ The New York Times vào tháng 3 năm đó, Edsel Ford, con trai của Henry và khi đó là chủ tịch công ty, đã giải thích rằng “Mỗi người đàn ông cần nhiều hơn một ngày trong tuần để nghỉ ngơi và giải trí…. Công ty Ford luôn tìm cách thúc đẩy một cuộc sống gia đình lý tưởng cho nhân viên của mình. Chúng tôi tin rằng để sống một cuộc sống tốt đẹp, mỗi người đàn ông nên có nhiều thời gian hơn để dành cho gia đình mình.”

 

Henry Ford noi1 về quyết định này: “Đã đến lúc chúng ta phải loại bỏ quan niện cho rằng thời gian rảnh rỗi của người lao động là ‘thời gian bị lãng phí’ hoặc là đặc quyền giai cấp.” Thế nhưng, theo lời thừa nhận của Henry Ford, tuần làm việc năm ngày cũng được áp dụng để tăng năng suất: dù thời gian làm việc của công nhân đã giảm, nhưng công nhân được kỳ vọng sẽ có nhiều nỗ lực hơn trong thời gian làm việc. Các hãng sản xuất trên khắp nước Mỹ, và thế giới, đã nhanh chóng làm theo Ford, và tuần làm việc từ thứ Hai đến thứ Sáu đã trở thành thông lệ chuẩn mực.

 

 

(BBT Báo Nam Úc; savietnews.com.au)