Tết đối với người Nam hầu như không thể thiếu nồi thịt kho tàu (nhà người Bắc không ăn thịt kho tàu trong ngày Tết). Hồi đó cứ nghĩ thịt kho tàu là thịt kho theo kiểu người Tàu nên gọi là thịt kho tàu. Sau này tìm hiểu trên mạng mới biết chữ “tàu” ở đây không phải là “người Tàu” mà nó có nguồn gốc từ “chiếc tàu”, thành ra chữ “tàu” này không viết hoa.

 

Thuở xưa dân làm nghề biển mỗi khi lên tàu đánh cá ra khơi là lênh đênh trên biển vài ba ngày, có khi cả tháng trời mới vào bờ. Người ta phải kho một nồi thịt lớn, có da, có mỡ, có thịt, và kho lợ lợ (tức là không mặn, không lạt) mang theo để ăn từ từ. Nếu kho hơi mặn, hâm tới hâm lui sẽ mặn dữ lắm. Người đánh cá cần sức khỏe tốt nên phải ăn nhiều thịt mỡ cho có sức kéo lưới và chống lại cái lạnh của biển. Dần dần món thịt kho theo kiểu này để mang theo tàu đánh cá được gọi là “thịt kho tàu”.

 

Tuy nhiên, theo nhà văn Bình Nguyên Lộc, chữ “tàu” theo người miền Tây có nghĩa là lợ lợ, tựa như dòng nước lợ của sông Cái Tàu. Cho nên thịt kho tàu là kho lợ lợ (vừa ngọt vừa mặn).

 

Nhưng tại sao thịt kho tàu lại trở thành món ăn không thể thiếu trong ba ngày Tết ở Nam Kỳ? Ngày xưa các chợ thường nghỉ bán từ chiều 30 Tết cho đến hết mùng Hai, mùng Ba mới họp chợ trở lại, do đó người ta phải nấu món gì đó để ăn cơm trong mấy ngày Tết trong khi chưa họp chợ. Vậy là món thịt kho tàu được lựa chọn, vì nó hợp với khẩu vị của người miền Nam, lại có thể để lâu.

 

Một nồi thịt kho tàu thơm ngon phải được kho bằng nước dừa xiêm cứng cạy và cho thêm chục hột vịt vào mới đủ hương vị. Thịt kho tàu cuốn bánh tráng, dưa giá, củ kiệu, chấm nước mắm là món chánh trong bữa cơm chiều ba mươi Tết. Ngoài ra ăn cơm với thịt kho tàu, thêm vài miếng dưa hấu, rất ngon miệng.

 

Nhớ cái mùi thơm của nồi thịt kho tàu ngày ba mươi Tết của ngoại vô cùng.

Cre: Quan Nguyen

 

(SEAN LE TV)