Sự phân biệt giữa nam và nữ đã tồn tại từ trước khi chúng ta ý thức về khái niệm "mansplaining."

 

 

Nguồn: Unsplash

 

 

1. Mansplaining là gì?

Mansplaining chỉ những người đàn ông tự cho mình quyền “lên mặt dạy đời” phụ nữ. Họ có tiếng nói trong cả những vấn đề không phải chuyên môn. Nói cách khác, đây là cuộc độc thoại của đàn ông khi người phụ nữ bị “tắt tiếng” và coi thường về tri thức.

 

Sự chênh lệch quyền lực giới trong giao tiếp được Giáo sư Susan Philips giải thích như mối quan hệ quan liêu giữa sếp và nhân viên, giáo viên và học sinh.

 

Trong đó, đàn ông thuộc vế có thẩm quyền, được tự do ngắt lời đối phương và làm chủ cuộc trò chuyện. Thực tế, nghiên cứu của Harvard Business Review cho thấy, tần suất các thẩm phán nam cắt ngang thẩm phán nữ gấp ba lần so với khi ngắt lời người cùng giới

 

2. Nguồn gốc của Mansplaining?

Lý thuyết về mansplaining lần đầu được giải thích trong bài viết “Men Explain Things to Me” của Rebecca Solnit vào năm 2008. Nhưng cô không phải là người sáng tạo ra thuật ngữ. Theo Know Your Meme, từ này xuất hiện ở phần bình luận của trang web LiveJournal vào cùng năm.

 

Dù nguồn tin chưa được xác thực nhưng đến năm 2018, “mansplaining” đã chính thức đi vào từ điển Merriam-Webster.

 

Mansplaining là sự kết hợp giữa tiền tố “man” (đàn ông) và đuôi “-splaining” được chiết từ “explaining” (giảng giải). Tương tự mansplaining, những thuật ngữ khác về đặc quyền của nam giới cũng ra đời: manologues (quyền độc thoại của đàn ông), manterrupting (quyền ngắt lời của đàn ông), hepeating (sức nặng của tiếng nói đàn ông).

 

3. Vì sao Mansplaining phổ biến?

Năm 2014, “mansplaining” đã đứng đầu danh sách tìm kiếm từ mới của từ điển Anh-Úc Macquarie. Nó tiếp tục được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác như tiếng Đức là “herrklären” hay tiếng Pháp là "mecspliquer." Độ phổ biến của thuật ngữ cũng tăng mạnh và đạt đỉnh điểm vào năm 2020 theo số liệu trên Google Trends.

 

Sự phân biệt giữa nam và nữ đã tồn tại từ trước khi chúng ta ý thức về khái niệm "mansplaining." Chẳng hạn, những khuôn mẫu buộc đàn ông phải ăn to nói lớn, đàn bà phải nhỏ nhẹ, khép nép.

 

Vì những định kiến đó mà người phụ nữ không dám phản bác lại trong cuộc trò chuyện một chiều. Từ bé đến lớn, họ đã được dạy phải giữ thể diện cho người khác, cho chồng con, cho ba mẹ chồng, ba mẹ ruột.

 

Những trạng thái lãng mạn hóa nhất của mansplaining có thể tìm thấy qua phim ảnh. Ta sẽ thấy hình ảnh quen thuộc của nhân vật nam nổ một tràng kiến thức và nhân vật nữ miễn cưỡng lắng nghe.

 

Ví dụ, trong The Ugly Truth, nhân vật Mike giảng giải cách yêu và làm việc cho Abby hay trong The Big Bang Theory, nhân vật Sheldon “dạy” Amy mansplaining là gì. Ở mối quan hệ đời thường, những người đàn ông như vậy còn được gọi là đàn ông gia trưởng.

 

Điều này dẫn đến thuyết phương ngôn giới (genderlect theory) khi đàn ông giao tiếp để cạnh tranh còn đàn bà giao tiếp để kết nối. Tương tự, cuốn sách Đàn ông sao Hỏa, đàn bà sao Kim cũng đưa ra những phân định rạch ròi về tâm lý, tư duy giữa hai giới. Ngay cả triết học gia Aristote cũng cho rằng: “Đàn ông bản chất là thống trị, đàn bà là bị trị, và đó là một luật lệ.”

 

Sự ra đời của “mansplaining” đến nay vẫn nhận nhiều tranh cãi: “Thuật ngữ này đang nói lên định kiến hay gây ra định kiến?”. Năm 2016, nhạc sĩ Sean Lennon đã đăng lên Twitter cho rằng mansplaining là một từ phân biệt giới. Điều này xuất phát từ việc lạm dụng mansplaining trên các diễn đàn xã hội.

 

Mọi thứ đàn ông nói đều bị cào bằng là đang “lên lớp” phụ nữ, đặc biệt là những chủ đề đặc thù như phá thai. Gần đây ở Việt Nam, ta còn thấy nổi lên từ “nóc nhà” - chỉ phụ nữ mới là người có tiếng nói trong mối quan hệ.

 

Tuy nhiên, theo nhà văn nữ quyền Erynn Brook, mansplaining đang nhấn mạnh sự bất bình đẳng giữa nhóm ưu thế và thất thế, cụ thể là giữa nam và nữ. Thuật ngữ xuất hiện để nâng cao nhận thức về định kiến hơn là chĩa mũi rìu vào một giới cụ thể. Vì thế, nó không gạt đàn ông khỏi cuộc trò chuyện mà thậm chí còn xóa bỏ “tính nam độc hại” khi họ không cần cố để "biết tuốt."

 

Trước những tranh cãi, cây bút Meghan Daum gợi ý nên thay thế bằng những từ phi giới tính như “blowhard” (khoe khoang, kênh kiệu). Ngoài ra, mấu chốt của thuật ngữ nằm ở định kiến giới và thái độ kẻ cả khi nói hơn việc người đó nói những gì và nói bao nhiêu.

 

4. Dùng Mansplaining như thế nào?

Tiếng Anh

 

A: I'm tired of hearing my dad mansplaining economics when no one wants to listen. Is your family like that?

 

B: Yeah, mine too. But my dad mansplains politics.

 

Tiếng Việt

 

A: Tớ quá mệt mỏi khi phải nghe bố tớ giảng giải chuyện kinh tế trong khi chẳng ai muốn nghe. Gia đình cậu có vậy không?

 

B: Nhà tớ cũng thế mà. Nhưng bố tớ liến thoắng về chuyện chính trị.