Máy bay F-15C Eagle trang bị tên lửa AIM-7 Sparrow và AIM-9 Sidewinder triển khai tới ẢRập XêÚt trong chiến dịch Lá chắn Sa mạc. (Ảnh: USAF qua Getty Images)
Vòng xoáy của chiến tranh giúp các hãng vũ khí kiếm tiền siêu lợi nhuận, các nhà tài phiệt tài chính thỏa mãn cơn khát cho vay vì chính phủ các quốc gia tham chiến buộc phải vay nợ để leo thang chiến tranh. Cuộc chiến càng khốc liệt, tiền vay nợ càng lớn, vũ khí tiêu tốn càng nhiều, và hệ lụy là cả nền kinh tế tương lai của toàn dân bị thế chấp vào canh bạc này. Nhưng không phải chỉ có các tài phiệt và các hãng vũ khí, cả các chính trị gia cũng muốn bảo vệ cái ghế của mình bằng một cuộc chiến...
Trong hai ngày 27-28/10, phát ngôn viên các Bộ của Trung Quốc liên tục đưa ra cảnh cáo về vấn đề “Đài Loan độc lập”. Nhiều kênh truyền thông lớn nhỏ của nước này cũng đưa tin sôi nổi về việc “Sau khi thống nhất, nguồn thu tài chính của Đài Loan có thể được sử dụng để cải thiện sinh kế của người dân”.
Đạn đã lên nòng?
Sau khi CNN đăng bài phỏng vấn với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn vào ngày 27/10, và xác nhận rằng quân đội Mỹ đang đóng quân tại Đài, phía Đại lục đã có nhiều phản hồi đáp trả.
Trong cuộc họp báo ngày 27/10, người phát ngôn của Văn phòng Sự vụ Đài Loan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc, ông Mã Hiểu Quang (Ma Xiaoguang) cảnh báo, “Nếu các nhà chức trách Đảng Dân Tiến (DPP của Đài Loan) tiếp tục nuôi giấc mộng 'dựa vào Hoa Kỳ để giành độc lập' và 'sử dụng vũ lực để giành độc lập', thì sẽ phải tiếp tục chấp nhận rủi ro, chắc chắn sẽ phải gánh chịu tai họa ngập đầu”, và rằng “tổ quốc hoàn toàn thống nhất, mới là tiền đồ của Đài Loan”.
Sau đó, trong ngày 28/10, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, và Văn phòng Sự vụ Đài Loan của Trung Quốc đã đồng loạt bày tỏ thái độ về vấn đề Đài Loan.
Trong cuộc họp báo thường kỳ vào chiều ngày 28/10, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh cáo rằng "Đài Loan độc lập" là tử lộ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân nhấn mạnh như sau: "Bất cứ ai quên tổ tiên, nguồn gốc của mình và chia cắt đất nước sẽ không bao giờ có kết cục tốt đẹp. Đi theo ‘Đài Loan độc lập’ là [đi vào] con đường chết, ủng hộ ‘Đài Loan độc lập’ cũng là con đường một đi không trở lại".
Còn người phát ngôn Văn phòng Sự vụ Đài Loan, ông Mã Hiểu Quang nêu rõ: “Không thể tiếp tục khoan nhượng đối với ‘Đài Loan độc lập’. Sẽ đánh đổ các hành động ly khai ‘Đài Loan độc lập’ bằng mọi giá”.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh văn phát biểu trong chuyến thăm Căn cứ Không quân Bành Hồ ở quận Bành Hồ, Đài Loan, vào ngày 22/9/2020. (Ảnh: Sam Yeh / AFP qua Getty Images)
Trung Quốc muốn chiếm Đài Loan bằng mọi giá, Trung Quốc sẽ đạt được quá nhiều lợi ích nếu toàn thắng trong cuộc chiến này. Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu cũng liên tục phát đi thông điệp bảo vệ Đài Loan đến cùng. Cả Mỹ và EU đều quá nhiều lợi ích ở Đài Loan lẫn Đại lục. Họ cần cả hai.
Như vậy, lẽ nào một cuộc chiến không có kết cục gì lại có thể là điều mà cả hai phía Trung Quốc - Mỹ và đồng minh EU đều cần? Có thể với người dân Trung Quốc, Mỹ và tất cả chúng ta, một cuộc chiến dai dẳng, nhấm nhẳng bảo vệ Đài Loan bằng súng ống (thay vì leo thang trừng phạt thương mại hay tài chính như phân tích trong Kỳ 2) là vô nghĩa. Nhưng biết đâu, một cuộc chiến như vậy lại rất có ý nghĩa với các thế lực kền kền nào đó? Hãy thử xem, chiến tranh sẽ mang lại lợi nhuận khổng lồ cho ai, biết đâu chúng ta sẽ có câu trả lời cho riêng mình.
‘Chiến tranh là một cái vợt’.
Tướng Smedley Butler (1881 – 1940), vị Tướng thuỷ quân lục chiến danh tiếng nhất trong lịch sử nước Mỹ, đã viết trong cuốn sách ‘Chiến tranh là một cái vợt’ ngay sau Thế chiến I rằng: “Lợi nhuận làm ăn thông thường ở Mỹ là 6, 8, 10 và đôi khi 20%. Nhưng lợi nhuận trong chiến tranh thì là vấn đề khác, nó không chỉ là 20, 60, 100, mà thậm chí lên đến 1.800%. Khi một công ty sản xuất dân sự chuyển sang sản xuất quân sự, lợi nhuận của công ty ấy sẽ lên như pháo thăng thiên”.
Theo số liệu trong cuốn sách của Tướng Butler, chỉ một cuộc Thế chiến thứ I nổ ra, trong khi 40 triệu đàn ông (các chàng trai trẻ, các ông bố) phải ra trận vì lòng yêu nước, trong khi nợ chính phủ tăng nhanh hơn cả pháo thăng thiên, thì nước Mỹ đã kịp tạo ra 21 nghìn tỷ phú và triệu phú USD mới.
Đó chỉ là các con số nhỏ bé thời Thế chiến Đệ Nhất.
Không hẳn là chiến tranh, chống khủng bố cũng đem đến lợi nhuận khổng lồ cho các công ty vũ khí. Ví dụ, Lockheed Martin – nhà tài trợ chính của cuộc đảo chính Chile năm 1973 – được Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC-Disease Control and Prevention) chọn thầu tiếp tục cung cấp hàng hỗ trợ cho Chi nhánh văn phòng phối hợp sẵn sàng chống khủng bố và phản ứng nhanh. Chỉ riêng ‘phần thưởng’ này đang mang lại khoản tiền 135 triệu USD cho hãng.
Doanh nghiệp gắn bó khăng khít với chiến tranh Iraq thời Tổng thống Bush là Tập đoàn dầu khí lớn thứ hai thế giới Halliburton. Tình cờ, cựu CEO (1995-2000) của tập đoàn này lại là Dick Cheney, Phó Tổng thống của George W. Bush (2001-2009). Tập đoàn Halliburton đã được tham gia vào việc thăm dò, sản xuất dầu khí, và tái thiết Iraq sau khi Mỹ chiếm đóng. Halliburton có quan hệ chặt chẽ với Hoàng gia Saudi và được bảo trợ và thậm chí là quản lý bởi JPMorgan Chase, HSBC Mỹ, Bank USA, Royal Bank of Scotland, và Citigroup. Citigroup điều hành ngân hàng Saudi-American (SAMBA) cho đến năm 2003, và ngầm điều khiển nó sau khi Mỹ chiếm đóng Iraq. Thủ tướng Pakistan, Shaukat Aziz – được Tổng thống Musharraf bổ nhiệm – là giám đốc quản lý của SAMBA trong những năm 90. Cả người đứng đầu Saudi Arabia và Pakistan đều thu lời từ cuộc chiến Iraq.
Vậy bao nhiêu tỷ phú, triệu phú được tạo ra bởi Thế chiến II? Thế chiến III (nếu có)? Bởi khủng bố? Bởi xung đột vũ trang? Thậm chí chỉ cần leo thang căng thẳng xung đột cũng khiến chạy đua vũ trang rầm rộ khắp thế giới như tình hình chiến sự ở Đài Loan hiện nay, bởi thế mà tạo ra hoặc cấp thêm hàng tỷ USD cho các thế lực thúc đẩy cuộc chiến này. Chỉ người dân là đổ máu và con cháu của chúng ta, từ thế hệ này sang thế hệ khác, sẽ phải đóng thuế cao để trả nợ cho các cuộc chiến.
Thị trường vũ khí khổng lồ siêu lợi nhuận thuộc về Mỹ và Trung Quốc
Theo báo cáo gần đây nhất về các công ty vũ khí công bố bởi Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế tại Stockholm (SIPRI), trong 25 hãng vũ khí lớn nhất thế giới năm 2019 có tới 12 hãng của Mỹ, 4 hãng của Trung Quốc; Mỹ và Trung có doanh số bán vũ khí lớn nhất trong danh sách.
25 hãng sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới năm 2020. (Nguồn: SIPRI)
Chỉ tính 25 hãng sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới, doanh thu năm 2019 đạt 361 tỷ USD, tăng 8.5% so với 2018, và hơn 15% so với năm 2015.
Mỹ có tới 12 hãng vũ khí trong danh sách 25 hãng vũ khí hàng đầu thế giới, chiếm 61% tổng doanh số vũ khí của nhóm này. Trung Quốc có 4 hãng trong danh sách 25 hãng hàng đầu, 3 trong số 4 hãng đã lọt ‘top' 10, chiếm 16% tổng doanh số năm 2019. Doanh thu tổng hợp của 4 công ty Trung Quốc tăng 4,8% trong năm 2019, và tăng 8,2% từ năm 2015 đến năm 2019. Bốn hãng vũ khí của Trung Quốc bao gồm Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC; xếp thứ 6), Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc (CETC; xếp thứ 8), Tổng công ty Tập đoàn Công nghiệp Bắc Trung Quốc (NORINCO; xếp thứ 9) và China South Industries Group Corporation (CSGC; xếp thứ 24).
Báo cáo năm 2020 cũng là báo cáo đầu tiên mà SIPRI đưa dữ liệu của các công ty Trung Quốc vào trong bảng xếp hạng các công ty vũ khí lớn nhất thế giới.
Sáu công ty Tây Âu trong bảng xếp hạng cùng nhau chiếm 18% tổng doanh số bán vũ khí của 25 công ty hàng đầu vào năm 2019. Hai công ty của Nga chiếm 3,9% và một công ty có trụ sở tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) chiếm 1,3%.
Lockheed Martin, công ty vũ khí lớn nhất thế giới vào năm 2019, đã báo cáo mức tăng doanh thu tuyệt đối lớn nhất trong nhóm 25 hãng vũ khí này. Doanh số bán vũ khí của họ trong năm 2019 cao hơn 5,1 tỷ USD so với năm 2018, tương đương với mức tăng 11% theo giá trị thực.
‘Trùm cuối’ trong ‘trò chơi chiến tranh’.
Sau mỗi cuộc chiến, các chính phủ dù ở phe thắng hay bại đều chìm trong nợ nần vì các khoản chi tiêu khổng lồ cho chiến tranh, sau đó là chi tiêu lớn hơn nữa cho công cuộc tái thiết. Các chính phủ vay tiền từ ai để phục vụ chiến tranh? Chắc không phải từ các hãng sản xuất vũ khí siêu lợi nhuận mà là từ các siêu ngân hàng toàn cầu.
Các siêu ngân hàng toàn cầu này lại cũng chính là người tài trợ, thậm chí là nằm trong hội đồng quản trị của các hãng sản xuất vũ khí.
Là kẻ vừa cho vay để thúc đẩy chiến tranh, vừa hưởng lợi từ buôn bán vũ khí, vừa trở thành kẻ có quyền lực chính trị với các chính phủ nợ nần, suy yếu sau chiến tranh, lúc này ‘trùm cuối’ của các cuộc chiến không thể là ai khác ngoài chính các tài phiệt tài chính, hay gọi theo cách khác là các siêu ngân hàng toàn cầu, rộng hơn cũng có thể coi đó là nhóm gia tộc sở hữu các ngân hàng toàn cầu này. Dù gọi là gì thì cũng đúng, vì họ chính là kẻ hưởng lợi lớn nhất sau mỗi cuộc chiến, xung đột, và chết chóc trong vài trăm năm nay.
Quốc gia nợ nần.
Sau Thế chiến I, nợ quốc gia của Mỹ tăng gấp 25 lần trước chiến tranh, nợ quốc gia của Vương quốc Anh tăng gấp 12 lần. Nước Đức thậm chí còn bị trả giá cay đắng hơn tất cả các quốc gia khác khi bị đổ lỗi đã khởi động cuộc chiến và buộc phải đền bù sau chiến tranh. Bên cạnh 3 triệu người Đức (tương đương với 15% dân số) bị chết trong Thế chiến I, nước Đức buộc phải đền bù 132 tỷ đồng mark vàng (đồng tiền nội tệ của Đức), tương đương khoảng 269 tỷ USD ngày nay, số tiền này gấp 3 lần GDP của Đức khi đó. Khoản đền bù chiến tranh này nước Đức sau gần một thế kỷ mới trả hết, khoản nợ cuối cùng được trả vào ngày 3/10/2010.
Nợ của nước Mỹ sau Thế chiến I, Đại khủng hoảng, và Thế chiến II. (Nguồn: Cục ngân sách Quốc hội Mỹ).
Sau Thế chiến II, nợ quốc gia Mỹ so với GDP tăng gấp 4 lần so với thời kỳ sau Thế chiến I, và gấp 3 lần so với thời kỳ Đại khủng hoảng (1929-1933). Năm 1946, nợ quốc gia của Mỹ là 241,86 tỷ USD (tương đương với 2,87 nghìn tỷ USD hiện nay). Trong khi đó, Mỹ là bên chiến thắng trong cả hai Thế chiến.
Thế lực nào tài trợ cho các quốc gia tham chiến?
Dĩ nhiên, các quốc gia lấy tiền từ ngân khố. Ngân khố cạn kiệt thì ngân hàng trung ương sẽ vay tiền từ các quốc gia khác và từ các ngân hàng tư nhân. Vấn đề là vào thế chiến I, ngân hàng trung ương các nền kinh tế lớn đã thuộc về khu vực tư nhân. Hiển nhiên, khoản nợ khổng lồ của các quốc gia, cả thắng và bại trận, đều đến từ một nguồn tài chính: Các ngân hàng lớn nhất thế giới, các nhà tài phiệt tài chính hàng đầu, hiện đều tập trung cả ở Phố Wall.
Một ví dụ điển hình, Phố Wall là kẻ tài trợ lớn nhất của Hitler và giúp chế độ phát xít này phát động cuộc Thế chiến II, cũng như che đậy tội ác diệt chủng 6 triệu người Do Thái trước đó.
Sau khi Chiến tranh thế giới lần thứ I kết thúc năm 1918, Đức đã thất bại thảm hại và chịu khoản bồi thường chiến tranh khổng lồ. Tuy nhiên, nước Đức đã hoàn toàn thoát khỏi nạn lạm phát tiền tệ siêu cấp năm 1923 và bắt đầu công cuộc khôi phục nền kinh tế với tốc độ nhanh chóng. Vì đâu mà một nước Đức “suy kiệt” về kinh tế lại có thể “quật khởi” trở lại sau một khoảng thời gian ngắn và từng bước củng cố tiềm lực kinh tế để kích động cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ II?
Ngày 30/1/1933, Adolf Hitler trở thành thủ tướng Đức. Ngày 1/9/1939, Đức đã phát động cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II, nghĩa là họ chỉ mất 6 năm để chuẩn bị cho cuộc chiến tranh này. Một điều ít ai biết rằng, thông qua việc hỗ trợ tài chính cho Hitler, giới tài phiệt Phố Wall muốn phát động một cuộc chiến tranh với quy mô lớn.
Vào mùa hè năm 1924, một dự án được gọi là “kế hoạch Daw Dawes” (Giám đốc của một trong những ngân hàng thuộc nhóm tài phiệt Morgan) đã cấp cho Đức một khoản vay lớn 200 triệu USD, một nửa trong số đó được hạch toán bởi JP Morgan (dưới sự chỉ dẫn của người đứng đầu Ngân hàng Anh là Montagu Norman). Trong khi đó, các ngân hàng Anh-Mỹ giành được quyền kiểm soát không chỉ đối với việc chuyển các khoản thanh toán của Đức, mà còn đối với ngân sách, hệ thống lưu thông tiền tệ, và hệ thống tín dụng của nước này.
Tổng số tiền đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp Đức trong giai đoạn 1924-1929 lên tới gần 63 tỷ Mác (trong đó 30 tỷ Mác được hạch toán bằng các khoản vay) và thanh toán tiền bồi thường chiến tranh 10 tỷ Mác. 70% khoản đầu tư được cung cấp bởi các chủ ngân hàng đến từ Hoa Kỳ (hầu hết là từ JP Morgan). Kết quả là vào năm 1929, ngành công nghiệp Đức đứng ở vị trí thứ 2 trên thế giới, nhưng phần lớn nằm trong tay các tập đoàn tài chính-công nghiệp hàng đầu của Mỹ.
Nhà cung cấp chính của cỗ máy chiến tranh Đức đã tài trợ 45% cho chiến dịch bầu cử của Hitler vào năm 1930, và nằm dưới sự kiểm soát của tập đoàn Rockefeller. Còn tập đoàn Morgan thông qua công ty điện tử General Electric đã điều khiển ngành công nghiệp điện và vô tuyến của Đức, và thông qua công ty viễn thông ITT đã kiểm soát 40% mạng điện thoại nước Đức.
Sự hợp tác của các “ông lớn” Mỹ với tổ hợp công nghiệp quân sự Đức rất mãnh liệt và có sức lan tỏa, cho đến năm 1933, các ngành chủ chốt của ngành công nghiệp Đức và các ngân hàng lớn như Deutsche Bank, Ngân hàng Netherdner... đều nằm dưới sự kiểm soát của giới tài chính Mỹ.
Từ vị thế là một kẻ chiến bại sau chiến tranh thế giới thứ nhất, Đức nhanh chóng vực dậy và biến cả đất nước trở thành một "cỗ máy chiến tranh" siêu hạng. Nhiều người ngưỡng mộ tài năng của Hitler trong việc phát triển kinh tế, tuy nhiên đằng sau sự tăng trưởng đó là những tính toán sẵn có và bàn tay nâng đỡ của những tài phiệt ngân hàng Mỹ.
Từ vị thế là một kẻ chiến bại sau chiến tranh thế giới thứ nhất, Đức nhanh chóng vực dậy và biến cả đất nước trở thành một "cỗ máy chiến tranh" siêu hạng. Nhiều người ngưỡng mộ tài năng của Hitler trong việc phát triển kinh tế, tuy nhiên đằng sau sự tăng trưởng đó là những tính toán sẵn có và bàn tay nâng đỡ của những tài phiệt ngân hàng Mỹ. (Ảnh: Getty)
Cựu Thủ tướng Đức Heinrich Brüning (cầm quyền năm 1930-1932) đã viết trong hồi ký của mình rằng kể từ năm 1923, Hitler đã nhận được một khoản tiền lớn từ nước ngoài. Vào tháng 5/1933, các chủ ngân hàng lớn nhất ở Phố Wall đã phân bổ cho Đức khoản vay mới với tổng trị giá 1 tỷ USD. Vào tháng 6/1933, Đức quốc xã lại có được 2 tỷ USD từ ngân hàng Anh.
Từ “bàn đạp kinh tế” này, Hitler đã phát động cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ 2, gây ra hậu quả vô cùng nặng nề đối với nhân loại. Hơn 70 quốc gia với 1,7 tỷ người đã bị cuốn vào vòng chiến, khoảng 60 triệu người chết, 90 triệu người tàn phế, và nhiều làng mạc, thành phố bị phá hủy. Thiệt hại về vật chất gấp 10 lần Chiến tranh thế giới lần thứ I, bằng tất cả các cuộc chiến tranh trong 1,000 năm trước đó cộng lại.
Nhà kinh tế từng đoạt giải Nobel Robert Cox Merton đã nói: “Trong mắt của các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế, không có chiến tranh và hoà bình, không có khẩu hiệu và tuyên ngôn, cũng không có hy sinh hoặc danh dự”.
Ai tài trợ và đứng sau các hãng vũ khí lớn nhất thế giới hiện nay?
Boeing, không chỉ chế tạo máy bay dân sự, máy bay quân sự, hệ thống phòng thủ tên lửa, thông tin liên lạc vũ trụ, mà còn là nhà sản xuất vũ khí lớn thứ 2 toàn cầu (theo danh sách trên). Hơn 30 ngân hàng ở Bắc Mỹ, châu Âu, và châu Á-Thái Bình Dương tài trợ tài chính cho hãng này.
Northrop Grumman, làm ăn hoàn toàn trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng, được tài trợ bởi Bank of America, JPMorgan Chase, Deutsche Bank (đứng thứ 27), Credit Suisse First Boston (đứng thứ 31), Lehman Brothers Holding (đứng thứ 83), và những nhà băng khác.
Lockheed Martin, nhờ có nhiều mối quan hệ có ảnh hưởng với chính phủ, đã trở thành nhà thầu số 1 của các hợp đồng quốc phòng.
Lockheed chế tạo F-16 và các loại máy bay chiến đấu, tên lửa Patriot, vệ tinh, và các hệ thống khác. Một trong những kẻ bảo lãnh và là đại diện thân thuộc của Lockheed Martin là JP Morgan Chase.
Công ty Raytheon, một nhà sản xuất quân sự lớn khác, được giúp đỡ bởi Citigroup, Bank of America, Credit Suisse First Boston, và JP Morgan Chase.
General Dynamics, sản xuất xe bọc thép Stryker, xe tăng M1 Abrams, và gần đây là MRAP (Mine Resistant Ambush Protected), nhận dịch vụ chủ yếu từ Bank of America và JPMorgan Chase.
Suốt 4 năm qua, dưới thời cựu tổng thống Donald Trump, Mỹ đã không bỏ một quả bom nào. Không một cuộc chiến nào được khởi động. Các tài phiệt tài chính cũng không còn có thể bơm tiền cho nền kinh tế vay được bao nhiêu, bởi các bong bóng tín dụng và bất động sản đã quá lớn.
Cơn khát cho vay chỉ có thể được giải quyết nếu nhu cầu vốn từ các công ty vũ khí tăng vọt, nếu các chính phủ cần tiền đổ vào chiến tranh. Và sau đó bất kể ai thắng thua, các khoản nợ phải được thanh toán đầy đủ, dù từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, bởi người dân của nước đó.
Tòa Bạch Ốc cần một cuộc chiến để bảo vệ quyền lợi của đảng phái.
Không chỉ vũ khí cần được thử nghiệm, các hãng sản xuất vũ khí cần khoản lợi nhuận phi mã, các nhà tài phiệt ngân hàng cần cho vay ra, mà chính các chính trị gia Đảng Dân chủ Mỹ hiện nay cũng cần một một cuộc chiến ngoài nước Mỹ. Họ cần một cái gì đó làm cho quyết định của họ được ca ngợi, khiến họ có thể trở thành anh hùng cứu rỗi ai đó, cứu rỗi quốc gia hoặc thế giới này.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris tại Thính phòng Tòa án phía Nam trong Khu điều hành Eisenhower Tòa nhà Văn phòng ngày 15/7/2021 tại Washington, DC. (Ảnh: Chip Somodevilla / Getty Images)
Tại sao?
Chưa từng có vị tổng thống nào mà mức tín nhiệm lại thấp và suy giảm nhanh chóng như tổng thống Mỹ đương nhiệm. Chỉ 9 tháng tại vị trong Tòa Bạch Ốc, chính quyền mới đã kịp tạo ra rất nhiều cuộc khủng hoảng: Khủng hoảng khan hiếm xăng dầu, khủng hoảng đường biên giới và vấn nạn buôn bán trẻ em tăng vọt qua biên giới, khủng hoảng Afghanistan, khủng hoảng chuỗi cung ứng, thiếu hàng hóa mùa giáng sinh vì thiếu lao động,... Vô số các cuộc khủng hoảng nối tiếp nhau đang tàn phá uy tín và quyền lực của Đảng Dân chủ. Trong khi đó, cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2022 đang tới gần. Đảng Dân chủ cần tận dụng mọi cơ hội để cứu vãn hình ảnh của mình.
Việc bài hát ‘Let's go Brandon’ (câu nói bóng, ám chỉ những lời nói tục tĩu nhắm tổng thống đương nhiệm của Mỹ) trở thành xu hướng nóng nhất trên mạng xã hội, đứng đầu xếp hạng của iTunes tại Mỹ đã cho thấy thế lực này thực sự cần một cái phao cứu sinh đủ mạnh. Một phao cứu sinh đủ để đánh trệch hướng dư luận khỏi các thất bại chính sách ngày một lớn và khiến các cuộc biểu tình phản đối chính sách của chính quyền liên bang dừng lại, chỉ có thể là cuộc chiến bảo vệ Đài Loan.
Người Mỹ vốn đã thức tỉnh trước dã tâm của ‘Giấc mộng Trung Hoa’ trong suốt 4 năm cựu Tổng thống Trump cầm quyền. Điều này không thể thay đổi và chính quyền mới cũng luôn hứa hẹn trừng phạt Trung Quốc thích đáng. Bởi vậy, một cuộc chiến bảo vệ Đài Loan sẽ khiến người Mỹ phân tâm vào việc giải cứu đồng minh - những con người chăm chỉ, nỗ lực, và mạnh mẽ đang chân chính bảo vệ nền dân chủ của họ.
Các thế lực muốn có chiến tranh quá quyền lực, lớn mạnh, và quá tinh vi. Bởi vậy, chỉ cần họ muốn, điều gì cũng có thể xảy ra, như nó đã, đang, và sẽ tiếp tục diễn ra trong vài trăm năm qua.
(Nguồn ntdvn.com)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- https://www.sipri.org/sites/default/files/2020-12/sipriinsight2012_mapping_the_international_presence_of_the_worlds_largest_arms_companies.pdf;
- Smedley Butler (1881 – 1940), War is a racket, Amazon;
- Rasler, Karen A., and William R. Thompson. “Global Wars, Public Debts, and the Long Cycle.” World Politics, vol. 35, no. 4, Cambridge University Press, 1983, pp. 489–516, https://doi.org/10.2307/2010387;
- https://www.ntdvn.net/kinh-te/ai-tao-ra-va-thu-loi-tu-cac-cuoc-khung-hoang-kinh-te-ky-3-58547.html