(Dẫn lời: - Ngày 25 tháng Một, 2025, nhằm ngày 26 tháng Chạp 2024 (26 Tết), từ Sài gòn tác giả Nguyễn Gia Việt viết bài “Bài luận về Tết Việt Nam-Vietnamese New Year”, bài viết được đăng trên trang facebook của chính tác giả Nguyễn Gia Việt. Danviet xin được phép đăng trên trên mạng của mình để hầu độc giả.)
Bài luận về Tết Việt Nam-Vietnamese New Year
(Tác giả: facebook Nguyễn Gia Việt)
Tết Nguyên Đán, chữ Tết 节 có thể là do đọc trại chữ Tiết mà ra, tiết là thời tiết, còn Nguyên Đán 元 旦 là bắt đầu năm mới. Một số người nói vậy.
Ngày Tết đủ chuyện phải lo, đủ món phải làm, bánh mứt, đi chợ, tảo, lau dọn bàn thờ, rước ông bà, chùi rửa nhà cửa, sắp xếp gọn gàng.
Làm mệt dữ dằn lắm để tới mùng 1 nằm ngủ dưỡng sức.
Những ai không còn trẻ, có cảm giác mệt nhọc với thời cuộc, với kinh tế, sầu nhân thế thì nhìn mọi thứ như hàng ngày, khi mà chẳng thèm cái gì hết, không mua sắm cái gì hết, hình như ai cũng nghèo như nhau, Tết vô sản.
Tết ơi đến mần chi cho đời thêm rộn?
Nhìn nhiều bạn làm clip khoe đập ống heo Tết mà được 150 triệu phát ham! Nhìn lại phát ngán!
Thôi! xin không nhắc tới áo mới, không nhắc tới mua sắm, đồ ăn, Tết không nhắc tới đi chơi xa.
Đã nhiều năm, Tết với người Miền Nam là nhét vội mấy cái áo vô giỏ và quảy lên xe chạy cái ù về. Về nhà ngủ li bì mấy ngày, tới mùng 1 còn ngủ, vậy xong là Tết.
Mà hạnh phúc là được ngủ ngon một giấc, là phước phần đó.
Người Việt đón Tết đoàn tụ, sum vầy bên tình thâm máu mủ ruột rà. Ai ai phải ráng quay gót trở về quê, chưa bao giờ người ta hướng đầu về quê đông như ngày Tết, bến xe, sân bay kẹt cứng, đường xá kẹt cứng chiều về quê.
"Trót đà mang số sanh ly
Bao giờ tôi mới được về cố hương
Xuân về những nhớ cùng thương
Trời ơi!
Muôn vạn dặm đường xa xôi!"
Tết những năm gần đây có xu thế đơn giản, thiên về nhìn ngó, tức là tinh thần. Thấy mai vàng nở bung cánh trước gió, thấy đàn em thơ, thấy đàn tha nhân rộn ràng trên lộ cái về nhà, vậy là lòng ta vui cái Tết.
Bông tươi rói rồi cũng có lúc héo tàn và rụng, xuân cũng vậy, nó chỉ ở bên chúng ta có một thời gian ngắn, như người tình quanh quẩn bên người thương ba ngày rồi sẽ quay quắt ra đi biền biệt.
Chúc nhau cho vui! chúc đẹp nhau cho quên bớt nhọc nhằn. Để rồi vài ba bữa mọi thứ lại trở về bình thường, khi mà người và người lao vào kiếm sự sống lại chà đạp nhau tàn bạo, lại nói nặng nhẹ nhau những lời sắc còn hơn dao nhọn.
Thành ra cười tươi vui Tết đặng thấy mọi thứ an nhiên.
À! Quên nói về chữ Tết.
Chữ "Tết" trong văn hóa Việt Nam (Vietnamese Tet Holiday) là một chữ sang trọng và thiêng liêng.
Trên thế giới ngày nay, ăn và chơi Tết Nguyên Đán (âm lịch) rầm rộ ,kẹt xe kẹt đường, lễ hội rân trời hình như chỉ còn hai dân tộc cứng đầu nhứt là Việt và Tàu.
Nhựt Bổn và Đại Hàn thì phai lợt từ lâu lắm rồi. Tàu và Việt cứng đầu nhứt vì Tết xuất phát từ một trong hai nước này.
Sau này khi Việt Nam hùng cường hơn, tinh thần dân tộc cao hơn thì chúng ta sẽ nghiên cứu lại nguồn gốc của Tết.
Nói về cái Tết trong tên gọi của tiếng Anh, tức ngôn ngữ quốc tế thì có nhiều cách gọi.
Người Tàu đông nhứt thế giới, họ di dân nhiều, lập ra nhiều khu phố Tàu và tổ chức lễ hội Tết linh đình, số đông luôn hiện hữu,tiền bạc phô trương, quyền lực kết nối,đèn lồng màu đỏ luôn chói mắt, thành ra Tây nó nghĩ chữ Tết Âm Lịch nó như của Tàu mà ra vậy.
Tàu viết Tết là Chinese New Year và Happy Chinese New Year!
Người Tàu viết là "Happy Chinese new year (Chúc mừng Tết Trung Quốc)". Một số du khách, người dân các nước trên thế giới cũng gọi Tết của Việt Nam là “Chinese new year”.
Nhưng kêu Tết Việt là “Chinese new year”là sai.
Nhưng Việt thì không bao giờ viết kiểu Tàu, Việt cũng là dân tộc có văn hiến, Việt cũng là nơi Tết xuất hiện đầu tiên trong lịch sử.
Người Việt sẽ viết Tết là "Vietnamese New Year, “Vietnamese Tet Holiday” hoặc “Happy Vietnamese New Year”.
Việt Nam hiện giờ quá yếu, dân quá nghèo, đang trong tình cảnh cà lơ phất phơ. Thành ra có nhiều cái ta không “danh chánh ngôn thuận” mà nói với thiên hạ biết rõ.
Nhiều người lý giải Tết là do Việt đọc trại từ Tiết trong Tiết Nguyên Đán của Tàu mà ra. Nhưng cũng chỉ là một giả thuyết.
Tuy nhiên có thể chưa đúng.
Ai cũng biết Tết và Tiết cũng một chữ 节. Nhưng lịch sử Việt tộc chứng minh rằng, cái chữ "Tết" xuất hiện trước “Tiết”.
Chúng ta biết và ngờ ngợ Kinh Dịch xuất xứ từ Kinh Việt, người Tàu dựa vô cách tính thời gian của người Bách Việt xưa mà thêm thắt ra.
Ngày xưa Bách Việt làm lúa nước nên tính lịch theo chu kỳ mặt trăng, thành ra có ngày Nguyên Đán là đầu năm, còn Huê Hạ là dân du mục trên sa mạc thì có làm nông nghiệp gì đâu mà giỏi tính ngày tháng.
Tàu quá đông, dân tộc này luôn lấy thịt đè người, thành ra nhiều cái ai cứ nghĩ là của họ.
Trong 12 con giáp, người Việt có con mèo (Mẹo hay Mão), Tàu bỏ mèo lấy thỏ thế vô là sai bét, con thỏ không có vai trò gì trong đời sống nông nghiệp hết.
Thành ra Tết là người Việt giữ đúng cái nguyên thủy ban đầu.
Tết Nguyên Đán của người Việt, chúng ta.người Nam Kỳ có dính người Minh Hương thích chúc nhau những câu rất Hán Việt như “Vạn sự đại cát 万事大吉”, rồi ”恭祝新春 Cung chúc tân xuân” thì không có nghĩa là Tết là của Tàu.
Minh Hương hay Tàu Chợ Lớn gì đó vẫn là người Việt.
Nói chung cần có tiền bạc, tư thế của một nước Việt mạnh, người Việt giỏi mà nghiên cứu lợi nhưng thứ này mai sau.
Còn tên gọi Tết bằng tiếng Anh thì sao?
Tên thông dụng là “Lunar New Year”, ”Happy Lunar New Year”.
Nghĩa là Tết Âm Lịch, Tết Mặt Trăng.
Nhớ năm nào ông Obama chúc Tết, ông ghi vầy: ”Michelle and I send our warmest wishes to everyone celebrating the Lunar New Year across America and around the world. “
Báo Mỹ đề tựa “President Obama Sends Best Wishes for the Lunar New Year”
Ai am hiểu văn hóa Châu Á, không ai dám xài chữ Chinese, Korean, and Vietnamese cho Tết.
Ghi chung ”Happy Lunar New Year”(Chúc mừng Tết âm lịch) là cách mà người Mỹ ngầm hiểu rằng Tết đó là Tết chung của Việt, Tàu, Hàn và Nhựt Bổn.
Riêng với người Việt, với tinh thần dân tộc, với lòng tự hào, tự tôn và hãnh diện, chúng ta có quyền ghi và nói với người ngoại quốc rằng đó là "Vietnamese New Year, Vietnamese Tet Holiday, Happy Vietnamese New Year."
Người Việt mình luôn có ý thức dân tộc và tự hào văn hóa dân tộc của mình.
Chúng ta dạy con cháu rằng:
"Mấy con biết không? xưa ông bà mình kêu là "Cất nhà và dựng nhà chứ không nói là xây nhà, vì xưa nhà toàn cây thôi.
Hồi xưa chưa có lò ga, lò điện hay lò dầu, ông bà mình toàn chụm củi, vì vậy mà trong bếp vách đen tui, tối om vì khói ám đen thui.
Ngoài cái dàn úp chén xoang nồi đít cũng đen thui vì lọ ghẹ đóng, Tết đem ra chùi muốn hộc xì dầu."
Tết nhứt của người Việt luôn chộn rộn, nào là làm mứt, nào là đi chợ Tết, đàn bà lo nấu nướng cực lắm.
Đàn ông thì lo dọn dẹp bàn thờ, lo chùi lư, chùi gạch, gỡ bộ cửa lá sách xuống chùi rửa, lo kiếm mấy gốc củi lớn đặng nấu bánh tét.
Tết Việt ở Nam Kỳ khác Tàu, cái khác từ cái bàn thờ, bàn thờ Việt luôn lớn, nằm giữa nhà, tảo mộ ngày 25 tháng Chạp, trưa 30 tháng Chạp rước ông bà và cúng cơm ba ngày đầu năm.
Còn nhiều lắm, kể không hết.
Mọi người bỏ hết những điều chất chứa trong lòng để ngày Tết được vui tươi, chỉ còn niềm vui và sự hy vọng.
Tết Việt chúc nhau bình an, dồi dào sức khỏe.