Ví dụ phổ biến nhất thường được viện dẫn để lý giải về Hiệu ứng cánh bướm là phát súng định mệnh dẫn đến Thế chiến Thứ nhất. (Tổng hợp)
Người ta cho rằng những điều nhỏ bé khởi nguồn cho những điều vĩ đại, những hành động nhỏ nhất cũng có thể gây ra những hậu quả lớn nhất. Đó là quan điểm triết học hấp dẫn. Nhưng có một khái niệm toán học cũng theo nguyên lý ấy, được gọi là “sự nhạy cảm phụ thuộc vào những điều kiện ban đầu” có cái tên khá hấp dẫn: Hiệu ứng cánh bướm.
Bạn đã từng xem “Hiệu ứng cánh bướm” (2004) do Ashton Kutcher thủ vai chính? Đây là một bộ phim tâm lý nặng nề và gay cấn, tựu chung là, những thay đổi nhỏ nhất trong cuộc đời một người, có thể dẫn tới những ảnh hưởng rất lớn trong tương lai.
Cha đẻ của học thuyết “Hiệu ứng cánh bướm” - nhà Toán học Edward Lorenz nổi tiếng với câu hỏi: “Liệu cái đập cánh của con bướm ở Brazil có thể gây ra một cơn lốc xoáy ở Texas”?
“Hiệu ứng cánh bướm” – một học thuyết toán học liệu truyền tải ý nghĩa gì trong cuộc sống của chúng ta?
“Sai một ly đi một dặm”
Cách đây hơn 50 năm, khi Edward Lorenz là giáo sư Khí tượng học của trường Đại học MIT, ông đã thiết lập một số chương trình máy tính, cho phép mô phỏng các mô hình dự báo thời tiết hằng ngày. Vì chương trình viết cho máy tính gồm những mã lệnh hoàn toàn xác định, nên Lorenz nghĩ rằng nếu dữ liệu đầu vào giống nhau thì kết quả đầu ra đương nhiên cũng giống nhau.
Vì chương trình viết cho máy tính gồm những mã lệnh hoàn toàn xác định, nên Lorenz nghĩ rằng nếu dữ liệu đầu vào giống nhau thì kết quả đầu ra đương nhiên cũng giống nhau. (Needpix)
Lorenz đã làm các mô phỏng nhiều lần, nhưng lần này, một biến số được ông làm tròn ở vị trí thập phân hàng nghìn. Sau khi nạp dữ liệu, ông ngạc nhiên khi thấy máy tính cho ra kết quả hoàn toàn khác biệt so với những lần mô phỏng trước. Rà soát hoạt động của máy tính, Lorenz không tìm thấy bất cứ sai sót nào, ngoại trừ một chi tiết: Số 0,506127 được ông làm tròn thành 0,506.
Với suy nghĩ của một nhà khoa học, Edward Lorenz cho rằng một sai lệch vô cùng nhỏ ở đầu vào sẽ không ảnh hưởng đáng kể ở đầu ra. Nhưng hệ thống dự báo thời tiết khá phức tạp, đã cho ra kết quả một bản dự báo hoàn toàn khác biệt, nên tư duy nói trên không còn đúng nữa. Ông phát hiện ra rằng, sự thay đổi dù rất bé này đã làm biến đổi đáng kể mô hình dự báo thời tiết.
Nghiên cứu của ông trở nên nổi tiếng vào những năm 1970-1980 và trở thành nền tảng của Thuyết Hỗn loạn. Toàn bộ khái niệm Toán học của “Hiệu ứng cánh bướm” được gói gọn trong câu hỏi: “Liệu một cái đập cánh của con bướm ở Brazil có thể gây ra một cơn lốc xoáy ở Taxas?”.
Lorenz giải thích rằng, một cái đập cánh của con bướm cũng gây ra những thay đổi nhỏ trong bầu khí quyển Trái Đất, và sẽ dẫn tới trì hoãn hay thúc đẩy sự hình thành của một cơn lốc xoáy ở khoảng cách xa tới hàng nghìn cây số.
Thuyết này cho rằng, việc đập cánh của con bướm là khởi đầu của chuỗi điều kiện như nhiệt độ, tốc độ gió… hợp lại tạo ra cơn lốc xoáy. (Pixabay)
Tất nhiên không có ý nói là con bướm có khả năng tạo ra cơn lốc xoáy. Thuyết này cho rằng, việc đập cánh của con bướm là khởi đầu của chuỗi điều kiện như nhiệt độ, tốc độ gió… hợp lại tạo ra cơn lốc xoáy. Theo đó, động năng của một cái đập cánh của con bướm (dù rất nhỏ), cùng với vô vàn hoạt động động năng khác cộng lại, có thể làm biến đổi thời tiết toàn Trái Đất.
Ngày nay, “Hiệu ứng cánh bướm” không chỉ gói gọn trong ứng dụng toán học và dự báo thời tiết. Nhiều người tin rằng, mọi thứ xảy ra đều có lý do và không có gì ngẫu nhiên cả. Rằng có những điều nhỏ nhoi không đáng lưu tâm, hay chuỗi các sự kiện dường như không quan trọng, cũng tác động đến tương lai chúng ta, có thể thay đổi lớn lao đến lịch sử và tạo nên vận mệnh mới.
Ví dụ phổ biến nhất thường được viện dẫn để lý giải về Hiệu ứng cánh bướm là phát súng định mệnh dẫn đến Thế chiến Thứ nhất.
Tài xế đi nhầm đường dẫn đến Thế chiến Thứ nhất
Ngày 28/6/1914, Thái tử Franz Ferdinand và vương phi Sophie đến thăm Sarajevo (Bosnia) để kiểm tra quân đội bất chấp lời cảnh báo về âm mưu ám sát ông. Một nhóm cuồng tín người Serbia-Bosnia đã mai phục trên con đường chính ở Sarajevo. Khi đoàn xe của thái tử đi qua cầu, một thanh niên xông ra ném bom về phía xe thái tử. Trái bom rơi ra ngoài xe, phát nổ khiến hai tùy tùng bị thương.
Lẽ ra, thái tử nên quay về khách sạn nhưng ông nhất định đến thăm người tùy tùng cấp cứu trong bệnh viện. Tuy nhiên tài xế của ông, do không quen lộ trình đã rẽ nhầm đường và gặp ngay đúng Gavrilo Princip, một trong những kẻ tham gia vụ mưu sát hụt trước đó, đang ngồi ở quán cà phê bên đường. Ngay lập tức, Princip rút súng bắn thẳng Thái tử Franz Ferdinand. Vụ ám sát đã châm ngòi cho Thế chiến Thứ nhất.
Người ta cho rằng, chung quy là do tài xế sơ sểnh nhầm đường nên đã dẫn đến vụ ám sát Thái tử nước Áo. Hệ quả là đế quốc Áo-Hung tuyên chiến với Serbian, dẫn tới việc Đức tuyên chiến với Nga, lôi kéo Bỉ, Pháp và Anh tuyên chiến với Đức.
Princip rút súng bắn thẳng Thái tử Franz Ferdinand. Vụ ám sát đã châm ngòi cho Thế chiến Thứ nhất. (Wikimedia Commons)
Lý giải theo Hiệu ứng cánh bướm, Thế chiến Thứ nhất sẽ không bao giờ xảy ra nếu Thái tử Ferdinand không bị ám sát. Và ông ta sẽ không bị chết nếu tài xế của ông không đi nhầm đường. Từ một chuỗi những hành động tưởng chừng không đáng kể, lại khởi nguồn cho một chuỗi sự kiện to lớn, dẫn đến hậu quả thảm khốc là hàng triệu người đã phải bỏ mạng trong Thế chiến Thứ nhất.
Mặc dù thuyết Toán học của Lorenz cho rằng, không thể dự đoán một cách chính xác tuyệt đối rằng Thế chiến Thứ nhất có diễn ra hay không. Giả dụ nếu người tài xế đó không đi nhầm đường, có lẽ Thế chiến Thứ nhất sẽ không xảy ra, hoặc có thể xảy ra còn kinh khủng hơn thực tế, ở mức độ toàn cầu chẳng hạn. Cái chết của Thái tử được cho là một trong những Hiệu ứng cánh bướm lớn nhất trong lịch sử loài người.
Phát súng oan nghiệt châm ngòi cho Thế chiến Thứ Nhất, nhưng có một hành động nhân đạo cũng được cho là một trong số vô vàn những “động năng” dẫn đến Thế chiến Thứ Hai.
Tha mạng cho một người, dẫn đến Thế chiến Thứ hai
Ngày 28/9/1918, trong một trận giao tranh giữa quân Anh và Đức tại làng Marcoing (Pháp), binh nhì Henry Tandey đã nhìn thấy một người lính Đức đang chạy trốn. Henry Tandey định nhằm bắn thì nhận ra người lính này bị thương nên anh đã hạ súng và để người lính này chạy thoát.
Binh nhì Henry Tandey định nhằm bắn thì nhận ra người lính này bị thương nên anh đã hạ súng và để người lính này chạy thoát. (Wikipedia)
Trước khi đi, người lính Đức gật đầu cảm ơn anh. Tinh thần nhân ái cao cả của binh nhì Henry Tandey đã được báo chí đưa tin, và họa sĩ người Ý là Fortunino Matania đã vẽ lại, nhằm tôn vinh lòng quả cảm của người lính trong Thế chiến Thứ nhất.
20 năm sau, vào năm 1938, trong nỗ lực cuối cùng nhằm ngăn Thế chiến Thứ hai xảy ra, Thủ tướng Anh thời ấy là Neville Chamberlain đã bay sang Đức để gặp Adolf Hitler. Ông được Adolf Hitler mời tới biệt thự của ông ta tại Bavaria.
Tại đây, Thủ tướng Anh nhìn thấy bản sao bức tranh của họa sĩ Fortunino Matania treo trên tường, và hỏi vì sao Hitler lại thích bức vẽ này. Thật bất ngờ, Hitler đã chỉ vào hình vẽ binh nhì Henry Tandey và tiết lộ: “Đó là người lính suýt chút nữa đã bắn tôi.”
Hitler đã chỉ vào hình vẽ binh nhì Henry Tandey và tiết lộ: “Đó là người lính suýt chút nữa đã bắn tôi.” (Getty)
Câu chuyện kinh ngạc đến nỗi khiến nhiều người hoài nghi. Tuy nhiên, Bảo tàng Green Howards (Anh), nơi sở hữu bức tranh đã tìm thấy bằng chứng. Đó là lá thư của trợ lý Adolf Hitler viết vào năm 1937, cảm ơn Bảo tàng đã gửi bản sao bức tranh này cho ông ta.
Khi Thế chiến Thứ hai xảy ra, sự việc này đã trở thành gánh nặng tâm lý đối với binh nhì Henry Tandey. Khi được hỏi về hành động tha chết cho Hitler, Henry Tandey tỏ ra ân hận: “Tôi không biết người lính đó sẽ trở thành người như thế nào. Khi tôi chứng kiến những người dân vô tội bị giết hại vì sự tàn bạo của Hitler, tôi đã cầu xin Chúa tha tội cho tôi vì đã để hắn sống”.
Từ quyết định tha mạng sống cho một người trên chiến trường Thế chiến Thứ nhất, đã dẫn tới hệ lụy 60 triệu người phải chết trong Thế chiến Thứ hai.
(Theo ntdvn.com)