Hành động đột nhập bệnh viện của người đàn ông, dù đáng trách vì có thể gây nguy hiểm cho người khác trong thời buổi dịch bệnh, nhưng cũng lại đáng thương và khiến cộng đồng mạng rưng rưng mấy ngày gần đây.
Cảnh Jihad ngồi bên cửa sổ và chứng kiến những giây phút cuối cùng của mẹ đã khiến nhiều người xúc động – Ảnh chụp màn hình
Theo tờ Arabic Post, người đàn ông vừa bị mất mẹ là Jihad Al-Suwaiti, một người Palestine sống ở khu vực Bờ Tây. Mẹ anh, bà Rasmi Suwaiti, đã qua đời hôm 16-7 ở tuổi 73 vì COVID-19, chỉ một ngày sau khi được con trai vào thăm.
Hình ảnh người con trai 30 tuổi ngồi thẫn thờ ngồi cheo leo ngoài cửa sổ nhìn tử thần cướp đi người mẹ thân yêu của mình đã chạm vào trái tim của nhiều cư dân mạng.
Một số tờ báo địa phương đã tìm gặp anh này và cho biết người con đã từng lén trèo vào bệnh viện để thăm mẹ.
“Nhưng khi bà sắp đi xa, tôi chẳng làm gì được. Tôi đã ngồi đó, bên cửa sổ ngoài phòng chăm sóc đặc biệt và bất lực nhìn bà trút hơi thở cuối cùng”, Jihad kể lại với tờ Arabic Post.
Theo tờ báo này, Jihad từng trèo tường để vào bệnh viện và được cho vào phòng của mẹ hôm 15-7, một ngày trước khi bà mất. Khi hay tin mẹ đang hấp hối, Jihad cũng dùng cách này để vào thăm bà nhưng bị từ chối.
Không muốn bỏ đi, anh đành ngồi ngoài cửa sổ để đảm bảo rằng mẹ của mình đang nhận được mọi sự chăm sóc cần thiết.
Câu chuyện của Jihad được chia sẻ trên mạng xã hội và nhận được nhiều sự khen ngợi về lòng hiếu thảo và sự cảm thông của nhiều người.
Một họa sĩ đã vẽ lại cảnh Jihad ngồi bên cửa sổ nhưng bên cạnh đó là linh hồn của người mẹ đang an ủi và vỗ về con trai như ngày còn thơ bé.
Tuy nhiên, một số người không tán thành hành động của anh và cho rằng nó có thể khiến nhiều người khác gặp nguy hiểm vì virus và cả sự ích kỷ của anh.
Kể với tờ Arabic Post trong nước mắt, Jihad thừa nhận chỉ đến khi mẹ anh qua đời, anh mới biết sự nguy hiểm của virus corona và kêu gọi mọi người hãy cẩn trọng, trân quý từng phút giây bên cạnh những người mình yêu thương.
Gạt qua nỗi đau mất người thân, anh viết thư cho chính quyền địa phương, mong họ làm nhiều hơn trong việc tuyên truyền vì “dân nghèo không tin có virus”.
(Theo Báo Tuổi trẻ)