Bích họa Trần nhà nguyện Sistine là một thách thử đối với Michelangelo (Phạm vi cộng đồng)

 

 

 

Vào thời kỳ Phục Hưng, Ý không phải là một khái niệm về quốc gia mà là một khái niệm về địa lý. Phải bốn trăm năm sau, Ý mới thống nhất thành một quốc gia như ngày nay! Lúc bấy giờ, khu vực nước Ý có rất nhiều quốc gia nhỏ nằm gần nhau như: các nước cộng hòa Florence, Venice, Genoa, các công quốc Milan, Ferrara, vương quốc Naples, và Rome là một quốc gia của Giáo hoàng!

 

Trên mảnh đất Ý không quá rộng lớn này, các thế lực khác nhau tranh giành quyền lực, chiến tranh và giết chóc liên miên. Vậy một chính quyền hay một thế lực muốn thể hiện uy quyền, sức mạnh, hay tính hợp pháp của mình thì dựa vào điều gì? Đó chính là văn hóa nghệ thuật! Điều này vẫn đúng từ xưa đến nay.

 

Cộng hòa Florence dựa vào sự phát triển của ngành len đã thúc đẩy các ngành thủ công khác phát triển mạnh mẽ, sau đó xuất hiện một số gia tộc ngân hàng lớn. Những nhà ngân hàng hùng mạnh này kiếm được khoản lợi nhuận kếch xù nhờ việc tài trợ cho cuộc chiến tranh của các lãnh chúa ở những quốc gia khác. Trong số đó, nổi tiếng nhất là gia tộc Medici đã đề cập ở phần trước. Đặc biệt dưới thời Cosimo de Medici, người đứng đầu thế hệ thứ hai của gia tộc Medici, đã nỗ lực xây dựng mối quan hệ với Giáo hoàng, trở thành ngân hàng riêng của Giáo hoàng và quản lý thuế của toàn bộ giáo hội.

 

Nhờ việc trở thành ngân hàng riêng của Giáo hoàng, gia tộc Medici đã trở thành ngân hàng đứng đầu nước Ý và cả châu Âu. Tuy nhiên, theo giáo lý của Cơ đốc giáo, những người làm ngân hàng cho vay tiền sẽ không được vào Thiên đường. Vậy phải làm sao? Phải dùng số tiền này để thờ phượng Chúa và rửa sạch tội lỗi! Vì vậy những nhà tài phiệt này đã sử dụng một phần lợi nhuận để tài trợ cho giáo hội, xây dựng nhà thờ, tu viện, các công trình công cộng và tài trợ cho các nghệ thuật gia. Trong bầu không khí ấy, thời kỳ Phục hưng vĩ đại đã ra đời!

 

 

Bộ ba nghệ thuật gia vĩ đại và đỉnh cao của thời kỳ Phục hưng

 

Cuối thế kỷ 15, sự sự trỗi dậy của "Bộ ba nghệ thuật gia vĩ đại thời kỳ Phục hưng" - Leonardo da Vinci, Michelangelo và Raphael, chính là lúc thời kỳ Phục hưng bước vào giai đoạn đỉnh cao rực rỡ!

 

Năm 1503, với tác phẩm điêu khắc "David" vừa hoàn thành, Michelangelo ở tuổi 28 đã vang danh khắp châu Âu với danh hiệu là nhà điêu khắc vĩ đại nhất. Trước đó 5 năm, vào năm 1498, Leonardo da Vinci cũng đã tạo nên kiệt tác "Bữa tối cuối cùng" ở Milan, khẳng định vị thế danh họa số một châu Âu của mình.

 

Năm 1504, hai nhà nghệ thuật vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại - Michelangelo và Leonardo da Vinci - sắp sửa bước vào một cuộc đối đầu thế kỷ. Lúc này, Raphael, người trẻ tuổi nhất trong "Bộ ba nghệ thuật gia vĩ đại thời kỳ Phục hưng", tuy còn non trẻ nhưng lại có được cơ hội vàng để học hỏi và phát triển từ cuộc chiến thế kỷ này.

 

 

Năm ấy, tại Florence, một sảnh nghị sự nguy nga tráng lệ với sức chứa 500 người được hoàn thành trên tầng hai của Palazzo Vecchio - tòa thị chính Florence. Khi chiêm ngưỡng sảnh đường lộng lẫy ấy, vị quan chức Soderini gật đầu hài lòng. Tuy nhiên, Soderini lại nhíu mày, chỉ vào những bức tường trống hai bên và nói với những người tùy tùng: "Căn phòng đẹp đẽ thế này, không thể để tường trống được”.

 

Tòa nhà Palazzo Vecchio còn được gọi là Cung điện Cũ, là trụ sở chính quyền của Florence.

 

Ngay lập tức, một nhân viên đề xuất rằng: "Thưa ngài Soderini, Leonardo da Vinci hiện đang ở Florence. Nếu chúng ta thuyết phục được ông ấy vẽ một bức tranh cho sảnh nghị sự, đây sẽ là niềm tự hào to lớn cho Florence!"

Mắt Soderini sáng lên, gật đầu tán thành: "Đúng vậy! Sau khi Leonardo hoàn thành bức tranh 'Bữa tối cuối cùng", Milan đã trở thành một điểm đến du lịch nổi tiếng. Ý kiến này rất hay! Nhưng chỉ trang trí tranh trên một bức tường thôi thì chưa đủ".

 

Vị nhân viên nhắc tiếp: "Thưa ngài, ngài quên mất một người rồi ạ?"

 

"Còn ai nữa?"

 

"Michelangelo nhà Buonarroti ạ!"

 

Soderini nghe vậy, lập tức mở to mắt, vỗ đùi: "Đúng vậy! Hãy cho họ thi đấu với nhau! Ôi chao, hiệu ứng quảng cáo này sẽ lớn đến mức nào! Tuyệt vời! Nhanh lên, ta sẽ đi tìm họ ngay!"

 

Soderini hối hả tìm đến Leonardo da Vinci. Da Vinci nghe vậy, trên mặt lộ vẻ khó xử. Da Vinci nói: "Ôi chao, công việc hiện tại của tôi quá bận rộn, việc này..."

 

Soderini lập tức chen ngang: "Thưa ngài Da Vinci, lần ủy thác này ngài nhất định phải nhận! Florence là quê hương của ngài mà! Ngài yên tâm, chủ đề sáng tác lần này hoàn toàn do ngài quyết định, hơn nữa, thù lao... Tôi biết, bức tranh "Bữa tiệc cuối cùng" của ngài ở Milan, họ đã trả ngài 2 vạn đồng florin vàng. Lần ủy thác này của tòa thị chính, chúng tôi quyết định trả ngài thù lao gấp đôi!".

 

"Vậy sẽ là 4 vạn đồng florin vàng!"

 

 

 

Leonardo da Vinci. (Miền công cộng)

 

 

Florin là một loại tiền vàng do Florence phát hành vào thời điểm đó. Đây là loại tiền tệ được lưu thông trên toàn châu Âu, và là một loại tiền tệ rất mạnh! Một đồng florin vàng nặng khoảng 3,5 gram. Tính theo giá vàng hiện nay là 60 USD/gram, 4 vạn đồng florin vàng tương đương với 840 triệu USD. Đây là một số tiền rất lớn vào thời điểm đó! Chúng ta có thể thấy rằng nền kinh tế của Florence thời kỳ này vô cùng phát triển, và chính quyền Florence cũng rất giàu có!

 

Da Vinci không thể không động lòng. Cuộc sống của Da Vinci rất xa hoa, mỗi ngày đều ăn mặc lộng lẫy, trước sau có người hầu kẻ hạ, cưỡi ngựa phi nhanh, vượt xa mọi người! Tất cả đều cần tiền! Vì vậy, sau một hồi suy ngẫm, Da Vinci đã đồng ý với yêu cầu của Soderini.

 

Ừm, thôi được, vì tiền! Ôi, không không, câu này chỉ nên nói trong lòng thôi.

 

“Ừm, vì người dân của quê hương, tôi đồng ý với ông!”

 

Soderini nghe vậy vô cùng mừng rỡ!

 

Tuy nhiên, Da Vinci tiếp tục nói: “Sau khi ký hợp đồng, ông phải trả trước cho tôi 30% tiền đặt cọc, sau khi hoàn thành bản thảo, ông phải trả thêm 30%. Số tiền còn lại sẽ được thanh toán sau. Không vấn đề gì chứ?”

 

“Không vấn đề gì, không vấn đề gì!” - Soderini hào hứng rời khỏi đó, ngay lập tức đi tìm Michelangelo.

 

Soderini có mối quan hệ rất tốt với cha của Michelangelo nên cũng rất thân thiết với Michelangelo. Vừa gặp mặt, Soderini đã nói thẳng: "Michelangelo à, ngài đang là niềm tự hào của Florence! Cho nên, việc này ngài nhất định phải đồng ý với tôi!"

 

Michelangelo vẫn chưa hiểu việc gì nên hỏi lại: "Việc gì?"

 

"À, ngài biết tòa nhà nghị sự mới hoàn thành của chúng ta chứ? Bây giờ, chúng ta muốn mời họa sĩ tài ba nhất vẽ hai bức tranh tường ở đó, để thể hiện khí phách và phẩm chất của người Florence. Ngài hiện giờ đã khác xưa, nên chúng tôi muốn ngài nhận lấy nhiệm vụ khó khăn này!"

 

Michelangelo không quá hứng thú với việc vẽ tranh, nên ông lập tức muốn từ chối lời ủy thác. Nhưng suy nghĩ lại, Michelangelo hỏi: "Hai bức tranh? Vậy ai sẽ vẽ bức tranh còn lại?"

 

Soderini cười mỉa mai, giả vờ như không có gì đặc biệt: "Ồ, chính là Leonardo da Vinci!"

 

 

Ngay khi nghe tên Da Vinci, sắc mặt Michelangelo lập tức thay đổi! Tại sao lại vậy? Thì ra hai thiên tài này đã có mâu thuẫn từ lâu!

 

Vậy chuyện gì xảy ra vậy? Hóa ra, Da Vinci luôn coi thường nghệ thuật điêu khắc. Da Vinci cho rằng, điêu khắc chỉ là công việc tay chân, không xứng đáng được gọi là nghệ thuật.

 

Điều này cũng có lý, trước Michelangelo, khái niệm "nhà điêu khắc" gần như không tồn tại. Hầu hết công việc điêu khắc đều do thợ đá đảm nhiệm, dù họ có tài năng đến đâu cũng chỉ được coi là thợ thủ công giỏi. Vào thời điểm đó, tượng chủ yếu được làm bằng đồng, và ngoài các di vật khai quật, tượng đá cẩm thạch chưa được xem là tác phẩm nghệ thuật cao cấp nhất. Mãi đến khi Michelangelo xuất hiện.

 

Do đó, Leonardo da Vinci đã từng nói rằng, chỉ có hội họa mới là nghệ thuật thực sự. Da Vinci cho rằng điêu khắc chỉ là công việc bẩn thỉu, tẻ nhạt, không phải là nghệ thuật, mà chỉ là công việc lao động chân tay.

 

Hãy tưởng tượng xem, khi những lời nói này đến tai, Michelangelo sẽ tức giận đến mức nào! Da Vinci dám coi điêu khắc - môn nghệ thuật mà Michelangelo dành cả cuộc đời cho để cống hiến - là công việc dành cho những người thô lỗ! Vì vậy, từ đó, hai nghệ sĩ đại tài này đã trở thành kẻ thù của nhau.

 

Hai người còn có một câu chuyện nhỏ khác. Một lần nọ, Leonardo da Vinci đang được một nhóm người hâm mộ là những quan chức và quý tộc vây quanh từ trong giáo đường đi ra. Họ đang thảo luận về một bài thơ của Dante. Trong đó có một người hỏi một câu hỏi liên quan đến Dante. Vào lúc ấy, Michelangelo tình cờ đi đến, Leonardo da Vinci liền nói với mọi người một cách châm biếm: "Ồ, hãy để Michelangelo trả lời câu hỏi này cho các ngài nhé".

 

Michelangelo cảm thấy Leonardo da Vinci muốn làm khó mình. Vì vậy, Michelangelo lạnh lùng nói: "Thôi đi. Ông tự giải thích đi. Một bậc thầy "đất sét" như ông, một kẻ thậm chí không biết làm tượng đồng, tôi chỉ cảm thấy xấu hổ cho ông!" Sau đó, Michelangelo quay người rời đi.

 

 

Michelangelo nói đúng. Khi ở Milan, Leonardo da Vinci đã có ý định tạo ra một bức tượng đồng khổng lồ cho Sforza, người cai trị Milan. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành phần mô hình con ngựa bằng đất sét, dự án đã bị đình trệ và không bao giờ được hoàn thành. Cuối cùng, mô hình đất sét cũng bị phá hủy trong chiến tranh. Với thói quen trì hoãn nổi tiếng của Leonardo da Vinci, nhiều tác phẩm đã bị trì hoãn trong thời gian dài, và cuối cùng không được hoàn thành. Do đó, câu nói của Michelangelo là để chế giễu sự việc này.

 

Hai vị nghệ sĩ này mang lại cho người ta ấn tượng và phong cách hành xử hoàn toàn khác biệt. Leonardo da Vinci có vóc dáng cao lớn, dung mạo tuấn tú, luôn ăn mặc lộng lẫy, tao nhã, ăn nói khéo léo, và được mọi người yêu quý. Michelangelo thì lại luôn xuề xòa, đầu tóc rối bù, tuy rất uyên bác nhưng do tính cách thẳng thắn và thô lỗ, lại nóng tính, không giỏi giao tiếp, độc lập nên rất ít bạn bè. Hai bậc thầy này đã định sẵn sẽ không thể trở thành bạn bè của nhau

 

Vì vậy, khi Michelangelo nghe nói rằng hai bức tranh trong sảnh hội nghị sẽ do ông đối đầu với Leonardo da Vinci, lòng tự trọng và mong muốn hạ bệ Leonardo da Vinci đã khiến ông đồng ý với yêu cầu của Soderini ngay lập tức.

 

Tuy nhiên, Michelangelo nhìn Soderini và nói lớn: "Lần này tiền thù lao không được thấp hơn Leonardo da Vinci!"!

 

Soderini sửng sốt một chút.

 

Michelangelo tức giận nói: "Bức tượng David, tôi chỉ nhận được 3000 đồng vàng. Tôi nghe nói Leonardo da Vinci kiếm được rất nhiều tiền ở Milan! Lần này, nếu trả ít hơn, tôi sẽ không làm!"

 

Soderini cười lớn và hào phóng nói: "Không vấn đề gì, chỉ cần lần này ngài có thể tạo ra một kiệt tác như David, ngài có thể yên tâm về tiền thù lao!" - Nói xong, Soderini vui vẻ rời đi.

 

 

Có khía cạnh thú vị khác về Michelangelo, đó là ông khá quan tâm đến tiền bạc. Trong các cuốn tiểu sử về Michelangelo, thường xuyên nhắc đến việc ông thúc giục các nhà ủy thác trả tiền thù lao, hoặc than vãn về sự nghèo khó của mình một cách hài hước. Michelangelo rất keo kiệt với bản thân, không nỡ tiêu tiền. Tuy nhiên, ông lại thường xuyên giúp đỡ những người bạn nghèo hay họ hàng túng quẫn và những người dân lao động nghèo khổ. Michelangelo là một người đặc biệt tốt bụng, là một kẻ keo kiệt bên ngoài lạnh lạnh nhưng bên trong ấm áp!

 

 

Trận chiến thế kỷ đặc sắc nhất đã bắt đầu

 

Tin tức về cuộc đối đầu giữa hai nghệ sĩ tài ba nhất thời đại nhanh chóng lan truyền khắp nơi. Ngay lập tức, giới nghệ thuật toàn châu Âu chấn động, các nghệ sĩ từ mọi quốc gia, khu vực, tất cả những người có điều kiện đều đổ xô đến Florence. Mọi người đều muốn tận mắt chứng kiến trận chiến tranh tài giữa hai "võ lâm minh chủ" này! Một trong những trận chiến thế kỷ, đặc sắc nhất trong lịch sử nghệ thuật sắp sửa bắt đầu!

 

Hai nghệ sĩ bậc thầy đã bắt đầu chuẩn bị bản thảo cho tác phẩm của mình. Loại tranh vẽ trên tường ở đây được gọi là tranh tường ướt (fresco), hoàn toàn khác với tranh tường khô (dry fresco) ở Đôn Hoàng, Trung Quốc.

 

Dưới đây, xin giới thiệu sơ lược về tranh tường ướt.

 

Đầu tiên, người phụ tá sẽ dùng lớp thạch cao mịn trát đều lên tường. Sau khi lớp này khô, họ sẽ trát thêm một lớp thạch cao mịn hơn làm nền. Lúc này, vị họa sĩ sẽ đích thân bắt tay vào vẽ tranh.

 

Họa sĩ cần vẽ phác thảo tác phẩm lên một tấm bìa cứng dày. Loại phác thảo này trong tiếng Ý được gọi là "Cartoon". Từ "cartoon" chỉ phim hoạt hình ngày nay chính là bắt nguồn từ đây.

 

Sau khi hoàn thành, họa sĩ sẽ cố định bản phác thảo lên bức tường đã chuẩn bị sẵn để vẽ. Tiếp theo, họa sĩ dùng kim đâm dọc theo các đường nét của nhân vật trong bản phác thảo để tạo ra những lỗ nhỏ li ti. Sau đó, tiếp tục sử dụng một túi bột than để phủ lên những lỗ kim này. Bột than sẽ bám vào các đường nét của bản phác thảo, tạo ra bản sao trên tường. Lúc này, trên tường sẽ xuất hiện hình ảnh phác thảo các đường nét mà họa sĩ cần hoàn thiện. Cuối cùng, dựa trên tiến độ hoàn thành mỗi ngày, họa sĩ sẽ chia toàn bộ bức tranh thành các ô vuông có kích thước bằng nhau.

 

Bước tiếp theo là phần quan trọng nhất. Người họa sĩ sẽ đeo một vòng các lọ nhỏ chứa các màu vẽ tan trong nước quanh hông. Sau đó, người hoạ sĩ trát một lớp thạch cao mỏng lên tường và bắt đầu vẽ khi thạch cao còn ướt. Một câu hỏi đặt ra là, thạch cao trát lên sẽ che mất các đường nét đã được xác định trước đó hay không? Đúng vậy, do đó, mỗi lần chỉ có thể trát một diện tích nhỏ. Sau đó, dựa vào các đường nét còn lại và sự hiểu biết về tác phẩm, họa sĩ sẽ biết cách vẽ những phần bị che khuất.

 

Hơn nữa, do thạch cao ướt sẽ khô rất nhanh, nên khó khăn lớn nhất khi vẽ tranh tường ướt là phải vẽ thật nhanh và chính xác. Khi màu vẽ tan trong nước đã được vẽ lên sẽ rất khó chỉnh sửa! Một khi lớp thạch cao đã khô, bạn chỉ có thể cạo bỏ phần thạch cao đó và vẽ lại từ đầu!

 

Sẽ rất đặc sắc nếu bạn có thể nhìn thấy họa sĩ vẽ tranh! Đầu tiên, vị họa sĩ sẽ trát một lớp thạch cao lên tường và nhanh chóng làm phẳng. Sau đó, họ cầm những chiếc cọ với độ dày khác nhau, nhúng vào các màu vẽ khác nhau, và vẽ những đường nét uyển chuyển trên tường. Từng nhân vật sống động dần dần hiện ra. Họa sĩ như một vũ công, di chuyển lên xuống, trái phải, vô cùng đẹp mắt! Tuy nhiên, nhìn thì đẹp vậy, nhưng bản thân họa sĩ sẽ rất mệt mỏi!

 

Ưu điểm lớn nhất của tranh tường ướt là màu vẽ thấm hoàn toàn vào thạch cao, do đó không bị phai màu. Sau khi hoàn thành, bức tranh trở thành một phần của bức tường. Tranh cũng không dễ bị bong tróc hay nứt nẻ, bề mặt không phản quang, và có nhiều lớp màu. Bức tranh sẽ trường tồn theo thời gian! Đó là lý do tại sao bạn sẽ thấy những bức tranh tường ướt trong các nhà thờ lớn ở Châu Âu trải qua hàng trăm năm, thậm chí hàng nghìn năm, vẫn giữ được màu sắc tươi sáng, sống động. Trong khi đó, nhiều bức tranh tường ở Trung Quốc hiện nay đã bị bong tróc hoặc phai màu đến mức không thể nhìn rõ, bởi vì tranh tường khô không có ưu điểm này. Tất nhiên, vẽ tranh tường khô cũng dễ dàng hơn nhiều.

 

 

Bây giờ mọi người đã hiểu được vẽ tranh tường ướt là một kỹ thuật rất khó! Do đó, trong tiếng Ý có một câu nói rằng: "Chuyện gì khó cũng không khó bằng vẽ tranh tường ướt! (Much Better then Fresco!)". Nếu tương lai bạn có cơ hội đi dạo trong các nhà thờ và cung điện ở Châu Âu, khi nhìn thấy những bức tranh tường ướt tuyệt đẹp, hãy nhớ đến những khó khăn và sức sáng tạo phi thường của những người nghệ sĩ vĩ đại đã tạo ra chúng!

 

 

Trận chiến Anghiari so với Trận chiến Cascina

 

Chúng ta sẽ quay trở lại với những trận chiến lớn ở Florence.

 

Lần này, có thể do phải đối mặt với lời thách thức mạnh mẽ từ Michelangelo, Leonardo da Vinci không trì hoãn và đã đưa ra bản phác thảo đúng thời gian.

 

Chủ đề tác phẩm của Leonardo da Vinci lấy cảm hứng từ trận chiến lớn giữa Florence và Milan vào năm 1440, mang tên "Trận chiến Anghiari". Trong khi đó, Michelangelo chọn một trận chiến diễn ra hơn một trăm năm trước giữa Florence và Pisa, có tên là "Trận chiến Cascina".

 

Chúng ta hãy cùng xem xét bức tranh "Trận chiến Anghiari" của Leonardo da Vinci. Bức tranh chúng ta thấy hiện nay là bản sao của họa sĩ lừng danh Rubens sau này, bản gốc đã bị thất lạc. Qua bản phác thảo, ta có thể nhận thấy nét vẽ phóng khoáng, mạnh mẽ, dứt khoát như "gió thổi điện xẹt". Tiếng gầm thét của những chiến binh, tiếng hí vang của ngựa chiến đều được miêu tả vô cùng sống động. Mỗi nhân vật đều được khắc họa với đặc điểm riêng biệt, rõ ràng và chính xác. Phong cách hoàn toàn khác so với tác phẩm "Bữa tối cuối cùng" cho thấy mong muốn vượt qua chính mình của vị họa sĩ bậc thầy.

 

 

"Trận chiến Anghiari" của Da Vinci, bản sao của Peter Paul Rubens. (Phạm vi công cộng)

 

 

 

Leonardo da Vinci vốn là một nhà khoa học, nhà toán học, do đó, ông rất coi trọng sự chặt chẽ trong bố cục, sự chính xác trong phối cảnh và bố cục tổng thể của bức tranh. Hơn nữa, Da Vinci luôn thích tìm tòi sự đổi mới về kỹ thuật, phối cảnh, nhân vật, vật liệu, v.v. trong tranh. Thậm chí, để hoàn thành bức tranh tường lớn, Da Vinci đã phát minh ra một loại thang lên xuống bằng gỗ. Nhờ vậy, ông có thể thoải mái di chuyển lên xuống dựa vào tường, vẽ tranh một cách dễ dàng và vui vẻ, đồng thời có thể điều chỉnh vị trí bất cứ lúc nào để nghiên cứu bố cục của bức tranh. Những câu chuyện về Da Vinci chúng ta sẽ nói không nhiều ở đây, mà sẽ thảo luận nhiều hơn ở các bài sau.

 

Tiếp theo, hãy cùng xem xét bức tranh "Trận chiến Cascina" của Michelangelo. Bức tranh này cũng là bản sao do người đời sau vẽ lại, bản gốc cũng đã bị thất lạc.

 

 

"Trận chiến Cascina" của Michelangelo, bản sao do người đời sau vẽ lại. (Miền công cộng)

 

 

 

Chúng ta có thể nhìn thấy phong cách của Michelangelo qua tác phẩm "David". Michelangelo có một niềm đam mê mãnh liệt với cơ thể con người, đặc biệt là cơ thể nam giới. Michelangelo sử dụng những mảng cơ bắp vạm vỡ và thân hình cường tráng để thể hiện sức mạnh, sự mạnh mẽ và dũng cảm, nhằm ca ngợi kiệt tác của thần thánh: cơ thể con người. Đây gần như là chủ đề chính trong suốt cuộc đời sáng tác của ông.

 

Bức tranh "Trận chiến Cascina" cũng là một bức tranh như vậy. Khoảnh khắc được bậc thầy Michelangelo chọn chính là khi các chiến binh vừa chuẩn bị xuống sông tắm rửa thì tiếng tù và đột ngột vang lên, báo hiệu kẻ thù đã đến. Các chiến binh vội vã lên bờ, người mặc áo, người lấy vũ khí. Những người lính này đều sở hữu thân hình vạm vỡ với những múi cơ cuồn cuộn, tư thế dồn nén đầy mạnh mẽ, toát lên khí chất nam tính bừng bừng, giống như sự "bùng nổ" hormone testosterone!

 

Sau khi hoàn thành, hai bản phác thảo được trưng bày tại sảnh chính của tòa nhà chính quyền trong vài ngày. Vào những ngày đó, Cung điện Vecchio chật cứng người. Khi các nghệ sĩ từ khắp nơi đến xem bản phác thảo của hai bậc thầy, họ vừa kinh ngạc vừa thất vọng. Kinh ngạc, tất nhiên rồi, khi nhìn thấy những kiệt tác như vậy, ai cũng phải choáng ngợp. Thất vọng là vì so sánh với các bậc thầy, họ cảm thấy mình chẳng là gì cả, nhìn vào đỉnh cao nghệ thuật này, họ thấy mình không thể nào sánh kịp. Than ôi, nhìn thấy khoảng cách lớn như vậy, thôi, tốt nhất là về nhà đổi nghề mở quán ăn!

 

Trong đám đông người đến xem tranh, có một chàng trai trẻ đẹp trai khoảng 20 tuổi. Cậu thanh niên cảm thấy rất kinh ngạc, nhưng không hề nản lòng, ngược lại còn rất vui mừng. Cậu đột nhiên nhận ra rằng, nghệ thuật hội họa có thể có những cách thể hiện rộng lớn và mãnh liệt như vậy, thật tuyệt vời! Trong những ngày đó, cậu thanh niên dậy sớm đến trước bản phác thảo của hai bậc thầy để vẽ, suy ngẫm và quan sát, cho đến tận đêm khuya mới về. Mặc dù hai bậc thầy không trực tiếp dạy chàng thanh niên bất kỳ kỹ thuật vẽ nào, nhưng nhờ trí thông minh và tài năng phi thường, chàng trai trẻ đã học hỏi được rất nhiều từ cuộc chiến này! Những thành quả này cũng đặt nền tảng vô cùng quan trọng cho sự nổi tiếng của chàng trai ở thành Rome sau này. Chàng trai trẻ ấy là một trong ba nghệ sĩ vĩ đại nhất thời Phục hưng, được hậu thế tôn vinh là "Thánh vẽ tranh" - Raphael.

 

Sau khi hai bản phác thảo được chuyển lên tường, bản phác thảo gốc trên giấy không còn giá trị sử dụng. Do đó, những người có mặt ở đó đã tranh nhau cướp giật. Ôi chao, nếu ngày nay nhà ai có một bản phác thảo gốc của hai bậc thầy năm xưa thì đúng là phát tài!

 

Nhìn vào bản phác thảo, có thể thấy hai tác phẩm đều có sở trường riêng với khí chất hoàn toàn khác biệt. Mọi người đều cho rằng chỉ khi tác phẩm hoàn thành mới có thể phân định cao thấp. Tuy nhiên, một biến cố bất ngờ đã xảy ra ngay lúc này.

 

Đầu tiên, Leonardo da Vinci rất thích sáng tạo nên đã phát minh ra một loại vật liệu vẽ tranh tường mới, và cho rằng loại vật liệu mới này sẽ giúp màu sắc của tranh tươi sáng hơn, có thể bảo quản lâu hơn. Tuy nhiên, loại vật liệu mới này đã thất bại, khiến cho bức tranh nhanh chóng bị nứt. Leonardo da Vinci buộc phải bắt đầu lại từ đầu. Vào thời điểm đó, trước sự thách thức mạnh mẽ vị thiên tài trẻ tuổi, Leonardo da Vinci đã nảy sinh ý định bỏ cuộc!

 

Đồng thời, ở bên này, Michelangelo cũng gặp nhiều khó khăn. Dù sao, Michelangelo cũng giỏi về điêu khắc hơn. Ông chỉ học vẽ tranh tường một thời gian ngắn với thầy Ghirlandaio. Michelangelo cần thêm thời gian để xử lý màu sắc và làm chủ kỹ thuật.

 

Ngay lúc đó, Ludovico Sforza, Công tước Milan, người tài trợ cho Leonardo da Vinci vẽ bức tranh "Bữa tiệc cuối cùng", cảm thấy nhớ Leonardo da Vinci nên đã cử người đến Florence, mời Leonardo da Vinci đến Milan gặp mặt. Trong khi đó, Michelangelo cũng nhận được một lời mời quan trọng từ Giáo hoàng Julius II mới đắc cử!

 

 

Hình ảnh phục chế bức tranh nổi tiếng "Bữa tối cuối cùng" của Leonardo da Vinci (Do Gu Jin cung cấp)

 

 

 

Vì vậy, hai nghệ sĩ bậc thầy này đã sử dụng hai lý do trên để xin phép chính quyền Florence, nói rằng họ sẽ đi và quay lại ngay. Tuy nhiên, Leonardo da Vinci đã không bao giờ quay trở lại quê hương Florence. Michelangelo thì ngược lại, sau khi rời khỏi Florence lại nhanh chóng đạt đến đỉnh cao của lịch sử nghệ thuật!

 

Vì vậy, cuộc đối đầu đỉnh cao giữa hai vị đại sư đã kết thúc một cách dang dở!

 

 

 

Michelangelo bước lên đỉnh cao của lịch sử nghệ thuật

 

Vào tháng 2 năm 1505, Michelangelo, nghệ sĩ xuất sắc nhất châu Âu thời bấy giờ, đã đến Rome theo lời mời của Giáo hoàng! Tại đây, Michelangelo đã gặp người quan trọng nhất trong cuộc đời mình: Giáo hoàng Julius II. Cũng từ đây đã bắt đầu một giai thoại đầy "tình yêu và thù hận" trong lịch sử nghệ thuật! Lúc đầu, Giáo hoàng Julius II muốn xây dựng một lăng mộ to lớn đẹp đẽ cho bản thân, giống như các vị hoàng đế Trung Quốc.

 

Michelangelo vô cùng hào hứng khi nghe điều này. Lăng mộ ắt hẳn sẽ cần đến những tác phẩm điêu khắc, và đây là cơ hội tuyệt vời cho Michelangelo! Ngay lập tức, ông đã phác thảo một bản thiết kế vô cùng hùng vĩ. Người ta nói rằng trong bản kế hoạch của Michelangelo, có tới 40 bức tượng đá cẩm thạch, mỗi bức đều hoành tráng như tượng David! Vì vậy, một số người đã chế giễu rằng: "Chỉ tạc một tượng David thôi mà đã mất gần 4 năm. Bây giờ tạc 40 bức, vậy chẳng phải mất 160 năm hay sao?"

 

 

Sau đó, Michelangelo đã dùng số tiền mà Giáo hoàng cấp để đi khai thác một lượng lớn đá cẩm thạch chất lượng cao. Tuy nhiên, Giáo hoàng Julius II lại thay đổi ý định, không muốn xây dựng lăng mộ nữa mà chuyển sang giao cho Michelangelo vẽ tranh trần nhà nguyện.

 

Tất nhiên, trong quá trình này còn có rất nhiều sự kiện và khúc mắc, nhưng vì giới hạn thời gian, nên chúng ta sẽ bắt đầu từ việc Michelangelo vẽ tranh trần nhà nguyện.

 

Vào thời điểm đó, bên cạnh Giáo hoàng Julius II có một kiến trúc sư tài ba tên là Bramante, được Giáo hoàng vô cùng sủng ái. Bramante đang trong quá trình thiết kế và xây dựng Vương cung thánh đường St. Peter mới. Chính Bramante đã khuyên Giáo hoàng từ bỏ ý định xây dựng lăng mộ. Bramante nói rằng việc xây dựng lăng mộ cho bản thân khi còn sống là điều không may mắn. Do đó, Giáo hoàng Julius II đã quyết định hủy bỏ dự án xây lăng mộ.

 

Raphael và Bramante là đồng hương, hơn nữa Raphael lại có chỉ số EQ cao nên rất được mọi người yêu quý. Dưới sự giới thiệu của Bramante, Giáo hoàng Julius II đã giao cho Raphael chức vụ họa sĩ trưởng của cung đình, bắt đầu công việc vẽ tranh cho bốn căn phòng của Raphael.

 

Về sau, theo lời kể của chính Michelangelo, sự xuất hiện của ông đã trở thành mối đe dọa đối với Bramante và Raphael. Dưới sự xúi giục của Bramante, Giáo hoàng Julius II đã quyết định giao cho Michelangelo nhiệm vụ vẽ tranh trần nhà nguyện, vốn là lĩnh vực mà ông không giỏi, với mục đích thực sự là muốn khiến ông xấu mặt. Tuy nhiên, các nhà sử học sau này đều cho rằng, đây chỉ là lời nói một phía của Michelangelo. Hơn nữa, nhìn vào kết quả sau cùng, nếu không có Giáo hoàng Julius II kiên quyết ép buộc Michelangelo vẽ tranh trần nhà nguyện Sistine, thì thành tựu nghệ thuật và vị trí của Michelangelo trong lịch sử nghệ thuật sẽ giảm đi đáng kể!

 

 

Trần nhà nguyện Sistine - một kiệt tác có một không hai, làm chấn động cả thế giới

 

Nhà nguyện Sistine được Giáo hoàng Sixtus IV cho xây dựng trước đó để để làm nhà nguyện riêng cho mình. Kiến trúc sư chịu trách nhiệm thiết kế nhà nguyện đã lấy cảm hứng từ mô tả về Đền thờ Jerusalem trong Kinh thánh, với tỷ lệ chiều dài gấp 3 lần chiều rộng và chiều cao gấp 2 lần chiều rộng. Nhờ kết cấu kiên cố tựa như pháo đài, nhà nguyện Sistine sau này đã trở thành địa điểm chuyên dùng cho nghi lễ bầu chọn Giáo hoàng. Ban đầu, trần nhà nguyện được trang trí bằng những bức tranh đơn giản. Tuy nhiên, Giáo hoàng Julius II mong muốn thay thế bằng những tác phẩm nghệ thuật đẹp hơn. Thế nên đã để lại câu chuyện tiếp theo đây.

 

Vào một buổi sáng ảm đạm mùa xuân năm 1508, Michelangelo đứng một mình trong nhà nguyện Sistine. Nhìn lên trần nhà cao vút, ông không khỏi thở dài ngao ngán. Trước đó, Giáo hoàng Julius II, nhận thấy vẽ tranh không phải là sở trường của Michelangelo, nên đã dặn dò rằng: "Cứ vẽ đơn giản thôi, vẽ mười hai vị Thánh là được, không cần cầu kỳ".

 

Nhưng Michelangelo là Michelangelo! Làm qua loa cho xong, vốn dĩ không phải phong cách của ông! Hơn nữa, Bramante và Raphael còn đang chờ xem trò cười của ông. Tuyệt đối không thể để ai được cười nhạo. Đã nhận lời rồi thì nhất định phải tạo ra một tác phẩm xuất sắc nhất, như "Pieta" và "David" trước đây!

 

Ban đầu, Michelangelo còn gọi những người bạn cùng học vẽ ở xưởng vẽ của thầy Ghirlandaio đến phụ giúp. Tuy nhiên, ông nhận ra trình độ của họ quá yếu, hoàn toàn không giúp được gì nên đành cho họ nghỉ việc. Sau vài tháng đầu gặp nhiều khó khăn, loay hoay với màu vẽ, cọ vẽ, Michelangelo dần nắm bắt được kỹ thuật vẽ tranh tường ướt. Để thuận tiện cho việc sáng tác, ông còn sáng chế ra một bộ giá đỡ di động rất hữu dụng.

 

 

 

Ngày 1 tháng 2 năm 2021, một người đàn ông tham quan Nhà nguyện Sistine sau khi Bảo tàng Vatican mở cửa trở lại. (ANDREAS SOLARO/AFP qua Getty Images)

 

 

Vào đầu mùa thu năm 1508, sau khi hoàn thành phần phác thảo tổng thể, Michelangelo bắt đầu hành trình vĩ đại và vô cùng gian khổ này một mình!

 

Trần nhà nguyện Sistine dài 40 mét, rộng 13 mét, với diện tích hơn 500 mét vuông.

 

Sau bốn năm trôi qua, trên trần nhà rộng hơn 500 mét vuông, một kiệt tác có một không hai, làm chấn động cả thế giới đã ra đời!

 

Nhưng Michelangelo phải chịu đựng những khổ cực mà người thường không thể tưởng tượng được! Người ta nói rằng do vẽ tranh trong thời gian dài ngửa đầu, nhiều năm sau sau khi hoàn thành bức tranh, Michelangelo không thể cúi đầu bình thường. Một con mắt của ông gần như bị mù, răng cũng lung lay, cả người già đi hàng chục tuổi, chưa đầy 40 tuổi mà trông Michelangelo đã như ông lão 60 tuổi!

 

Hơn bốn trăm năm sau, ngày nay, những người từ khắp nơi trên thế giới đến Rome, đứng trong nhà nguyện và ngước nhìn lên đều không khỏi thán phục! Không ai có thể tưởng tượng được rằng bằng niềm tin kiên định vào Chúa, chỉ dựa sức lực của bản thân, Michelangelo đã chịu đựng những gian khổ và đau đớn mà người thường không thể tưởng tượng nổi, để hoàn thành nên điều kỳ diệu này!

 

Trong quá trình ông tạo ra điều kỳ tích ấy, còn có nhiều câu chuyện thú vị xảy ra, tôi sẽ kể cho các bạn nghe trong phần sau. Hơn nữa, sau khi hoàn thành bức tranh trần nhà, mối duyên của ông với nhà nguyện này vẫn chưa kết thúc. Hai mươi năm sau, Michelangelo lại nhận lời ủy thác của một vị Giáo hoàng khác, để lại kiệt tác: "Sự phán xét cuối cùng".

 

Bức tranh "Sự phán xét cuối cùng" của Michelangelo (Ảnh thuộc miền công cộng)

 

 

 

Mời quý độc giả tìm hiểu thêm cuộc đời đau khổ nhưng đầy vinh quang của thiên tài này trong phần tiếp theo!

Xem lại: Phần 1

 

Tổ chế tác chương trình “Đại thoại tây du” - Biên tập: Lý Hạo
Đức Nhân biên dịch (ntdvn.net)