Họa sĩ Rembrandt trở nên nổi tiếng vì một tác phẩm, nhưng ông cũng bị thân bại danh liệt vì một tác phẩm. (ảnh: nguồn tổng hợp)
Họa sĩ Rembrandt trở nên nổi tiếng vì một tác phẩm, nhưng cũng vì một tác phẩm mà thân bại danh liệt.
Trong lịch sử nghệ thuật, có rất nhiều người thành danh vì một tác phẩm, nhưng cũng có người bị hủy hoại vì một tác phẩm, ước chừng chỉ có một người duy nhất! Đó chính là họa sĩ Rembrandt!
Khi Rembrandt ra đời vào năm 1606, đó là thời kỳ hoàng kim của Hà Lan. Hà Lan lúc đó không phải là Hà Lan ngày nay. Khi đó nó được gọi là Netherland. Trên thực tế, tên chính thức của Hà Lan ngày nay vẫn là Netherland. Hà Lan là tỉnh lớn nhất trong số đó, sau này, sau khi Netherland độc lập với tư cách là một quốc gia, người ta dùng từ Hà Lan để gọi tên. Hơn nữa, do đường chân trời ở nhiều nơi nằm dưới mực nước biển nên người ta cũng quen gọi Netherland là quốc gia có vùng đất trũng! Đây là lý do tại sao người Hà Lan thích lấp biển đến vậy!
Gia đình Rembrandt kinh doanh cối xay, nền tảng gia đình khá giả. Vì vậy, Rembrandt đã nhận được một nền giáo dục văn hóa tốt trong quá trình trưởng thành của mình, đó cũng là nền tảng văn hóa để ông trở thành một bậc thầy hội họa sau này. Thuở nhỏ, Rembrandt là một thiếu niên thiên tài, người đã ghi dấu ấn trong làng hội họa ở quê hương mình từ rất sớm. Vì cái ao nhà quá nhỏ không lưu nổi chú rồng Rembrandt, đầu những năm 20 tuổi, để tìm kiếm sự phát triển, chàng thanh niên Rembrandt đã đến thành phố lớn nhất Hà Lan lúc đó là Amsterdam, cũng là thành phố sầm uất và thịnh vượng nhất châu Âu lúc bấy giờ.
Hà Lan vào thế kỷ 17 được mệnh danh là “Người đánh xe trên biển”. Người ta nói rằng trong những chiếc tàu buôn trên Đại Tây Dương, cứ 10 chiếc thì đã có 8 chiếc của người Hà Lan. Điều đó nghĩa là gì? Sự giàu có! Giai cấp tư sản mới nổi trở thành lực lượng trụ cột của xã hội Hà Lan lúc bấy giờ! Với sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp như măng mọc sau mưa, các hội nghề nghiệp khác nhau lần lượt được thành lập.
Người ta thường muốn làm gì khi có tiền nhỉ? À, học làm sang, học đòi phong nhã! Do đó, một điều rất thịnh hành lúc bấy giờ là các hội nghề nghiệp của các ngành nghề thích tìm họa sĩ để vẽ chân dung nhóm cho các thành viên trong hội của mình, giống như những bức ảnh tập thể ngày nay.
Vậy, phong cách chủ đạo nhất của ảnh chân dung là gì? Căn bản thì nó dài thế này, hoặc thế kia, vậy là được tính là tốt rồi! Nhưng dù sao thì tất cả đều giống nhau, nhân vật trong tranh thường nhìn chằm chằm vào người xem một cách ngây ngô.
Họa sĩ Rembrandt một bước trở nên nổi tiếng với bức ảnh “Bài học giải phẫu của Tiến sĩ Nicolaes Tulp”.
Lúc này, với tư cách là một họa sĩ mới, Rembrandt đã tạo dựng được chỗ đứng ở Amsterdam, nhưng cũng không tránh khỏi mong muốn được vẽ những bức tranh tập thể cho những hội này. Kết quả là chàng trai 26 tuổi Rembrandt đã trở nên nổi tiếng ở Amsterdam nhờ một bức tranh tập thể, trở thành họa sĩ giỏi nhất Hà Lan. Đó là bức gì vậy?
Ở Amsterdam bấy giờ có một bác sĩ phẫu thuật rất nổi tiếng tên là Tulp. Ông ấy nghe nói rằng Rembrandt vẽ rất tốt, vì vậy bác sĩ Tulp đã tìm gặp Rembrandt, giao cho ông vẽ một bức chân dung tập thể gồm có mình và các học sinh. Nhưng với tư cách là một bác sĩ địa phương giỏi nhất, Tulp hy vọng rằng bức tranh này có thể được vẽ khác đi một chút, như vậy mới có thể làm nổi bật địa vị cao quý của mình trong giới y học! Ông ấy hỏi Rembrandt: Này, ông có thể nghĩ ra cách nào để làm nổi bật tôi giữa đám đông không?
Rembrandt suy nghĩ một lúc và nói: Dễ mà!
Vài ngày sau, ông ấy đưa ra bức tranh này: Bài học giải phẫu của Tiến sĩ Nicolaes Tulp (Anatomy Lesson of Dr. Nicolaes Tulp), liệu nó có hoàn toàn khác với những bức trước không?
Ồ, nó sống động hơn nhiều, còn có cả tình tiết cốt truyện nữa, phải không? Tất cả các nhân vật trong tranh không còn nhìn chằm chằm vào người xem một cách ngớ ngẩn nữa, mà tất cả thể hiện ra một cốt truyện hẳn hoi.
Bức tranh “Bài học giải phẫu của Tiến sĩ Nicolaes Tulp” của tác giả Rembrandt
Trong bức ảnh, Rembrandt đã phá vỡ khuôn mẫu cấu trúc của bức tranh tập thể thông thường, ổn định bức tranh với bố cục tam giác xiên, và mạnh dạn đặt một xác chết ở vị trí sáng nhất phía trước. Xung quanh bóng tối bên trái của thi thể là một số học sinh tham dự buổi giảng. Họ đang chăm chú lắng nghe bài giảng của Tiến sĩ Tulp. Mặc dù chỉ có Tiến sĩ Tulp ở phía bên phải của ảnh, nhưng Rembrandt đã xử lý màu nền rất tối, điều này tạo nên sự cân bằng thị giác với bảy người tương đối sáng ở bên trái. Đồng thời, sự biểu cảm phong phú, tính cách khác biệt và tư thế sống động của các nhân vật rất ấn tượng và đối lập trên nền của cái xác lạnh lẽo nhợt nhạt đáng sợ này.
Có một góc nhỏ trong bức tranh rất thú vị. Anh chàng bên cạnh Tiến sĩ Tulp tuy không nghiêm túc lắng nghe bài giảng nhưng đang chăm chú nhìn bạn, trên tay cầm một tờ giấy, tờ giấy này rất quan trọng, trên đó có viết tên của chín người trong tranh.
Đợi đã, trong tranh rõ ràng chỉ có 8 người kia mà! Đúng, cộng thêm người chết đó chẳng phải là 9 sao!
Ồ, sự phác họa táo bạo và cách xử lý nhân vật phù hợp với cốt truyện đã tức khắc làm nổi bật Giáo sư Tulp giữa đám đông!
Giáo sư Tulp rất vui, ôi, bức tranh này, bức tranh này…., thật tuyệt vời! Vẽ thật cừ! Tôi sẽ điện thoại giới thiệu ông!
Trong phút chốc, những người giàu có ở Amsterdam đều biết đến tên của Rembrandt! Ông bỗng nổi tiếng trong một bước này, và trở thành họa sĩ danh vọng nhất ở Hà Lan! Đơn đặt hàng nhiều như hoa tuyết rơi, ông nhận nhiều học trò và mở phòng tranh riêng. Khi sự nghiệp cất cánh thì địa vị xã hội cũng phát triển theo, tựa như nước nổi thì bèo nổi vậy.
Rembrandt Van Rijn, bức tranh “Sự ném đá của Thánh Stephen” (The Stoning of Saint Stephen), Bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật ở Lyon, Pháp.
Bức “Vụ bắt cóc Europa” (The abduction of Europa) năm 1632 của Rembrandt được mô tả như một điển hình của “Thời kỳ vàng son” của hội họa Baroque.
Kết hôn với người đẹp quý tộc, hạnh phúc mỹ mãn gần 10 năm
Một ngày nọ, một người đàn ông tên là Hendrick Uylenburgh đã thực hiện một chuyến đi đặc biệt đến thăm Rembrandt. Ngài Handrick này không phải là một người bình thường, ông là nhà buôn tranh lớn và nổi tiếng nhất ở Amsterdam thời bấy giờ, khách hàng của ông đều là những người nổi tiếng và giới quý tộc trong xã hội thượng lưu Hà Lan. Ông rất ngưỡng mộ Rembrandt và muốn cô cháu gái xinh đẹp Saskia của mình kết hôn với Rembrandt.
Rembrandt đã rất vui khi nghe điều đó! Trở thành rể của nhà buôn tranh trứ danh này không chỉ giúp ích rất nhiều cho sự nghiệp của ông, mà ông cũng từng nghe nói đến nàng Saskia, không chỉ xinh đẹp mà còn xuất thân quý tộc. Một khi kết hôn với cô ấy, có thể bước vào xã hội thượng lưu và trở thành tầng lớp quý tộc được kính trọng! Chà, nghĩ đến đây thì Rembrandt có chút choáng ngợp rồi!
Hendrick mỉm cười nhìn vào ánh mắt trong sáng, bối rối và hơi khó xử người họa sĩ trẻ. Ông thực sự thích Rembrandt, chàng trai tài hoa và giản dị. Hendrick chăm sóc cháu gái từ nhỏ đến lớn, bố mẹ cô đã qua đời nhiều năm trước. Ông nhận đứa trẻ về bên mình nuôi nấng. Nhìn cháu gái lớn lên từng ngày, xinh đẹp và giỏi giang, trong tâm cũng cảm thấy vui vẻ yên tâm thay cho anh trai đã khuất, và nghĩ rằng nhất định phải tìm được một chàng trai tốt cho cháu mình.
Hendrick tình cờ biết Rembrandt. Sau nhiều lần dò hỏi, nghe nói người thanh niên này không chỉ có kỹ năng vẽ tranh tinh xảo, tài hoa tỏa sáng mà còn có nhân phẩm tốt, được dư luận khen ngợi. Vì vậy, hôm nay Hendrick trực tiếp đến xem thực hư thế nào. Ngay từ cái nhìn đầu tiên, ông đã rất hài lòng, và quyết định tác hợp cho đôi trai tài gái sắc này. Dưới sự sắp xếp cẩn thận của ông, vào một buổi chiều nắng đẹp, Rembrandt đã được gặp nàng Saskia van Uylenburgh nổi tiếng và xinh đẹp.
Hai người yêu nhau ngay từ ánh nhìn đầu tiên, chàng họa sĩ tài năng và cô tiểu thư nổi tiếng sớm nên duyên vợ chồng. Năm ấy, Rembrandt 27 tuổi, và Saskia 21 tuổi. Cha của Saskia đã để lại cho cô một gia sản phong phú, cuộc hôn nhân này đã giúp cho tiền tài và địa vị của Rembrandt tăng lên rất nhiều. Những người quyền quý hiển đạt càng tranh nhau kết thân khiến đơn đặt hàng tới tấp. Gia đình Rembrandt chuyển đến một căn biệt thự bốn tầng ở khu giàu có của Amsterdam, quãng thời gian ấy thật đúng là lên như diều gặp gió!
Họ trải qua những ngày tháng hạnh phúc mỹ mãn, thấm thoát cũng gần 10 năm. Đến năm 1642, khi Rembrandt 36 tuổi, chuỗi ngày vinh quang tưởng chừng như vô tận của Rembrandt bỗng dưng im bặt trong năm này! Và tất cả những điều xui xẻo này thực chất là do bức tranh tập thể mà ra! Chuyện gì đang xảy ra ở đây?
Người vợ yêu quý Saskia lâm bệnh.
Vợ của Rembrandt, nàng Saskia, giỏi mọi thứ, chỉ có một điều, ấy là nàng từ nhỏ đã ốm yếu. Họ sinh được bốn người con, cuối cùng chỉ có một người khỏe mạnh trưởng thành, và điều này khiến sức khỏe của vợ Rembrandt ngày càng giảm sút.
Những ngày đầu năm 1642, Saskia bị một đợt viêm phổi tấn công, lại ốm. Hơn nữa, lần này bệnh rất nặng. Nhìn thấy người vợ thân yêu ngày càng gầy gò trên giường bệnh, Rembrandt đau khổ nghĩ: Đây thực sự không phải là một dấu hiệu tốt.
Sau khi tiễn bác sĩ đi, người vợ chìm vào giấc ngủ sâu. Rembrandt một mình đi xuống phòng tranh ở tầng dưới, cố gắng gạt đi nỗi buồn và lo lắng trong tâm trí, ông vẫn còn rất nhiều đơn đặt hàng chưa hoàn thành, và tất cả cần hoàn tất càng sớm càng tốt. Vì chữa bệnh và thuốc thang lâu dài cho vợ, ngoài ra còn tiền trả góp cho căn biệt thự sang trọng này, cộng với vài khoản đầu tư không thành công trước đó, nên tình hình kinh tế hiện tại của ông không mấy khả quan. May mắn thay, sau khi giao vài đơn hàng trong tay, ví tiền eo hẹp có thể được giải quyết một chút.
Ngoài ra, Rembrandt đã nhận một đơn đặt hàng lớn vào năm ngoái, bây giờ sắp hoàn thành. Ông tự hào nhìn bức tranh khổ lớn trước mặt, thỏa mãn trầm ngâm.
Đây là đơn đặt hàng của một lực lượng dân quân ở Amsterdam. Nói về lực lượng dân quân này, hãy để tôi có vài lời.
Hà Lan đã lần lượt bị cai trị bởi nhiều thế lực khác nhau trong một thời gian dài, như gia tộc Habsburg, gia tộc Bourbon của Pháp, ngay cả Prussia cũng chộp lấy cơ hội đặt một chân vào đây! Vì vậy, người Hà Lan đã tổ chức rất nhiều lực lượng vũ trang dân sự tự phát. Ngày nay xã hội an lành, ấm no, không có trận chiến nào nữa. Nhưng, đàn ông mà, khi rảnh rỗi vẫn nhớ về khoảng thời gian oai hùng, vì vậy một số binh đoàn dân quân được thành lập, mọi người tập hợp lại với nhau, giải khuây thói quen chiến đấu năm nào. Tất nhiên, những nhóm người này không phải là dân quân thực sự.
Lần này tìm đến Rembrandt để vẽ tranh tập thể là một nhóm dân quân có tên là “Banning Kok”, vì trưởng nhóm dân quân này có tên là Frans Banning Kok, và các thành viên trong nhóm là chủ doanh nghiệp nhỏ có gia cảnh khá giả. Họ tham gia lực lượng dân quân này như một biểu tượng của danh dự.
Cách đây không lâu, họ đã gây quỹ xây dựng một đại sảnh nguy nga, đây cũng là đại sảnh lớn nhất và tráng lệ nhất thành phố lúc bấy giờ. Chắc chắn một bức tường tráng lệ như vậy không thể để trống được! Vì vậy, họ đã tìm đến Rembrandt. Mặc dù, phí của Rembrandt là đắt nhất ở Amsterdam vào thời điểm đó! Tất nhiên, Rembrandt cũng là họa sĩ giỏi nhất ở Hà Lan lúc đó!
Họ nói, tiền ư, không thành vấn đề, chúng tôi chỉ muốn ông vẽ cho chúng tôi một kiệt tác. Các thành viên trong nhóm cảm thấy rất vui khi nghĩ về bức tranh này! Trước hết, nó được vẽ bởi họa sĩ trứ danh Rembrandt. Thứ hai, sau vài năm, con cháu đời sau sẽ chỉ vào kiệt tác này và tự hào nói rằng: Con thấy không, người này là ông nội của ông nội của con đấy! Hồi đó, gia đình chúng ta cũng là một danh gia vọng tộc ở Hà Lan đấy!
Ý nghĩa của một kiệt tác hoàn toàn khác nhau trong suy nghĩ của những người khác nhau! Sau khi Rembrandt nhận được đơn đặt hàng này, ông ấy đã nghĩ một cách đầy tham vọng, thật tuyệt, lần này, mình muốn vẽ một tác phẩm hay nhất trong sự nghiệp nghệ thuật của mình, cũng là bức tranh đẹp nhất Châu Âu! Sau đó, đúng là Rembrandt đã làm được điều này. Tuy nhiên, điều đó chỉ được công nhận vào nhiều năm sau khi ông qua đời.
Lúc này, kỹ năng hội họa của Rembrandt đã đạt đến cảnh giới hoàn mỹ, cộng với kinh nghiệm sống phong phú, sự hiểu biết và biểu đạt nghệ thuật của ông đã đạt đến một cảnh giới hoàn toàn khác. Đơn hàng lần này đã cho ông một cơ hội lớn! Đầu tiên, kinh phí dồi dào, không có tiền thì đừng nói đến nghệ thuật. Thứ hai, quy mô lớn và có đủ không gian để sáng tạo. Một điểm nữa là các thành viên dân quân đã ngưỡng mộ tên tuổi của ông từ lâu, nên hoàn toàn không đề ra bất cứ yêu cầu gì về sáng tác của ông, cứ mặc ông tự sáng tạo và không câu thúc!
Chờ đã, điểm cuối cùng này thực sự chỉ là suy nghĩ một chiều về bản thân Rembrandt. Khi nhận nhiệm vụ, Rembrandt thậm chí còn không hỏi mọi người chính xác họ muốn bức tranh vẽ như thế nào. Và những người trong nhóm dân quân cũng không nghĩ rằng Rembrandt sẽ có bất kỳ vấn đề gì cả? Tranh tập thể ư, ông ấy đã vẽ rất nhiều rồi! Hiển nhiên là ông ấy biết vẽ như thế nào mà! Vậy đó, cả hai bên đều cho rằng đối phương đã hiểu mình nên vui vẻ thanh toán tiền đặt cọc và lần lượt ra về!
Chao ôi, từ xưa đến nay có quá nhiều bi kịch xảy ra do không nói rõ ngọn ngành rồi! Nhỏ thì như chuyện vợ chồng cãi vã và ly hôn; lớn thì như hai quốc gia bất hòa động binh đao! Thường thì do nguyên nhân không nói rõ mà ra!
“Tuần tra đêm”, một trong ba bức tranh sơn dầu lớn nhất thế giới.
Đơn đặt hàng của Rembrandt gần như đã hoàn tất, đợi sau khi giao hàng, không chỉ có thể nhận được khoản thanh toán cuối cùng khả quan, mà kiệt tác này sẽ đưa sự nghiệp của ông lên một tầm cao mới! Nghĩ đến điều này, lông mày của Rembrandt hơi giãn ra, ông leo lên giá vẽ và tiếp tục tập trung vào bức tranh!
Sau nhiều giờ làm việc cả ngày lẫn đêm, cuối cùng tác phẩm cũng hoàn thành! Đây là bức “Tuần tra đêm” (The Night Watch) nổi tiếng mà chúng ta sẽ xem ngay sau đây. Nó không chỉ là bức tranh kiệt xuất nhất của Rembrandt mà còn là một trong Ba bức tranh sơn dầu lớn nhất thế giới.
Ba bức tranh sơn dầu ấy là: Mona Lisa của Leonardo da Vinci, Las Meninas (Các thị nữ) của Diego Velázquez, và The Night Watch của Rembrandt.
Nào, đầu tiên chúng ta hãy nhìn vào bức tranh. Đây là một bức tranh sơn dầu rất lớn, 3,6 mét X 4,3 mét. Trong tranh, Rembrandt một lần nữa phá vỡ cấu trúc truyền thống để tạo ra một khung cảnh vô cùng kịch tính. Các nhân vật trong tranh đã sẵn sàng lên đường, như thể họ sắp ra trận để bảo vệ quê hương! Bối cảnh trong tranh có nhiều thay đổi phong phú, ánh sáng và bóng tối sống động. Các nhân vật trong tranh rất năng động và cá tính, nhìn kỹ từng nhân vật đều ở trong hoàn cảnh động, có sự tương tác hài hòa với nhau làm cho tổng thể bức tranh tràn đầy sức sống. Cấu trúc của bức tranh rất phức tạp và bố cục hoàn hảo. Đặc biệt, thủ pháp thể hiện ánh sáng và bóng tối đẹp nhất của Rembrandt, đạt đến trình độ tuyệt mỹ. Đây chính là kỹ thuật đỉnh cao của Rembrandt!
Rembrandt, “Tuần tra đêm” (The Night Watch), sơn dầu trên vải, sáng tác năm 1642, 3,6 mét X 4,3 mét, Bộ sưu tập của Rijksmuseum, Amsterdam, Hà Lan.
Bây giờ xem bức tranh này chắc chắn chúng ta sẽ trầm trồ khen ngợi, quá tuyệt vời, phải không? Tuy nhiên, ….
Khi nói đến tranh tập thể, có một điều rất quan trọng, ấy là mọi người trong tranh đều trả số tiền như nhau! Nói cách khác, không nhất thiết khuôn mặt của mọi người có cùng một kích thước, nhưng ít nhất khuôn mặt của tôi phải rõ ràng chứ, liếc mắt một cái là thấy ngay! Nếu không, vài năm sau, khi cháu tôi giới thiệu tôi với con cháu, căn bản nhìn không thấy mặt tôi, làm sao có thể chứng minh người trong tranh là ông nội của ông nội kia chứ?!
Vì vậy, dựa trên nguyên tắc này, chúng ta hãy xem lại bức “Tuần tra đêm”. Bạn thấy đó, có người chỉ có một bên mặt đại diện, còn khuôn mặt của người này bị cánh tay trực tiếp chặn lại, hoặc khuôn mặt của người kia tối tăm và mờ mịt không thể nhìn rõ được chút nào, còn khuôn mặt của người này được vẽ rất nhỏ, trông như một vai phụ ấy! Còn nữa, cô gái nhỏ này là ai? Cô ấy đã trả tiền chưa mà được vẽ vào đây?
Vì vậy, hãy thử nghĩ xem, nếu bạn là một nhà đầu tư vào thời điểm đó, bạn sẽ nghĩ gì? Chắc chắn bạn sẽ không bao giờ biết rằng bức tranh này sẽ nổi tiếng trong tương lai, nếu biết, chỉ cần bạn được vẽ vai phụ hoặc làm nền tô điểm thôi cũng đủ vui sướng mãn nguyện rồi! Nhưng tiếc là, trong đầu bạn lúc đó chỉ biết rằng mọi người đều trả số tiền như nhau, vậy tại sao lại vẽ tôi trông ngớ ngẩn như thế chứ?
Cho nên mới nói, kiệt tác ư, những người khác nhau có những định nghĩa khác nhau, đây chính là ý nghĩa của nó!
Nhiều người đã đến vào ngày công bố kiệt tác này. Những người dân quân gọi bạn bè đi cùng, reo hò ầm ĩ, và các nghệ sĩ khác trong thành phố cũng lần lượt đến tham dự. Tất cả đều muốn xem lần này Rembrandt sẽ ra mắt tuyệt tác gì.
Rembrandt hoan hỉ nâng bức màn lên, nghĩ rằng sẽ tiếp tục được chào đón bởi những tràng pháo tay và những lời khen ngợi nồng nhiệt của mọi người giống như trước đây. Nhưng, có chuyện gì vậy? Tại sao im lặng như vậy? Rembrandt băn khoăn quay lại nhìn đám đông.
Lúc này, họa sĩ Rembrandt rơi từ trên mây xuống vực thẳm: vướng vào kiện, vợ qua đời.
Khung cảnh im lặng như tờ, vẻ mặt của mọi người rất lạ! Đột nhiên, một tiếng phàn nàn xì xào vang lên từ trong đám đông: Sao mặt tôi đen thế này?
Một người khác buột miệng: Ừ, tại sao gương mặt tôi chỉ có một góc vậy?
Phải rồi, sao mặt tôi lại bị che khuất? Đúng đấy, tôi hoàn toàn không tìm thấy mình đâu cả! Thật không! Bức tranh này vẽ gì vậy?
Một trong số họ là một người bán thịt thô lỗ. Mới nhìn thấy bức tranh đã tức giận, giờ thì ai ai cũng phàn nàn. Kết quả là cơn giận càng bùng lên hơn. Có ai đó đã hét lên: Rembrandt, tất cả chúng tôi đều trả một số tiền như nhau, tại sao lại vẽ tôi nhỏ như vậy? Tại sao chỉ có hai người đứng ở giữa là có gương mặt to nhất và sáng nhất, hả!
Đúng rồi, đúng rồi, còn tôi nữa, còn tôi nữa! Trong chớp mắt, những lời khiếu nại vang lên tứ phía! Cũng có một số họa sĩ đồng nghiệp đến xem và cảm thấy rất phấn khích, bởi họ vốn dĩ ghen tị với tài năng và danh tiếng của Rembrandt.
Có người tiếp nối với cuộc tranh cãi trong đám đông: Bức tranh vẽ gì vậy?! Vẽ bình thường vậy mà thu mức thù lao đắt đỏ đến vậy à? Bảo ông ấy hoàn tiền đi!
Phải, hoàn tiền, hoàn tiền! Hoặc vẽ lại một bức mới!
Khuôn mặt Rembrandt đỏ bừng. Anh không mong đợi một kết quả như vậy chút nào. Rembrandt bỗng thấy xấu hổ và hoàn toàn rối tung lên. Anh tức giận nhìn những người trước mặt, cố trấn tĩnh rồi thốt lên: Đây là nghệ thuật! Mọi người này! Mọi người này! Mọi người không hiểu nghệ thuật chút nào! Tôi, tôi sẽ không vẽ lại!
Rắc rối rồi đây! Những người lớn tuổi của nhóm dân quân đã kiện Rembrandt ra tòa. Và, cuối cùng Rembrandt đã thua kiện.
Mọi chuyện xảy ra trên đời, phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí. Trong khi Rembrandt đang rối bời trong một vụ kiện, người vợ yêu quý của ông đã qua đời. Trong phút chốc, Rembrandt đột ngột rơi từ trên đám mây hạnh phúc xuống vực thẳm thê lương!
Trong tiểu sử của Rembrandt, có đoạn mô tả thế này:
Họ có một mối quan hệ rất tốt và đồng điệu, Rembrandt thường bảo vợ mình hóa trang thành nhân vật trong thần thoại Hy Lạp cổ đại và vẽ nàng ấy. Vì vậy, nàng ấy ra đi và để lại nhiều bức tranh do chính mình làm người mẫu, Rembrandt thường xuyên vuốt nhẹ các bức tranh và trầm tư một mình. Ông hồi tưởng lại khoảng thời gian đẹp đẽ khi hai người bên nhau.
Thời gian dần trôi, trong cuộc sống đơn độc, Rembrandt đã phạm một sai lầm, ấy là có mối quan hệ dan díu với một người giúp việc trong nhà. Thân là một nhà quyền quý mà để xảy ra chuyện này thì hẳn sẽ bị cả xã hội lên án.
Vậy là, chỉ sau một đêm, vết nhơ này đã quét sạch thanh danh của Rembrandt, và tất cả những gì may mắn của ông cũng biến mất. Vì mang tiếng xấu nên đơn đặt hàng của ông ngày càng ít đi. Hơn nữa, vì trước đây ông đã quen tiêu xài phung phí, chưa kể còn mua dinh thự, mua đồ cổ xa xỉ, và các loại đầu tư không đáng tin cậy. Do thu không bằng chi đã dẫn tới những khoản nợ khổng lồ đè nặng lên vai ông. Ông đành phải rời khỏi căn biệt thự sang trọng và chuyển đến sống trong khu bình dân.
Bất đắc chí, chán nản và tuyệt vọng, qua đời trong nghèo khó.
“Tuần tra đêm”, một kiệt tác hao tốn biết bao tâm huyết cuối cùng cũng bị xếp xó. Kể từ đó, cuộc sống của ông chìm trong chán nản, nghèo túng và bất đắc chí cho đến ngày qua đời.
Sau khi bức tranh này được phục chế một cách tỉ mỉ, nó đã được trưng bày trong Phòng trưng bày Quốc gia ở Amsterdam, Hà Lan, và trở thành một bảo vật quốc gia của đất nước này. Vào năm 2007, Hollywood đã ra mắt bộ phim “Night Watch” kể về những năm tháng thăng trầm trong cuộc đời của Rembrandt.
Có một điều nữa về Rembrandt mà bạn không nên bỏ qua. Ấy là Rembrandt bắt đầu tự vẽ chân dung của mình vào năm 20 tuổi, và tiếp tục cho đến khi ông qua đời, để lại hơn 100 bức chân dung tự họa trong suốt cuộc đời của mình.
Vào những năm đầu đầy tham vọng, phong cách chân dung của Rembrandt là như thế này. Nhìn xem, ông mặc một chiếc áo choàng lông thú đắt tiền, tay trái đặt nhẹ trên áo, ánh mắt tự tin và tự mãn nhìn ra ngoài bức tranh. Bạn có thấy giống ảnh bìa do tạp chí Time chụp cho những người thành công không?
Đây là bức chân dung tự họa của họa sĩ người Hà Lan Rembrandt van Rein vào năm 1633. Lúc này, họa sĩ còn trẻ và đắc chí, gia cảnh giàu có, nét bút và màu sắc tươi tắn, vui vẻ thể hiện trạng thái của bản thân lúc bấy giờ. Tác phẩm này hiện được trưng bày trong Bảo tàng Louvre ở Pháp.
Nhưng mà, sau năm 36 tuổi, mọi chuyện thay đổi thế này…
Đặc biệt là vào những năm cuối đời của Rembrandt, số phận vẫn chưa buông tha cho ông. Con trai duy nhất là Titus đã trưởng thành, sau khi kết hôn không lâu thì bạo bệnh qua đời, để Rembrandt gánh nỗi đau người tóc trắng đưa tiễn người tóc xanh. Thế rồi, ở nửa sau cuộc đời, chú Hendrick, người cùng ông chăm sóc cho Saskia cũng qua đời, để lại ông một mình nếm trải mùi vị cô độc và khốn khó.
Đây là bức chân dung tự họa của họa sĩ Rembrandt van Rein vào năm 1660. Lúc này họa sĩ đã già, do sự nghiệp không thuận lợi nên gia cảnh ngày càng nghèo, cuộc sống khó khăn, tác phẩm của ông không còn mịn, phẳng và tươi sáng nữa, màu sắc ngày càng đậm và nặng nề. Tác phẩm làm nổi bật thế giới nội tâm của họa sĩ và hoàn cảnh sống khó khăn lúc này. Tác phẩm này hiện được trưng bày trong Bảo tàng Louvre ở Pháp.
Vì vậy, những bức chân dung tự họa sau này không chỉ cho thấy kỹ năng tinh xảo hơn, mà hiện thực tàn khốc cũng tạo cho những tác phẩm này một sức mạnh xúc động nhân tâm. Chân dung của Rembrandt tại thời điểm này, ông bình tĩnh nhìn ra ngoài bức tranh với ánh mắt đầy bất lực và buồn bã. Đặc biệt là những bức chân dung tự họa trong những năm cuối đời của ông, những cảnh chiều tà hiu quạnh và những thăng trầm của nhân vật trong tranh không khỏi khiến người xem bùi ngùi.
Người ta nói, đã từng nếm trải nhiều biến cố, không thèm để mắt tới chuyện nhỏ nhặt. Trong những bức chân dung tự họa này, chúng ta thấy được sự lĩnh ngộ cuộc sống và đam mê nghệ thuật của một người nghệ sĩ già nua bị số phận dày vò, đây là sự lĩnh ngộ sâu sắc sau những bi thương và phồn vinh của cuộc sống!
Nhờ đó, những bức chân dung tự họa của ông được các thế hệ sau vô cùng kính trọng và trở thành một trong ba bức chân dung nổi tiếng nhất thế giới.
Rembrandt rất giỏi trong việc tạo ra một cấu trúc bức tranh ấn tượng, ông còn được các thế hệ sau gọi là bậc thầy về ánh sáng và bóng tối, khả năng xử lý và sử dụng ánh sáng và bóng tối của ông đã đạt đến một cảnh giới tuyệt diệu. Ngoài ra, các nhân vật trong bức chân dung của ông đều được dùng cách chiếu sáng để thể hiện ra đặc điểm khuôn mặt ba chiều, cấp độ nổi bật, thần mắt sắc nét và tính cách đặc biệt. Phương pháp chiếu sáng này được gọi là Rembrandt lighting! Nó vẫn được tôn trọng và sử dụng cho đến ngày nay, và khi bạn xem những người nổi tiếng chụp ảnh, chắc chắn sẽ có phong cách này!
Họa sĩ Rembrandt được công nhận là một trong những bậc thầy quan trọng nhất trong lịch sử nghệ thuật phương Tây. Như một nhà viết tiểu sử đã nói: Cuộc đời của Rembrandt giống như bước qua ánh sáng và bóng tối. Ông dùng cây cọ trên tay để vẽ bóng tối thành ánh sáng, chiếu sáng cuộc đời ảm đạm của mình. Nhờ đó, ông có thể đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật trong sự khó hiểu và trào phúng của thế nhân!
(ntdvn.com - Cao Nguyên Theo Epochtimes)