Có một câu nói nhưng nhiều dân tộc trên thế giới cũng chung ý tưởng, đó là “Nhất cử lưỡng tiện” (chữ Nho của Việt Nam) hoặc 一舉両得 (chữ Tàu) hay 一石二鳥 (chữ Nhật Isse ki ni chō), faire d'une pierre deux coups (Pháp), prendi due piccioni con una fava (Ý), và zwei Fliegen mit einer Klappe schlagen (Đức). Cùng ý này, tiếng nước ta còn có câu “Một công đôi việc” và Trung Quốc thì “Nhất tiễn song điêu” (一箭双雕), bắn một mũi tên chết hai con chim.

 

Câu nói này xem chừng đơn giản nhưng thực chất nó đã phát xuất từ những con người đầy mưu kế, lòng dạ ác hiểm chứ không hiền lành chân chất như dân miệt vườn chúng ta đâu. Có thể, câu nói “thâm ý” này hiện hữu từ khi con người xâu xé nhau, bên này muốn giành phần thắng bên đối nghịch, nên chỉ muốn làm một điều mà có thể hạ cả hai đối thủ; trong khi thực tế, bắn một mũi tên ra, dễ chi hạ được hai con chim cùng lúc. Hi hữu hoàn toàn hi hữu!

 

 


Thế nhưng, trong trận chiến của loài người, điều đó rất có thể. Lãnh tụ của một cường quốc ngày nay vẫn có thể ngồi rung đùi để xem hai quốc gia nọ choảng nhau chỉ nhờ một âm mưu xếp đặt (rồi từ đó tha hồ bán vũ khí). Xem ra, “Nhất cử lưỡng tiện” hay “Nhất tiễn song điêu” hoặc “Một công đôi việc” cho đến bây giờ vẫn còn áp dụng được, thì hỏi rằng cái thâm thúy của người xưa đâu thể xem thường.

 

Đối với người Trung Hoa, họ có một vài điển tích được “đặt ra” (hoặc thêu dệt) để vẽ vạch về nguồn gốc của câu “Nhất tiễn song điêu”, ghi chép trong sách Tùy Thư.

 

Câu chuyện thứ nhất kể về Trương Tôn Thịnh. Vào thời Bắc Chu, Khả Hãn Nhiếp Đồ nước Đột Quyết từng thỉnh cầu hôn sự với triều đình của một vị hoàng đế Trung Nguyên là Bắc Chu Tuyên Đế. Vì muốn an định biên cương phương Bắc, Tuyên Đế đồng ý gả Thiên Kim công chúa cho Nhiếp Đồ. Sau đó triều đình Bắc Chu đã tuyển lựa những võ tướng kiêu dũng làm sứ giả đi kết giao tình hoà hiếu. Trong đó Trương Tôn Thịnh (551 – 609) là vị tướng giỏi có tài cưỡi ngựa bắn cung, đặc biệt có kỹ thuật bắn tên vô cùng cao siêu, do đó cũng được tham gia vào đoàn người đi sứ.

 

Khi đến Hãn quốc Đột Quyết, Trương Tôn Thịnh đã làm vừa lòng Nhiếp Đồ Khả Hãn nên được Khả Hãn giữ lại bên mình một năm trời. Trong một lần ra ngoài đi săn, Khả Hãn thấy hai con đại bàng vừa bay vừa tranh đoạt đồ ăn. Ông bèn đưa cho Trương Tôn Thịnh hai mũi tên và yêu cầu anh hãy bắn hạ hai con đại bàng. Trương Tôn Thịnh giương cung lên, và chỉ cần một mũi tên bay mà bắn hạ được cả hai con đại bàng. Nhiếp Đồ Khả Hãn rất ưng ý, bèn lệnh cho các con và hoàng thân quốc thích trong triều hãy theo học kỹ thuật bắn tên của Trương Tôn Thịnh – một mũi tên hạ được hai con đại bang.

 

 

Câu chuyện thứ hai kể Lý Khắc Dụng. Thần Châu đại địa là vùng đất địa linh nhân kiệt, trong đó những bậc kỳ tài luôn được hậu thế tán thán. Thái Tổ thời Hậu Đường Lý Khắc Dụng chính là một người như thế, kỹ thuật bắn tên của ông thật vô cùng xuất sắc. Lý Khắc Dụng (856 – 908) mang họ Chu Da, là người sắc tộc Sa Đà. Vào những năm Trinh Quán triều Đường, tổ tiên khai thủy của ông là sứ quân Mặc Ly từng theo Đường Thái Tông đi chinh phạt Cao Ly và Tiết Diên Đà, đã lập không ít chiến công.

 

Khi vẫn chỉ là một cậu bé nhỏ tuổi, Lý Khắc Dụng luôn tỏ ra hứng thú với những cuộc đàm luận về chiến sự. Đến năm 12, 13 tuổi, cậu đã trở thành một tiểu dũng sĩ tinh thông cưỡi ngựa bắn cung. Năm 13 tuổi, cậu nhìn thấy đôi chim đang bay trên bầu trời, bèn giương cung bắn liên tiếp hai mũi tên, cả hai lần đều trúng đích khiến người thời đó kinh ngạc mãi không thôi. Năm 15 tuổi, Lý Khắc Dụng theo đại quân xuất chinh, các tướng sĩ gọi cậu là “phi hổ tử” (hổ biết bay). Người Thát Đát từng tỉ thí với cậu về kỹ thuật bắn tên, họ chỉ vào hai con đại bàng đang bay và thách rằng: “Ngươi có thể hạ chúng chỉ với một mũi tên không?”.

 

Muốn hạ hai con đại bàng thì không những cần một lực kéo cung rất lớn mới có thể khiến mũi tên bay cao đến thế, mà còn cần có tầm nhìn chính xác biết bao nhiêu mới có thể nhắm liên tục vào hai mục tiêu. Lúc đó cậu bé 15 tuổi Lý Khắc Dụng không hề nao núng, vẫn ung dung lấy cung dẫn tên, trong nháy mắt mũi tên liền bay vút lên không trung, hai con đại bàng lớn theo âm thanh của mũi tên bắn ra mà rơi xuống. Đám đông chứng kiến chấn động kinh hoàng, họ lần lượt quỳ xuống mà bái lạy.

 

 

Câu chuyện thứ ba, nói về Cao Biền.

 

Cao Biền sinh vào những năm đầu Trường Khánh thời nhà Đường (năm 821), ông nội của Cao Biền   tên là Cao Sùng Văn, là danh tướng thời Đường Hiến Tông. Những năm đầu Đường Ý Tông, Cao Biền thống binh phòng bị người Đảng Hạng và Thổ Phiên ở biên cương, được trao chức Thứ sử Tần Châu, sau nhậm chức Thị ngự sử, lại kiêm nhiệm chức Tư mã trong phủ Chu Thúc Minh. Ông là người tinh thông xạ tiễn, có khả năng “nhất tiễn song điêu”, được người đời xưng là ‘lạc điêu thị sử’.

 

Khi Cao Biền còn chưa nổi danh, vào một ngày nọ ông thấy hai con đại bàng bay cạnh nhau trên không, bèn nói rằng: “Nếu sau này ta có thể hiển đạt, thì lần này tất chỉ dùng một mũi tên mà đồng thời bắn hạ hai con đại bàng”. Vừa dứt lời, quả nhiên một mũi tên bắn đi là xuyên qua hai con đại bàng.

 

Người đương thời ca ngợi kỹ năng tuyệt nghệ của Cao Biền nên đã tặng ông xưng hiệu ‘lạc điêu thị sử’’.

 

Người Trung Hoa lý giải rằng, không chỉ riêng Cao Biền, Lý Khắc Dụng và Trương Tôn Thịnh, mà trong lịch sử có rất nhiều bậc kỳ tài đều mang trên mình  tuyệt kỹ “Nhất tiễn song điêu”. Người ta thường nói rằng những người có thiên mệnh đều được trao cho sở trường đặc biệt, và sở trường ấy không phải để họ phát tài, nổi danh, hay xưng hùng xưng bá, mà là để thực thi sứ mệnh của mình…(Tham khảo: “Tùy thư” quyển 51 và “Cựu ngũ đại sử” quyển 25)

 

Riêng người Việt, câu “Nhất cử lưỡng tiện” hay “Một công đôi việc” hoặc “ném 1 viên đá, chết 2 con chim” thường được dùng trong những tính toan vặt vãnh, trong giới quyền hành muốn hại người ngay. Thực ra thì, đa số người Việt mói chung chịu đựng cảnh “một cổ hai tròng” ấy mới phổ biến hơn! ª