(Dân Việt xin đăng bài “Đồng loại” của tác giả Thái Hạo, được tác giả viết trên trang facebook cá nhân tại địa chỉ : https://www.facebook.com/profile.php?id=100023975920044)

 

 

 

 

(Ảnh: Dân Việt sưu tầm, minh diễn)

 

 

 

 

 

 

Nhiều người hay trích câu nói của Karl Marx rằng “chỉ có con vật mới quay lưng lại với nỗi đau của đồng loại để nằm liếm láp bộ lông của mình”, nhằm vào phê phán sự vô cảm của những con người trong một cộng đồng trước bất công oan trái và khổ đau của nhau. Nhưng thật tình, tôi không thấy có con vật nào như lời ông Marx nói cả.

 

 

 

Tôi rất thích xem thế giới giới động vật, trong đó có những cảnh rình rập, săn đuổi, cắn xé; nhưng mỗi khi như thế, tôi lại luôn thấy những con vật yếu thế hoặc cảnh báo cho nhau, hoặc kêu toáng lên để cầu cứu cho nhau, hoặc xông vào để giải cứu. Tuyệt nhiên chưa từng thấy một con vật nào mà “nằm liếm láp bộ lông của mình” khi đồng loại bị ăn thịt cả.

 

 

 

Và cũng trong thế giới động vật, rất hiếm khi tôi thấy đồng loại hãm hại hay giết hại lẫn nhau; có thể có xung đột, chúng có thể đánh nhau nhưng một cách bản năng và bộc phát, rồi “đâu lại vào đó” ngay; không có chuyện mưu mô, đày ải, nô dịch, ác độc đối với nhau. Chúng có thể tranh giành thức ăn nhưng là thi thoảng, khi cái bụng đói cồn, cái đói đúng nghĩa đen, chứ không có chuyện tranh phần để để dành đến mức bức hại và tàn nhẫn với nhau như con người.

 

 

 

Con người hay mang con vật ra để miệt thị, sỉ vả nhau như “đồ súc vật”, “loại thú vật”… nhưng quả thật, tôi thấy con vật không nên bị coi thường và khinh bỉ đến thế. Chúng sống rất “thật thà”, chan hòa, chia sẻ, không mưu đồ, không táng tận, không ích kỷ chất cho đầy kho đầy lẫm rồi ra ngồi nhìn kẻ khác đói chết.

 

 

 

Chúng ta làm thơ, vẽ tranh, viết nhạc, suy tưởng, chúng ta làm “nhà giáo” đi dạy người, chúng ta mặc lên mình đủ bộ cánh lượt là nhưng chúng ta, chao ôi, chúng ta…

 

 

 

Đồng loại, hai tiếng ấy thật sự thiêng liêng trong thế giới của loài vật. Chúng quần tụ, bênh vực, san sẻ; chúng sống thật ấm áp và vô tư. Cái thuần phác nơi con người dường như đã mất, còn cái văn minh thì dường như đang là một cuộc tự huyễn, một tự huyễn vĩ đại. À, phải rồi, có lẽ cái tự huyễn ấy chính là thức ăn “bổ dưỡng” nhất của con người trong thời đại này chăng?

Thái Hạo