Tục ngữ Việt có câu “Già được bát canh, trẻ được manh áo mới”. Chẳng người cao tuổi nào mà không thích có bát canh ăn cho mát ruột, lại dễ trôi qua cổ; cũng như trẻ em khi được chiếc áo mới tức tốc mặc ngay, để ba chân bốn cẳng chay đi khoe.
Tuy thế, người mình cũng thường dặn nhau khi có áo quần mới thì hãy nhúng nước, vò sơ trước khi mặc. Nói là vậy, không một ai cắt nghĩa tại sao.
Ý tưởng này, cho đến ngày nay và ở đất nước chúng ta đang sốn cũng được áp dụng dẫu rằng có người nói “không còn thiết yếu như trước đây”.
Nhưng các chuyên gia về sức khỏe vẫn khuyến nghị giặt quần áo mới trước khi mặc để loại bỏ các chất gây kích ứng tiềm ẩn như thuốc nhuộm, hóa chất và vi khuẩn từ quá trình sản xuất và xử lý.
Theo đó, giặt quần áo mới đặc biệt quan trọng đối với những người có làn da nhạy cảm hoặc dị ứng, vì quần áo chưa giặt có thể gây phát ban hoặc các phản ứng khác.
Ngay cả những món đồ được dán nhãn "sẵn sàng để mặc" cũng có thể còn sót lại cặn bẩn hoặc đã được người khác thử, khiến việc giặt trước khi mặc trở thành một lựa chọn hợp vệ sinh.
Mặc một món đồ mới - dù là áo phông trắng tinh, váy suông thoáng mát hay quần jean hoàn hảo - có thể giúp chúng ta thêm tự tin. Nhưng sau khi cắt bỏ nhãn mác, chúng ta có thể tự hỏi liệu mình có cần giặt món đồ đó trước khi mặc hay không. Mặc dù một số quy tắc giặt giũ cũ vẫn còn đúng, nhưng thật khó để biết quy tắc nào bắt nguồn từ tính thực tế, và quy tắc nào vẫn tồn tại do thói quen hoặc lời khuyên từ thế hệ trước.
Ở đây, chúng ta sẽ xem xét kỹ hơn về quan niệm cho rằng tất cả quần áo mới đều phải được giặt trước khi mặc - và liệu quan niệm này còn xứng đáng có một vị trí trong thói quen giặt giũ hiện đại của chúng ta hay không.
Suy Nghĩ Việc Luôn Giặt Quần Áo Mới
Đối với một số người, việc giặt quần áo mới trước khi mặc gần như là điều không thể bàn cãi. "Quy tắc" giặt trước đặc biệt quan trọng trong quá khứ, khi quần áo thường được nhuộm và xử lý bằng các hóa chất ít được kiểm soát. Giặt trước khi mặc giúp loại bỏ bất kỳ dư lượng thuốc nhuộm, lớp hoàn thiện của nhà máy hoặc các chất lạ khác có thể gây kích ứng da hoặc dính sang các loại vải khác.
Hiện nay, lập luận về việc giặt quần áo mới xuất phát từ ý nghĩ “thà an toàn còn hơn hối tiếc”. Đây là một vài lý do chính đáng để áp dụng (hoặc duy trì) thói quen “giặt trước, mặc sau” này.
-Dư lượng hóa chất và lớp hoàn thiện vải: Để quần áo trông luôn mới trên kệ hoặc trong quá trình vận chuyển, các nhà sản xuất thường áp dụng các lớp hoàn thiện chống nhăn. Mặc dù những lớp hoàn thiện này giúp quần áo trông như vừa mới “ra lò”, nhưng chúng không nhất thiết phải thân thiện với da chúng ta. Việc giặt giũ giúp loại bỏ những chất này, và đặc biệt hữu ích nếu chúng ta có làn da nhạy cảm.
-Thuốc nhuộm chưa khô hoàn toàn: Vải denim tối màu, các sản phẩm sáng màu hoặc họa tiết in đậm thường bị lem màu trong quá trình giặt - và đôi khi, dính vào da hoặc đồ nội thất của chúng ta. Giặt sơ có thể giúp ngăn ngừa sự thể ố màu (ví dụ, thuốc nhuộm xanh dính trên ghế sofa trắng của chúng ta).
-Không phải lúc nào cũng biết quần áo “chu du” những đâu: Ngay cả khi một bộ quần áo trông có vẻ mới tinh, nó có thể đã trải qua một hành trình khá dài - từ xưởng sản xuất đến vận chuyển, từ kệ hàng và qua người mặc thử. Giặt nhanh đảm bảo sẽ có một khởi đầu yên tâm.
Giặt Sơ Có Thực Sự Cần Thiết Không?
Mặc dù đây đều là những lý do chính đáng để giặt quần áo mới, nhưng theo một số chuyên gia dệt may, việc này không còn đơn giản như trước nữa. "Những tiến bộ trong tiêu chuẩn sản xuất và thuốc nhuộm khiến quy tắc này không còn cần thiết đối với một số mặt hàng nhất định".
Theo chuyên gia may dệt và nghệ nhân Christina Argonish, nhiều loại quần áo sẽ được dán nhãn "đã giặt sơ" hoặc "đã xử lý co rút trước". Nếu đúng như vậy, quần áo có thể đã trải qua quá trình làm sạch để loại bỏ thuốc nhuộm dư thừa và làm mềm vải. Áo khoác ngoài do đó có thể bỏ qua bước giặt sơ tại nhà, tương tự như những loại có nhãn hướng dẫn sử dụng khuyến cáo không nên giặt khô hoặc chỉ giặt khô.
Tuy nhiên, đối với những loại quần áo nhuộm nhiều, đồ lót, đồ tập luyện hoặc bất cứ thứ gì ôm sát vào da, việc giặt sơ thường rất hữu ích. Bà Argonish cho biết: "Nếu bạn muốn chắc chắn rằng quần áo của mình sạch sẽ và nhãn mác ghi rõ là ổn, hãy giặt sơ." "Một số nhà sản xuất cũng sẽ dán nhãn quần áo của họ - đặc biệt là vải denim - khi khuyến nghị giặt trước."
Bà Karen Leonas, giáo sư khoa học tơ vải tại Đại học North Carolina (Hoa Kỳ), cho biết những hóa chất bao gồm chất hoạt động bề mặt, hóa chất tẩy trắng và chất bôi trơn hầu hết được sử dụng trong quy trình sản xuất đều được giữ lại trong vải, nhưng Giáo sư Leonas cho biết trong quá trình sản xuất, “có nhiều bước mà họ có thể thêm các hóa chất này, và đôi khi chúng sẽ bão hòa quá mức”. Những hóa chất và thuốc nhuộm bão hòa quá mức bám trên bề mặt vải chính là thứ chúng ta cần phải giặt sạch trước khi mặc quần áo mới.
Một số loại trong số đó, chẳng hạn như loại có lớp hoàn thiện chống cháy, chống nhăn và chống nước, chúng ta muốn giữ lại trên quần áo của mình. Chất lượng của quần áo sẽ quyết định liệu những hóa chất có lợi này có bị mất đi trong quá trình giặt hay không. “Nhưng thông thường, tất cả những hóa chất dễ dàng bám vào da hoặc quần áo khác này sẽ bị loại bỏ ngay trong lần giặt đầu tiên”, bà Leonas nói.
Một điểm khác nên nhớ, mua quần áo làm từ sợi tự nhiên không có nghĩa làkhông sử dụng hóachất nào trong quá trình sản xuất. Các nhà nghiên cứu ở Tây Ban Nha đã kiểm tra quần áo làm từ cả sợi tự nhiên và sợi tổng hợp để tìm sự hiện diện của formaldehyde, một trong nhiều hóa chất được sử dụng trong sản xuất quần áo. Mức độ được tìm thấy thấp hơn giới hạn tiêu chuẩn của Liên minh Châu Âu (EU), nhưng 5 trong số 12 loại quần áo được thử nghiệm, những loại làm từ bông hữu cơ có mức độ cao hơn bông thông thường. Tin tốt là sau khi giặt và kiểm tra lại, không có dấu vết của formaldehyde trong bất kỳ mẫu nào họ thử nghiệm.
Giáo sư Leonas cho biết việc giặt quần áo trẻ sơ sinh mới rất quan trọng, bởi vì da trẻ mỏng hơn da người lớn, và hóa chất có thể dễ dàng thẩm thấu hơn. “Thực ra, nghiên cứu ban đầu của tôi khi còn là nghiên cứu sinh tiến sĩ là về công nhân nông nghiệp và sự xâm nhập của thuốc trừ sâu qua quần áo của họ”, bà nói. “Và một trong những điều chúng tôi phát hiện ra trong những nghiên cứu đó là nông dân sẽ đến, bế con lên và ôm chúng, và người nông dân có thể không bị ngộ độc thuốc trừ sâu nhưng đứa trẻ sẽ bị ngộ độc vì thuốc trừ sâu đó vẫn còn dính trên quần áo.”
Cuối cùng, Giáo sư Karen Leonas không chỉ khuyên chúng ta giặt quần áo mới khi mang về nhà; ngay cả ga trải giường, bao gối và mền nên được xử lý tương tự trước khi chúng ta sử dụng lần đầu, cùng với khăn tắm và khăn mặt cũng vậy./.
MẸO GIẶT QUẦN ÁO MỚI
Cho dù chúng ta thuộc nhóm “luôn giặt trước” hay kén chọn hơn về việc nên cho quần áo nào vào máy giặt ngay, thì đây là cách để kết hợp những món đồ mới vào tủ quần áo một cách an toàn.
1.Giặt riêng quần áo tối màu và sáng màu (ít nhất là lúc đầu): Dù chúng ta thừa nhận rằng đôi khi chúng ta hay bỏ qua việc phân loại quần áo, nhưng chắc chắn chúng ta không muốn làm vậy với quần áo mới. Để tránh bị lem màu không mong muốn, hãy gộp chung các màu tương tự với nhau hoặc giặt riêng những món đồ có màu sắc rực rỡ.
2.Sử dụng nước lạnh: Nước lạnh giúp giảm phai màu, rất lý tưởng cho những lần giặt đầu tiên. “Giặt quần áo sáng màu bằng nước lạnh giúp ngăn ngừa phai màu trong quá trình giặt”, chuyên gia giặt giũ Dawn Arias- Spinelli chia sẻ.
3.Thêm giấm trắng: Trong số vô vàn công dụng của giấm trắng, nó có thể giúp quần áo sáng màu và khử mùi hôi mới (từ nhà máy) khi cho vào máy giặt.
4.Luôn kiểm tra nhãn hướng dẫn sử dụng: Một số loại vải - như lụa, len hoặc các loại vải pha trộn mỏng manh - cần được chăm sóc đặc biệt. Luôn đọc nhãn và xử lý từng món đồ cho phù hợp theo lời dặn của nhà sản xuất. ª