Có những nỗi nhớ nhung da diết nó cứ nằm miết trong tâm trí, không thể nào quên đi được dù muốn quên lắm luôn!
Một sự mất mát, hận thù, phản bội, bất trung, bất hiếu, phụ bạc, ruồng rẫy, lừa lọc, dối trá… sao cứ lảng vảng đâu đây… lúc cuộn sôi trong lồng ngực, lúc nóng bỏng trên hai lòng bàn tay… như thúc giục phải làm một cái gì đó.
Tại sao những điều đẹp đẽ, ơn huệ, dịu dàng, gắn bó, yêu thương, chia ngọt, sẻ bùi… chỉ tồn tại một thời gian chóng vắn?
Thì ra, đau đớn hay oán hận nó tạo vết hằn nơi tâm khảm, trong khi yêu thương bám hời hợt bên viền trái tim. Hời hợt như bụi, người ta phủi đi hay quên hẳn quá dễ. Vết hằn khắc sâu lấy chi mà tẩy xóa.
Nhưng, phải tìm ra phương thức quên đi nỗi nhớ để mà sống. Lời trong Kinh Thánh dạy rằng “Ví bằng anh em đang cơn giận, thì chớ phạm tội; chớ căm giận cho đến khi mặt trời lặn” (Ê-phê-sô 4:26), chí phải. Tuy nhiên, sao mà dễ quên đi được trước khi mặt trời lặn; ngược lại, tức giận kia tồn đọng gấp trăm lần thời gian đó!
Quên đi oán hận không dễ dàng đối với bất kỳ ai. Nếu oán hận mãi còn đó, mình sẽ ra sao? Tức giận hay trả thù? Cả hai đều tổn hại cho chính bản thân mình trước đã!
Các nhà tâm lý cho rằng nỗi đau về cảm xúc sẽ làm chúng ta gia tăng căng thẳng trong cuộc sống, làm mất đi niềm vui. Họ nói, cách tốt nhất để chữa lành vết thương là rút kinh nghiệm từ lần trước và tiếp tục tiến lên; nếu cứ suy nghĩ tiêu cực thì ngày càng đau đớn và bất lực mà thôi.
Nhiều lúc chúng ta tự hỏi “Sao điều tồi tệ này lại xảy đến với mình?”. Khi hỏi được vậy, chúng ta sẽ nhìn chung quanh và nhận ra rằng chẳng phải chỉ mình mình rơi vào hoàn cảnh đó. Mỗi người có mỗi cách giải quyết. Đâu là giải quyết tốt và mình thì sao? Từ đó, một suy nghĩ tích cực “Mình phải chọn một lối tốt hơn: Quên đi quá khứ”.
Nếu đối tượng gây cho mình nỗi nhớ cứ vướng vất trong tâm trí mình hay thực tế ở gần đâu đây – đôi khi còn đi chung đường, ngồi cùng một toa tàu điện. Khoảng cách này phải để giãn xa, chúng ta mới dễ quên đi được.
Đôi khi, không có cách nào để chúng ta xa lánh đối tượng, hãy xoay đổi suy nghĩ “May mắn chuyện tồi tệ ấy sớm xảy ra, nếu lâu hơn nữa, không chừng mình còn đau đớn, thiệt hại nhiều”! Một lời an ủi bản thân giúp nguôi ngoai phiền muộn.
Nhiều người cứ để sự buồn phiền, nỗi đau gặm nhấm tâm hồn, không thổ lộ cùng ai. Điều này cũng làm gia tăng mệt mỏi. Các chuyên gia tâm lý khuyên chúng ta nên tìm người dễ cảm thông và than quen để “xả bầu tâm sự”. Đừng cố che giấu cảm xúc oán hận, buồn phiền. Càng giữ kín, nó càng ám ảnh, Hãy bộc lộ ra ngoài cách tự nhiên thì việc quên đi không khó.
Ngồi mãi trong nhà, khư khư ôm tức bực, nỗi đau. Hãy ra ngoài: Nhìn cảnh trời bao la, xem sóng biển dạt dào, nghe chim hót, ngắm bông hoa tươi sắc, cây cỏ xanh mát… Một khung cảnh thanh bình làm dịu nỗi đau và thấy cuộc sống còn nhiều điều quý báu mình nên thụ hưởng lộc Trời ban. Cũng từ đó, mình thấy yêu đời và yêu bản thân.
Để mau quên và quên được điều phiền buồn bực, đừng khi nào mong chờ một lời xin lỗi. Nếu cứ suy nghĩ “Rồi họ cũng hối lỗi mà quay lại xin lỗi mình” thì buồn bực đó sẽ nằm trong tâm trí mình trải dài theo thời gian mình chờ đợi. Có được gì đâu! Không cần một lời xin lỗi, tâm trí sớm bình an.
Bị tổn thương nặng nề bao nhiêu, người ta dễ trở nên trầm cảm bấy nhiêu; thậm chí “xa lánh mọi người, không còn thiết sống”. Ít ai nghĩ đến việc chăm sóc bản thân tốt hơn, chung quanh còn nhiều người thật thà, quý mến để hàn huyên, thăm viếng. Hãy chủ động tạo lại niềm vui và sự thoải mái một cách đích thực chứ không phải “gượng cười”. Buồn kia lắng xuống, đời hết chông chênh.
Tùy theo khía cạnh của chuyện buồn phiền, tức bực hay oán hận mà chọn cho chúng ta một môi trường thích hợp để “sống lại”. Đôi lúc phải tạm rời ra địa phương và không gian nơi diễn ra cớ sự, tìm đến ở cạnh người thân. Chúng ta sẽ bớt cô độc và trống trải… điều tồi tệ tan biến dần!
Điều quan trọng nhất, đừng trăn trở, day dứt về điều mình cần loại bỏ. Chia sẻ nỗi đau của mình cách bình thường như những chuyện khác trong cuộc sống. Có nói ra được mới cảm thấy nhẹ bớt trong lòng. Hãy chăm sóc bản than, tận hưởng giây phút quý báu của cuộc đời mà mình được Trời phú cho để tạo nên cuộc sống có ý nghĩa và vui vẻ với nhiều người tốt chung quanh. Không thể bi quan như con chim một lần bị bắn hụt gặp cành cây nào cũng run sợ không dám đậu lại nhảy hót líu lo. Hãy quên đi nỗi nhớ để sống an vui./.
D. Đ (viết riêng cho Nam Úc & Dân Việt News)