(Theo SBS)

 

 

Hình ảnh một người cao niên đang bị ho. Ảnh: iStockphoto / Toa55/Getty Images/iStockphoto

 

 

Tình huống sặc xảy ra khi nước hay thức ăn lẽ ra đi vào thực quản để xuống dạ dày, thì do một lý do nào đó đi vào khí quản khiến người ta có phản ứng là ho hay sặc, để tống thức ăn hay nước ra ngoài. Đây là một phản xạ thường gặp ở mọi lứa tuổi, chứ không riêng gì giới cao niên. Thế nhưng một câu chuyện xảy ra bên Mỹ, khi vị cao tuổi bị mất chức năng 'sặc', do đó nước đi vào khí quản và xuống đáy phổi. Vậy làm thế nào biết được vị cao niên bị mất phản xạ 'sặc'?. Bác sĩ Brian Cung ĐìnhThanh Bình ở Sydney dành cho tiết mục Cao Niên Vui Sống buổi nói chuyện sau đây.

 

Vấn đề bị sặc là chuyện thông thường xảy ra chứ không nhất thiết ở giới cao niên, nguyên nhân là hệ thống tiêu hóa có chức năng là sau khi một người ăn xong, thì thức ăn qua miệng vào dạ dày.

 

Trước khi đi vào dạ dày thì thức ăn hay nước uống đi qua cuống họng, nơi có thực quản xuống dạ dày và khí quản đi vào phổi.

 

Sau khi ăn, có một nắp thanh quản đậy khí quản lại để tránh thức ăn hay nước đi vào phổi.

 

Người bị sặc khi thức ăn hay nước vì lý do gì đó lại đi vào khí quản, nên phản ứng lại bằng cách sặc hay ho.

 

 

Hình ảnh một người đàn ông lớn tuổi bị đau họng do một bệnh lý nào đó. Một triệu chứng bệnh tật nào đó của người già. Nguồn: iStockphoto / Hình ảnh chúng tôi tạo và hình ảnh thực tế/Getty Images/iStockphoto

 

 

Có 3 nguyên nhân dẫn đến sặc.
 

Trước hết là hiện tượng dạ dày trào ngược hay ợ chua hoặc ói và nếu chẳng may thức ăn lại đi vào khí quản thì cơ thể phản ứng bằng cách sặc để tống khứ ra.

 

Thứ hai là có thể nuốt nước miếng hay dịch trên mũi chảy xuống và có thể vào khí quản nên dẫn đến sặc. Được biết khi ăn hay uống, hệ thần kinh điều khiển khiến nắp thanh quản đóng lại. Người bị đột quỵ hay bị tổn hại hệ thần kinh trung ương khiến cho sự điều khiển bị rối loạn, nắp thanh quản không đóng lại như một phản xạ tự nhiên của người thường.

 

Thứ ba là khi dùng ống để bón thức ăn nên giúp bệnh nhân ăn từ từ, khi ống nầy được đặt vào khoang mũi chạy xuống thực quản, nên bệnh nhân dễ bị sặc nếu người bón thức ăn nhanh hay nhiều quá.

 

Nếu nghẽn khí quản do thức ăn quá lớn, người bệnh không phản ứng, có thể té ngất xỉu dẫn đến tử vong.

 

Thức ăn chạy vào phổi gây viêm hay xẹp một bên phổi.

 

Nhiều nhà hàng mang kéo cắt thịt thành những miếng nhỏ cho các vị cao niên, ngoài ra khi ăn không nên phân tâm cũng như cần ăn chậm rãi.

 

Tư thế ngồi ăn cũng quan trọng và cần phải ngồi thẳng, nếu bệnh nhân nằm trên giường, cần nâng đầu lên một góc 90 độ khi ăn.

 

Ăn xong nên ngồi nghỉ cho thức ăn tiêu hóa ít nhất 45 phút, trước khi quí vị cao niên nằm xuống.

 

Nguyên nhân việc có nước trong phổi khi uống nước là do hiểu lầm, vì nước trong phổi sinh ra giữa lồng ngực và màng phổi là do các nguyên nhân khác như suy tim, suy thận hay ung thư phổi.

 

Nếu vị cao niên bị sặc thường xuyên, bác sĩ sẽ giới thiệu đến chuyên khoa để theo dõi và xem xét việc ăn uống có vấn đề gì không.

 

Ngoài ra các vị còn được tập các động tác thể dục, cắt nhỏ thức ăn vân vân.

 

 

Một hình cao niên ngồi trên xe đẩy – Pixabay. Nguồn: Pixabay

 

 

Làm thế nào để biết được vị cao niên không sặc được?
 

Trước nhất là vị đó ho hoài và có thể là bị viêm khí quản.

Sau nữa là hay tằng hắng -clear the throat - như có cái gì ở trong cuống họng.

 

Thứ đến là hay ói mửa.

Sau cùng là có thể sưng phổi, khi bị sốt, khó thở hay thở khò khè.

 

 

Lời khuyên cho quí vị cao niên để đề phòng bị sặc khi ăn hay uống.
 

-Tránh phân tâm khi ăn uống.

-Cắt nhỏ thức ăn.

-Ăn uống chậm rãi.

-Trải bửa ăn từ 30 đến 45 phút, không vội vàng đút thức ăn cho bệnh nhân.

-Ngồi thẳng 90 độ và nếu nằm thì cũng nâng đầu lên một góc 90 độ.

-Ăn xong không nằm xuống ngay.

-Nếu dùng ống để tiếp thức ăn, nên tiếp chậm, sau 15 phút mới cho ăn thêm lần nữa.

-Nên uống nước bằng ống hút, nếu vị cao niên uống nước trực tiếp bằng ly hay tách hay bị sặc.

-Nếu bị sặc và khó thở, xin gọi xe cứu thương. Trong khi chờ xe đến, nên vỗ sau lưng bệnh nhân sặc vì đồ ăn thức uống có thể văng ra.

-Nếu ngất xỉu, nên đặt bệnh nhân nằm nghiêng, móc thức ăn bị sặc ra ngoài và hô hấp nhân tạo nếu có thể được.