Lãnh đạo Phe đối lập - ông Peter Dutton. Nguồn: AAP / aap
Ông Peter Dutton cho rằng việc cắt giảm số lượng du học sinh sẽ giúp người dân Úc “có thể mua nhà trở lại” nhờ vào việc giảm chi phí sinh hoạt. Tuy nhiên, Đảng Xanh và giới đại học đã kịch liệt chỉ trích kế hoạch này, cho rằng đây là hành động “đổ lỗi để đánh lạc hướng dư luận”.
Liên đảng sẽ cắt giảm khoảng 80.000 du học sinh đến Úc mỗi năm, với lý do nhằm giải quyết vấn đề khả năng mua nhà của giới trẻ Úc.
Lãnh đạo phe đối lập Peter Dutton đã thông báo vào ngày 6/04 rằng sẽ áp dụng mức trần khoảng 25 phần trăm đối với số lượng du học sinh được nhận vào các trường đại học công lập.
Liên đảng cho rằng mức nhập cư hiện tại là "không bền vững" và đang góp phần khiến nhà ở trở nên không thể chi trả.
Ông Dutton nói với báo giới tại thành phố Melbourne, rằng “Kế hoạch mà chúng tôi công bố hôm nay nhằm giúp người trẻ Úc sớm có nhà và đủ khả năng chi trả cho ngôi nhà đó”.
Kế hoạch của Liên đảng đối với du học sinh là gì?
Nếu được bầu, chính phủ Liên đảng sẽ cho phép ít hơn 30.000 du học sinh vào Úc mỗi năm so với kế hoạch của Đảng Lao động. Điều này sẽ đặt mức trần du học sinh hàng năm là 240.000 người.
Năm ngoái, Đảng Lao động công bố sẽ giới hạn số lượng du học sinh ở mức 270.000 người/năm bắt đầu từ năm 2025.
Phe đối lập ước tính mỗi năm sẽ có tối đa 115.000 du học sinh bắt đầu học tại các trường đại học công lập và tối đa 125.000 người theo học tại các cơ sở tư thục và các hình thức giáo dục khác như các khóa đào tạo nghề (VET).
Ông Dutton nói, “Chúng tôi cắt giảm nhập cư vì muốn đặt người Úc lên hàng đầu. Chúng tôi muốn người Úc có được nhà ở”.
Liên đảng cũng cho biết sẽ tăng lệ phí xin visa du học lên 5.000 đô-la đối với sinh viên quốc tế học tại nhóm 8 trường đại học hàng đầu (Group of Eight), và 2.500 đô-la đối với các du học sinh còn lại.
Sinh viên cũng sẽ phải trả khoản phí mới 2.500 đô-la nếu muốn chuyển đổi cơ sở giáo dục đang theo học.
Liên đảng cũng sẽ tiến hành xem xét lại loại visa cho phép sinh viên quốc tế sinh sống, học tập và làm việc tại Úc sau khi hoàn tất khóa học. Họ cho biết việc rà soát này nhằm giải quyết tình trạng “lạm dụng” visa như một cách để tiếp cận thị trường lao động Úc và làm bàn đạp để định cư lâu dài.
Dutton nói sinh viên sẽ tiết kiệm chi phí đi lại
Khi được hỏi việc giới hạn số lượng sinh viên – vốn chủ yếu ảnh hưởng đến khu vực đô thị – sẽ giúp gì cho những người mua nhà lần đầu ở vùng ngoại ô, ông Dutton trả lời rằng cam kết của Liên đảng trong việc giảm giá xăng dầu sẽ giúp sinh viên tiết kiệm chi phí đi lại.
Ông Dutton nói, "Nếu bạn phải ngồi xe một tiếng rưỡi mỗi ngày, dù là chiếc Mazda2 nhỏ hay một chiếc xe lớn tốn xăng, thì theo chính sách của chúng tôi, sinh viên đại học có thể tiết kiệm được khoảng hai bình xăng mỗi tuần,"
"Hai bình xăng một tuần – nghĩa là bạn có thể tiết kiệm khoảng 30 đô-la mỗi tuần. Đó là một khoản tiết kiệm lớn."
Ông cũng cho biết nhiều sinh viên đang mua nhà ở khắp các khu vực nội thành và ngoại ô, nhưng đang gặp khó khăn về nhà ở dưới thời chính phủ Lao động.
Liên đảng cho biết số lượng sinh viên quốc tế học tập tại Úc đã tăng từ gần 520.000 người vào năm trước kỳ bầu cử gần nhất lên hơn 850.000 người vào năm 2025.
Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây cho thấy sinh viên quốc tế "không phải là thủ phạm gây ra cuộc khủng hoảng thuê nhà ở Úc", và nhóm tác giả đã "bác bỏ giả định rằng sự gia tăng sinh viên quốc tế là nguyên nhân gây ra hoặc làm trầm trọng thêm khủng hoảng nhà ở tại Úc".
Đảng Xanh và các trường đại học chỉ trích kế hoạch của Liên đảng
Đảng Xanh đã lên tiếng chỉ trích kế hoạch của Liên đảng, cáo buộc đảng này đang “cố tình đổ lỗi” cho người nhập cư và du học sinh về cuộc khủng hoảng nhà ở và thuê nhà.
Phó lãnh đạo Đảng Xanh và phát ngôn viên phụ trách giáo dục đại học, bà Mehreen Faruqi, phát biểu, “Kế hoạch của Dutton nhằm cắt giảm số lượng sinh viên và tăng gấp ba lần lệ phí xin visa là một chiêu trò chính trị đầy tính chia rẽ, nhằm kích động nỗi sợ hãi và chia rẽ trước thềm bầu cử.”
Bà Faruqi cũng cáo buộc Đảng Lao động "là bên khơi mào cho làn sóng công kích sinh viên quốc tế" khi công bố kế hoạch giới hạn số lượng sinh viên vào năm ngoái.
“Sự thật đã rõ, bằng chứng đã có: sinh viên quốc tế không phải là nguyên nhân khiến giá thuê tăng vọt hay nhà ở trở nên không thể chi trả. Trách nhiệm thuộc về các chính phủ nối tiếp nhau đã không chịu đầu tư xây dựng đủ nhà ở công cộng và chỉ ưu tiên làm đầy túi các nhà đầu tư bất động sản giàu có.”
Phó lãnh đạo Đảng Xanh, bà Mehreen Faruqi, cáo buộc Liên đảng đang “đổ lỗi” cho người nhập cư và du học sinh. Nguồn: AAP / Bianca De Marchi
Trong khi đó, tổ chức Universities Australia cho rằng đề nghị của Liên đảng sẽ gây thiệt hại kinh tế và không giải quyết được cuộc khủng hoảng gia cư.
Giám đốc điều hành Luke Sheehy nói, “Sinh viên chỉ chiếm chưa đến 6% thị trường thuê nhà trên toàn quốc. Giải pháp thực sự là xây thêm nhà, không phải giảm số lượng sinh viên,”
“Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên xây dựng chính sách dựa trên dữ kiện, không phải sự đổ lỗi. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác để tìm ra giải pháp thực chất, nhưng những đợt cắt giảm như thế này chỉ khiến sự thịnh vượng của quốc gia bị tổn hại – vào đúng thời điểm mà chúng ta không thể để điều đó xảy ra.”
Bà Vicki Thomson, Giám đốc điều hành Nhóm Tám trường đại học hàng đầu (Group of Eight), cho biết kế hoạch của Liên đảng là “một chính sách sai lầm vào thời điểm sai lầm”, và việc đổ lỗi cho sinh viên quốc tế về khủng hoảng nhà ở là một lập luận “sai lệch”.
Bà Thomson nói, “Thật khó tin khi Liên đảng lại nhắm riêng vào Nhóm Tám – những trường đại học hàng đầu của Úc, tất cả đều nằm trong top 100 thế giới – những nơi thu hút những bộ óc xuất sắc nhất từ khu vực và toàn cầu.”
Hội đồng Kinh doanh Úc (Business Council of Australia) cũng cảnh báo rằng việc áp thêm giới hạn đối với sinh viên quốc tế sẽ tác động tiêu cực đến một trong những ngành xuất cảng lớn nhất của quốc gia.
SBS Việt Ngữ đã liên hệ với một số bạn du học sinh quốc tế tại Úc để lắng nghe cảm nghĩ của họ về vấn đề này.
Khi được hỏi: Bạn cảm thấy thế nào khi nghe tin chính phủ có kế hoạch cắt giảm 80.000 sinh viên quốc tế và tăng lệ phí xin visa. Bạn nghĩ gì về lý do mà chính phủ đưa ra – rằng điều này sẽ giúp người dân Úc có thể mua nhà trở lại?
Du học sinh Việt Bùi, đang sinh sống và học tập tại Melbourne trả lời:"Sinh viên quốc tế có thể là một trong những yếu tố góp phần làm tăng giá nhà tại Úc vì nhu cầu thuê nhà cao, tác động đến giá thuê và giá bán nhưng không phải là nguyên nhân chính. Việc chi phí sinh hoạt và giải nhà tăng còn phụ thuộc vào các chính sách kinh tế như lãi suất ngân hàng, chính sách nhập cư và đầu tư từ nước ngoài."
Bạn Việt Bùi cũng cảm thấy cộng đồng du học sinh đang bị coi là “vật tế thần” trong các vấn đề kinh tế – xã hội của Úc, và chính sách này có ảnh hưởng đến khả năng nhập học và kế hoạch chọn ngành, chọn trường cũng như trang bị tài chính, kinh tế kĩ lưỡng hơn. Việc được gia hạn visa và đi làm sau tốt nghiệp sẽ giúp bản thân áp dụng được những kiến thức vừa học và có thêm nhiều trải nghiệm mới tại Úc của bạn.
Một bạn du học sinh Việt Nam, Thảo Phùng, cũng đang đắn đo khi chính sách thay đổi liên tuc̣: ."Bây giờ luật về visa học ở Úc cứ thay đổi liên tục, nhất là visa việc làm sau khi học, tôi rất muốn đến Úc du học nhưng điều này làm tôi đắn đo."
Dù chính phủ Liên đảng khẳng định kế hoạch cắt giảm sinh viên quốc tế là cần thiết để giải quyết khủng hoảng nhà ở và giảm áp lực chi phí sinh hoạt, nhiều ý kiến từ giới chuyên gia, các trường đại học, doanh nghiệp và bản thân du học sinh lại cho thấy một bức tranh khác — nơi những con số, chính sách và cảm xúc đan xen nhau. Trong khi cuộc tranh luận vẫn tiếp diễn, một điều rõ ràng là: sinh viên quốc tế không chỉ là những người học tập ở Úc, họ còn là một phần không thể tách rời của xã hội, kinh tế và tương lai của quốc gia này.