Nhóm Đảo Island do tư nhân sở hữu. Ảnh: conflictislands.com

 

THÁI BÌNH DƯƠNG - Quần đảo thuộc về một doanh nhân người Úc, tại Papua Tân Guinea, chỉ cách vùng biển san hô Coral Sea của Úc khoảng 300 hải lý, và chỉ cách Cairns khoảng 944 cây số, có thể sắp bị bán cho Trung Quốc. Doanh nhân Úc sở hữu chuỗi quần đảo này đang đề nghị chính phủ Úc mua lại vì ông lo ngại hòn đảo chiến lược sẽ là hiểm hoạ an ninh với nước Úc.

 

-Một doanh nhân Úc chuẩn bị bán một chuỗi gồm 21 hòn đảo san hô, tức quần đảo Conflict do ông sở hữu, nằm cách Cairns chỉ khoảng hơn 900 cây số về phía đông bắc - cho các nhà đầu tư Trung Quốc đang ngắm nghé mua lại với giá cao.

-Chính phủ Úc đã đấy vấn đề sang Papua Tân Guinea, cho rằng đây là chuyện mà nước này phải can thiệp chứ quần đảo không thuộc vùng biển Úc.

-Ông Albanese nói người đóng thuế Úc không đủ khả năng mua tất cả các hòn đảo tư nhân trong vùng Thái Bình Dương để bảo vệ an ninh cho nước Úc.

 

Ông Ian Gowrie-Smith, là một doanh nhân Úc đã nghỉ hưu, từng tham gia vào các liên doanh dầu khí, khai thác mỏ và dược phẩm trong nhiều thập kỷ.

 

Ông là chủ sở hữu Quần đảo Conflict tại Papua Tân Guinea, nằm giữa vùng biển Solomon và vùng biển San hô Coral Sea, chuỗi đảo nhỏ này là nơi sinh sống của 30 cư dân thường trú, bao gồm một khu bảo tồn rùa biển, một khu nghỉ dưỡng nhỏ và theo lời ông Ian Gowrie-Smith, có đủ đất để xây một đường băng chiến lược dài 3.000 mét.

 

Ông Gowrie-Smith xác nhận với Đài số 9 là người đại diện của ông đang nói chuyện với người mua Trung Quốc về thương vụ tiềm năng này.

 

Ông đã đề nghị đàm phán với chính phủ Úc về việc bán quần đảo này cho chính phủ với mức giá giảm (25 triệu đô la Mỹ, tức khoảng 36 triệu đô la Úc), do ông lo lắng những tác động tiềm tàng về an ninh quốc gia, nếu quần đảo này trở thành một căn cứ của Trung Quốc, đặt ngay bên cạnh tuyến đường vận chuyển hàng hoá tây bắc quan trọng.

 

Các chính trị gia Úc mới đây đã bày tỏ sự quan ngại nghiêm trọng về thỏa thuận an ninh mới của Trung Quốc với chính quyền Quần đảo Solomon, có thể bao gồm những sự dàn xếp căn cứ quân sự cho lực lượng an ninh Trung Quốc.

 

Quần đảo Conflict thậm chí còn gần hơn, chỉ cách khoảng 300 hải lý, và ông Gowrie-Smith lo ngại tại sao chính phủ Úc vẫn không quan tâm đến việc đưa ra một thỏa thuận để quần đảo này được chính phủ Úc sở hữu.

 

Bất kỳ sự hiện diện nào của Trung Quốc tại Quần đảo Conflict sẽ phải nằm dưới sự quản lý của chính quyền Papua Tân Guinea; trong khi đó Trung Quốc là khách hàng lớn nhất của Tân Guinea về xuất cảng tài nguyên thiên nhiên và hai quốc gia này gần đây đã thảo luận về một thỏa thuận thương mại tự do.

 

Trung Quốc có lịch sử xây dựng các căn cứ quân sự trên các hòn đảo thuộc Biển Đông, ban đầu xây dựng chúng như các cơ sở dân sự, sau đó triển khai hệ thống phòng không và hoả tiễn kiên cố.

 

Hải quân Trung Quốc cũng được cho là đang theo đuổi một thỏa thuận xây dựng địa bàn tại Căn cứ Hải quân Ream của Campuchia, nơi đây từng là địa điểm đầu tư viện trợ quân sự của Mỹ.

 

Tham vọng của Bắc Kinh mở rộng đến các hòn đảo chiến lược ở Nam Thái Bình Dương xuất hiện từ tháng 6/2022, khi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã tiến hành một chuyến công du lớn viếng thăm một loạt các quần đảo Solomon, Fiji, Kiribati, Samoa, Tonga, Vanuatu, Papua New Guinea và Timor-Leste để thông báo về "kế hoạch không gian biển". Nếu được chấp nhận, kế hoạch này sẽ mang lại cho Trung Quốc một vai trò lớn hơn trong các vấn đề hàng hải khu vực - nhưng lời đề nghị của Trung Quốc đã bị bác bỏ.