Một logo in trên áo thun có nội dung 'Tiếng nói Makarrata' tại một cuộc họp báo sau khi đưa ra dự luật thành lập cơ quan Tiếng nói của Thổ dân và Dân đảo Torres Strat tại Hạ viện tại Tòa nhà Nghị Viện ở thủ đô Canberra, Thứ Năm, ngày 30 tháng 3 năm 2023. (Hình ảnh AAP/Lukas Coch) KHÔNG LƯU TRỮ Nguồn: AAP / LUKAS COCH/AAPIMAGE

 

 

Một dự luật cho cuộc trưng cầu dân ý về Tiếng nói của người Thổ dân trước Quốc hội đã được trình tới Hạ viện ở Canberra. Dự luật thay đổi Hiến pháp nếu được thông qua sẽ cho phép tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý để mọi người bỏ phiếu về việc có ghi vào Hiến pháp điều luật Tiếng nói của người Thổ dân trước Nghị viện và đồng thời chính thức công nhận Thổ dân và Cư dân Đảo Torres Strait là những người Úc đầu tiên.

 

Cuộc cuộc vận động và nỗ lực kéo dài đã đến một thời điểm quan trọng : trưng cầu dân ý quốc gia về việc người Thổ dân được có ý kiến trong những vấn đề liên quan đến họ trước Quốc hội.

 

Dự luật đề ra những thay đổi qua đó cho phép tiến hành cuộc trưng cầu dân ý về Tiếng nói trước Quốc hội Voice to Parliament. Dự luật này đã được trình lên quốc hội vào hôm Thứ Năm, 30 tháng 3 và đã thu hút sự hoan nghênh nhiệt liệt từ các nghị sĩ chính phủ và tràng pháo tay từ những người đang có mặt tại các hành lang trưng bày quanh phòng họp ở phía tầng trên.

 

Tổng trưởng Thổ dân Nội Vụ Linda Burney nói rằng việc đưa ra dự luật là một sự kiện "làm nên lịch sử" và một chiến dịch giáo dục cộng đồng sẽ bắt đầu vào tháng Năm.

"Sẽ có một ngân khoản dành riêng cho một chiến dịch trung lập về giáo dục công dân. Chiến dịch đó sẽ bắt đầu vào tháng Năm nhằm bảo đảm các cộng đồng trên khắp nước Úc đều hiểu rằng chúng ta có hiến pháp. Bạn thay đổi hiến pháp như thế nào? Thế nào là một cuộc trưng cầu dân ý và tất nhiên là tầm quan trọng của cuộc trưng cầu dân ý này."

 

Tổng chưởng Tư pháp Mark Dreyfus là người đã giới thiệu luật này trước quốc hội vào hôm thứ Năm, 30/3.

 

Ông nói rằng dự luật, cũng sẽ bao gồm việc ghi vào Hiến Pháp công nhận những người Thổ dân và dân đảo Torres Strait là những người Úc đầu tiên, và việc 120 năm người bản địa bị loại trừ trong tài liệu thành lập của Úc cũng sẽ được sửa chữa .

"Sửa đổi hiến pháp trong dự luật này sẽ điều chỉnh chi tiết hơn 120 năm người bản địa đã bị loại trừ trong các điều khoản của tài liệu pháp lý về việc sáng lập của Úc. Hiến pháp chưa bao giờ công nhận người Thổ dân và người dân đảo Torres Strait là Dân tộc đầu tiên của quốc gia này. Họ không được đại diện trong hiến pháp và các công ước dẫn đến việc thành lập Liên bang."

 

Ông Dreyfus nói thêm "chúng ta đang thất bại" trong vấn đề thu hẹp khoảng cách về bất bình đẳng với người Úc bản địa, bất chấp phán quyết Mabo và Lời xin lỗi đối với các thế hệ bị đánh cắp.

"Người Thổ dân và dân đảo Torres Strait vẫn phải đối mặt với những khoảng cách đáng kể về tuổi thọ và trình độ học vấn. Bất chấp những cam kết giảm bớt số người người Thổ dân và người dân đảo Torres Strait trong hệ thống nhà tù hình sự, họ vẫn là nhóm dân có nhiều người bị giam giữ nhất trên hành tinh. Trên tiến trình hiện tại của chúng ta, khoảng cách sẽ không được thu hẹp vào năm 2030. Và cũng theo tiến trình này thì cho hết cuộc đời của chúng ta nó cũng sẽ không được thu hẹp."

 

Đối với những người ủng hộ Voice ở Canberra, đó là sự thừa nhận rằng họ sẽ cần phải làm việc chăm chỉ để thuyết phục được những cử tri có thể vẫn đang còn hoài nghi.

 

Nathan Appo từ Institute of Urban Indigenous Health - Viện Sức khỏe Bản địa Đô thị cho biết họ cũng sẽ phải tránh lan truyền thông tin sai lệch về Tiếng nói Voice to Parliament.

"Chúng tôi sẽ có trách nhiệm thực sự để có thể có các cuộc trò chuyện và tranh luận có ý nghĩa xung quanh vấn đề này và bảo đảm rằng không có thông tin sai lệch nào đưa tới cho người dân của chúng tôi và cộng đồng rộng lớn hơn."

 

Lãnh đạo phe đối lập Peter Dutton đã vắng mặt đáng kể trong buổi giới thiệu dự luật.

 

Đảng của ông đã làm dấy lên mối lo ngại về làn sóng kiện tụng và mức độ quyền hạn của Tiếng nói.

 

Phát biểu với Radio 2GB, ông Dutton bày tỏ mối quan ngại của mình.

"Nếu nó kết thúc ở Tòa án Tối cao trong nhiều năm nếu nó làm chậm bộ máy của chính phủ, vốn đã đủ chậm rồi, nếu nó làm tăng thêm hàng tỷ đô la, vào chi phí kinh doanh, thì tất cả những điều đó sẽ chuyển đến tay người nộp thuế.”

 

Nghị sĩ Đảng Tự do Karen Andrews cáo buộc Thủ tướng Anthony Albanese cố gắng lôi kéo người dân bỏ phiếu.

"Tôi nghĩ rằng còn lâu Thủ tướng mới có thể trả lời câu hỏi về chi tiết, và nếu không có đủ thông tin chi tiết thì người Úc không thể xác định liệu họ có ủng hộ Tiếng nói và Chính phủ hay không. Thủ tướng cần ngừng coi thường những người đặt câu hỏi chính đáng về Tiếng nói."

 

Dự luật hiện sẽ được chuyển đến một ủy ban lựa chọn chung để xem xét kỹ lưỡng, với một báo cáo sẽ được đưa ra vào tháng Năm.

 

Tổng trưởng Thổ dân Sự vụ, Linda Burney, để ngỏ khả năng sửa đổi dự luật.

"Điều quan trọng là chính phủ rất cởi mở và nhận thấy quy trình của ủy ban là vô cùng quan trọng đối với việc mọi người có tiếng nói về luật pháp. Rõ ràng sẽ có một báo cáo được đưa ra và chúng tôi sẽ tiếp thu sau khi nhận được báo cáo hoàn thành đó."