Một hình ảnh trên mạng xã hội. Ảnh: Flickr

 

 

Nghiên cứu mới từ dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần Headspace cho thấy những người Úc trẻ tuổi gặp phải những vấn đề nhức nhối liên quan đến mạng xã hội, họ gặp khó khăn trong việc cai nghiện mạng xã hội, mà một trong những nguyên nhân chính là nỗi sợ bị bỏ lỡ mất một chuyện gì đó, còn gọi là FOMO. Khảo sát Sức khỏe Tâm thần Thanh niên Quốc gia của Headspace cho thấy cứ ba thanh niên Úc thì có một người bị nghiện mạng xã hội, và 51% số người được hỏi muốn thoát ra khỏi mạng xã hội thường xuyên hơn nhưng họ cảm thấy bị áp lực vì phải theo kịp các xu hướng, tin tức và chính trị diễn ra trên đó.

 

Trong một chu kỳ tin tức 24 giờ và với các tin đồn được truyền qua không gian mạng mỗi giây trong ngày, thật khó để có thể thoát ra khỏi sự kết nối.

 

Nghiên cứu mới từ dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần Headspace cho thấy những người Úc trẻ tuổi gặp vấn đề với mạng xã hội và họ khó có thể cai nghiện mạng xã hội, vì sợ sẽ bị bỏ sót một tin gì đó trên mạng, còn gọi là triệu chứng FOMO.

 

Khảo sát Sức khỏe Tâm thần Thanh niên Quốc gia của Headspace đã phỏng vấn 3.107 người Úc trong độ tuổi từ 12 đến 25 tuổi.

 

Kết quả cho thấy cứ ba thanh niên thì có một người bị ghiền mạng xã hội, trong khi đó 51% số người được hỏi cho biết họ muốn thoát ra khỏi mạng xã hội thường xuyên hơn nhưng họ cảm thấy áp lực phải theo kịp các xu hướng, tin tức và chính trị đang diễn ra trên mạng.

 

Quyền Trưởng khoa Lâm sàng tại Headspace, Nicola Palfrey, giải thích về mối quan hệ xấu xí giữa người trẻ tuổi và mạng xã hội là như thế nào.

"Vấn đề xảy ra khi họ xem các nội dung gây khó chịu hoặc làm họ đau buồn, hoặc các nội dung khiến họ cảm thấy tồi tệ khi so sánh với bản thân mình, và cảm thấy mình không thuận lợi như những người có vẻ như đang sống theo một lối sống nào đó, hoặc có một góc nhìn nào đó phù hợp theo kiểu mạng xã hội. Vì vậy, khía cạnh bất lợi của mạng xã hội là khiến mọi người cảm thấy tồi tệ về bản thân, khiến họ sợ hãi hoặc khó chịu, hoặc ngăn cản họ tham gia vào các hoạt động ở bên ngoài vốn sẽ mang lại cho họ những điều tốt đẹp hơn, chẳng hạn ra ngoài tập thể dục hay ngủ đủ giấc."

 

44% số người được hỏi trong cuộc khảo sát của Headspace tin rằng nội dung họ thấy trên các nền tảng truyền thông xã hội là tiêu cực nhiều hơn là tích cực.

 

Một nghiên cứu khác, được gọi là Dove Self-Esteem Project, được công bố hồi tháng 4, cho thấy - trong số 1.000 thiếu nữ từ 10 đến 17 tuổi – thì 9/10 em nói rằng càng tiếp xúc với nội dung làm đẹp trên mạng xã hội, càng khiến các em cảm thấy mình xấu xí hơn.

 

Tuy nhiên, cũng nhóm này cho rằng mạng xã hội mang lại lợi ích, có 79% các em nói khi ở trên mạng xã hội, các em mới được là chính mình.

 

Bà Palfrey nói những người trẻ tuổi thường cảm thấy có quyền năng khi được tự do lựa chọn thông tin và quyền tự chủ khi truy cập các kênh khác nhau trên mạng.

“Cứ 10 người thì có 4 người nói họ cảm thấy quyền năng của họ mạnh hơn khi lên mạng. Vì vậy, như bất kỳ ai trong chúng ta đều biết, trên mạng xã hội, luôn có sự cân bằng và những người trẻ tuổi đang tìm kiếm các kinh nghiệm có thể thực sự hữu ích cho họ ở trên đó, và họ cảm thấy có quyền tự quyết định và có thể được kết nối với các vấn đề mà họ quan tâm, cũng như với các nhóm thanh niên khác mà họ có thể đồng cảm, vốn không thể tiếp cận được trong cuộc sống thực. Đó là lợi ích của mạng xã hội.”

 

hững lợi ích này cũng được tìm thấy trong nghiên cứu của Paul Byron, giảng viên cao cấp về truyền thông xã hội và kỹ thuật số tại trường Đại học Công nghệ Sydney.

 

Ông nghiên cứu những lợi ích mà không gian mạng mang đến cho cộng đồng LGBTIQ+.

 

Ông nói mạng xã hội đã giúp những người này tìm được những người giống họ.

“Những điểm tích cực chủ yếu mà tôi nhận thấy là sự kết nối với nhiều cộng đồng đa dạng, và kết nối với những người cùng cảnh ngộ và chí hướng. Vì vậy, họ thường tìm thấy nhiều không gian kết nối hơn trên mạng xã hội, và tìm thấy những người đã trải qua những điều mà họ đang trải qua, cũng như những người có thể chia sẻ những kinh nghiệm thực tế vô cùng hữu ích cho họ”.

 

Công việc của ông nhằm mục đích tập trung vào trải nghiệm của những người trẻ tuổi, và giúp giải đáp cho những người Úc lớn tuổi các mối lo ngại khi con cháu họ sử dụng mạng xã hội.

 

Tuy nhiên, ông Byron thừa nhận - giống như bất kỳ không gian xã hội nào – mạng xã hội cũng có khả năng gây hại.

"Vì vậy, tôi nghĩ rằng đang có rất nhiều cuộc tranh luận và chúng được thúc đẩy từ góc nhìn của người lớn. Vì vậy, mối quan tâm của tôi là tìm kiếm các lợi ích, các ưu điểm hoặc áp dụng cách tiếp cận dựa trên các ưu điểm, đối với việc sử dụng mạng xã hội của giới trẻ. Bởi vì tôi cũng không muốn nói rằng những người trẻ tuổi đôi khi không có trải nghiệm tồi tệ. Họ đang gặp phải nhiều điều tồi tệ với mạng xã hội. Tôi nghĩ với mạng xã hội, chúng ta nên nhớ rằng đây cũng là những không gian xã hội. Và trong bất kỳ không gian xã hội nào, thì luôn có xung đột. Luôn có cơ hội để bắt nạt và đối xử bất công."

 

 

Ủy viên An toàn trên mạng của Úc đã báo cáo hồi tháng 1 rằng cơ quan này đang điều tra gần 1.700 khiếu nại về bắt nạt trên mạng xã hội, và đã yêu cầu các công ty truyền thông xã hội xóa các nội dung gây xúc phạm hơn 500 lần trong năm qua.

 

Hồi tháng trước, Tổng Y chức Hoa Kỳ đã đưa ra cảnh báo về những tác động tiêu cực của mạng xã hội, và kêu gọi hành động khẩn cấp để tạo ra môi trường kỹ thuật số an toàn và lành mạnh, nhằm giảm bớt tác hại và bảo vệ sức khỏe tâm thần của trẻ em và thanh thiếu niên.

 

Giáo sư Jo Robinson làm việc cho Orygen, dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho thanh thiếu niên có trụ sở tại Melbourne, và lãnh đạo một loạt các chương trình nghiên cứu về phòng chống tự tử.

 

Bà nói bà có phần do dự khi nói rằng các nền tảng mạng xã hội tạo ra kết quả tiêu cực về sức khỏe tâm thần, nhưng bà tin rằng các thuật toán trên mạng, vốn chỉ chuyên ưu tiên các nội dung cực đoan có thể làm trầm trọng thêm rủi ro cho những người trẻ tuổi đang gặp khó khăn.

"Đó là cách thức hoạt động của các thuật toán. Vì vậy, tất cả chúng ta đều biết rằng chúng ta càng dành nhiều thời gian để xem một loại nội dung cụ thể thì loại nội dung đó càng có khả năng xuất hiện trong mang xã hội của chúng ta. Vì vậy, tôi nghĩ đó là một mối quan tâm thực sự. Ngay cả một người trẻ tuổi có thể đang tìm kiếm sự giúp đỡ cho một việc gì đó như tự tử hoặc tự làm hại bản thân, thì họ có nhiều khả năng nhận được nội dung liên quan đến tự tử và tự làm hại bản thân. Và nội dung đó không phải lúc nào cũng là nội dung hữu ích , nó cũng không hẳn là những tài nguyên giúp họ nhận được sự điều trị hoặc giúp kiểm soát tâm trạng hoặc hành vi cho họ. Mà nó có thể bắt đầu trở thành nội dung không hữu ích hoặc thậm chí gây hại. Vì vậy, có một vấn đề thực sự với cách thức hoạt động của các thuật toán đó."

 

 

Các chính phủ trên khắp thế giới đã cố gắng giải quyết những gã khổng lồ truyền thông xã hội, vốn thường cho phép các nội dung nguy hiểm và thù hận lan truyền trên nền tảng của họ.

 

Hôm thứ Năm, Ủy viên An toàn trên mạng của Úc đã đưa ra một thông báo pháp lý tới Twitter yêu cầu giải thích về những gì họ đang làm, nhằm giải quyết sự thù ghét đang xảy ra trên mạng của họ.

 

Giáo sư Robinson nói điều quan trọng là các nền tảng mạng xã hội phải làm nhiều hơn nữa để giải quyết vấn đề lan truyền nội dung có hại, nhưng chúng ta cần một giải pháp từ mọi lĩnh vực trong xã hội.

“Tôi thực sự nghĩ rằng chúng ta cần phải làm việc với các nền tảng. Các nền tảng mạng xã hội đã làm rất nhiều việc để thử nghiệm và cải thiện sự an toàn trên môi trường của họ, nhưng họ có thể còn làm được nhiều hơn thế. Nhưng tôi cũng không nghĩ rằng chúng ta có thể chỉ dựa vào các nền tảng để điều chỉnh. Và tôi nghĩ có lẽ chúng ta cần phải làm việc với chính phủ và một phần các khu vực phi chính phủ, để phát triển các tiêu chuẩn và khung chính sách, về những gì được chấp nhận, những gì an toàn và những gì không an toàn.”

 

 

Pasi Sahlberg, Giáo sư về Lãnh đạo trong Giáo dục tại trường Đại học Melbourne nói cha mẹ cũng cần đóng vai trò trung tâm trong việc để ý các mối tương tác của con mình và nên tích cực tham gia cùng con khi sử dụng không gian mạng.

"Điều tồi tệ nhất mà người lớn làm, cho dù đó là cha mẹ hay các thầy cô, là để cho bọn trẻ tự làm gì thì làm trên thiết bị của riêng họ. Nếu đó là về chơi game với con trai, thì một điều mà cha mẹ có thể làm là cùng chơi với chúng và thử xem chúng đang làm gì trên đó. Nếu đó là về mạng xã hội, thì cha mẹ có thể cố gắng tương tác nhiều nhất có thể, để tham gia cùng bọn trẻ và thể hiện rằng cha mẹ quan tâm."

 

Nicola Palfrey của Headspace cũng đồng ý.

 

Bà nói bà tin rằng cha mẹ cần tiếp cận mạng xã hội với sự tò mò, và hỏi han con nhiều hơn để khiến con cái cởi mở hơn.

"Ý tôi là, tôi nghĩ đó là trách nhiệm chung. Đây là không gian mà trẻ em đang chơi đùa chủ yếu. Và tôi thường nghĩ người lớn hay có phản ứng khá thẳng thừng. Bạn biết đấy, đặt điện thoại xuống, và ra ngoài chơi đi con, những thứ đại loại như vậy. Chúng tôi nhận thấy như với hầu hết mọi thứ, tốt hơn hết là bạn cũng nên tò mò theo con, và thực sự quan tâm đến con, và những gì con có thể đang làm trên mạng. Và nếu chúng ta tham gia cùng và tò mò hỏi, các con cảm thấy điều gì từ chuyện gì? Con biết những gì, con thấy điều gì thú vị… thì các con có nhiều khả năng sẽ chia sẻ với chúng ta hơn và nhiều khả năng sẽ cần chúng ta hỗ trợ nếu chúng cần. Và đó là chính những gì chúng tôi muốn. Chúng tôi không muốn những người trẻ tuổi phải tự quản lý những chuyện này."