(Ảnh của John Keeble/Getty Images).Nguồn: John Keeble/Getty Images
AUSTRALIA - Đang có những lời kêu gọi chánh phủ liên bang hình sự hoá việc sở hữu và sử dụng các công cụ trí tuệ / trí thông minh nhân tạo được thiết kế nhằm tạo ra nội dung lạm dụng trẻ em. Các tổ chức bảo vệ trẻ em cho rằng Úc nên trở thành hình mẫu toàn cầu trong việc ứng dụng AI một cách có đạo đức và bảo vệ trẻ nhỏ.
Các tổ chức bảo vệ trẻ em đã có mặt tại Nghị viện Liên bang vào ngày 17/07 để cùng lên tiếng về những nguy cơ ngày càng gia tăng đối với trẻ em trong thời đại trí tuệ / trí thông minh nhân tạo.
Từ các hình ảnh giả dạng ngày càng phổ biến cho đến những ứng dụng có khả năng “cởi đồ” bằng AI, việc sử dụng công nghệ để khai thác tình dục trẻ em đang gia tăng với tốc độ chóng mặt - và nhiều người lo ngại rằng luật pháp tại Úc đang không theo kịp.
Cuộc đối thoại bàn tròn lần này do Trung tâm Quốc tế về Trẻ em Mất tích và Bị bóc lột (ICMEC) – chi nhánh tại Úc – tổ chức
Giám đốc điều hành Colm Gannon cho biết khuôn khổ pháp lý về bảo vệ trẻ em hiện nay của Úc – được ban hành cách đây chỉ ba năm – vẫn chưa tính đến các mối đe dọa từ AI. Ông kêu gọi chính phủ đưa vấn đề này trở thành ưu tiên hàng đầu.
"Bằng cách đưa vấn đề này vào khuôn khổ quốc gia được ban hành hồi năm 2021, một khuôn khổ kéo dài 10 năm nhưng trước đó chưa hề đề cập đến trí tuệ / trí thông minh nhân tạo (AI). Chúng tôi đang nỗ lực phát triển các giải pháp để chính phủ có thể đưa an toàn trẻ em trong thời đại AI lên hàng đầu."
Đầu năm nay, Vương quốc Anh trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành tội danh liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ em bằng AI – nhằm bảo vệ các em khỏi nguy cơ bị kẻ xấu tạo hình ảnh bằng công nghệ.
Tại Úc, ông Colm Gannon đang là người dẫn đầu lời kêu gọi xây dựng luật pháp tương tự.
"Chúng ta cần xem xét những đạo luật toàn diện — toàn diện trong việc bảo vệ, toàn diện trong việc thực thi, và toàn diện để có thể áp dụng trung lập với mọi công nghệ."
Trong khi đó, người từng nhận danh hiệu “Người Úc của Năm” Grace Tame, cho rằng vấn đề lạm dụng trẻ em trên môi trường mạng cần được giải quyết ở quy mô toàn xã hội.
“Những kẻ phạm tội không chỉ tìm cách thao túng nạn nhân mà còn thao túng cả môi trường xung quanh, tạo ra một hệ sinh thái kiểm soát nơi hành vi lạm dụng có thể diễn ra công khai mà không bị phát hiện.”
Cô nhấn mạnh rằng, giáo dục là chìa khóa — không chỉ dành cho trẻ em hay những người làm việc với trẻ em, mà cho toàn xã hội — nhằm giúp nhận diện sớm những hành vi có nguy cơ dẫn tới lạm dụng, như cách thủ phạm lựa chọn và tiếp cận nạn nhân.
Trong khi đó, một bản phúc trình của công ty tình báo Graphika năm 2023 cho thấy việc sử dụng hình ảnh thân mật, giả lập và không có sự đồng thuận đang lan rộng.
Từ chỗ chỉ xuất hiện trong các diễn đàn ngách, loại hình này đã trở thành một ngành kinh doanh tự động, quy mô lớn trên mạng.
Graphika ghi nhận có 34 công ty cung cấp loại hình ảnh này, thu hút hơn 24 triệu lượt truy cập riêng biệt — và các liên kết đến các dịch vụ này đang gia tăng trên các nền tảng như Reddit và X (Twitter).
Giáo sư Jon Rouse, cựu cảnh sát thuộc lực lượng đặc nhiệm Argos – người tiên phong các chiến dịch chủ động chống lạm dụng trẻ em trên mạng tại Úc và từng là Chủ tịch Nhóm điều tra bí mật trên Internet của INTERPOL – hiện đang làm việc với tổ chức Childlight Australia.
Ông cho rằng các tập đoàn công nghệ lớn như Apple cần có trách nhiệm tích hợp các công cụ bảo vệ người dùng vào chính sản phẩm của mình.
“Apple cứ đưa ứng dụng lên App Store, mỗi lượt tải là họ thu tiền, nhưng lại không có quy định kiểm soát nào. Ai kiểm tra hậu quả mà những ứng dụng đó có thể gây ra? Không ai cả. Đáng buồn là giờ chúng ta phải tự cấm con mình dùng mạng xã hội, vì không thể trông chờ vào bất kỳ bên nào trong ngành chủ động bảo vệ các em – điều đó thật sự rất đáng buồn.”
Apple hiện chưa đưa ra phản hồi chính thức.
Tuy nhiên, vào năm 2021, công ty này từng công bố một số tính năng mới nhằm tăng cường bảo vệ trẻ em — như cảnh báo khi trẻ nhận hoặc cố gửi hình ảnh chứa nội dung khỏa thân.
Mặc dù tiềm ẩn nhiều rủi ro, trí tuệ / trí thông minh nhân tạo cũng có thể được sử dụng để phát hiện hành vi dụ dỗ trẻ em và truy vết nội dung lạm dụng tình dục trẻ nhỏ.
Ông Colm Gannon từ tổ chức ICMEC cho rằng các tiềm năng tích cực này cần được tận dụng đúng cách.
“Hiện đã có công nghệ có thể giúp việc nhận diện nạn nhân diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, các cơ quan thực thi pháp luật lại chưa thể tiếp cận hoặc sử dụng những công cụ này.”