Bill Wells đã sử dụng nhà máy này để lưu trữ các vật liệu có thể tái chế. (ABC South East SA: Eugene Boisvert)

 

 

NAM ÚC - Chủ sở hữu của xưởng cưa gỗ được coi là đầu tiên ở phía đông nam tiểu bang Nam Úc nói rằng ông đang bị nhắm tới một cách không công bằng về vấn đề an toàn của nhà xưởng trên khu đất của mình, nhưng hội đồng cho biết họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc thực thi các quy định.

 

Bill Wells đã sử dụng nhà máy cũ ở thị trấn Mount Burr để lưu trữ rác tái chế cho đến khoảng 18 tháng trước, khi Hội đồng Wattle Range ra lệnh ngừng hoạt động và nói rằng nhiều nhà kho tại địa điểm này phải được phá bỏ.

 

Ông Wells tin rằng ông không được đối xử công bằng.

Ông nói: “Đối xử không công bằng sẽ là từ ngữ lịch sự nhất mà bạn muốn thốt ra”.

“Thực ra, họ là một đám lai tạp đầy thù hận.”

 

Ông Wells và hội đồng sẽ đối đầu tại phiên điều trần đầy đủ của Tòa án Môi trường, Tài nguyên và Phát triển (Environment, Resources and Development Cour) vào tháng Hai tới.

 

Ông cho biết tính đến nay ông đã phải trả tới 40.000 đô-la phí pháp lý, bên cạnh việc thua lỗ trong kinh doanh.

 

Ông Wells nói: “Tôi vẫn đang trả tiền cho một miếng đất mà tôi không thể sử dụng, nó đã bị đóng cửa và tôi không được phép sử dụng”.

"Tất cả điều này gây căng thẳng tài chính cho mọi người."

 

 

Nhà máy cưa gỗ Mount Burr hồi năm 1949. (Ảnh: Cung cấp bởi Thư viện Tiểu Bang Nam Úc)

 

 

Phát triển và sụp đỗ

Nhà máy cưa gỗ Mount Burr mở cửa vào năm 1931, sau khi chính quyền tiểu bang quyết định tham gia vào lĩnh vực chế biến gỗ.

 

Được biết đến với cái tên "nhà máy chính" (“mother mill”), nó được tư nhân hóa vào những năm 1990, và đóng cửa vào năm 2000 bởi chủ sở hữu Carter Holt Harvey.

 

Ông Wells sau đó đã mua lại nhà máy này và xây dựng một doanh nghiệp thành công nhờ vào việc thu gom  các vật liệu như bìa cứng và nhựa để đóng kiện và tái chế.

 

Nhưng vào năm 2018, Trung Quốc đã ngừng nhập cảng vật liệu tái chế của Úc và giá mặt hàng này đã giảm.

 

Ông Wells đứng bên cạnh một vòi nước cứu hỏa trong một nhà xưởng chính, hiện giờ đã trống rỗng, của nhà máy. (ABC South East SA: Eugene Boisvert)

 

Lo ngại về an toàn

Không có thị trường, các kiện hàng bị dồn đống lại, điều mà hội đồng cho rằng có nguy cơ hỏa hoạn.

 

Hội đồng nói rằng ông Wells không thể tiếp tục hoạt động kinh doanh của mình nếu không có thiết bị phù hợp.

 

Ben Gower, giám đốc điều hành hội đồng, cho biết: “Chúng tôi thực sự có chút đồng cảm với tình huống của ông ấy, nhưng chúng tôi cũng phải phản hồi những lời phàn nàn từ cộng đồng”.

 

Hội đồng đã ra lệnh phải phá bỏ 13 tòa nhà tại khu vực này vì có nguy cơ sụp đổ.

 

Các biển cảnh báo an toàn cũng đã được lắp đặt.

 

Ông Gower cho biết có vẻ như những người trẻ tuổi ở thị trấn Mount Burr tự ý đi vào địa điểm này và khiến chính họ gặp nguy hiểm.

 

Ông nói: “Chúng tôi thực sự có nghĩa vụ pháp lý trong việc thực thi các tiêu chuẩn tuân thủ xây dựng trên toàn khu vực”.

“Nhà xưởng này ở trong tình trạng tồi tệ đến mức chúng tôi phải hành động."

 

 

Ông Wells muốn giữ lại tòa nhà ở bên phải, nhưng hội đồng muốn phá bỏ nó.(ABC South East SA: Eugene Boisvert)

 

 

Tranh chấp đang diễn ra

Mặc dù ông Wells đã tuân thủ một số lệnh của hội đồng và những lệnh khác do cơ quan an toàn SafeWork SA ban hành, nhưng ông vẫn đang tranh chấp lệnh phá hủy hai tòa nhà.

 

Hội đồng muốn vòi nước chữa cháy phải có lưu lượng nước 20 lít mỗi giây, nhưng ông Wells tin rằng tốc độ 16 lít mỗi giây mà ông đang có được là đủ.

 

Ông Gower cho biết hội đồng không nhắm vào ông Wells một cách không công bằng vì họ đang cố gắng giải quyết những vấn đề tương tự như vậy ở các doanh nghiệp khác.

 

Ông Gower nói: “Chúng tôi rất mong muốn ông ấy quay trở lại hoạt động kinh doanh - ông ấy cung cấp một dịch vụ tuyệt vời cho cộng đồng”.

“Đó là một trong những doanh nghiệp tái chế rác thải mà chúng tôi muốn thấy nhiều hơn trong khu vực của mình, nhưng ông ấy phải thực hiện việc đó một cách an toàn và tuân thủ các quy tắc.”

 

Noel Seebohm đã làm việc tại nhà máy này trong ba thập niên.(ABC South East SA: Eugene Boisvert)

 

 

'Không được vui lắm'

Noel Seebohm là đốc công của nhà máy này trước khi nghỉ hưu vào năm 1992.

 

Ông cho biết có lúc có hơn 300 người làm việc ở đó và thật buồn khi nhà máy đóng cửa.

 

Ông cho biết nhà máy là một "mớ hỗn độn" nhưng ông Wells dường như đang cải thiện tình hình.

 

Ông nói: “Người dân thị trấn Mount Burr không hài lòng lắm về điều đó, tôi có thể bảo đảm với bạn về điều đó”.

"Bill đang dọn dẹp mọi thứ từng chút một - thực sự thì nó ở tình trạng khá tồi tệ khi ông ấy mua lại nó.”

"Nó bắt đầu vỡ ra từng mảnh."