Kim Blieschke, thành viên của Nhóm Hổ trợ Bệnh Nhân Ghép Lưới Điều trị Sa vùng chậu - Australian Mesh Support Group, đã phải chịu đựng chứng đau mãn tính và tổn thương thần kinh. (ABC News: Leah MacLennan)
Đau mãn tính, thường xuyên phải đến bệnh viện và cảm giác bất lực đã trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của hàng nghìn người Nam Úc đã được cấy ghép lưới vùng chậu.
Việc cấy ghép lưới này, còn được gọi là lưới điều trị sa tạng vùng chậu, được đặt qua ngã âm đạo (trans-vaginal mesh), được sử dụng để điều trị các bệnh như sa nội tạng vùng chậu (pelvis organ prolapse - POP), tiểu không tự chủ khi có áp lực tăng đột ngột trong ổ bụng (stress urinary incontinence - SUI).
Một số loại cấy ghép đã bị cấm vào năm 2017 và một cuộc điều tra của Thượng viện vào năm 2018 phát hiện ra rằng những phụ nữ bị đau sau khi cấy ghép các thiết bị này đã bị làm ngơ, mặc dù, những bệnh nhân này đã báo cáo một số vấn đề đau đớn.
Hôm thứ Tư, chính quyền tiểu bang đã xin lỗi những người đã cấy ghép các thiết bị này - gần 22 năm sau khi chúng bắt đầu được sử dụng lần đầu tiên ở Nam Úc vào năm 2003.
Theo chính quyền tiểu bang, đã có khoảng 11.000 ca cấy ghép lưới ở Nam Úc từ năm 2003 đến năm 2018.
Kim Blieschke, là nhân viên y tế và là thành viên của Nhóm hỗ trợ Những người Cấy ghép Lưới sa tạng vùng chậu Úc - Australian Mesh Support Group – cô đã cấy ghép lưới vào tháng Ba năm 2006 sau khi bị sa nội tạng vùng chậu, cho biết một lời xin lỗi là "việc phải làm trước tiên".
Cô nói, "Người ta phát hiện lưới đã bị hủy hoại ở một bên âm đạo của tôi",
"Tôi bị đau mãn tính, bị tổn thương thần kinh, bị chảy máu và bị nhiễm trùng".
Cô Blieschke cho biết vào năm 2014, sau nhiều lần cố gắng nhờ các bác sĩ Úc tháo lưới ra, cô buộc phải đến Mỹ để phẫu thuật - nhưng cô vẫn bị các triệu chứng vĩnh viễn.
Cô nói, "Tôi đã tham khảo ý kiến ở khắp Úc và mọi bác sĩ ở đây đều nói với tôi rằng lưới của tôi không thể tháo ra được và nếu tháo ra thì tôi sẽ phải dùng túi niệu quản, tức là túi thay cho bàng quang, hoặc túi hậu môn nhân tạo; là túi thay cho trực tràng và ruột",
"Bây giờ cơn đau là vĩnh viễn, tổn thương thần kinh là vĩnh viễn, sẹo là vĩnh viễn".
'Đau đớn, xấu hổ và bị thao túng'
Trong một tuyên bố được đọc to tại Nghị viện tiểu bang, Bộ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi, Chris Picton, đã thay mặt chính quyền tiểu bang xin lỗi tất cả "người dân Nam Úc bị ảnh hưởng tiêu cực bởi cấy ghép lưới y tế".
Ông Picton cho biết, "Tôi thừa nhận những biến chứng làm thay đổi cuộc sống của nhiều phụ nữ và một số nam giới",
"Chúng tôi xin lỗi vì nỗi đau, sự xấu hổ và bị thao túng.”
"Chúng tôi xin lỗi vì những lần bạn đặt câu hỏi về bệnh tình của chính mình, bị bỏ rơi bởi những người đáng lẽ phải chăm sóc bạn, và bạn phải tranh đấu để nhận được sự chăm sóc phù hợp, tận tình và tốt mà bạn xứng đáng được hưởng".
Một cuộc điều tra của Thượng viện phát hiện ra rằng một số phụ nữ không được thông báo đầy đủ về các tác dụng phụ nghiêm trọng có thể xảy ra từ việc cấy ghép lưới vùng chậu. (ABC News: Jerry Rickard)
Đối với bà mẹ ba con Blieschke, lời xin lỗi đã "phải chờ đợi từ lâu".
Bà nói, "Tôi cho rằng một lời 'xin lỗi' có thể giúp phụ nữ nhận được sự giúp đỡ mà họ thực sự cần",
"Nhiều người trong số họ phải chịu đau đớn 24 giờ một ngày. Nó ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc sống của họ.”
"Họ từng là những người phụ nữ khá khỏe mạnh và năng động, bạn biết đấy, chạy quanh với con cái của họ. Bây giờ họ không thể làm như vậy nữa.”
"Xin lỗi là bước đầu tiên nhưng chúng ta cần thực hiện nhiều biện pháp chăm sóc hơn cho nhu cầu chăm sóc trọn đời mà phụ nữ cần."
Kêu gọi đình chỉ các sản phẩm 'không phù hợp với mục đích'
Ông Picton cũng đã xin lỗi những người phải chờ đợi "nhiều năm để được phẫu thuật tái điều trị thông qua hệ thống y tế nhà nước" và những người "cho đến ngày nay vẫn bị ảnh hưởng về mặt thể chất và tinh thần bởi sự thất bại của hệ thống này".
Ông nói, "Tôi biết lời xin lỗi này không giúp ích gì nhiều trong việc sửa chữa những sai lầm mà các bạn đã phải chịu đựng",
"Bây giờ chính quyền của chúng tôi có trách nhiệm bảo đảm rằng phản ứng của chúng tôi vẫn đúng mục tiêu ... để không có người phụ nữ nào phải tự mình đối phó với những chấn thương này."
Bộ trưởng Y tế Tiểu bang Nam Úc đã thay mặt chính quyền tiểu bang xin lỗi những người phải chờ đợi nhiều năm để được phẫu thuật tái điều trị. (ABC News: Michael Clements)
Bà Blieschke cho biết các khuyến nghị trước đây được đưa ra từ Thượng viện và một cuộc điều tra của chính quyền Nam Úc đã dẫn đến một số thay đổi, nhưng bà không nghĩ rằng chúng đã đi đủ xa.
Bà Blieschke bày tỏ lo ngại rằng các sản phẩm lưới khác vẫn được sử dụng để điều trị chứng tiểu không tự chủ, và cho biết bà nghĩ rằng việc sử dụng tất cả các loại lưới nên bị đình chỉ cho đến khi có "cuộc điều tra về tính an toàn và hiệu quả".
Hiệp hội Hàng hóa Trị liệu (Therapeutic Goods Association - TGA) cho biết họ đã thực hiện "việc đánh giá nghiêm ngặt" các sản phẩm lưới cấy ghép, và, "phần lớn các sản phẩm lưới cấy ghép đã và đang được bãi bỏ và loại khỏi thị trường Úc", tuy nhiên, họ cho biết một vài sản phẩm được cho rằng "vẫn có lợi cho công chúng Úc".
Họ cho biết lưới cấy ghép sa tạng chậu với hình dạng dây treo dưới niệu đạo (mid-urethral slings) vẫn tiếp tục được sử dụng để điều trị chứng tiểu không tự chủ vì "bằng chứng lâm sàng hỗ trợ cho tính có hiệu quả và tính an toàn của chúng".
Họ cho biết, "TGA tiếp tục theo dõi chặt chẽ tính an toàn của các thiết bị lưới cấy ghép ở cả Úc và trên toàn cầu".
Hơn 10.000 ca cấy ghép ở tiểu bang Nam Úc.
Ông Picton cho biết chính phủ cần phải làm những gì có thể "để bào đảm rằng điều này không xảy ra nữa".
Ông nói, "Từ năm 2003 đến năm 2018, đã có khoảng 11.000 ca phẫu thuật cấy ghép lưới điều trị sa tạng chậu được thực hiện tại Nam Úc",
"Nhiều phụ nữ báo lại bị đau mãn tính, lưới bị hư hỏng, nhiễm trùng và tổn thương thần kinh kinh niên.”
"Đến năm 2018, đã có hơn 4.000 phụ nữ tái phát các biến chứng.”
"Trong mỗi năm kể từ đó, ước tính có khoảng 150 phụ nữ sẽ cần được chăm sóc liên tục thông qua một phòng khám chuyên khoa đa khoa".
Bộ trưởng Y tế Chris Picton đã đọc lời xin lỗi tại Nghị viện vào cuối tháng trước. (ABC News)
Để giúp đỡ những phụ nữ gặp phải vấn đề, chính quyền tiểu bang đã tuyển dụng "bác sĩ tiết niệu phụ khoa được công nhận tại địa phương làm việc cho nhà nước đầu tiên trong hơn một thập niên" vào năm 2023.
Chính quyền tiểu bang cho biết, "Điều này đã tăng năng lực phẫu thuật và giảm sự phụ thuộc vào các dịch vụ bên ngoài",
"Nhóm đa ngành cũng bao gồm hai bác sĩ phụ khoa, một bác sĩ tiết niệu phụ khoa, một bác sĩ tiết niệu, một bác sĩ phẫu thuật đại tràng, một chuyên gia tâm lý học lâm sàng, bác sĩ vật lý trị liệu sàn chậu, hai cố vấn điều dưỡng lâm sàng và một nhân viên hành chính.”
"Tuyển dụng đang được tiến hành để có một chuyên gia điều trị cơn đau.”
"Công việc đang được tiến hành để phân bổ công việc của các bác sĩ lâm sàng phụ khoa để cải thiện tính kịp thời của việc chăm sóc."
(Theo Báo Nam Úc - savietnews.com.au)