Hình ảnh cá và khoai tây được chiên. Ảnh: AP / Frank Augstein/AP

 

 

AUSTRALIA - Hơn 23 triệu người ở Úc không có chế độ ăn uống lành mạnh. Một đánh giá mới cho thấy, trong 5 năm qua, chính phủ liên bang chỉ đạt được "tiến bộ hạn chế" trong việc thực hiện các chính sách khuyến nghị trên toàn cầu để cải thiện chế độ ăn của người dân và giảm béo phì.

 

Kết quả đánh giá về chính sách cải thiện chế độ ăn của người dân Úc đã được công bố, và đó không phải là tin tốt.

 

Các nỗ lực của chính phủ Úc nhằm ngăn chặn tình trạng béo phì đã được đánh giá là "kém xa" so với các thông lệ quốc tế tốt nhất.

 

Chỉ số Chính sách Lương thực - được phát triển để đánh giá việc liên bang, tiểu bang và vùng lãnh thổ thực hiện các chính sách được khuyến nghị trên toàn cầu nhằm cải thiện chế độ ăn cho người dân - đã phát hiện ra tiến độ rất hạn chế của chính sách của chính phủ trong năm năm qua so với các quốc gia khác.

 

Phó giáo sư Gary Sacks, từ Viện chuyển đổi sức khỏe tại Đại học Deakin, nói rằng việc thiếu hành động có nghĩa là Úc đang tụt lại phía sau.

"Trong khi các quốc gia khác đang thực hiện các bước quan trọng để và cải thiện chế độ ăn uống của người dân, thì Úc đang hành động rất ít. Và như vậy, chúng ta đang đi thụt lùi so với phần còn lại của thế giới."

 

Gần 2/3 [63%] tổng số người lớn Úc và 1/4 [25%] trẻ em Úc bị thừa cân hoặc béo phì, theo dữ liệu từ Nha Thống kê Úc.

 

Chỉ 7% người Úc đang có một chế độ ăn uống lành mạnh phù hợp với các hướng dẫn về chế độ ăn uống của Úc.

 

Báo cáo Chỉ số Chính sách Lương thực năm 2022 cho biết cần có phản ứng toàn diện của chính phủ để cải thiện chế độ ăn của người dân và điều đó cần được thúc đẩy bởi sự lãnh đạo mạnh mẽ.

"Đây là một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng ở Úc. Chế độ ăn uống không lành mạnh và béo phì là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng sức khỏe kém ở Úc. Và chúng ta cần phải hành động khẩn cấp. Chúng tôi cần chính phủ xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc. Và chúng tôi nghĩ rằng các chính phủ khác trên thế giới đang rất quan tâm tới vấn đề này. Và họ đang thực hiện những biện pháp được khuyến nghị bởi các nhóm y tế công cộng."

 

Báo cáo khuyến nghị chính phủ liên bang nên ưu tiên việc hạn chế quảng cáo thực phẩm và đồ uống không lành mạnh cho những người dưới 18 tuổi.

"Có các bằng chứng mạnh mẽ cho thấy hoạt động tiếp thị có ảnh hưởng rất lớn và đó là lý do tại sao các công ty thực phẩm chi hàng tỷ đô la cho tiếp thị. Và vì vậy, chúng tôi biết rằng nếu bạn có thể cắt bỏ việc tiếp thị đồ ăn vặt cho trẻ em, điều đó sẽ cải thiện chế độ ăn uống của dân số."

 

Báo cáo cũng khuyến nghị áp thuế đối với các nhà sản xuất đồ uống có đường và các loại thực phẩm không lành mạnh khác.

 

Giáo sư Sacks nói rằng điều đó phải được thiết kế theo cách tập trung vào việc thay đổi và cải tiến sản phẩm.

"Hơn 50 quốc gia trên thế giới hiện đánh thuế đối với đồ uống có đường. Và một số quốc gia có nhãn cảnh báo về đồ ăn vặt. Và đó là những biện pháp mà Chính phủ Úc cần áp dụng."

 

Liên minh Chính sách Béo phì đã tham gia vào quá trình đánh giá.

 

Giám đốc điều hành Jane Martin, cho biết chế độ ăn uống không lành mạnh và béo phì là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng sức khỏe kém ở Úc.

 

Bà nói rằng điều quan trọng là Úc phải có một lực lượng lao động lành mạnh, hiệu quả khi đất nước này đang xây dựng trở lại sau đại dịch COVID-19.

"Chúng tôi muốn sống mà không bị ảnh hưởng bởi các căn bệnh mãn tính, chúng tôi không muốn bị tiểu đường và mất một ngón chân, hoặc mất thị lực và không thể lái xe vào ban đêm nữa, hoặc những thứ tương tự như vậy."

Bà nói rằng thật sai lầm khi cho rằng béo phì là do thiếu ý chí.

"Những tác nhân bên ngoài, chẳng hạn như quảng cáo, giá cả, và sự sẵn có của những thực phẩm chế biến sẵn này, cần phải được giải quyết."

 

Báo cáo Chỉ số Chính sách Lương thực nêu bật một số lĩnh vực cần cải thiện.

 

Nó cho thấy chính phủ liên bang đã đạt được "tiến bộ tốt" trong việc ghi nhãn thực phẩm, với quy định về danh sách thành phần, bảng thông tin dinh dưỡng và tuyên bố về sức khỏe.

 

Và nó cho thấy sự lãnh đạo của chính phủ được củng cố, với việc ban hành hai chiến lược y tế công cộng quốc gia quan trọng: Chiến lược Y tế Dự phòng Quốc gia và Chiến lược Quốc gia về Béo phì.

 

Tuy nhiên, bà Martin nói, các chính sách mới đi xa hơn cần phải được thực thi nhanh chóng.

"Có rất nhiều chính sách khác nhau được áp dụng. Quan trọng là những gì chưa được thực hiện nay phải được thực hiện, bởi vì chúng ta đã đợi đủ lâu, mọi thứ vẫn chưa được cải thiện."