Chất xúc tác trong quan hệ thương mại Australia-EU và Australia-Anh. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

(Theo bnews.vn)

Các chuyên gia nhận định rằng có mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và quá trình hiện thực đàm phán thương mại tự do Australia-Liên minh châu Âu và Australia-Anh.

 

Hai nhà nghiên cứu Bruce Wilson và Chloe Ward, thuộc Đại học RMIT Australia, vừa có bài viết trên trang The Conversation, đánh giá biến đổi khí hậu đã trở thành một phần không thể thiếu trong các cuộc đàm phán đang diễn ra đối với hiệp định thương mại tự do (FTA) Australia-Liên minh châu Âu (EU) và thỏa thuận Australia-Anh, khi nước Anh chính thức rời khỏi EU. 

Cả hai thỏa thuận này đều cần thiết để giúp củng cố hệ thống thương mại thế giới, vốn đang thiếu hụt một hệ thống thực thi hiệu quả do ảnh hưởng từ quyết định rút Mỹ ra khỏi sự hỗ trợ cho Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra.

Về mặt công khai, vấn đề chính trong các cuộc thảo luận FTA Australia-EU tập trung vào nội dung thực thi các “chỉ dẫn địa lý”, trong đó giới hạn việc sử dụng trùng tên cho các sản phẩm có xuất xứ từ châu Âu, như rượu “champagne”, phô mai “feta” và “prosecco”, nhằm ngăn chặn việc Australia có thể dễ dàng tiếp cận vào thị trường EU giàu có.

Một thỏa thuận bảo vệ tính toàn vẹn của cả hai vùng sản xuất rượu vang ở Pháp và Australia đã được thực hiện từ hơn 25 năm trước. Giờ đây, EU muốn mở rộng thỏa thuận này sang mặt hàng phô mai, thực phẩm và các loại đồ uống khác.

Trong khi đó, biến đổi khí hậu, mặc dù không được nhắc đến một cách công khai, nhưng dường như lại là một nội dung gắn chặt nhất trong các cuộc đàm phán giữa hai bên, trong bối cảnh Australia đang cho thấy sự “chậm trễ” thực thi các cam kết trong khuôn khổ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và cuộc khủng hoảng cháy rừng vừa diễn ra gần đây đã thu hút sự chú ý của thế giới về hồ sơ của Chính phủ Australia.

Anh sẽ là nước chủ nhà cho Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu, tổ chức tại thành phố Glasgow vào tháng 11/2020. Trong khi đó, EU đang coi hành động khí hậu là vấn đề chính sách, một phần vì các lý do môi trường và một phần liên quan tới yếu tố kinh tế bền vững.

Tháng 1/2020, dưới sự lãnh đạo của tân Chủ tịch EU Ursula von der Leyen - một nhà chính trị gia người Đức, Ủy ban châu Âu đã đưa ra Thỏa thuận Xanh châu Âu. Thỏa thuận này nhằm mục tiêu giúp EU trung hòa khí carbon vào năm 2050. 
EU đã cam kết với một quỹ hợp tác công - tư, trị giá hàng nghìn tỷ euro, về việc chuyển đổi khí carbon. Điều quan trọng là thỏa thuận này gắn hành động môi trường với chính sách thương mại.

Trong khi đó, đề xuất hấp dẫn nhưng phức tạp nhất là “điều chỉnh biên giới carbon” - một loại thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia không áp dụng cơ chế định giá carbon. Ủy ban châu Âu cũng yêu cầu phê chuẩn và thực thi hiệu quả Hiệp định Khí hậu Paris như một điều kiện tiên quyết của các hiệp định thương mại.

Pháp đặc biệt ủng hộ quan điểm này. Năm 2018, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết không “ký các thỏa thuận thương mại” với các quốc gia không tôn trọng Thỏa thuận Paris. Tháng 11/2019, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp khẳng định thỏa thuận thương mại Australia-EU bao gồm cả các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng và các biện pháp trừng phạt vì không đáp ứng được chúng.

Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham, lúc đó, đã cố gắng xoa dịu những yêu cầu của Pháp, nhấn mạnh Australia sẽ đạt được mục tiêu một cách dễ dàng. Tuy nhiên, tuyên bố của ông Birmingham dường như chỉ mang tính hình thức, biểu đạt thông điệp tới người dân trong nước, hơn là các tiến trình thực thi cụ thể.

Các thành viên đảng cánh Tả và đảng Xanh của Nghị viện EU đã đưa ra quan ngại rằng FTA Australia-EU có thể làm gia tăng các hoạt động sản xuất thịt bò và cừu của Australia, tăng khí thải methane và khí thải do quá trình làm sạch đất và vận chuyển gây ra.

Những người lạc quan ở châu Âu thì coi các cuộc đàm phán này là một cách để giúp Australia nâng tầm “cuộc chơi” về môi trường của mình. Trong một vòng đàm phán trước đó, báo cáo cho thấy EU đã thúc đẩy Australia tiếp tục giải quyết vấn đề chất lượng nhiên liệu kém và coi đây là “một rào cản kỹ thuật đối với thương mại”.

Các cuộc đàm phán với Australia có thể trở thành một cuộc thử nghiệm chiến lược khí hậu của EU. Nếu chúng có thể giữ Australia tiếp tục thực hiện các cam kết Paris và hướng quốc gia này thành một nền kinh tế bền vững, thì đây sẽ là một thành công cho tham vọng dẫn đầu thế giới của EU về giải quyết khủng hoảng khí hậu.