(Ảnh minh họa: SBS)
AUSTRALIA - Tình trạng ô nhiễm nhựa dọc theo bờ biển nước Úc, đã giảm hơn 1 phần 3 trong thập niên qua, theo nghiên cứu mới từ Cơ quan Khoa học Quốc gia Úc tức CSIRO, được công bố trên Tạp chí Theo dõi Ô nhiễm Đại dương. CSIRO phát hiện mật độ mảnh vụn ven biển giảm 39 phần trăm, so với 10 năm trước với hơn 8000 mảnh vụn được ghi nhận, so với chỉ có gần 2000 trong cuộc khảo sát mới đây.
Tình trạng ô nhiễm nhựa đang gia tăng nhanh chóng trên toàn cầu.
Nhưng khi nói đến các bãi biển của Úc, có một số tin tốt.
Tiến sĩ Britta Denise Hardesty là một trong số nhóm các chuyên viên nghiên cứu, làm việc tại Cơ quan Khoa học Quốc gia Úc hay CSIRO, đang phân tích tình trạng ô nhiễm nhựa trên khắp bờ biển của Úc.
Tiến sĩ Hardesty nói, "Với tư cách một quốc gia, thông điệp lớn là chúng ta đang làm tốt hơn rất nhiều, vì vậy nhìn chung chúng ta đã thấy lượng rác thải ven biển, giảm khoảng 39 phần trăm trên khắp nước Úc”.
Sự lạc quan đó dựa trên một nghiên cứu mới, từ Cơ quan Khoa học Quốc gia Úc CSIRO và được công bố trên Marine Pollution Bulletin hay Tạp chí Theo dõi Ô nhiễm Đại dương.
Các chuyên viên nghiên cứu đã khảo sát các môi trường sống trong đất liền, ven sông và ven biển, chung quanh 6 vùng đô thị trên khắp nước Úc.
Họ quan sát thấy ít ô nhiễm nhựa hơn, ở môi trường ven biển ở Newcastle, Perth và Sunshine Coast, nhưng tình trạng ô nhiễm đã gia tăng ở Hobart và Port Augusta, mà các chuyên viên nghiên cứu cho biết là, có liên quan đến các chính sách tái chế tại địa phương.
Tiến sĩ Hardesty nói rằng, lượng rác thải thường cao hơn ở những khu vực sử dụng đất nhiều, chẳng hạn như khu vực đô thị và nông nghiệp, cũng như ở những vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.
Tiến sĩ Hardesty nói, "Chúng tôi tìm thấy khoảng cách một mảnh rác, cho mỗi 4 hoặc 5 bước chân của một người dọc theo bãi biển và đó là mức giảm đáng kể, so với những gì được tìm thấy cách đây gần 10 năm, khi chúng tôi thực hiện công việc tương tự”.
Nghiên cứu cũng xem xét những vật phẩm, được tìm thấy ở từng khu vực của Úc.
Nhìn chung, polystyrene và đầu lọc thuốc lá là phổ biến nhất, tiếp theo là giấy gói thực phẩm và nắp chai.
Trong khi đó Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, có tới 4,5 ngàn tỷ đầu lọc thuốc lá bị vứt bừa bãi trên toàn cầu mỗi năm.
Shannon Mead, là người sáng lập No More Butts, một tổ chức từ thiện với mục tiêu loại bỏ rác thải thuốc lá khỏi thế giới.
Shannon Mead nói, "Nhiều người không liên tưởng nó với rác thải, nên dù họ nghĩ nó có thể phân hủy sinh học, hay quá nhỏ đến mức họ không nghĩ nó thực sự tạo ra sự khác biệt, nhưng khi bạn tích lũy và đếm, thì nó thường là thứ bị vứt nhiều nhất”.
Còn bà Cip Hamilton, là Giám đốc Chiến dịch Giảm thiểu Nhựa, tại Hiệp hội Bảo tồn Biển Úc (Australian Marine Conservation Society – AMCS).
Bà Cip Hamilton cho biết kết quả nghiên cứu cho thấy vẫn còn nhiều việc phải làm.
Bà nói, "Bất kỳ sự suy giảm nào về nhựa cũng thực sự là tin tuyệt vời, rất đáng mừng khi thấy điều đó".
"Nhưng thật không may, ô nhiễm nhựa vẫn đang tàn phá môi sinh của chúng ta".
"Nó đang gây hại cho sinh vật biển của chúng ta và ước tính có hơn 250 kg nhựa mỗi phút, xâm nhập vào môi trường ở Úc, đó là một lượng lớn và chứng minh rằng vẫn còn nhiều việc phải làm”.
Được biết các chuyên viên nghiên cứu hy vọng nghiên cứu này sẽ được sử dụng làm chuẩn mực, để đánh giá các chính sách và hoạt động trong tương lai.
Những người ủng hộ như Shannon Mead đồng ý, nói rằng các vấn đề cần được giải quyết bằng các biện pháp chính sách có mục tiêu.
Đó là vì các sáng kiến khác như chương trình ký gửi đồ đựng, đang chứng tỏ là một cách hiệu quả để giảm ô nhiễm nhựa, giảm 40 phần trăm số lượng đồ đựng thức uống trong môi trường.
Tiến sĩ Hardesty cho biết, hành động của cộng đồng cũng đang tạo ra sự khác biệt.
Tiến sĩ Hardesty nói, "Tôi đang nghe và thấy nhiều hơn, về những gì chúng ta gọi là quyền giám hộ tại địa phương".
"Mọi người đầu tư vào cộng đồng của họ, họ đang chăm sóc môi sinh, mọi người đang nhặt rác và rác thải cùng mảnh vụn, khi và ở nơi họ tìm thấy".
"Tôi nghĩ rằng, điều đó xuất phát từ nhận thức ngày càng tăng về vấn đề này và các vấn đề cũng như tác hại do ô nhiễm nhựa gây ra trong môi trường”.