Thủ tướng Trung Quốc thông báo rằng hai chú gấu trúc mới sẽ được cho Vườn thú Adelaide mượn trong chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cấp cao Trung Quốc sau 7 năm. Tín dụng: SBS/Đã cung cấp

 

 

Thủ tướng Trung Quốc thông báo sẽ cho Sở Thú Adelaide mượn hai con gấu trúc mới, trong chuyến thăm đầu tiên đến Úc, của một quan chức cấp cao Trung Quốc sau 7 năm. Hành động cho mượn gấu trúc là một phần của biểu tượng ngoại giao, còn được gọi là ngoại giao gấu trúc, và thường được thực hiện khi các nước đang bình thường hóa hoặc xây dựng mối quan hệ với Trung Quốc. Các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ và nhân quyền nói thực tế của cuộc trao đổi song phương không chỉ đơn giản có hai màu trắng đen như gấu trúc.

 

Hai gấu trúc mới sẽ chuẩn bị gia nhập Sở Thú Adelaide trong một hoạt động ngoại giao được cho rằng Trung Quốc đã thực thi từ nhiều thế kỷ trước.

 

Trong chuyến thăm tới Adelaide, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường thông báo hai gấu trúc, Wang Wang, và Fu Ni, đang sống trong Sở Thú Adelaide sẽ quay trở lại Trung Quốc vào tháng Mười một.

 

Sau khi hai gấu trúc hiện tại rời đi, hai gấu trúc mới sẽ đến thay thế cho Wang Wang và Fu Ni, như một phần của cuộc trao đổi ngoại giao được gọi là "ngoại giao gấu trúc".

 

Giám đốc điều hành Sở Thú Nam Úc Elaine Bensted nói gấu trúc là điểm thu hút đối với du khách các tiểu bang.

"Năm đầu tiên sau khi Fu Ni và Wang Wang đến sống ở Sở thú Adelaide, đã gúp tăng gần 150.000 người trong năm đầu tiên đó. Và như tôi đã nói, 15 năm sau chúng vẫn rất nổi tiếng. Chúng tôi đã tổ chức các buổi gặp gỡ và chào hỏi, nơi ai cũng có thể có trải nghiệm đặc biệt với gấu trúc, và những người chăm sóc gấu trúc, các hoạt động này vẫn rất nổi tiếng và là một trong những trải nghiệm được yêu thích nhất của Sở Thú."

 

Ngoại giao gấu trúc có nghĩa là Trung Quốc tặng cho mượn gấu trúc lớn đóng biểu tượng như một công cụ ngoại giao.

 

Trong những năm 1950, Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông được biết đến là người đã gửi gấu trúc cho các đồng minh cộng sản như Bắc Hàn và Liên Xô.

 

Trong những năm 1970, Trung Quốc đã tặng gấu trúc cho Hoa Kỳ, vào thời điểm hai nước đang bình thường hóa quan hệ.

 

Sau đó, đến những năm 1980, Trung Quốc đã thay đổi chính sách ngoại giao gấu trúc, thay vì tặng thì cho mượn gấu trúc, nhằm thúc đẩy niềm tin giữa Trung Quốc và các đối tác ngoại giao.

 

Một số người vui mừng về sự xuất hiện của gấu trúc và việc tăng cường mối quan hệ giữa Úc với Trung Quốc.

“Là một người Trung Quốc và công dân Trung Quốc, tôi hy vọng điều này sẽ giúp xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, và sau đó chúng ta có thể thúc đẩy nền kinh tế.. Hôm nay chúng tôi rất phấn khích nếu có thể nhìn thấy gấu trúc lớn. Vâng, và chúng tôi hy vọng rằng chúng tôi có thể giữ những con gấu trúc này hoặc sẽ có con gấu trúc khác đến. Và trong trường hợp đó, chúng tôi có thể nhìn thấy con gấu trúc mới đó lớn lên ở Adelaide, giống như lại được trải qua thời thơ ấu của bạn."

 

Thế nhưng những người khác, chẳng hạn như cựu lập pháp gia Hồng Kông Ted Hui, nói món quà không nên là vật cản, ngăn Úc đối đầu với Thủ tướng Lý Cường về các vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc.

"Tôi đến đây để phản đối vì Thủ tướng Trung Quốc ở đây. Chúng tôi muốn ông ấy lắng nghe những cáo buộc về nhân quyền bởi vì ở Trung Quốc, đặc biệt là nơi tôi đến, từ Hồng Kông, chúng tôi đã bị tống vào tù vì tất cả những điều mà trước đây tôi và các đồng nghiệp trong quốc hội, và những người ủng hộ, những người bất đồng chính kiến đã ​​bị bỏ tù, chỉ vì theo đuổi nhân quyền và dân chủ một cách ôn hòa. Điều này là không đúng. Và tôi ở đây để chính phủ Úc có thể lắng nghe chúng tôi khi họ đang bắt tay với chính phủ Trung Quốc, Thủ tướng Trung Quốc, nhà độc tài Trung Quốc. Thủ tướng Úc nên được nhắc nhở về tất cả những vi phạm nhân quyền ở Hồng Kông và nêu ra trước Thủ tướng Trung Quốc, đó là mục tiêu của chúng tôi.”

 

Ông Ted Hui đang đứng trong nhóm người biểu tình bên ngoài Sở thú Adelaide trong chuyến thăm của Thủ tướng Lý Cường.

 

Những người ủng hộ dân chủ và nhân quyền cho rằng ngoại giao gấu trúc là một tấm màn, được sử dụng nhằm đánh lạc hướng các chính trị gia Úc và công chúng, khỏi những vi phạm nhân quyền của Trung Quốc.

 

Nhiều người trong số họ lo ngại rằng vấn đề này của Trung Quốc sẽ bị bỏ qua trong chuyến thăm.

"Hôm nay chúng tôi có mặt tại Sở thú Adelaide để phản đối chính sách về gấu trúc, vì Trung Quốc sử dụng chính sách ngoại giao gấu trúc, để che giấu tất cả những hành động tàn bạo về nhân quyền, xảy ra với người Duy Ngô Nhĩ, xảy ra với người Tây Tạng, xảy ra với người Hồng Kông. Vì vậy, điều đó chắc chắn là sai lầm, nếu người dân Úc đồng tình chính sách này và đặt thương mại cũng như các mối quan hệ khác lên trên quyền con người."

 

Thủ tướng Lý Cường chỉ đứng sau Chủ tịch Tập Cận Bình, trong Đảng Cộng sản Trung Quốc, và chuyến thăm của ông là chuyến thăm đầu tiên của một đảng viên cấp cao trong bảy năm.

 

Sau một thời gian quan hệ bị chìm lấp giữa hai nước, Bắc Kinh đã dần dần gỡ bỏ lệnh cấm xuất cảng, với các hạn chế thương mại trị giá dưới 1 tỷ đô la, hiện vẫn còn áp dụng đối với tôm hùm đá và hai nhà máy xuất cảng thịt.

 

Xem quan hệ thương mại là trọng tâm của chuyến viếng thăm, chính phủ Úc mong muốn duy trì mối quan hệ giữa Úc và Trung Quốc một cách ổn định.

 

Tổng trưởng Ngân khố Jim Chalmers nói chuyến thăm này rất quan trọng đối với nền kinh tế Úc.

“Chúng tôi rất vui mừng vì đã có thể ổn định mối quan hệ này, và nhìn thấy các hạn chế thương mại trị giá hàng tỷ đô la được nới lỏng nhờ nỗ lực đó. Mối quan hệ này không thiếu những điều phức tạp, không thiếu những thách thức, nhưng nó thực sự là một mối quan hệ thực sự quan trọng đối với Úc. Chính phủ Lao động Albanese tin rằng sẽ nhận được nhiều lợi ích hơn cho nước Úc, cho người dân và nền kinh tế Úc khi tham gia một cách có ý nghĩa."

 

Còn thủ lãnh phe đối lập Peter Dutton nói với Sky News rằng ông muốn nêu lên những lo ngại về quân sự và thương mại trong chuyến thăm.

"Đó rõ ràng là một mối quan hệ rộng và phức tạp. Trọng tâm sẽ là làm thế nào có thể tăng cường các thỏa thuận thương mại. Nhưng như tôi nói, để trở thành bạn tốt, bạn cần có một mối quan hệ trung thực, mà trong đó có thể nói lên những mối quan ngại, cũng như người Trung Quốc cũng sẽ có những mối quan ngại mà họ muốn nêu ra với chúng ta."

 

Còn những người như Ted Hui cho rằng Úc cần có cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc.

"Tôi hoàn toàn tin rằng các biện pháp trừng phạt chống lại vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc nên được thực hiện bởi Chính phủ Úc. Và đây là điều mà chúng tôi đang yêu cầu bà Penny Wong và ông Albanese thực hiện. Và đây là điều có thể được thực hiện mà không gây tổn hại cho nền kinh tế Úc. Vì vậy tôi tin rằng điều này rất quan trọng đối với mục tiêu của chúng ta."