Hãng nghiên cứu thị trường S&P Global Platts (Anh) dẫn lời các nguồn tin thị trường nhận định giá than nhiệt lượng cao của Úc sẽ tăng lên trong thời gian tới bất chấp việc Indonesia đã nới lỏng các biện pháp kiểm soát xuất cảng than. Úc và Indonesia (Nam Dương) hiện là hai quốc gia xuất cảng than nhiệt lượng cao lớn nhất thế giới.

 

Giới quan sát lo ngại diễn biến của làn sóng lây nhiễm mới do biến chủng Covid-19 Omicron gây ra tại Úc sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động khai thác và vận chuyển than tại nước này. Bên cạnh đó, Úc chuẩn bị bước vào mùa mưa bão với dự báo hiện tượng thời tiết khắc nghiệt sẽ khiến gây khó khăn cho các hoạt động khai thác than.

 

Giá than nhiệt lượng cao của Úc đã liên tục tăng cao kể từ đầu năm đến nay (Đồ hoạ: S&P Global Platts)

 

 

Trước đó, thị trường từng kỳ vọng giá than nhiệt lượng cao tại Úc sẽ hạ nhiệt sau khi Indonesia nới lỏng các biện pháp kiểm soát xuất cảng than vào ngày 20/1 vừa qua. Tuy nhiên, giá than tại Úc hiện tiếp tục neo ở mức cao và có thể sẽ còn tiếp tục tăng lên trong ngắn hạn. Dữ liệu của hãng S&P Global Platts cho thấy giá than loại 5.500 kcal/kg NAR của Úc đã tăng vọt từ mức 103,50 USD/tấn (giá FOB) vào ngày 31/12/2021 lên 140 USD/tấn (giá FOB) vào ngày 27/1/2022.

 

Vào ngày 1/1, Indonesia đã bất ngờ ban hành lệnh cấm xuất cảng than kéo dài 1 tháng nhằm ngăn chặn tình trạng khan hiếm nguồn cung và đảm bảo than cho sản xuất điện trên thị trường nội địa. Các nhà máy nhiệt điện than tại Indonesia đã cảnh báo lượng than tồn kho ở mức rất thấp. Sau đó, giới chức Indonesia đã bắt đầu nới lỏng lệnh cấm xuất cảng  đối với các doanh nghiệp cam kết cung ứng ít nhất 25% sản lượng khai thác hàng năm cho thị trường nội địa với mức giá do chính phủ Indonesia đưa ra.

 

Việc Indonesia siết chặt kiểm soát hoạt động xuất cảng than đã khiến hàng loạt quốc gia như Nhật Bản, Nam Hàn và Philippines (Phi Luật Tân) lo ngại khan hiếm nguồn cung than trên thị trường quốc tế và đẩy mạnh tìm kiếm nguồn cung thay thế.

 

Ông Matthew Boyle, trưởng nhóm thị trường than toàn cầu thuộc bộ phận nghiên cứu của hãng S&P Global Platts cho biết gần như không còn lô than nhiệt lượng cao nào sẵn sàng giao ngay trên quy mô toàn cầu tại thời điểm hiện tại, điều này đã nâng đỡ và đẩy giá than giao ngay trên thị trường tăng vọt.

 

Theo ông Matthew Boyle, bên cạnh đó, các cơn mưa đang bắt đầu ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển cũng như Úc đang vào cuối mùa hè (tại Nam Bán cầu) nên nhiều nhân viên tại các mỏ than sẽ nghỉ phép, ảnh hưởng đến hoạt động của các mỏ.

 

Hoạt động lấy than tại cảng Newcastle (Úc), cảng xuất than lớn nhất thế giới, hiện cũng đang bị đình trệ. Thời gian lấy hàng của các tàu bị kéo dài từ 6 đến 22 ngày, thậm chí một số lô hàng phải tạm hoãn vận chuyển. Dữ liệu của Cơ Quan Thống kê Úc Đại Lợi cho thấy Úc xuất cảng được 167,4 triệu tấn than nhiệt lượng cao trong 10 tháng đầu năm 2021 và dự báo nước này sẽ xuất cảng  được 212 triệu tấn than trong năm tài chính 2022/2023.