Hình ảnh năm 1962 về những thanh niên sống sót sau sự cố thuốc thalidomide tại một ngôi nhà ở Anh. Nguồn: Getty / Keystone-France/Gamma-Keystone

 

 

AUSTRALIA - Thủ tướng Anthony Albanese đã gửi lời xin lỗi chính thức tới các nạn nhân thalidomide tại quốc hội. Thuốc thalidomide từng có mặt trên thị trường chỉ vài năm nhưng đã giết chết và gây dị tật bẩm sinh ở hàng nghìn trẻ sơ sinh trên khắp thế giới trong những năm 1950 và 1960.

 

"Hôm nay, thay mặt người dân Úc, chính phủ của chúng tôi và quốc hội này đưa ra lời xin lỗi trọn vẹn và muộn màng tới tất cả những người sống sót sau bệnh thalidomide, gia đình, người thân và người chăm sóc của họ.”

“Lời xin lỗi này dành cho một trong những chương đen tối nhất của nền y tế Úc. Đối với những người sống sót, chúng tôi xin lỗi vì nỗi đau mà thalidomide đã gây ra cho mỗi người trong số các bạn ngày qua ngày. Chúng tôi xin lỗi."

 

Đó là Thủ tướng Anthony Albanese đưa ra lời xin lỗi mà những người sống sót sau thalidomide cho rằng quá muộn màng với những người mà cuộc sống của họ đã bị hủy hoại bởi loại thuốc này.

 

Thalidomide là loại thuốc được sử dụng rộng rãi vào cuối những năm 1950 và đầu những năm 1960 để điều trị chứng buồn nôn ở phụ nữ mang thai và dẫn đến dị tật bẩm sinh nghiêm trọng.

 

Mặc dù có 146 người sống sót đã được đăng ký ở Úc nhưng vẫn chưa xác định được con số chính xác bị ảnh hưởng bởi thuốc hỗ trợ ốm nghén.

 

Một cuộc điều tra của quốc hội do đảng Xanh dẫn đầu năm 2019 về thảm kịch thalidomide cho thấy, nếu chính phủ hành động khẩn cấp khi loại thuốc này lần đầu tiên được phát hiện có liên quan đến dị tật bẩm sinh, thì 20% số người sống sót có thể không bị ảnh hưởng.

 

Thay vào đó, vào tháng 11 năm 1961, khi vấn đề nổ ra, chính phủ liên bang và tiểu bang đã không có hành động cấm nhập khẩu hoặc bán thuốc này.

 

Ông Albanese nói rằng Úc vô cùng xấu hổ vì thất bại này.

“Chúng tôi cũng thừa nhận sự thật lịch sử không thể tránh khỏi. Thực tế là ngay cả sau khi biết được mối nguy hiểm nghiêm trọng của loại thuốc này, việc nhập cảng Thalidomide vẫn không bị cấm. Việc bán thuốc không bị cấm.”

 

Các sản phẩm và mẫu trong phòng khám và cửa hàng không bị thu hồi toàn diện hoặc bị phá hủy toàn bộ. Việc nói xin lỗi không thể bào chữa hay phủ bỏ vấn đề này."

 

Thalidomide được sử dụng ở Úc và 45 quốc gia khác trên thế giới.

 

Chỉ cần một viên thuốc có thể làm hỏng bất kỳ mô hoặc cơ quan nào với tác dụng phụ thường gặp nhất là thiếu hoặc chân tay kém phát triển.

 

40% trẻ sơ sinh bị ảnh hưởng đã chết trong vòng một năm.

 

Năm 1961, một nữ hộ sinh người Úc và một bác sĩ nhi khoa người Đức lần đầu tiên đưa ra cảnh báo.

 

Sau khoảng 5 năm có mặt trên thị trường và 10.000 trẻ sơ sinh bị ảnh hưởng, nhà sản xuất Gruenthal đã thu hồi sản phẩm này, dẫn đến những cảnh báo nghiêm khắc từ các nhà lãnh đạo thế giới như tổng thống Mỹ John F Kennedy.

 

“Mọi phụ nữ ở đất nước này phải ý thức, phải kiểm tra tủ thuốc của mình và không dùng loại thuốc này.”

 

Phát ngôn nhân của Đảng Xanh về quyền sức khỏe và người khuyết tật, Thượng nghị sĩ Jordon Steele-John, nói với SBS News rằng lời xin lỗi từ chính phủ Úc tiếc là đã quá muộn với nhiều cha mẹ của những đứa trẻ bị ảnh hưởng.

“Lời xin lỗi này là cần thiết. Nó mang tính lịch sử. Không thể quên rằng đó là một lời xin lỗi đến quá muộn với rất nhiều bà mẹ đã bước ra khỏi thế giới tràn ngập đau khổ, tội lỗi và cảm giác thất vọng sâu sắc vì họ có cảm giác mình là một người mẹ thất bại.”

 

Chính phủ sau đó đã từ chối thừa nhận vai trò của mình trong thất bại này."

 

Sue Jerome là người sống sót sau hậu quả của việc dùng thuốc, được cộng đồng gọi là 'thalidomider'.

 

Cô đã phải đối mặt với cánh tay kém phát triển trầm trọng và tiếp tục đối diện với một số thách thức với cơ thể bị lão hóa sớm do tác động của thalidomide.

 

Cô nói với SBS News rằng cô luôn bị nhìn nhận là khác biệt kể từ khi sinh ra.

"Khi tôi sinh ra, tất cả các bà mẹ đều nghe thấy y tá nói 'ôi chúa ơi'. Tôi bị rất nhiều người cười nhạo. Tôi nghĩ 'đây là tôi, tôi thích cánh tay nhỏ bé', nhưng khi ở nơi công cộng tôi có thể cảm nhận được những ánh nhìn, nụ cười nhếch mép".

 

Những người sống sót đã trải qua nhiều thập niên đấu tranh để đòi chính phủ bồi thường và chống lại nhà phân phối thuốc trong một vụ kiện tập thể mang tính đột phá do luật sư Peter Gordon đứng đầu.

 

Vụ kiện tập thể liên quan đến các nạn nhân ở Úc và New Zealand thành công khi tăng gấp ba số người ở các quốc gia này được công nhận và bồi thường.

 

Sue nói rằng cô rất vui khi nghe được lời xin lỗi từ chính phủ sau ngần ấy năm nhưng sẽ thật tuyệt nếu điều đó đến khi cha mẹ cô vẫn còn sống để chứng kiến điều đó.

“Thật tốt khi chúng tôi được công nhận nhưng trong trường hợp của tôi thì hơi thất vọng, vì cha mẹ tôi sẽ không còn để nghe điều đó."

 

Chính phủ liên bang đang khánh thành một tượng đài ở Canberra để vinh danh các nạn nhân của loại thuốc này.

 

Bộ trưởng Y tế Mark Butler cho biết chính phủ cũng đang mở lại 'Chương trình hỗ trợ những người sống sót sau Thalidomide' để chắc chắn rằng bất kỳ ai đã lỡ cơ hội đăng ký trước đó sẽ không bỏ lỡ cơ hội được hỗ trợ.

 

Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Steele-John nói rằng chính phủ cần bảo dảm sự hỗ trợ này theo kịp áp lực chi phí sinh hoạt.

"Một lời xin lỗi chỉ có tác dụng tốt khi đi kèm hành động diễn ra sau đó. Đó là lý do hôm nay chúng tôi kêu gọi chính phủ lập các khoản thanh toán hỗ trợ để theo kịp với chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, phải có một lộ trình cho những người sống sót để đòi lại công lý. Đó là lý do tại sao chúng tôi kêu gọi chính phủ kích hoạt và mở lại lộ trình Đánh giá khả năng tiếp cận cho các chương trình hỗ trợ ở Úc."