Tiến sĩ Khay Fong và nhóm của cô đã tìm thấy hạt vi nhựa trong mọi mẫu vật được thu thập từ Cảng Sydney

 

 

Các chuyên gia khoa học Úc đang hy vọng nghiên cứu mới về hạt vi nhựa trong nước sẽ thúc đẩy các hoạt động bảo vệ môi trường tốt hơn. Hạt vi nhựa - kết quả của sự phân hủy của các sản phẩm nhựa lớn hơn - hiện diện trong đại dương, trong đất và thậm chí cả không khí chúng ta hít thở. Nhưng các chuyên gia nói rằng có những bước chúng ta có thể thực hiện để hạn chế khả năng tiếp xúc với hạt vi nhựa.

 

Chúng là những hạt rất nhỏ nhưng gây ra các vấn đề lớn.

 

Hạt vi nhựa không thể nhìn thấy bằng mắt thường nhưng lại là mối quan tâm hàng đầu đối với các chuyên gia khoa học đang xem xét Cảng Sydney, trong nỗ lực xác định quy mô ô nhiễm tại một trong những tuyến đường thủy mang tính biểu tượng nhất thế giới.

"Chúng tôi tìm thấy nhựa trong hầu hết mọi chuyến quan sát mà chúng tôi thực hiện. Đó là phần gây sốc nhất. Chúng ta có hạt vi nhựa ở khắp mọi nơi chúng tôi đến... Whitsundays, Thái Bình Dương, ở khắp mọi nơi."

 

Đó là Tiến sĩ Khay Fong, giảng viên cao cấp khoa Hóa học của trường Đại học Monash.

 

Cô dẫn đầu cuộc nghiên cứu, sử dụng lưới kéo manta – là một loại lưới được thiết kế để thu thập các hạt rất nhỏ và mảnh vụn.

 

Lưới được hạ xuống bến cảng và sau 20 phút, nó được kéo lên boong thuyền.

 

Trong vòng vài giây, Tiến sĩ Fong phát hiện ra thứ mà cô tin là những hạt nhựa nhỏ.

 

"Đó có lẽ là polystyrene..."

 

 

Kết quả vẫn đang được xác định nhưng dựa trên những phát hiện ban đầu, có một điều chắc chắn:

"Có nhựa trong mỗi mẫu nghiên cứu – và có rất nhiều nhựa. Vì vậy, đây là nơi tập trung giống như Địa Trung Hải, là một trong những nơi ô nhiễm nhất trên thế giới chủ yếu vì đây là một trong những nơi đông dân nhất."

 

Xa hơn về phía bắc, trong một nghiên cứu khác cũng có khám phá tương tự.

 

Các chuyên viên nghiên cứu của trường Đại học Queensland đã thu thập các mẫu trầm tích bề mặt từ 50 địa điểm trên khắp Vịnh Moreton của Brisbane.

 

Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Elvis Okoffo từ Liên minh Khoa học Sức khỏe Môi trường Queensland, cho hay các mẫu đã được đưa trở lại phòng thí nghiệm để phân tích và kết quả thật đáng kinh ngạc.

"Có khoảng 7.000 tấn vi nhựa trong vịnh. Điều này thật đáng ngạc nhiên vì thực tế là vịnh được bảo vệ rất chặt chẽ và chúng tôi không mong đợi sẽ thấy nhiều nhựa như vậy."

 

 

Con số này tương đương với 1,5 triệu túi nhựa, đủ để lấp đầy ba bể bơi cỡ Olympic.

 

Tiến sĩ Okoffo cho hay loại nhựa chính được phát hiện là polyetylen, thường được tìm thấy trong các vật dụng sử dụng một lần như túi nhựa, bình nhựa và giấy gói thực phẩm.

"Điều đó thực sự cho chúng ta biết rằng có mối liên hệ trực tiếp giữa lượng nhựa chúng ta tiêu thụ ở Úc và lượng nhựa bị thải ra môi trường."

 

Các hạt vi nhựa, là những mảnh nhựa nhỏ có kích thước dưới 5 mm, thải ra môi trường do sự phân hủy của các sản phẩm nhựa lớn hơn.

 

Bằng chứng cho thấy con người đang ăn hạt vi nhựa thông qua hải sản bị ô nhiễm.

 

Và đó không phải là cách duy nhất hạt vi nhựa có thể xâm nhập vào cơ thể con người.

 

Cũng như đại dương, chúng xâm nhập vào đất, vào không khí chúng ta hít thở, một số nguồn nước và đồ uống đóng chai.

 

Các khoa học gia đã tìm thấy hạt vi nhựa trong máu và trong nhau thai.

 

 

Nhưng Tiến sĩ Cassandra Rauert của trường Đại học Queensland cho hay những tác động trực tiếp đến sức khỏe vẫn chưa được biết đến.

"Chúng tôi chắc chắn biết mình đang tiếp xúc với nhựa mỗi ngày. Chúng tôi biết rằng chúng tôi đang hít phải nhựa mỗi ngày và chúng tôi biết rằng chúng tôi đang nuốt chúng qua thức ăn và nước uống, đặc biệt là nước đóng chai. Nhưng chúng tôi thực sự không có kết luận chắc chắn, chưa có bằng chứng nào về số phận thực sự của những loại nhựa này sau khi cơ thể chúng ta tiếp xúc với chúng. "

 

 

Tiến sĩ Rauert, Nghiên cứu viên cấp cao tại Liên minh Khoa học Sức khỏe Môi trường Queensland, hiện nay đang dẫn đầu một nghiên cứu về những rủi ro khi con người tiếp xúc với hạt vi nhựa.

 

Cô là một trong số các chuyên gia khoa học trên khắp thế giới đang chạy đua để xác định rủi ro của hạt vi nhựa.

 

 

Cô nói tin tốt là có những bước chúng ta có thể thực hiện để giảm bớt việc tiếp xúc hạt vi nhựa.

"Chúng tôi thực sự đang thực hiện một số nghiên cứu cho thấy rằng đặc biệt là các hộp nhựa dùng một lần, như hộp đựng đồ ăn mang đi của bạn, có rất nhiều hạt vi nhựa khi rửa, cho dù bạn rửa chúng trong nước lạnh hay nước nóng. Vì vậy, hãy tránh dùng những loại đồ nhựa và sử dụng thép không gỉ nếu có thể."

 

Cô nói thêm rằng quần áo là một trong những nguồn phát tán hạt vi nhựa lớn nhất.

"Điều mà nhiều người không biết là hai trong số những nguồn hạt vi nhựa lớn nhất thực chất là sợi tổng hợp mà chúng ta đang mặc. Những sợi nhỏ rơi ra khỏi quần áo và chúng ta hít chúng vào. Vì vậy, hãy cố gắng tránh mặc quần áo bằng sợi tổng hợp, nếu có thể. Hãy thử sử dụng bình nước có thể tái sử dụng, thay vì mua nước đóng bình, hãy cố gắng tránh sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Tất cả những điều nhỏ nhặt này có thể tạo nên sự khác biệt lớn.”