'Long COVID'. Ảnh: Nick Evans

 

AUSTRALIA - Nửa triệu người Úc bị ảnh hưởng lâu dài bởi COVID. Các chuyên gia và người bệnh đang thúc giục một biện pháp có tính chất tương trợ nhằm bảo đảm các dịch vụ chăm sóc y tế luôn có mặt kịp lúc.

 

Renee Freeman bị mắc COVID-19 hai năm trước.

 

Cô cố gắng vượt qua bệnh tật mà không cần vào bệnh viện, tuy nhiên cho đến nay cô vẫn bị mắc các hậu quả từ lần nhiễm COVID đó.

 

Từng không có một căn bệnh nền nào, nay cô vô cùng ngạc nhiên về tác động kéo dài của COVID đến năng lượng cơ thể của mình.

Tôi tập thể dục năm lần một tuần. Tôi đi biển, đi bộ đường dài mỗi tuần một lần để có dịp uống cà phê với bạn bè. Còn bây giờ là cả một cuộc sống xa rời với những gì tôi đã quen thuộc. Về căn bản tôi cuộc chiến hàng ngày của tôi là để chống lại chứng mệt mỏi mãn tính. Tôi có những ngày tốt mà có thể thức dậy vào khoảng 10 giờ và hoạt động bình thường. Tuy nhiên những ngày khác thì tôi vô cùng mệt mỏi, uể oải, không thể làm nhiều việc xung quanh nhà. Tôi vừa quay trở lại làm việc, vì vậy cơ thể tôi đang phải vật lộn với rất nhiều vào lúc này.

 

Là một y tá, cô đã được điều từ thành phố quê nhà Perth đến Melbourne làm việc vào tháng 9/2020, để giúp điều trị bệnh nhân COVID trong đợt lây nhiễm thứ hai vô cùng dữ dội liên quan đến những sự tắc trách trong chương trình quản lý việc cách ly tại khách sạn.

 

Cô nói rằng đó là một hành trình chậm chạp, khi cô từ từ học cách kiểm soát tình trạng mệt mỏi mãn tính của bản thân, vốn bắt nguồn từ lần lây nhiễm thứ hai vào đầu tháng 8.

 

Nếu không có kiến thức của một y tá, cô nói sẽ rất khó khan để chống đỡ.

 

Cô nói nhiều người như cô đang trải qua sự đau khổ trong im lặng.

Tôi muốn được hỗ trợ nhiều hơn về mặt tinh thần - vì hậu quả là sự suy nhược khá lớn về tinh thần. Toàn bộ cuộc sống của bạn thay đổi mãi mãi. Hai năm trôi qua, tôi vẫn không thể quay lại là một người giống như khi tôi mới đến Melbourne. Và có lẽ sẽ mất hai năm nữa để có thể quay trở lại như cũ. Đó có thể là một nơi chốn nào đó trong mỗi tiểu bang, mà chúng tôi có thể đến - và họ có sẵn tài liệu tham khảo của các bác sĩ, các chuyên gia y tế có thể giúp chúng tôi ở mọi cấp độ.

 

Tại Tasmania, nhà vật lý trị liệu Scott Willis cũng bị mắc COVID vào năm 2020.

 

Đó là vào đợt bùng phát đầu tiên của tiểu bang vào tháng 3, khi ông đang điều trị nhiễm trùng thận tại Bệnh viện Miền quê Tây Bắc - cùng một chỗ mà hai bệnh nhân, sau đó được phát hiện, đã nhiễm COVID từ con tàu du lịch Ruby Princess cập cảng Sydney.

 

Là một người rất năng động, đi xe đạp và bơi lội năm ngày một tuần, nhưng ông cũng nhận thấy tác động kéo dài.

Sau đó, có một ngày, tôi đang bơi trong hồ bơi và quay sang thực hiện một vòng bơi mới - và vừa thực hiện xong khoảng bốn lượt bơi tôi đã cảm thấy như sắp chết đuối. Tôi bị mất hết sức lực ở tay và chân - và thực sự phải bám lấy thành bể bơi. Và đó là lúc tất cả mọi thứ bắt đầu. Tôi bắt đầu nghĩ đây không phải là sự xuất hiện bình thường của bất kỳ loại hậu quả nào sau khi bị nhiễm bệnh. Và đó là khi chứng COVID kéo dài bắt đầu được điều tra. Tôi vẫn không thể làm được những gì tôi đã làm trước COVID. Tôi vẫn có một số thời điểm thực sự mệt mỏi, khó chịu và thậm chí có lúc bị sương mù não, đặc biệt nếu tôi tập thể dục quá lâu hoặc ở cường độ cao.

 

May mắn là cả hai người này đều đã sử dụng kiến thức về sức khỏe và y tế của mình để điều chỉnh và đưa họ đến với các dịch vụ hỗ trợ, trước khi các phòng khám COVID kéo dài bắt đầu xuất hiện vào tháng 3 năm nay - đầu tiên là ở New South Wales, sau đó là Victoria, Lãnh thổ Thủ đô Can berra, Nam Úc và Queensland.

 

Tây Úc và Tasmania vẫn đang chờ khai trương một phòng khám chuyên khoa về hậu quả của COVID.

 

Cô Freeman đã thành lập một nhóm hỗ trợ trên Facebook tại địa phương để giúp đỡ những người trong hoàn cảnh tương tự.

Chúng tôi không có ai để tiếp xúc hoặc nói chuyện. Vì vậy, tôi đã tạo một trang facebook để nếu ai đó muốn vào xem hoặc liên hệ với bất kỳ ai đang chịu đựng vấn đề này ở Perth.

 

Trong trường hợp không có các dịch vụ chuyên khoa, bác sĩ gia đình GP và mạng lưới giới thiệu của GP là cách chính thức mà mọi người có thể nhận được trợ giúp.

 

Scott Willis, được bổ nhiệm làm chủ tịch quốc gia của Hiệp hội Vật lý trị liệu Úc vào tháng 1/2021, nay chia sẻ kiến thức của mình về cách điều trị các triệu chứng mệt mỏi.

 

Ông nói có những khoảng trống trong cung cấp dịch vụ này cần được lấp đầy.

Tôi nghĩ rằng khoảng cách vẫn xảy ra ở tuyến đầu của các dịch vụ y tế. Vì vậy, rất nhiều bác sĩ gia đình GP không hiểu đầy đủ - và thậm chí nhiều bác sĩ chuyên khoa không thực sự hiểu nhiều về chứng COVID kéo dài. Khi bệnh nhân đến gặp GP, bác sĩ vật lý trị liệu hoặc bác sĩ tâm lý, nếu họ không biết về triệu chứng này, họ sẽ rất khó điều hướng trong hệ thống y tế và giúp bạn có được cách kiểm soát tình trạng sức khoẻ của mình một cách thích hợp.

 

Một cuộc điều tra của chính phủ liên bang từ ngày 1/9 đang xem xét tình trạng COVID kéo dài nghĩa là gì và mức độ của các dịch vụ hỗ trợ hiện có.

 

Cuộc điều tra sẽ xem xét các biện pháp ứng phó được thực hành tốt nhất, trong việc phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị chứng COVID kéo dài hoặc bị nhiễm bệnh lặp đi lặp lại, cả ở Úc và quốc tế.

 

Ủy ban cũng được yêu cầu xem xét nguy cơ gia tăng của các tình trạng khác nhau bao gồm tim mạch, hệ thần kinh và miễn dịch trong dân số Úc nói chung.

 

Giáo sư Brendan Crabb, từ Viện Burnet ở Melbourne, chuyên nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm.

 

Ông nói hiện nay người ta đã biết nhiều hơn về chứng COVID kéo dài, có 200 triệu chứng đã được ghi nhận.

Tôi sẽ không gọi đó là căn bệnh bí ẩn nữa. Đặc biệt, ba và bốn tháng qua, đã chứng kiến ​​một làn sóng về thông tin chất lượng cao về chứng COVID kéo dài. Đó là một loạt các bệnh và triệu chứng. Nhưng đặc biệt nó làm tổn thương các cơ quan trong cơ thể: tổn thương phổi, tim, não của bạn. Trên thực tế, phần lớn tổn thương các cơ quan đó dường như là do quá trình viêm nhiễm. Nói cách khác, hệ thống miễn dịch của bạn đang tấn công và tấn công các mô mà nó không nên tấn công, trong một thời gian dài. Và điều thú vị hơn là có những loại vi rút khác sống trong cơ thể chúng ta thường không hoạt động. Rất nhiều trong số này là vi rút herpes - những thứ như vi rút thủy đậu (EBV) hoặc vi rút herpes simplex gây ra bệnh mụn rộp. Đây là những vi rút herpes sống ở rất nhiều người trong chúng ta - và thường không hoạt động. Nhưng trong trường hợp bị COVID kéo dài, chúng thường được kích hoạt lại. Vì vậy, chúng tôi đang bắt đầu tìm hiểu cơ chế của những hội chứng - một số hội chứng thần kinh đã được chứng minh là kéo dài hơn hai năm. Một khi bạn hiểu các cơ chế, bạn có thể nghĩ đến các phương pháp điều trị và giải pháp.

 

 

Các nghiên cứu ở Úc cho thấy tỷ lệ nhiễm COVID kéo dài trong dân số nói chung là 5% những người đã bị nhiễm vi rút.

 

Con số đó tương đương với hơn nửa triệu người.

 

Chỉ trong năm nay, đã 10 triệu người Úc đã bị nhiễm COVID-19.

 

Con số này lớn hơn 20 lần so với hai năm trước đó.

 

Phó giáo sư Linda Selvey, tại trường Đại học Queensland, là một nhà dịch tễ học về bệnh truyền nhiễm và là bác sĩ sức khỏe cộng đồng.

 

Bà nói cần phải làm nhiều việc hơn nữa để hạn chế mức độ lây lan vi rút trong cộng đồng, cũng như tăng cường liều vaccine COVID-19 thứ ba và thứ tư.

Một ​​phần của biện pháp tránh bị chứng COVID kéo dài trong tương lai là cố gắng hạn chế sự lây nhiễm. Chúng ta cũng cần hỗ trợ những người mắc chứng COVID kéo dài. Tôi hiểu có một số dự án nghiên cứu đang diễn ra tại thời điểm này, đang cố gắng tìm hiểu cách kiểm soát nó. Nhưng chúng ta cũng cần chuẩn bị trong xã hội để có thể hỗ trợ những bệnh nhân này trong tương lai. Và tương lai bao lâu thì chúng ta vẫn chưa thực sự biết. Nhưng hãy tưởng tượng nếu bạn đột nhiên không thể làm việc nhiều hơn, hoặc bạn không thể làm những điều mang lại cho bạn vui vẻ nữa. Đó là một vấn đề khá lớn. Nó không thể được xem nhẹ.

 

 

Bà ủng hộ việc kêu gọi một trung tâm kiểm soát dịch bệnh của Úc, tương tự như Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, nhằm phát triển một chiến lược phối hợp, có thể kiểm soát chứng COVID kéo dài và ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát trong tương lai.

 

Đó là một ý tưởng mà chính phủ liên bang đã cam kết trong bầu cử.

 

Tổng trưởng Y tế Mark Butler hôm 19/9 nói ông cam kết phát triển một chiến lược quốc gia về chứng COVID kéo dài và mong đợi những phát hiện của cuộc điều tra liên bang.

 

Trong khi đó, các nhóm người khuyết tật thúc giục chính phủ liên bang và tiểu bang làm nhiều hơn nữa để bảo đảm mức độ lây nhiễm giảm xuống thông qua các biện pháp được hỗ trợ bởi nhóm các nhà khoa học OzSAGE, bao gồm hệ thống thông gió tốt hơn và duy trì đeo khẩu trang.

 

Craig Wallace, người đứng đầu Chính sách Vận động để Hòa nhập, nói đối với những người khuyết tật - bao gồm cả bản thân anh - đó là một năm khó khăn.

 

Anh đã tham dự đám tang của những người trong cộng đồng khuyết tật đã chết vì COVID.

Tôi đang tham dự tang lễ của một đồng nghiệp yêu quý và lãnh đạo trong cộng đồng người khuyết tật đã chết vì COVID và không có bệnh lý nào khác. Vì vậy, điều này là rất thực tế đối với chúng tôi. Và rõ ràng là chúng tôi vẫn đang tiếp tục hứng chịu tình hình đại dịch, đòi hỏi người khuyết tật phải thận trọng.

 

Anh đã giảm tối đa nguy cơ của bản thân, của anh trai và mẹ anh - tất cả đều bị suy giảm hệ miễn dịch - bằng cách cả nhà đều ở yên trong nhà trong suốt năm nay.

 

Anh nói rằng cần phải có sự truyền thông và lãnh đạo tốt hơn về các biện pháp cũng như hành vi cần áp dụng, nhằm giảm sự lây lan vi rút.

Không ai trong chúng tôi kêu gọi phong toả. Điều chúng tôi kêu gọi là có những cách tiếp cận phòng ngừa hợp lý. Chẳng hạn chúng ta có thể bảo đảm rằng những nơi và không gian mà mọi người phải đến - như trung tâm y tế - luôn được giữ an toàn. Rằng chúng tôi đang làm sạch không khí. Chúng tôi sử dụng khẩu trang hợp lý. Điều đáng quan tâm lúc này là chúng ta thậm chí không có sự nhận biết căn bản thế nào là hợp lý.

 

Giáo sư Crabb nói mô hình của các đợt bùng phát dịch bệnh trước đây cung cấp những bài học hữu ích về những gì cần làm để đại dịch này thực sự kết thúc ở Úc.

Bài học chính là đại dịch COVID rất có thể sẽ biến mất. Hãy phát triển các công cụ y tế. Sử dụng các biện pháp can thiệp y tế cộng đồng trong thời gian chờ đợi dịch bệnh chấm dứt. Hãy nhớ đến bệnh tả do vi khuẩn lây lan trong nước và nguyên nhân gây tiêu chảy nặng và mất nước trước đây. Hiện nay chúng ta không có nhiều bệnh tả nữa vì chúng ta uống nước sạch. Chúng ta yêu cầu chính phủ cung cấp nước sạch cho chúng ta. Đây là những điều đã được lập pháp. Bài học là liệu chúng ta có thể cung cấp không khí sạch trong không gian công cộng giống như cách chúng ta cung cấp nước sạch không? Tất nhiên là có thể. Và chúng ta nên làm như vậy. Và điều đó sẽ có những lợi ích vượt xa COVID, có thể kiểm soát tất cả các bệnh lây truyền qua không khí. Đó là một bài học lớn rút ra ở đây.

 

Cho đến nay ở Úc đã có 10,2 triệu người bị nhiễm bệnh (10,209,239), gần 15,000 người đã chết vì bệnh dịch COVID (14,984) và hơn 1,700 người (1,757) đang được điều trị tại bệnh viện vì COVID.