Trang mạng của Service Australia có nhiều thông tin về dịch vụ hỗ trợ miễn phí cho người chăm sóc. Ành: Pexels

 

 

AUSTRALIA - Khi nhiều người lên kế hoạch tận hưởng kỳ nghỉ cuối năm, khoảng 3 triệu người ở Úc đang làm công việc chăm sóc không lương cho người thân cũng mong muốn điều tương tự để tránh bị kiệt sức. Nhưng họ phải vượt qua một số trở ngại, bao gồm tìm nơi trợ giúp phù hợp với bản thân họ và người mà họ chăm sóc.

 

“Dù bản thân mình có cực khổ đến mấy, miễn là người thân của mình khỏe mạnh, vui vẻ là mình hạnh phúc rồi.”

 

Bạn có thể nghe thấy những câu tương tự như vậy từ những người đang chăm sóc người thân như cha mẹ, con cái, bạn đời, người bà con hoặc bạn bè của họ.

 

Họ có thể coi việc chăm sóc người thân là lẽ đương nhiên, và họ làm như vậy với tấm lòng yêu thương.

 

Đó có thể là một công việc đặc biệt, vì họ không được trả lương.

 

Nếu là người được thuê để chăm sóc ai đó, hoặc làm tình nguyện viên cho một tổ chức, hoặc đang thực tập như một phần của khóa học, thì họ sẽ không được coi là người chăm sóc, theo định nghĩa của Đạo luật công nhận người chăm sóc của Chính phủ Úc năm 2010.

 

Nhưng bất cứ ai chăm sóc cho người khác, cho dù mạnh mẽ đến đâu, cũng không tránh được tình trạng mệt mỏi hoặc thậm chí kiệt sức.

 

Nhớ lại những khó khăn trong khoảng thời gian chăm sóc người cha già yếu, Chị Dương Thủy ở Melbourne cho biết:

 

"Thứ nhất là mình không có đủ thì giờ để nghỉ ngơi, nên mình cảm thấy trong người mình rất mệt. Thứ hai là mình cảm thấy cô độc, vì mình không có điều kiện để sinh hoạt bên ngoài, mình phải ở nhà để chăm sóc cho cha".

 

Một khoảng thời gian tạm nghỉ thực sự rất quan trọng đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống của chị Thủy, cũng như khoảng 3 triệu người trên cả nước Úc đang làm công việc chăm sóc, theo số liệu của Nha thống kê Úc Đại Lợi (ABS).

 

Chị Thủy nói rằng, điều quan trọng là người chăm sóc phải nhận ra bản thân mình cũng cần được chăm sóc, để không bị kiệt sức trong vai trò của mình.

 

“Em thấy là theo như văn hóa của mình và theo như tấm gương của mẹ mình, hình như là khi chăm sóc người thân là quên luôn chăm sóc mình."

"Đối với em, cũng mất một khoảng thời gian rất lâu để nhận ra rằng em cần phải chăm sóc cho chính mình nữa, để em mới có nghị lực, để mà em có sức khỏe, có sự yêu đời, không bị kiệt sức trong cái vai trò chăm sóc của mình, để có thể đem nghị lực vui tươi của mình cho con của mình và cho gia đình của mình.”

 

 

Người chăm sóc có thể tìm sự trợ giúp ở đâu?

 

Service Australia cho biết, có nhiều dịch vụ hỗ trợ và thông tin để giúp người chăm sóc.

 

Carers Australia là cơ quan hàng đầu của Úc dành cho người chăm sóc. Trang mạng của họ có những thông tin và dịch vụ hỗ trợ cụ thể, bao gồm cả một số dịch vụ bằng tiếng Việt và họ hiểu rõ nguồn gốc văn hóa để giúp người chăm sóc.

 

Một người có thể tạm dừng việc chăm sóc của mình để nghỉ ngơi và nạp lại năng lượng, bằng cách sử dụng dịch vụ chăm sóc tạm thời của Carer Gateway.

 

Chăm sóc tạm thời là khi người khác chăm sóc người mà bạn chăm sóc, để bạn có thể nghỉ ngơi.

 

Chị Thủy chia sẻ trải nghiệm tiếp cận dịch vụ miễn phí của Carer Gateway với việc liên lạc khá đơn giản, và quan trọng là chị cảm thấy được cảm thông khi yêu cầu sự giúp đỡ.

"Mình lên mạng gọi trực tiếp cho họ, nói ra nhu cầu của mình và đề nghị sự giúp đỡ. Mình thấy họ đối xử với mình rất lịch sự, rất thông cảm và sẵn lòng muốn chia sẻ."

 

 

Bên cạnh dịch vụ tư vấn, huấn luyện, cung cấp các mẹo thực tế để chăm sóc người thân tại nhà, chăm sóc tạm thời, Carer Gateway cũng có các gói hỗ trợ tùy theo hoàn cảnh và nhu cầu riêng của người chăm sóc, có thể bao gồm cả sự hỗ trợ để giúp cho họ tiếp tục việc học còn dang dở.

 

Những ai đang chăm sóc người cao niên có thể tìm hiểu các dịch vụ hỗ trợ từ My Aged Care. Và người chăm sóc người thân bị khuyết tật có thể tìm thêm sự hỗ trợ từ Chương trình Bảo hiểm Khuyết tật Quốc gia (NDIS).

 

 

Chị Diễm, một người mẹ chăm sóc con bị tự kỷ ở Melbourne chia sẻ cảm nghĩ khi nhận ra bản thân cần khỏe mạnh và vui vẻ hơn để chăm sóc con tốt hơn.

 

"Gia đình của em có con bị khuyết tật thì lúc nào cũng bận rộn, rồi cũng có nhiều khó khăn. Đôi khi rất mệt mỏi căng thắng, nên em nghĩ là sức khỏe là điều quan trọng nhất. Em nghĩ mình cần sức khỏe để chăm sóc cho bản thân mình, rồi mình mới có sức khỏe chăm sóc cho gia đình mình và nhất là đưa con khuyết tật."

"Khi mình có sức khỏe và mình có niềm vui thì mình sẽ chăm sóc cho con của mình tốt hơn và mình cảm thấy con của mình cũng vui và cuộc sống của gia đình mình được bình an."