(Ảnh: SBS)

 

 

AUSTRALIA - Lời kêu gọi được đưa ra trong Tuần lễ vì Người tị nạn (từ ngày 18 tháng 6 - 24 tháng 6), một sự kiện thường niên nhằm tôn vinh những người tị nạn từ khắp nơi trên thế giới, cũng như làm nổi bật những hy sinh và thách thức mà họ phải trải qua với hy vọng tìm được một cuộc sống tốt đẹp hơn.

 

Ở một đất nước mà hệ thống y tế xếp hạng thứ ba trên thế giới về hiệu suất chăm sóc sức khỏe tổng thể, người Úc có thể ngạc nhiên khi biết rằng một số người dễ bị tổn thương nhất trong nước, phải vật lộn để tiếp cận các dịch vụ y tế.

 

Các chuyên gia y tế và những người ủng hộ người tị nạn đang nhấn mạnh tình thế bấp bênh mà hàng chục ngàn người sống ở Úc đang phải đối mặt.

 

Đại học Bác sĩ Đa khoa Hoàng gia Úc (RACGP) đang kêu gọi hành động phối hợp để tăng cường sức khỏe và phúc lợi của những người có nguồn gốc tị nạn, bao gồm cả những người đang xin tị nạn ở Úc.

 

Tiến sĩ Nicole Higgins, Chủ tịch của RACGP, nói rằng tất cả những người ở Úc, kể cả những người đang xin tị nạn, đều có quyền được chăm sóc sức khỏe bình đẳng.

“Úc có một trong những hệ thống y tế tốt nhất trên thế giới. Và chúng ta cần bảo đảm rằng tất cả những ai đang ở Úc đều có quyền tiếp cận bình đẳng.”

"Tôi hiểu rằng có những thách thức đối với thường trú nhân và công dân, nhưng chúng ta cũng cần chung tay giúp đỡ những người đang xin tị nạn hoặc người tị nạn. Họ xứng đáng được chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, giống như phần còn lại của nước Úc."

 

Tuần lễ vì Người Tị nạn, bao gồm Ngày Tị nạn Thế giới (20 tháng 6) được Liên Hợp Quốc thiết kế để tôn vinh những người tị nạn từ khắp nơi trên thế giới, và ghi nhận nỗ lực mạnh mẽ của những người chạy trốn xung đột và ngược đãi, để theo đuổi một cuộc sống tốt đẹp hơn.

 

RACGP đã sử dụng Ngày Tị nạn Thế giới để thông báo những lời kêu gọi mới đối với chính phủ, nhằm chấm dứt việc giam giữ người tầm trú, cũng như tình trạng không chắc chắn về thị thực kéo dài, điều mà họ tin rằng đã gây ra tổn hại về thể chất và tinh thần không đáng có.

 

Tiến sĩ Higgins cho biết tổ chức của bà cũng ủng hộ chiến lược dựa trên bằng chứng để cải thiện việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho các cộng đồng này, nhằm giải quyết các yếu tố rủi ro trong cộng đồng người tị nạn.

"RACGP đang kêu gọi một cơ hội để xem xét sức khỏe và phúc lợi của những người tị nạn và tầm trú, đồng thời yêu cầu chính phủ rằng đặt ưu tiên cho điều này, và chúng ta phải có một chiến lược quốc gia."

“Chúng ta biết rằng những người có nguồn gốc tị nạn có tỷ lệ mắc các vấn đề về sức khỏe thể chất và tinh thần cao hơn. Và những vấn đề này có xu hướng kéo dài và trở nên ngày càng phức tạp theo thời gian.”

 

Một báo cáo năm ngoái của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy hàng triệu người tị nạn và người di cư trong các tình huống dễ bị tổn thương, chẳng hạn như lao động nhập cư có tay nghề thấp, phải đối mặt với tình trạng sức khỏe kém hơn so với cộng đồng ở quốc gia mà họ sinh sống.

 

Ở Úc, việc tiếp cận Medicare thường là tạm thời và có thể thay đổi trong quá trình nộp đơn xin bảo vệ của một người nào đó.

 

Mặc dù những người tị nạn đã nhận được quyền thường trú nhân sẽ nhận được quyền truy cập đầy đủ vào Medicare, nhưng thường phải mất vài năm để tình trạng tị nạn được chấp thuận và những sự bảo vệ đó được cung cấp.

 

Tính đến cuối tháng 4 năm 2023, có 27,464 người đang chờ quyết định về tình trạng tị nạn của họ ở Úc, với dữ liệu từ Hội đồng Người tị nạn Úc cho thấy thời gian xử lý trung bình đối với thị thực bảo vệ vĩnh viễn hiện là khoảng 913 ngày.

 

Ian Rintoul, người ủng hộ người tị nạn và phát ngôn viên của Liên minh Hành động cho Người tị nạn tại thành phố Sydney, nói rằng chính sách nhập cư nghiêm ngặt của chính phủ liên bang khiến những người xin tị nạn rơi vào tình trạng dễ bị tổn thương về sức khỏe.

"Các chính sách của chính phủ đã tạo ra một tầng lớp bên dưới. Ý tôi là, đó là sự kết hợp của những người đã từng ở Manus và Nauru, những người xin tị nạn ở Úc, thực sự có một tầng lớp thấp hơn của những người tị nạn và tầm trú trong cộng đồng Úc. Họ không có thẻ Medicare mà họ có thể sử dụng để bảo đảm rằng họ hoặc con cái của họ có thể tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe."

 

Mohammad Al-Khafaji, là giám đốc điều hành của Hội đồng Liên đoàn các Cộng đồng Sắc tộc Úc (FECCA) và cũng là đồng chủ tịch sáng kiến gần đây của FECCA - Sáng kiến Hợp tác Y tế Đa văn hóa Úc.

 

Sáng kiến này vận động cho việc cải thiện khả năng tiếp cận chăm sóc sức khỏe và công bằng cho các cộng đồng đa văn hóa ở Úc.

 

Bản thân từng là người tị nạn, ông Al-Khafaji nói rằng chính phủ Úc cần thay đổi cách nghĩ về những người xin tị nạn, khi xác định khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

"Người tị nạn đóng góp rất lớn cho đất nước chúng ta tại Úc. Bản thân tôi, từng là một người tị nạn, đã thấy sự hào phóng của người dân Úc. Và tôi muốn chắc chắn rằng tôi sẽ đền đáp lại cộng đồng."

“Người tị nạn là những người Úc tương lai, họ là tương lai của đất nước này. Họ làm việc chăm chỉ, họ đóng thuế và họ sẽ là các nhà phát minh tiếp theo, các bác sĩ tiếp theo, lính cứu hỏa tiếp theo.”

"Chúng tôi muốn bảo đảm rằng trải nghiệm định cư của họ ở Úc là một trải nghiệm tích cực. Và chúng tôi muốn đảm bảo rằng mọi vấn đề sức khỏe mà họ gặp phải đều được giải quyết từ sớm."