TikTok is popular with teenagers. Source: Getty Images Europe

(Theo SBS Việt ngữ)

Một số chuyên gia an ninh mạng và an ninh quốc gia hàng đầu nước Úc cảnh báo ứng dụng TikTok có thể bị Bắc Kinh sử dụng để gây ảnh hưởng và giám sát hàng triệu người dùng Úc.

Ứng dụng điện thoại phổ biến TikTok với nửa triệu người dùng là mạng xã hội Trung Quốc đầu tiên chinh phục được người dùng Tây phương.

Highlights:

-TikTok có 500 triệu người dùng trên toàn thế giới, chủ yếu là trẻ em và thanh thiếu niên

-Có những lo ngại rằng ứng dụng Trung Quốc này có thể được sử dụng để giám sát người dùng

-Dân biểu Andrew Hastie cho rằng TikTok có thể có liên hệ với chính phủ Bắc Kinh và điều này gây rủi ro về an ninh cho Úc.

Ông Fergus Ryan, một nhà phân tích thuộc Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI), nói rằng các bậc cha mẹ không nên nhầm lẫn TikTok với các mạng xã hội do Hoa Kỳ sở hữu như Facebook hay Instagram.

Ông nói với đài ABC. “Khối lượng dữ liệu người dùng mà những ứng dụng này thu thập là rất đáng lo ngại,”

“Nhưng điểm khác biệt chính giữa Facebook và Instagram so với TikTok, đó là không có bức tường lửa nào giữa các công ty công nghệ Trung Quốc và chính phủ Trung Quốc cả.”

Giống như các ứng dụng mạng xã hội khác, TikTok thu thập một khối lượng lớn thông tin cá nhân của người dùng bằng cách yêu cầu quyền truy cập vào máy ảnh, microphone, danh bạ điện thoại và hệ thống định vị GPS.

Dân biểu liên bang và Chủ tịch Ủy ban Tình báo An ninh Quốc hội Andrew Hastie cho rằng TikTok có thể chia sẻ những thông tin cá nhân này với chính quyền Bắc Kinh.

“Luật Tình báo Quốc gia Trung Quốc năm 2017 cho phép Chính phủ Trung Quốc buộc các doanh nghiệp chia sẻ thông tin với họ,” ông nói.

“Vì vậy tôi không cho rằng thông tin của chúng ta sẽ được bảo mật khi nó thuộc sở hữu của các công ty Trung Quốc.”

Ông Hastie tin rằng TikTok đặt ra mối đe dọa an ninh quốc gia tiềm tàng đối với Úc, mặc dù trong giai đoạn này, nó chủ yếu được sử dụng bởi giới trẻ.

Ông nói. “TikTok được sử dụng chủ yếu bởi các thanh thiếu niên, nhưng các em là những nhà lãnh đạo tương lai của chúng ta,”

“Các em là những nhà lãnh đạo chính trị, kinh tế, văn hóa và quân sự trong tương lai của chúng ta, và chúng ta cần phải bảo vệ thông tin của các em về mặt lâu dài.”

“Tôi chắc chắn không muốn dữ liệu của con cái tôi lọt vào tay một quốc gia khác, vốn có thể sử dụng chúng cho những mục đích bất chính.”

Quân đội Úc cấm sử dụng TikTok

Lực lượng Quốc phòng Úc (ADF) gần đây đã cấm cài TikTok trên các thiết bị làm việc của quân đội, do những quan ngại về năng lực trí tuệ nhân tạo của ứng dụng này. Quân đội Mỹ cũng đưa ra lệnh cấm tương tự.

Thế nhưng ông Hastie kêu gọi ADF hành động nhiều hơn nữa.

ông nói “Tôi nghĩ đó là một động thái rất khôn ngoan của ADF khi cấm TikTok,”

“Và tôi thậm chí còn đề nghị cấm không chỉ trên điện thoại hay thiết bị làm việc mà còn trên cả các thiết bị cá nhân.

“Thế giới mà chúng ta đang sống bây giờ khác xa so với thời Chiến tranh Lạnh.

“Các hành vi gián điệp có thể được tiến hành trên các mạng xã hội. Chúng ta cần phải thận trọng hơn rất nhiều khi sử dụng các nền tảng công nghệ này.”

Kiểm duyệt các thông tin nhạy cảm đối với Trung Quốc

Ông Fergus Ryan là một chuyên gia về mạng xã hội Trung Quốc. Ông đã dành một năm để nghiên cứu TikTok và một ứng dụng điện thoại khác là WeChat, xem xét cả hai nền tảng dưới góc độ kiểm duyệt và giám sát của chính quyền Bắc Kinh.

Ông tin rằng TikTok đang hạn chế, hay thậm chí xóa bỏ những nội dung mà Trung Quốc không thích, trong đó có ba chữ T nhạy cảm: Tiananmen, Tibet, Taiwan (Thiên An Môn, Tây Tạng và Đài Loan).

Ông nói. “Việc kiểm duyệt và tuyên truyền không phải lúc nào cũng được thực hiện rõ ràng,”

“Chẳng hạn, bạn không cần phải xóa bỏ hoàn toàn một đoạn phim để kiểm duyệt nó. Thay vào đó, họ chỉ cần sử dụng biện pháp ‘shadow-banning’, tức là khi nội dung được đăng tải bởi người dùng, và họ nghĩ rằng các khán giả đã xem được nó, nhưng trên thực tế, không ai xem được nó cả.”

Hồi tháng 11/2019, TikTok bị buộc phải xin lỗi vì đã khóa tài khoản một phụ nữ người Mỹ, sau khi video của cô nói về việc giam giữ người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc lan truyền trên mạng xã hội này.

Mặc dù TikTok tuyên bố dữ liệu người dùng được lưu trữ ở Singapore và Mỹ chứ không phải Trung Quốc, nhưng ông Ryan tin rằng những dữ liệu này vẫn sẽ lọt vào tay của Bắc Kinh, bởi vì đó là nơi làm việc của các kỹ sư phần mềm của hãng này.

Ông nói “Ứng dụng cần phải được cập nhật. Nó cần phải phát triển và trở nên tốt hơn, và những người làm việc đó chính là những kỹ sư phần mềm”

“Dữ liệu có thể thật sự được lưu trữ tại Mỹ. Nhưng có nhiều khả năng chính những dữ liệu này cũng sẽ được truy cập bởi các kỹ sư ở Bắc Kinh nhằm cải thiện ứng dụng".