Thủ tướng Anthony Albanese trong một buổi trả chất vấn (Question Time). Ảnh: Getty / Getty Images

 

AUSTRALIA - Chính phủ Albanese đã tuyên bố sẽ cấp visa vĩnh viễn cho khoảng 20 nghìn người tị nạn như một phần trong cam kết tranh cử của họ về việc loại bỏ visa tạm trú cho người xin tị nạn. Mặc dù nhiều người tị nạn và các nhóm ủng hộ hoan nghênh động thái này, vẫn có những lời chỉ trích về việc chính phủ không bãi bỏ quy trình xét duyệt nhanh 'Fast Track' được áp đặt vào năm 2014, khiến hàng chục nghìn người rơi vào tình trạng lấp lửng.

 

"Vui mừng xen lẫn lo lắng"

Obaidalluh Mahek trốn khỏi Afghanistan vào năm 2013 khi ông trở thành mục tiêu của Taliban.

 

Ông đã sống trong tình trạng lấp lửng suốt 10 năm.

 

Visa trú ẩn an toàn - Safe Haven Enterprise mà ông được cấp vào năm 2017, sau khi bị giam giữ hai tháng ở Lãnh thổ phía Bắc, đã chia cắt ông với gia đình và ngăn cản ông với vô số cơ hội việc làm và học hành.

 

Khoảng 20 nghìn người tị nạn như ông Mahek đang được cấp visa tạm trụ hoặc visa trú ẩn an toàn cuối cùng sẽ được cấp quyền thường trú nhân theo một giải pháp mới của chính phủ về tình trạng visa.

 

Ông Mahek có nhiều cảm xúc lẫn lộn về thông báo từ chính phủ Albanese.

"Khi tôi nghe tin đó, tôi thấy thật tuyệt vời, tôi tràn đầy hy vọng và hạnh phúc. Nhưng rồi hạnh phúc đi kèm với những lo lắng. Tôi nhanh chóng nghĩ xem điều kiện để có thường trú là gì, sẽ còn bao lâu nữa để có visa, quy trình như thế nào? Và khi nào thì tôi mới có thể xin thường trú và thoát khỏi tình trạng lấp lựng hiện tại?”

“Như thế, tôi không phải xin phép khi muốn đi du lịch ở đâu đó, trước đây tôi hoàn toàn không nhận được sự cho phép đó. Gia đình tôi không ở Úc, họ thực sự đang khóc, muốn gặp tôi và tôi không thể ở đó."

 

Ông Mahek trốn khỏi quê hương sau khi Taliban bắt đầu đe dọa đến an nguy của ông.

 

Ông bị một thành viên của Taliban bắn vào mắt cá chân vì bị coi là mối đe dọa cho việc ủng hộ nhân quyền ở Afghanistan, bao gồm tư cách là luật sư và đại diện cho chính phủ Hoa Kỳ.

 

Sau khi đại diện cho Afghanistan tại một hội nghị của Liên hợp quốc ở Indonesia, ông Mahek cho biết Úc là quốc gia duy nhất ông có thể trốn đến.

Ông nói “Tôi chưa bao giờ tin hay nghĩ rằng trong một triệu năm nữa, tôi sẽ rơi vào tình huống mà quyền con người của chính tôi sẽ bị vi phạm và tôi không thể làm bất cứ điều gì để thay đổi, thậm chí không thể lên tiếng.”

"Tôi muốn ở lại đất nước của tôi, tôi muốn làm việc cho Afghanistan, tôi muốn làm việc cho người dân Afghanistan. Nhưng hoàn cảnh của tôi không thể chịu đựng nổi. Đó thực sự là trường hợp khẩn cấp mà tôi phải bỏ trốn, từ Indonesia, nơi duy nhất tôi có thể đi đến Úc."

 

Các nhà vận động hoan nghênh

Sarah Dale là Giám đốc Trung tâm và Trưởng Luật sư tại Dịch vụ Tư vấn và Hỗ trợ Người tị nạn ở Sydney.

 

Bà hoan nghênh thông báo này, nhưng vẫn cảm nhận được sự lo lắng từ những người đã bị từ chối được bảo vệ an ninh trong nhiều năm.

Bà nói "Tôi không thể cho bạn biết số lượng cuộc gọi mà tôi đã nhận được kể từ 10:30 đêm, câu hỏi đầu tiên là bà có chắc đây là sự thật không? Cộng đồng này đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, họ được nói đi nói lại những điều họ không thể làm, những điều sẽ bị từ chối, rằng họ sẽ không được ở lại Úc. Khi chúng ta ăn mừng ngày hôm nay, điều đó thật khó chấp nhận khi trải qua 10 năm bị từ chối."

 

Hệ thống 'Fast Track' được Bộ trưởng di trú Scott Morrison áp đặt vào năm 2014 đối với tất cả những người xin tị nạn bằng đường biển trước tháng 1 năm đó.

 

Thị thực tạm thời được cấp theo chế độ này có nghĩa là khoảng 31 nghìn người bị bỏ lại trong tình trạng lấp lửng, không thể nhận được sự bảo vệ đầy đủ ở Úc.

 

Bà Dale nói rằng hệ thống này đã gây ra nhiều đau khổ và lo lắng cho những người bị tách khỏi gia đình và không thể tiếp cận việc làm cũng như các quyền căn bản khác của con người.

Bà nói "Yếu tố nhanh duy nhất của quy trình xét duyệt nhanh là yêu cầu người nộp đơn phải phản hồi khi bộ yêu cầu như vậy. Bộ không bao giờ cần phản hồi nhanh, không bao giờ có bất kỳ lời hứa nào về việc cứu xét visa nhanh. Đơn giản là mọi người phải trả lời nhanh khi bộ yêu cầu."

“Toàn bộ hệ thống này trong một thập niên qua trở nên tai tiếng bởi sự bất công và thiếu tính pháp lý Thông báo ngày hôm nay là một bước đi đúng hướng, khôi phục phẩm giá và các quy trình pháp lý nhân đạo.”

 

Có 10 nghìn người tị nạn sẽ không thể trực tiếp nộp đơn xin thị thực bảo vệ.

 

Cách duy nhất của họ là liên hệ với văn phòng Bộ trưởng để được can thiệp về trường hợp của họ.

Liệu việc thay đổi luật có tạo ra nhiều đợt sóng nhập cư trái phép? Nguồn: SBS

 

Lo ngại làn sóng buôn người sau khi thay đổi luật?

Ian Rintoul là phát ngôn nhân của Liên minh Hành động cho Người tị nạn, nói rằng Lao động đã không thực hiện lời hứa bầu cử của họ từ tám tháng trước là bãi bỏ quy trình 'Fast Track'.

 

Ông nói rằng chính phủ phải hành động để bảo vệ những người bị từ chối theo đơn xin theo dõi nhanh, cũng như những người vẫn đang bị giam giữ ở đảo Manus hoặc Nauru, hoặc những người đã được chuyển đến Úc từ các trung tâm đó.

"Điều đơn giản nhất là cung cấp thị thực tạm thời cho tất cả những người đó. Tôi nghĩ Đảng Lao động đang sợ hãi trước những lời hoa mỹ của chính họ, họ sợ Liên đảng tấn công họ hoặc khả năng tàu thuyền tị nạn kéo đến. Chúng tôi đã trải qua kiểu hù dọa đó.”

“Lao động đã chiếm đa số trong quốc hội, họ đã nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng cho những thay đổi cần thiết. Họ nên giữ lời hứa và cung cấp sự bảo vệ lâu dài mà rất nhiều người tị nạn đang cần."

 

Lãnh đạo phe đối lập Peter Dutton đã chỉ ra những lo ngại về việc có thêm thuyền tị nạn đến trong thời gian chất vấn của Quốc hội.

Ông nói "Câu hỏi của tôi dành cho Thủ tướng. Tôi đề cập đến quyết định của chính phủ bãi bỏ thị thực bảo vệ tạm thời. Khi Thủ tướng Kevin Rudd đưa ra quyết định tương tự vào năm 2008, kết quả là hơn 800 tàu tị nạn kéo đến Úc và hơn 1200 người chết trên biển.'

“Liệu chính phủ có nhận được bất kỳ cảnh báo nào từ các cơ quan, viên chức hoặc chuyên gia từ chính phủ nước ngoài rằng quyết định này có thể dẫn đến sự gia tăng người nhập cư trái phép không?”

 

Thủ tướng Anthony Albanese cho biết thường trú được dành riêng cho những người nộp đơn xin thị thực tạm thời và trú ẩn an toàn (temporary and safe haven visas) trước ngày 14 tháng 2 năm 2023 hoặc những người tị nạn.

"Cấu trúc biên giới theo Hoạt động Chủ quyền của Úc vẫn không thay đổi. Chúng tôi đã tiếp tục hoạt động trên cơ sở đó. Mặc dù vậy, những gì chúng tôi làm là không để những người đã từng ở Úc trong một thập niên trở lên rơi vào tình trạng lấp lửng. Điều này chỉ áp dụng cho những trường hợp từ năm 2013 trở về trước."

 

Bộ trưởng di trú Andrew Giles đã nhắc lại phản ứng của Thủ tướng bằng cách nhấn mạnh rằng thông báo cuối cùng liên quan đến những người được visa bảo vệ trong 10 năm qua.

 

Chính phủ dự kiến thị thực Giải quyết Tình trạng này sẽ được cấp trong vòng 12 tháng kể từ khi nộp đơn.

 

Với visa thường trú mới, mọi người sẽ được phép làm việc, sinh sống và học tập tại Úc, cũng như được hưởng các phúc lợi chăm sóc sức khỏe như Medicare.

 

Họ cũng sẽ có cơ hội bảo trợ cho các thành viên gia đình đủ điều kiện trở thành thường trú nhân theo diện visa gia đình và tự do du lịch thăm các thành viên gia đình.

 

Mehdi trốn từ Afghanistan sang Úc vào năm 2013 khi mới 15 tuổi và được cấp thị thực tạm thời vào năm 2016, thị thực này hết hạn ba năm sau đó.

 

Anh nói cảm thấy nhẹ nhõm trước viễn cảnh gặp lại gia đình sau một thập niên xa cách.

"Trong 10 năm qua, tôi chỉ gặp gia đình có 42 ngày. Thật khó để nhìn thấy hình ảnh của họ, họ đã già đi và tôi không có cơ hội dành thời gian cho gia đình. Thị thực thường trú này sẽ cho phép tôi ở bên họ, mặc dù chúng tôi không thể đoàn tụ."

 

Đối với Mehdi, đó còn là cảm giác thân thuộc.

 

Anh mơ ước được nộp đơn vào làm việc trong quân đội sau khi hoàn thành bằng kinh doanh, nhưng hiện tại Mehdi rất vui vì cuối cùng đã có thể gọi Úc là nhà.

"Tôi đến đây khi còn là trẻ vị thành niên và bây giờ tôi đã trưởng thành, đó là một hành trình dài mười năm. Đây từng là một mảnh giấy sẽ trở thành thường trú, nó cho thấy tôi thuộc về nơi này. Nó cho tôi cảm giác thuộc về cộng đồng này."

 

Ông Mahek nói rằng gia đình đã giúp ông kiên trì trong suốt giai đoạn đen tối.

"Người khác không kiên cường sẽ đánh mất chính mình ngay. Hơn 10 năm qua đã có lúc tôi suýt mất đi hy vọng, nhưng may mắn là tôi không mất mạng.”

“Người ta luôn luôn thông báo rằng tôi không có cách nào để được định cư ở Úc. Tôi bị coi là công dân hạng hai, không kiếm được việc làm, không nhận được gì."

 

Giống như hàng ngàn người khác đang sống trong tình trạng bấp bênh, ông Mahek có một thông điệp gửi tới chính phủ.

"Có rất nhiều nỗi đau, mất mát, đổ vỡ, có rất nhiều sự trầm cảm, ở rất nhiều người khác nhau. Thay vì có một cộng đồng lành mạnh, chúng ta có những người nghiện ma túy, hoặc đang lệ thuộc thuốc kê toa, hoặc đang được chăm sóc tâm thần, đó là một cộng đồng không lành mạnh. Vì vậy, hãy thực hiện luật này một cách đơn giản và dễ dàng. Và xin hãy tử tế với chúng tôi."