Luz Restrepo (bên trái) và Macarena Erbs (SBS Sandra Fulloon)

 

Sau khi bị rụng tóc vì điều trị ung thư, Macarena Erbs bắt đầu kinh doanh để giúp đỡ những người có hoàn cảnh tương tự. Nhờ kết nối với mạng lưới ‘Phụ nữ di dân làm kinh doanh’, giờ đây công việc làm ăn cô ngày càng phát triển.

 

Macarena Erbs vừa tròn 40 tuổi và là người sống sót sau căn bệnh ung thư.

 

Cô bị rụng tóc trong quá trình điều trị căn bệnh ung thư vú ác tính và hiện đang điều hành một doanh nghiệp kinh doanh tại nhà, sản xuất những chiếc mũ đội đầu nhiều màu sắc để giúp đỡ những phụ nữ khác có hoàn cảnh tương tự.

"Ý tưởng nhằm mang lại sự tự tin cho những người phụ nữ bị rụng tóc, với những chiếc khăn xếp và nón lưỡi trai, để họ lấy lại sự tự tin mỗi khi cần ra ngoài hoặc ngay cả khi họ đang điều trị ung thư và họ cần tới bệnh viện để khám, họ có thể đội một cái gì đó đẹp, bởi vì mái tóc có ý nghĩa rất lớn, đặc biệt là đối với chúng tôi, đối với phụ nữ."

 

Chỉ hơn hai năm trước, vào tháng 12 năm 2020, Erbs nhận thấy một khối u nhỏ bằng hạt đậu ở ngực.

 

Cô đã tìm lời khuyên y tế và đăng ký chụp quang tuyến vú.

"Tôi cảm thấy thứ đó bắt đầu phát triển và phát triển rất nhanh. Khi tôi đến gặp bác sĩ, ông ấy nói, đúng, cô bị ung thư. Và khi nghe thấy từ đó, vâng, thật khó hình dung. Đôi khi nhớ lại tôi vẫn xúc động. Việc hóa trị đầy thử thách và nó thực sự dìm mình xuống, vì vậy bạn cần phải rất mạnh mẽ. Tôi không có gia đình ở đây, nên tôi phải rất mạnh mẽ để có thể hoàn thành việc hóa trị."

 

Cô Erbs là một kỹ sư công nghiệp có bằng cấp, đã rời quê hương Chile vào năm 2015.

 

Sau khi đi du lịch qua Châu Âu và Châu Á, cô đến Melbourne để học lấy Chứng chỉ Kinh doanh và đã sống tại Úc kể từ đó.

 

Là một di dân, cô nói rằng việc điều trị ung thư của mình là một trải nghiệm cô đơn, và bản thân phải điều chỉnh nhiều thứ.

"Khi bạn rụng hết tóc, lông mày, lông mi, làn da trở nên khác lạ - là lúc bạn bắt đầu không nhận ra mình trong gương. Và chính lúc đó, một cái nón đẹp đã giúp tôi tiếp tục cảm thấy mình xinh tươi, nếu không có cái nón đó, tôi nhìn mình và cảm thấy mình là một con người rất khác."

 

Từ đó, Erbs bắt đầu có cảm hứng kinh doanh quần áo ở Melbourne, với cửa hàng có tên là Bonita Shop, được thiết kế để giúp những phụ nữ khác ứng phó với chứng rụng tóc.

"Tôi chọn Bonita vì trong tiếng Tây Ban Nha nó có nghĩa là xinh đẹp. Và khi tôi trải qua hành trình của một bệnh nhân ung thư, một điều mà tôi luôn nhắc nhở mình mỗi ngày là, phụ nữ chúng ta hôm qua, hôm nay và mai sau đều đẹp."

 

Erbs hiện đang thuê các phụ nữ di dân khác để tạo ra dòng sản phẩm nón màu sắc rực rỡ, được cô bán trong tiệm và thông qua một doanh nghiệp xã hội do Luz Restrepo, một người tị nạn từ Colombia, thành lập.

 

Nhiều phụ nữ tham gia mạng lưới này là những người mới đến, với kỹ năng tiếng Anh hạn chế, và bà Restrepo nói rằng rất ít người biết cách điều hành một công ty khởi nghiệp.

"Chúng tôi đang giúp họ về hình ảnh, bản quyền và cách họ giao dịch với chúng tôi. Họ đang tìm hiểu về doanh nghiệp, về kinh doanh thông qua nền tảng của chúng tôi."

 

Nền tảng trực tuyến có tên “Made by Many Hands” (làm từ nhiều bàn tay) trả lại 85% giá bán cho phụ nữ, giữ lại 15% cho chi phí quản lý.

 

Erbs nói rằng đó là một cách tuyệt vời để phụ nữ nhập cư làm việc tại nhà bán các mặt hàng từ đồ chơi trẻ em đến quần áo và đồ gia dụng.

"Chúng tôi giới thiệu và bán sản phẩm của mình, điều này thật tuyệt vì đó là cách tốt nhất để hiểu khách hàng: họ đang tìm gì, họ cần gì."

 

Trong số hai triệu rưỡi doanh nghiệp nhỏ ở Úc, hầu hết do nam giớ i làm chủ.

 

Chỉ 30% là do phụ nữ làm chủ, và rất ít doanh nghiệp do phụ nữ nhập cư làm chủ.

 

Phó giáo sư Anna Boucher là một chuyên gia nghiên cứu về di dân toàn cầu tại Đại học Sydney. Bà nói rằng nhiều phụ nữ nhập cư thích tự kinh doanh hơn, vì lo ngại nguy cơ bị lạm dụng tại nơi làm việc.

"Phụ nữ nhập cư có thể dễ bị bạo lực tình dục ở nơi làm việc hơn, thậm chí so với phụ nữ Úc. Và điều đó có thể liên quan đến những thứ như quấy rối tình dục, tấn công tình dục, ngược đãi. Tình trạng visa dường như tạo ra những rào cản đối với phụ nữ di dân trong việc báo cáo vấn đề đó. Điều đó tồn tại bên cạnh những câu hỏi khác xung quanh nạn phân biệt giới tính và phân biệt chủng tộc cũng có thể đang diễn ra. Vì vậy, khi họ điều hành doanh nghiệp của riêng mình, đó có thể là một cách để vượt qua những rào cản."

 

Bà Boucher nói rằng đối với những người đang hồi phục sau chấn thương tâm lý ở quê nhà hoặc đang trên hành trình tị nạn, làm việc với các doanh nghiệp xã hội có thể giúp họ dễ dàng chuyển sang cuộc sống ở một vùng đất mới.

"Sẽ dễ dàng và lành mạnh hơn khi làm việc với những người có cùng chí hướng, những người có trải nghiệm tương tự, thay vì phải cố gắng giải thích những điều này ở nơi làm việc mà không phải ai cũng có trải nghiệm như vậy."

 

Erbs là một trong số những người dựa vào khả năng phục hồi của mình để phát triển doanh nghiệp.

 

Cô đang làm việc bán thời gian trong một doanh nghiệp xã hội cùng với nhiều di dân và người tị nạn khác. Cô sẽ giới thiệu dòng sản phẩm nón của mình tại Hội chợ Quà tặng Sydney vào tháng Hai.

 

Và cô muốn ngày càng có thêm nhiều phụ nữ bị rụng tóc được hỗ trợ.

"Tôi muốn tất cả khăn xếp và nón của mình có mặt ở mọi bệnh viện, bắt đầu từ đây, ở Melbourne, và sau đó là các nơi khác của Úc. Đó là mục tiêu của tôi cho năm 2023."