Mối quan tâm được nêu ra về những gì có trong sữa bột dành cho trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi Nguồn: AAP / Jacquelyn Martin/AP

 

 

AUSTRALIA - Chính phủ liên bang đang có kế hoạch đưa ra một bộ quy tắc ứng xử bắt buộc, chung quanh việc tiếp thị sữa bột cho trẻ sơ sinh và sữa cho trẻ mới biết đi tại Úc. Các nhóm y tế công cộng hoan nghênh hành động nầy, cho biết nó sẽ giúp cha mẹ và người chăm sóc, đưa ra những lựa chọn sáng suốt hơn trong giai đoạn đầu đời của trẻ.

 

Từ sữa được chế tạo theo công thức dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh đến sữa cho trẻ mới biết đi, các bậc cha mẹ và người chăm sóc không thiếu những lựa chọn.

 

"Chúng tôi biết một số trẻ mới biết đi, có thể cần một chút hỗ trợ”, một bà mẹ.

 

Thế nhưng các nhóm y tế công cộng cho biết, việc tiếp thị các sản phẩm này có thể gây hiểu lầm.

 

Phó chủ tịch Phát triển của Hiệp hội Y tế Công cộng Úc, Giáo sư Kathryn Backholer cho biết có một số lỗ hổng.

Kathryn Backholer nói, "Chúng thường được tiếp thị với những tuyên bố về lợi ích dinh dưỡng, giúp trẻ ngủ ngon hơn và điều này hoàn toàn không đúng".

"Chúng tôi biết rằng cho con bú là tốt nhất, nếu phụ nữ có thể làm được điều đó".

"Ngoài ra có nhiều lựa chọn khác sau đó, như chuyển từ sữa chế tạo theo công thức cho trẻ sơ sinh sang sữa bò chẳng hạn”.

 

Được biết các chuyên gia lo ngại về giá trị dinh dưỡng của các sản phẩm, đã qua chế biến kỹ lưỡng và lượng đường quá mức, trong một số loại sữa dành cho trẻ mới biết đi.

 

Bà Michelle Murray là giám đốc điều hành của Hệ thống Gia tăng Sức khỏe tại VicHealth.

 

Michelle Murray nói, "Các công ty cũng được tự do quảng cáo sữa dành cho trẻ mới biết đi, có bao bì gần giống với sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh và có thể có tác dụng quảng cáo chéo, đối với sữa chế tạo theo công thức dành cho trẻ sơ sinh”.

 

Hiện tại hoạt động tiếp thị sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh tại Úc, được điều chỉnh theo một thỏa thuận tự nguyện và chỉ có 18 công ty, ký kết tuân thủ theo quy định này.

 

Giáo sư Kathryn Backholer cho biết một đánh giá độc lập về quy định này cho thấy, hoạt động tự điều chỉnh của ngành là không hiệu quả.

 

Giáo sư Kathryn Backholer nói "Vì vậy hiện tại ở Úc, sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh được kiểm soát, thông qua một thỏa thuận tự nguyện thông qua ngành, đây là một thỏa thuận do ngành soạn thảo, được ngành giám sát và được ngành thực thi".

"Ngành công nghiệp cũng kiếm được rất nhiều tiền, từ các hoạt động tiếp thị này”.

 

Ủy Ban Cạnh Tranh và Bảo Vệ Người Tiêu Thụ ACCC và Bộ Y tế và Chăm sóc Người cao tuổi đã vạch ra một kế hoạch, để đưa ra luật bắt buộc và kiểm soát chặt chẽ hơn.

 

Jane Martin, là giám đốc điều hành của Food For Health Alliance, cho biết luật sẽ áp dụng cho tất cả các nhà sản xuất các sản phẩm này.

 

Jane Martin nói, "Luật này cũng sẽ không cho phép tiếp thị các sản phẩm này trên các nền tảng kỹ thuật số, như chúng ta đã biết, đây là nơi rất phổ biến để quảng bá các sản phẩm này cho các bậc cha mẹ và người chăm sóc tương lai".

"Luật này sẽ ngăn cản ngành công nghiệp tham gia vào việc xem xét các khiếu nại, đây không phải là thông lệ tốt nhất và điều này cũng có nghĩa là, nếu các hướng dẫn này bị vi phạm, sẽ có hậu quả cho việc đó".

"Hiện tại nếu bạn không tuân thủ các hướng dẫn tự nguyện này, sẽ không có hình phạt nào cho hành vi vi phạm".

"Điều thực sự quan trọng là phải bảo đảm rằng, mọi người tuân thủ các quy định này và có hậu quả cho các hành vi vi phạm”.

 

 

Người ta dự trù có thể mất vài năm, để hoàn thiện các luật bắt buộc mới.

 

Trong thời gian chờ đợi, Bộ Y tế sẽ tìm cách tăng cường bộ luật tự nguyện, để làm cho hoạt động tiếp thị xã hội và kỹ thuật số của các sản phẩm sữa bột trẻ em, ít gây hiểu lầm hơn.

 

Còn nhớ hồi năm 2008, vụ bê bối sữa nhiễm độc chất melmine kỹ nghệ ở Trung Quốc, khiến khoảng 40 quốc gia trong đó có Việt Nam cấm nhập cảng sữa, có nguồn gốc từ Trung Quốc.

 

Số trẻ em ở các nước bị bệnh do nhiễm chất melamine lên đến 54 ngàn em, riêng tại Trung Quốc có ít nhất 13 em chết vì sử dụng sữa bột giả, gần 200 em bé bị bệnh đầu to và hầu hết sống tại vùng ngoại ô thành phố Phúc Dương, thuộc tỉnh An Huy.

 

Tại Úc không gặp tình trạng sữa nhiễm bẩn, nhưng ngược lại gặp chuyện thiếu hụt, do con buôn người Hoa tại Úc mua ồ ạt sản phẩm sữa bột của Úc, để chuyển về Trung Quốc với lợi nhuận khỗng lồ so với giá gốc.

 

Các dược phòng cũng như siêu thị đã đặt ra việc hạn chế số mua, nhằm giảm bớt tình trạng số cung không kịp đáp ứng nhu cầu bộc phát giả tạo của thị trường.