Ủy viên Lực lượng Cảnh sát Vùng Lãnh thổ Bắc Úc, Michael Murphy, phát biểu với giới truyền thông trong cuộc họp báo ở Darwin. Ảnh: AAP / NEVE BRISSENDEN

 

 

 

Lệnh phong tỏa đối với thanh thiếu niên ở thị trấn xa xôi Alice Springs đang gây ra nhiều phản ứng trái chiều. Sau tình trạng bạo lực và bạo loạn diễn ra ở đây trong tuần này, việc áp đặt lệnh giới nghiêm trong phạm vi thành phố đã được một số tổ chức thổ dân hoan nghênh, trong khi những người khác cảnh báo cách tiếp cận cứng rắn với tội phạm sẽ thất bại.

 

Đóng cửa để nghỉ lễ Phục sinh, những học sinh và giáo viên này đang trong tình trạng căng thẳng ở Alice Springs.


 

Ông Gavin Morris, Hiệu trưởng trường Yipirinya College, cho biết.
 

“Đây là cuộc sống hàng ngày của chúng tôi. Hơn 100 người đã xuống đường ở Alice với rìu và dao rựa vào thứ Ba vừa qua. Chính bạo lực đã châm ngòi cho một cuộc phong tỏa đột ngột đối với giới trẻ ở đây. Đây là thời điểm khủng hoảng, tôi không muốn trầm trọng hóa vấn đề, nhưng đó là những gì mà gia đình chúng tôi cảm nhận được lúc này.”

 

 

Lệnh giới nghiêm kéo dài hai tuần đối với thanh thiếu niên sẽ được áp dụng ở Alice Springs sau tình trạng bất ổn gần đây trong thị trấn.

 

Theo đó, cư dân dưới 18 tuổi ở thị trấn Alice Springs không được phép ra khỏi nhà từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng hôm sau theo giờ địa phương. Những người trẻ tuổi đến khu vực CBD cần có lý do hợp pháp, bao gồm cả làm việc.

 

Thủ hiến Vùng Lãnh thổ Bắc Úc, Eva Lawler, đã tuyên bố “tình huống khẩn cấp” tại Khu trung tâm thương mại Alice Springs, thông báo thêm 58 cảnh sát sẽ được triển khai để chống tội phạm và hành vi chống đối xã hội.

 

Phát biểu tại cuộc họp báo, bà Lawler nhấn mạnh: "Chúng tôi muốn người dân ở Alice Springs có thể đi xuống phố, đến các trung tâm mua sắm, đón con từ trường học mà không phải lo lắng về sự an toàn của mình".

 

Quyết định giới nghiêm được đưa ra nhanh chóng vào hôm thứ Tư ngày 27 tháng 3.

 

Giám đốc Cảnh sát Lãnh thổ Bắc Úc, Michael Murphy, cho biết một số vụ bạo lực có liên quan đến cái chết của một người đàn ông 18 tuổi trong một vụ lật xe hồi đầu tháng này.

 

Sau hàng loạt vụ bạo lực và tàn phá ở Alice Springs, một số người đã lên tiếng kêu gọi chính phủ liên bang ứng phó với tội phạm trong thị trấn, trong đó một số chính trị gia địa phương và liên bang cho rằng cần phải thực hiện hành động quyết liệt để giải quyết các vấn đề của thị trấn.

 

Thượng nghị sĩ Đảng Tự do Lãnh thổ Bắc Úc Jacinta Nampijinpa Price đã kêu gọi sự can thiệp của chính phủ liên bang.

“Lực lượng Phòng vệ Úc ADF có mặt ở đây là để bảo vệ chúng ta, chăm sóc chúng ta và bảo đảm rằng chúng ta cảm thấy an toàn. Và đó là lý do tại sao tôi ủng hộ lời kêu gọi như vậy.”


 

Hiện tại, Thủ tướng Anthony Albanese vẫn chưa đáp ứng lời kêu gọi điều động quân đội.
 

“Những người có mặt tại đây, tại địa phương có khả năng tốt nhất để xác định điều gì là cần thiết trong lúc này.”

 

 

Chính phủ thừa nhận hiện họ chỉ mới thực hiện tham vấn và các biện pháp này đang gây ra nhiều phản ứng trái chiều.


 

Ông Jared Sharp, Giám đốc Pháp lý của Cơ quan Tư pháp Thổ dân NAAJA, cho hay.
 

“Đó là giải pháp hỗ trợ tạm thời, và là một bước thụt lùi. Nó sẽ không giúp cho cộng đồng an toàn hơn. Nó sẽ hình sự hóa những người trẻ cực kỳ dễ bị tổn thương.”

 

 

Trong khi đó, Tổ chức y tế thổ dân hàng đầu ở Bắc Úc đã ủng hộ lệnh giới nghiêm. Giám đốc điều hành Donna Archie nói rằng lệnh giới nghiêm khẩn cấp là cần thiết để cải thiện tình hình tại đây.

 

Cơ quan Liên kết Thanh thiếu niên tại Bắc Úc cho biết có 800 trẻ em vô gia cư ở Alice Springs và nhiều trẻ em khác ở 250 cộng đồng xung quanh.

 

Ông Blair McFarland, người sáng lập tổ chức, cho rằng cần có những biện pháp can thiệp như giáo dục và tạo công ăn việc làm.

“Nếu không có nền tảng về an ninh lương thực và nơi ở thì sẽ không có biện pháp can thiệp nào khác mang lại hiệu quả. Các biện pháp can thiệp như giáo dục và việc làm là cần thiết để hướng dẫn họ tôn trọng tài sản của người khác cũng như những hiểu biết cơ bản về pháp luật.”

 

 

Ủy viên về các vấn đề trẻ em ở Lãnh thổ Bắc Úc cũng nêu lên những lo ngại nghiêm trọng về tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm, nói rằng các vấn đề này bắt nguồn từ việc thiếu nguồn tài chính và nguồn lực trong nhiều thập kỷ. Bà kêu gọi chính phủ Lãnh thổ Bắc Úc cần hợp tác với các nhà lãnh đạo thổ dân để tìm ra giải pháp tốt hơn.