Giữa bối cảnh nhiều nước đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng, giá khí đốt và than tăng sẽ giúp thúc đẩy xuất cảng tài nguyên của Úc lên mức cao kỷ lục.

 

 

 

 

Nhiều tỉnh của Trung Quốc chịu sự thiếu hụt điện, trong bối cảnh nguồn cung than đá và khí đốt nội địa dần cạn kiệt. Ảnh minh diễn: Bloomberg

 

 

 

 

 

Tuy nhiên, vào thời điển này, Chính phủ của Thủ tướng Scott Morrison đang phải đối mặt với các vấn đề nội bộ về việc có nên thiết lập mục tiêu giảm phát thải mạnh mẽ hơn theo lời kêu gọi của thế giới hay không.

 

 

Trong bài phân tích đăng tải trên tờ Australian Financial Review, nhà báo Peter Ker và William McInners cho biết, Bộ Công nghiệp Úc nhận định một đợt tăng giá bất thường mới đối với hàng hóa nhiên liệu hóa thạch của nước này sẽ bù đắp cho sự sụt giá của mặt hàng xuất cảng chủ lực quốc gia là quặng sắt. Tuy nhiên, sự tăng giá này sẽ làm tăng áp lực lạm phát lên kinh tế toàn cầu và phá hỏng các thị trường chứng khoán.

 

 

Theo Bộ Công nghiệp, các nhà xuất cảng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Úc sẽ trở thành những người được hưởng lợi nhiều nhất từ các cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra ở Bắc Bán Cầu, giữa lúc Trung Quốc được dự đoán sẽ mở rộng nhập cảng khoảng 7 phần trăm lượng LNG trong năm nay, và, đang trên đà trở thành quốc gia nhập cảng LNG lớn nhất thế giới.

 

 

 

“Chiến thắng” của các công ty xuất cảng LNG của Úc.

 

Năm 2020, Úc là quốc gia cung cấp LNG lớn nhất cho Trung Quốc. Bộ Công nghiệp Úc ước tính giá trị xuất cảng LNG của Úc sẽ tăng 87 phần trăm, lên mức 56 tỷ AUD (40,3 tỷ USD) trong năm tài chính 2021-2022 (kết thúc ngày 30/6/2022).

 

 

Phần lớn các tỉnh của Trung Quốc đều phải chịu sự thiếu hụt một lượng điện nhất định, trong bối cảnh nguồn cung cấp than đá và khí đốt nội địa dần cạn kiệt. Nhiều nhà máy đã phải ngừng hoạt động, và trong ngắn hạn, khả năng duy trì tốc độ sản xuất thép và nhôm của Trung Quốc rất có thể cũng sẽ bị gián đoạn, gây ảnh hưởng tới sản lượng nhập cảng quặng sắt từ Úc.

 

 

Kinh tế gia Kevin Xie, làm việc cho Ngân hàng Commonwealth Australia, cho biết: “Sự gián đoạn trong sản xuất công nghiệp của Trung Quốc (do nguồn cung cấp điện bị hạn chế) có thể làm trầm trọng thêm tính dễ bị tổn thương của chuỗi cung ứng toàn cầu và làm tăng giá sản xuất của Trung Quốc”.

 

 

Trong khi đó, Âu châu cũng đang phải đối mặt với một “cơn bão” lớn từ sự gián đoạn nguồn cung khí đốt, bao gồm cả việc giảm lượng cung cấp từ các đường ống dẫn khí đốt của Nga, Vương quốc Anh, và Hà Lan xuống đến mức kỷ lục.

 

 

Lebanon cũng đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng. Tại đây, hiện tượng cắt điện kéo dài xảy ra trên diện rộng và mức nhiên liệu thậm chí không đủ để cho các máy phát điện tại các bệnh viện và các cơ sở dịch vụ thiết yếu khác.

 

 

Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford (OIES), Vương Quốc Anh, cho biết nhập cảng LNG thế giới, không bao gồm Âu châu, trong vòng 8 tháng đầu năm, đã cao hơn 12 phần trăm so với cùng kỳ năm 2019 và đang trên đà tăng 10 phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.

 

 

Theo OIES, Trung Quốc là lực lượng chính thúc đẩy nhu cầu LNG thế giới tăng cao. Trong giai đoạn tháng 1-8/2021, nước này đã nhập cảng LNG nhiều hơn 30 phần trăm so với năm 2019.

 

 

Nghiên cứu gia cấp cao của OIES, Mike Fulwood, nhận định: “Điều này được thúc đẩy bởi sự kết hợp của nhu cầu khí đốt mạnh mẽ trong mùa Đông lạnh giá, dự trữ hàng hóa, sự phục hồi kinh tế thúc đẩy hoạt động công nghiệp và nhu cầu tăng cao trong ngành điện, cùng với sự chuyển đổi từ than sang khí đốt đang diễn ra trong các lĩnh vực khác nhau”.

 

 

Các thị trường LNG truyền thống của Úc là Nhật Bản, Nam Hàn và Đài Loan  đều đã tăng nhập cảng khoảng 7 phần trăm. Trong khi đó, do các máy thủy điện ở Brazil cung cấp mức sản lượng thấp hơn bình thường, khu vực Nam Mỹ cũng chứng kiến lượng LNG nhập cảng tăng mạnh.

 

 

OIES đánh giá trong năm nay, nguồn cung LNG không tăng nhanh như dự kiến. Tình huống này khiến thị trường LNG thế giới bị thắt chặt, và các khách hàng Âu châu đặc biệt dễ bị tổn thương.

 

 

Chuyên gia Fulwood nói: “Âu châu thực sự là điểm đến bấp bênh của thị trường khí đốt toàn cầu. Lượng LNG đến Âu châu được xác định bởi những gì còn lại sau khi các nước khác đã nhập cảng đủ số lượng mà họ cần”.

 

 

Trong khi đó, sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc trên thị trường LNG thế giới, với tư thế là nhà nhập cảng lớn nhất, cũng làm nổi bật sự nguy hiểm trong tranh chấp thương mại giữa Úc với Trung Quốc.

 

 

Mặc dù vậy, báo cáo của Bộ Công nghiệp Úc nêu rõ: “Rủi ro liên quan đến dự báo doanh thu xuất cảng là thấp. Những rủi ro này bao gồm khả năng lạm phát toàn cầu tăng đột biến và nguy cơ lãi suất tăng cao hơn, để ứng phó với lạm phát. Ngoài ra, còn có một rủi ro nhỏ khác là mức độ gián đoạn kéo dài trong thương mại hàng hóa năng lượng và tài nguyên của Úc với Trung Quốc”.

 

 

Do nguyên liệu hóa thạch ngày càng trở nên không “phù hợp” đối với các nhà đầu tư, nhiều chuyên gia, như Gavin Thompson của công ty Wood Mackenzie, kỳ vọng khí đốt sẽ được hưởng lợi từ sự chuyển hướng khỏi hoạt động sản xuất nhiệt điện chạy bằng than trong những thập kỷ tới và thông qua vai trò hỗ trợ cho nguồn cung cấp năng lượng tái tạo.

 

 

Giá thị trường hàng ngày của LNG tại châu Á đã chạm mốc kỷ lục 39,72 USD/mmBtu vào tháng 1/2021. Bộ Công nghiệp Úc ước tính giá này sẽ đạt mức trung bình 19,1 USD/mmBtu trong ba tháng cuối năm nay.

 

 

Hầu hết LNG xuất cảng của Úc được bán theo giá hợp đồng dài hạn, neo theo giá dầu. Điều đó có nghĩa là vào tuần này, khi giá dầu đạt mức cao nhất trong vòng ba năm, các công ty khai thác LNG như Woodsie Petroleum và Santos tại Úc sẽ có khả năng thu nguồn lợi lớn trong những tháng tới.

 

 

Bộ Công nghiệp kỳ vọng nước Úc sẽ xuất cảng được 82 triệu tấn LNG trong năm tài chính 2021-2022, cao hơn 4,3 triệu tấn so với mức 77,7 triệu tấn của năm ngoái.

 

 

Tuy nhiên, trong bối cảnh giá dầu thô Brent đạt hơn 79 USD/thùng, Bộ Công nghiệp Úc cho biết các nhà sản xuất lớn ở Trung Đông có khả năng sẽ tăng lượng khai thác. Do đó, giá dầu thế giới ước tính giảm xuống còn 65 USD/thùng trong hai năm tới và kéo giá LNG hạ theo.

 

 

Giá dầu, LNG, than nhiệt và than luyện cốc có xu hướng biến động theo nhau, vì chúng có thể thay thế cho nhau trong hoạt động sản xuất điện hoặc được khai thác từ cùng một nguồn địa chất, vì vậy cùng chịu sự biến động về nguồn cung như nhau.

 

 

Giá than nhiệt và than luyện cốc của Úc đã đạt mức cao kỷ lục trong hai tuần qua và Bộ Công nghiệp dự đoán giá trị xuất cảng của than nhiệt sẽ tăng từ 16 tỷ AUD lên 24 tỷ AUD. Tương tự, giá trị than luyện cốc của Úc được cho là tăng từ 23 tỷ AUD lên 33 tỷ AUD.