Nhiều loại visa sẽ có hiệu lực từ ngày 1 tháng Bảy, 2023. Ảnh: SBS / Getty

 

Hệ thống di trú Úc sẽ được cải tổ sau khi một bản đánh giá dài 186 trang được công bố vào tháng Tư cảnh báo rằng hệ thống này “không phù hợp với mục đích” và có nguy cơ bóc lột người lao động nhập cư. Chính phủ cũng công bố thêm một số thay đổi về di trú trong Ngân sách 2023-24. Những thay đổi đó là gì?

 

Những thay đổi về visa nào đã được công bố cho năm 2023-24?

*Con đường nhập tịch cho người New Zealand

 

Từ ngày 1/7/2023, những người New Zealand đã sống ở Úc từ 4 năm trở lên sẽ hội đủ điều kiện nộp đơn xin quốc tịch Úc trực tiếp, mà không cần phải trải qua bước xin visa thường trú.

 

Thay đổi này áp dụng cho công dân New Zealand giữ visa 444 đến Úc sau ngày 26/2/2001.

 

Dòng visa tay nghề độc lập (189) dành cho công dân New Zealand hiện không nhận hồ sơ mới và sẽ đóng vĩnh viễn từ ngày 1/7.

 

Visa mới dành cho di dân Thái Bình Dương

Một loại visa mới có tên là Pacific Engagement visa (PEV) sẽ được giới thiệu, cung cấp 3.000 chỗ cho các di dân hội đủ điều kiện từ các quốc gia Thái Bình Dương và Đông Timor.

 

Visa này sẽ được cấp theo hình thức “rút thăm” mỗi năm, và những người được chọn sẽ có cơ hội xin thường trú tại Úc.

 

Chính phủ sẽ bắt đầu nhận hồ sơ trực tuyến từ tháng Bảy.

 

*Những thay đổi đối với visa du học

Nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, các hạn chế về số giờ làm việc của du học sinh đã được nới lỏng trong đại dịch COVID-19 và được dỡ bỏ vào tháng 1/2022. Điều này cho phép các du học sinh làm việc trên 40 giờ mỗi hai tuần.

 

Nhưng từ ngày 1/7/2023, các giới hạn này sẽ được áp dụng trở lại, và số giờ làm việc tăng lên 48 giờ mỗi hai tuần.

 

Sinh viên quốc tế làm việc trong lĩnh vực chăm sóc người cao niên sẽ được miễn giới hạn cho đến ngày 31/12/2023.

 

Cũng từ ngày 1/7, một số sinh viên giữ visa 485 (Temporary Graduate visa) sẽ có thể ở lại Úc lâu hơn.

 

Thời gian lưu trú tăng từ 2 năm lên 4 năm đối với sinh viên tốt nghiệp bằng Cử nhân, từ 3 năm lên 5 năm đối với sinh viên tốt nghiệp bằng Thạc sĩ, và từ 4 năm lên 6 năm đối với sinh viên tốt nghiệp bằng Tiến sĩ.

 

*Những thay đổi đối với visa lao động kết hợp kỳ nghỉ

Chính sách cho phép những người lao động kết hợp nghỉ dưỡng làm việc cho cùng một chủ lao động hoặc tổ chức trong hơn sáu tháng mà không cần xin phép cũng sẽ kết thúc vào ngày 1/7. Giới hạn này được nới lỏng vào tháng 1/2022 nhằm giải quyết tình trạng thiếu nhân lực trong đại dịch.

 

Bất kỳ công việc nào được thực hiện trước ngày 1/7 sẽ không bị tính vào thời hạn sáu tháng.

 

Những thay đổi sắp tới trong hệ thống di trú là gì?

Bản đánh giá hệ thống di trú Úc, do cựu giám đốc dịch vụ công cộng Martin Parkinson phụ trách, kết luận rằng mặc dù một số khía cạnh đang hoạt động tốt, các lĩnh vực chính lại không đạt tiêu chuẩn.
 

Đánh giá đưa ra 38 “phương hướng cải cách” để chính phủ xem xét.

 

Tổng trưởng Nội Vụ, Clare O'Neil. Ảnh: AAP / Lukas Coch

 

 

*Di dân sẽ phải có mức lương cao hơn nếu muốn định cư

Mức lương tối thiểu mà ứng viên cần để được chủ doanh nghiệp bảo lãnh định cư sẽ tăng lên $70.000 từ ngày 1/7.

 

Ngưỡng thu nhập dành cho di dân có tay nghề tạm trú (TSMIT) đã được duy trì ở mức $53.000 trong một thập niên qua.

 

 

*Người lao động có tay nghề sẽ có cơ hội trở thành thường trú nhân

Chính phủ cho biết trước cuối năm nay, họ sẽ cung cấp cho tất cả những người lao động tạm trú tại Úc cơ hội trở thành thường trú nhân.

 

Cựu quan chức Bộ Di trú Abul Rizvi nói với SBS News rằng cả hai thay đổi này đều rất đáng hoan nghênh.

 

“Tôi nghĩ việc cung cấp một lộ trình để trở thành thường trú nhân cho những người lao động có tay nghề là một bước tiến tốt,” ông nói.

 

Đề cập đến việc tăng TSMIT, ông Rizvi cho biết việc giữ nguyên mức lương tối thiểu kể từ năm 2013 là một “quyết định sai lầm” dẫn đến kết quả tiêu cực cho di dân và người Úc.

 

Cuộc xét duyệt hệ thống di trú là một nỗ lực “làm cho hệ thống nhắm mục tiêu tốt hơn và hiệu quả hơn”.

“Tôi nghĩ nó cũng làm nổi bật vai trò của di trú trong tương lai của Úc và đó cũng là điều hữu ích.”

 

Những thay đổi về di trú nào khác đã được công bố trong Ngân sách?

*Đầu tư nhiều hơn

Chính phủ sẽ đầu tư thêm 630 triệu đô la cho Bộ Nội vụ và Lực lượng Bảo vệ Biên giới Úc (ABF) để cải thiện hệ thống di trú và tăng cường các biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia và biên giới.

 

Tổng trưởng Nội vụ Clare O'Neil nói “Những khoản đầu tư này thể hiện tầm nhìn của chính phủ về một hệ thống di trú đơn giản hơn và nhắm mục tiêu tốt hơn, phục vụ lợi ích quốc gia của chúng ta và giúp người nhập cư phát huy tiềm năng trong xã hội và nền kinh tế của chúng ta.”

 

Tổng trưởng Ngân khố, Jim Chalmers, trình bày ngân sách liên bang 2023-24 tại thủ đô Canberra. Nguồn: AAP / MICK TSIKAS/AAPIMAGE

 

 

*Ưu tiên di dân có tay nghề

Chính phủ sẽ cấp visa định cư cho 190.000 di dân trong năm 2023-24. Trong bản Ngân sách tháng Mười năm ngoái, con số này là 195.000.

 

Có 137.100 suất (khoảng 70%) dành cho người nhập cư có tay nghề, nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt kỹ năng, và 52.000 suất dành cho dòng visa đoàn tụ gia đình và visa bạn đời.

 

 

*Tăng lệ phí nộp hồ sơ visa

Chính phủ sẽ tăng lệ phí xin visa du lịch, du học, và lao động kết hợp kỳ nghỉ từ ngày 1/7.

 

Riêng chương trình Pacific Engagement Visa và Pacific Australia Labour Mobility sẽ không bị ảnh hưởng.

 

Chính phủ cho biết họ sẽ sử dụng 665 triệu đô la thu được từ việc tăng phí trong 5 năm để cải thiện thời gian xử lý hồ sơ visa và “các ưu tiên khác của chính phủ”.

 

Ảnh: SBS

 

 

 

*Cải thiện quy trình xử lý visa

Chính phủ sẽ đầu tư 125,8 triệu đô la trong bốn năm từ 2023-24 để tiếp tục thực hiện các đề xuất của Hội nghị thượng đỉnh về việc làm và kỹ năng hồi tháng Chín năm ngoái.

 

Khoản tiền này bao gồm 75,8 triệu đô la trong hai năm để “mở rộng nguồn lực xử lý visa” và và 50 triệu đô la trong bốn năm cho các hoạt động nhằm duy trì tính hiệu quả của hệ thống di trú.

Di cư ròng đến Úc được dự đoán sẽ đạt 400.000 người vào năm 2022-23. Nguồn: AAP