Nghề y tá vất vả nhưng phần thưởng xứng đáng, bạn có muốn theo đuổi? Ảnh: Pexels/Cedric Fauntleroy

 

 

Nhu cầu về nhân viên y tế và chăm sóc sức khỏe đang gia tăng trên toàn cầu. WHO ước tính sẽ thiếu hụt 10 triệu chuyên gia y tế vào năm 2025. Tại Úc, nhiều cơ hội đang rộng mở cho những ai muốn bắt đầu sự nghiệp chuyên về chăm sóc sức khỏe. Tìm hiểu nghề y tá là bài đầu tiên trong loạt bài về nghề y tế 'khát nhân lực' tại Úc.

 

Lúc đi sinh con ở bệnh viện Fairfield và Liverpool, chị Phương Trinh ở Sydney đã chứng kiến các cô y tá, những người mà chị miêu tả là ‘như thiên thần’, tận tâm chăm sóc bệnh nhân.

“Chị thấy y tá ở bệnh viện giống như thiên thần, rất nhiệt tình, tử tế, vào hỏi thăm, đo nhiệt độ đủ thứ, phải nói là mình còn không chăm sóc con mình được như thế. Rất ngưỡng mộ các cô y tá vì quá ngọt ngào dễ thương.”

 

Thế nhưng chỉ có người trong cuộc mới thấu hiểu hết niềm vui, nỗi buồn và những áp lực của những ‘thiên thần’ ấy, như nữ y tá Nhi Nguyễn chia sẻ.

“Được giúp đỡ mọi người lúc họ đau yếu là một niềm vui. Tôi cảm thấy vui và tự hào mỗi khi tiễn bệnh nhân ra viện và nhận thấy sự cảm kích của họ dành cho mình. Nhưng tôi thật sự yêu thích nghề này nên mới theo nghề đến nay cũng tròn 8 năm. Nhiều lúc cũng cảm thấy mệt mỏi lắm, có khi đang bị căng thẳng mà vẫn phải cố gắng cười tươi.”

 

 

Nếu bạn đang tìm kiếm một nghề vừa được xã hội tôn trọng, vừa giúp bản thân không ngừng được học hỏi, có thể giúp đỡ những người cần giúp đỡ nhất và có cơ hội làm việc trên khắp thế giới, thì y tá có thể là lựa chọn phù hợp. Nhưng cũng như nhiều công việc trong ngành chăm sóc sức khỏe, bạn cần vượt qua nhiều thử thách không nhỏ để trở thành một y tá.

 

 

Công việc của y tá là gì?
 

Y tá là những chuyên gia y tế thiết yếu, chăm sóc cho mọi người trong tất cả các cơ sở chăm sóc sức khỏe. Y tá là những người trực tiếp hỗ trợ bác sĩ trong công việc chẩn đoán bệnh, hay kê đơn thuốc, lên phác đồ điều trị cho bệnh nhân, cũng là người hỗ trợ và giải quyết mọi vấn đề trong quá trình điều trị của bệnh nhân.
 

 

Công việc của y tá bao gồm chăm sóc bệnh nhân về tinh thần cũng như các hoạt động cụ thể, truyền đạt thông tin cần thiết từ bác sĩ đến bệnh nhân.

 

 

Cô Uyên Nguyễn ở Brisbane bước chân vô ngành y tá vào tuổi trung tuần. Ảnh: Supplied, SBS

 

 

Tại Úc, y tá là các chuyên gia y tế được quản lý, họ trải qua quá trình đào tạo được phê duyệt để có thể đăng ký hành nghề với Hội đồng Điều dưỡng và Hộ sinh Úc (NMBA).

 

NMBA làm việc với Cơ quan quản lý hành nghề y tế Úc (Ahpra) để quản lý ngành y tá điều dưỡng.

 

Mọi người phải đăng ký với NMBA trước khi có thể xưng danh là enrolled nurse, registered nurse, nurse practitioner.

 

Bạn có thể kiểm tra xem một y tá đã đăng ký hành nghề hay chưa bằng cách tra cứu danh sách đăng ký quốc gia về y tá và nữ hộ sinh.
 

Y tá làm việc với nhiều chuyên gia y tế khác trong lĩnh vực y tế công cộng hoặc tư nhân, tại các nơi bao gồm: bệnh viện công, bệnh viện tư, cơ sở cấp cứu, viện dưỡng lão, phòng khám đa khoa, dịch vụ y tế cộng đồng, trường học, các cộng đồng nông thôn và xa xôi hẻo lánh.

 

 

Phân cấp y tá ở Úc

 

Việc phân cấp y tá ở Úc được dựa trên chương trình mà họ đã học và phạm vi công việc của họ.

 

Enrolled nurse (EN) là y tá học xong chương trình 2 năm Diploma of Nursing tại một trường đại học để đạt tiêu chuẩn hành nghề.

 

EN phải làm việc dưới sự giám sát của một Registered nurse (RN), với các nhiệm vụ như: thường xuyên theo dõi nhiệt độ, mạch, huyết áp, hô hấp của bệnh nhân..., thực hiện các biện pháp can thiệp và điều trị theo các kế hoạch chăm sóc bệnh nhân, hỗ trợ RN trong các hoạt động giáo dục sức khỏe và giúp đỡ bệnh nhân trong các hoạt động của họ.

 

EN có thể học thêm để trở thành RN.

 

Registered nurse (RN) là y tá học xong chương trình 3 năm Bachelor of Nursing tại một trường đại học để đạt tiêu chuẩn hành nghề. RN có nhiều trách nhiệm hơn EN và phạm vi công việc của họ có thể bao gồm: đánh giá tình trạng bệnh nhân, lập kế hoạch chăm sóc, quản lý thuốc, giám sát quản lý EN và RN cấp dưới.

 

Nurse practitioner (NP) là RN được NMBA xác nhận là NP, phải có bằng Master of Nursing, có 5.000 giờ kinh nghiệm làm việc trong 6 năm.
 

NP làm việc độc lập trong vai trò khám bệnh, chẩn đoán và kê đơn thuốc.

 

 

Vì sao chọn nghề y tá?
 

Emmy Tran, một sinh viên học khóa Bachelor of Nursing, đại học Victoria, cho biết “Tôi theo học ngành y tá vì tôi muốn có một công việc giúp đỡ nhiều người, được yêu quý và tôn trọng, lại có thu nhập khá, bản thân luôn được học hỏi nhiều điều và nghề này không buồn chán bởi vì luôn có nhiều thử thách về cảm xúc, thể chất và trí tuệ.”

 

Y tá Uyên Nguyễn ở Brisbane nói rằng “Nghề này cũng có ý nghĩa vì mình có thể giúp được người khác và mình có thể làm việc theo giờ mình muốn... mình có thể xin việc ở bất cứ chỗ nào mình muốn.”

 

Phần lớn những người chọn nghề y tá vì muốn chăm sóc, giúp đỡ người khác. Bên cạnh đó, họ được xã hội tôn trọng, tìm thấy nhiều niềm vui và phần thưởng xứng đáng khi vượt qua những khó khăn thách thức của nghề.

 

 

Mức lương xứng đáng
 

Y tá là một trong những ngành có mức lương cao ở Úc. Điều này hoàn toàn tương xứng với công sức, kiến thức và tâm huyết của họ với nghề.

 

Theo dữ liệu từ Labour Market Insights, mức tiền lương cho y tá ở mỗi tiểu bang có thể khác nhau, nhưng mức lương bình quân của Enrolled Nurse là khoảng 1.426 Úc kim mỗi tuần, và khoảng 1.937 Úc kim mỗi tuần đối với Registered Nurse.

 

 

Cơ hội nghề nghiệp
 

Do nhu cầu luôn ở mức cao, nên tỷ lệ thất nghiệp đối với các y tá ở mức rất thấp.

 

Ngành y tá Úc trong dài hạn được dự đoán vẫn tiếp tục phát triển mạnh. Theo phúc trình về nhân lực ngành y tế trong tương lai của Bộ Y tế Úc, nhu cầu về y tá của Úc sẽ vượt quá nguồn cung một cách đáng kể, với sự thiếu hụt dự kiến khoảng 85.000 y tá vào năm 2025 và 123.000 y tá vào năm 2030.

 

Theo trang Dự báo việc làm Labour Market Insights, sẽ có 331.200 cơ hội việc làm cho RN và 22.600 cơ hội việc làm cho EN vào năm 2026.

 

 

Thách thức và phần thưởng
 

Đối với nhiều người nói tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai thì tiếng Anh là thử thách đầu tiên khi chọn học và làm nghề y tá.

 

Cô Chi Nguyễn, giáo viên trường Vicseg Newfuture, Victoria khẳng định một người phải giỏi tiếng Anh mới có thể học ngành y tá.

“Yêu cầu tiếng Anh bắt buộc là IELTS tối thiểu 7.0 cho cả bốn kỹ năng nghe-nói-đọc-viết hoặc PTE 65 đầu vào lẫn đầu ra, ở tiểu bang nào cũng vậy. Tiếng Anh phải vững vì học nhiều từ chuyên ngành, và đi làm phải thường xuyên giao tiếp với bác sĩ, với chuyên gia y tế liên ngành, với bệnh nhân và gia đình bệnh nhân, phải bàn giao công việc cho đồng nghiệp v.v.”

 

 

Ngọc Giao, là y tá ở Canberra, cô cũng nói rằng, điều quan trọng là người y tá phải yêu nghề, vì đó là 'nghiệp duyên', nếu không thì một người hội đủ các tố chất kể trên cũng không thể theo nghề y tá.

Cô nói “Tôi nghĩ đức tính cần thiết đầu tiên mà một người cần có khi bước vào nghề y tá là phải biết thương yêu, quan tâm đến người khác, theo tiếng Anh là CARING.”

"Người y tá phải biết xem cái đau của người khác như cái đau của mình, hiểu tâm lý con người cũng như tâm lý bệnh nhân.”

"Tiếp đến là không sợ máu, không sợ làm người ta "đau".

"Cũng cần có khả năng giữ bình tĩnh, tự tin, tính tình chu đáo cẩn thận, có trí nhớ tốt và sức khỏe tốt.”

 

 

Y tá Jenny Lam ở Victoria tin rằng nghề y tá đòi hỏi sức chịu đựng áp lực và sự kiên nhẫn, nhưng nếu yêu nghề thì sẽ thấy công việc rất ý nghĩa, giờ giấc cũng linh hoạt, “Bạn có thể chọn thời gian làm việc phù hợp với mình."
 

Theo indeed.com, có khá nhiều thách thức mà người y tá phải đối mặt khi làm việc.

 

Ở một số nơi như bệnh viện, thách thức có thể là ca làm việc dài, rồi sau đó còn phải làm các nhiệm vụ hành chính cần thiết và thủ tục đổi ca. Làm việc trong nhiều giờ như vậy có thể gây mệt mỏi về thể chất và tinh thần, có thể dẫn đến kiệt sức. Vì vậy người y tá rất cần nghỉ ngơi và nạp năng lượng giữa các ca làm việc.

 

Hơn nữa, ca làm việc của y tá mỗi tuần thường thay đổi, khiến họ cũng phải vất vả điều chỉnh lịch ăn ngủ, nghỉ ngơi và làm việc.

 

 

Nghề này không buồn chán bởi vì luôn có nhiều thử thách về cảm xúc, thể chất và trí tuệ." y tá Emmy Tran chia sẻ. Ảnh: E+

 

 

Y tá Jenny Lam ở Victoria cho biết “Nếu làm ở viện dưỡng lão thì giờ giấc ổn định hơn, có thể làm ca sáng 7am- 3pm hoặc ca chiều 3pm-10pm, hoặc ca đêm 10pm-7am.Nếu làm ở bệnh viện thì mình có thể yêu cầu ngày-giờ mình muốn làm, nhưng cũng phải theo lịch mà họ sắp xếp, nên giờ giấc có thể không ổn định và có lúc phải làm đêm.”

 

Không giống như nhiều ngành nghề khác, nghề y tá liên quan khá nhiều đến cảm xúc, đôi lúc họ suy nghĩ khá nhiều về cuộc sống và kết quả điều trị của bệnh nhân, nhất là khi gặp một ca khó hoặc một trường hợp đau thương, điều đó có thể ảnh hưởng lớn đến tâm trạng của họ trong thời gian dài. Vì vậy, điều chỉnh cảm xúc là một thách thức với y tá, nhưng luôn có một hệ thống sẵn sàng hỗ trợ họ.

 

Một thách thức khác là y tá được yêu cầu làm các nhiệm vụ đòi hỏi thể chất như giúp nâng đỡ và vận chuyển bệnh nhân hoặc đứng trong thời gian dài. Vì thế việc rèn luyện thể chất là rất quan trọng.

 

Y tá cũng có mức độ tiếp xúc với vi khuẩn và vi rút cao hơn so với người bình thường, vì họ chăm sóc bệnh nhân, chẳng hạn như trong đại dịch COVID-19. Điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh của họ. Y tá cũng làm việc với các hóa chất độc hại được dùng để làm sạch và vệ sinh, có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe. Vì vậy, họ cần phải luôn tuân theo các quy trình an toàn khi làm việc.

 

Một khó khăn khác là tình trạng thiếu nhân lực, khiến y tá có thể phải làm thêm giờ. Khi bệnh viện và các cơ sở y tế khác không có đủ chuyên gia chăm sóc bệnh nhân, họ có thể yêu cầu y tá làm việc nhiều giờ hơn hoặc tăng ca. Điều này đặc biệt xảy ra vào cao điểm của đại dịch COVID-19, đã khiến không ít y tá bệnh viện công phải bỏ cuộc, trong đó có Kathy Tran ở Melbourne.

"Có quá nhiều áp lực từ công việc và gia đình vào cao điểm của đại dịch khiến tôi quyết định nghỉ một thời gian để phục hồi sức khỏe. Giờ đây tôi đã chuyển sang làm việc ở cơ sở y tế khác, nơi tôi cảm thấy đỡ áp lực hơn."

 

Ngoài ra còn có trường hợp y tá vì lý do nào đó mà bị bệnh nhân hoặc người thân của bệnh nhân đối xử tệ bằng lời nói hoặc hành động. Khi đó họ rất cần sự giúp đỡ của đội ngũ an ninh và cơ quan thực thi pháp luật.

 

 

Học gì để có thể trở thành y tá RN?
 

Bạn muốn bắt đầu một sự nghiệp trong ngành y tá, hoặc đang tìm một khóa học y tá để nâng cao kỹ năng và kinh nghiệm hiện có của bạn?

 

Có nhiều trường đại học Úc cung cấp khóa học Diploma of Nursing hoặc Bachelor of Nursing, yêu cầu tuyển sinh ở mỗi trường có thể khác nhau.
 

Trang NursingCourses gợi ý một số câu hỏi phổ biến trước khi bạn chọn khóa học.

 

Khóa học trong bao lâu? Hầu hết sinh viên sẽ mất ba năm học toàn thời gian để hoàn thành bằng Bachelor of Nursing, nếu bạn học trung bình sáu đơn vị học trình mỗi năm và không trượt môn nào.

 

Một số trường cung cấp một chương trình cấp tốc, cho phép bạn tốt nghiệp trong vòng hai năm. Điều này đạt được bằng cách chọn học các đơn vị bổ sung trong cùng khoảng thời gian, nhưng học viên phải đáp ứng các tiêu chí đầu vào đặc biệt.

 

Nếu sinh viên đã là EN, họ có thể giảm thời gian học lên đến một năm. Còn những sinh viên muốn học bán thời gian thường sẽ mất sáu năm.

 

Học phí là bao nhiêu? Học phí cho khóa Bachelor of Nursing là khoảng 12.000 - 20.000 đô la, tùy thuộc mỗi trường. Các trường danh tiếng hơn thường có mức học phí cao hơn. Học phí thực tế sẽ dựa trên các đơn vị học trình mà bạn đăng ký.

 

Công dân hoặc thường trú nhân Úc sẽ đủ điều kiện nhận trợ cấp Commonwealth Supported Place của chính phủ.

 

Tại Victoria, theo kế hoạch trị giá 270 triệu đô la kéo dài 5 năm của chính phủ Victoria, tất cả sinh viên Úc trong tiểu bang ghi danh vào các khoá học y tá và hộ sinh trong năm 2023 và 2024 sẽ nhận được học bổng lên đến $16.500 để trang trải học phí.

 

Quy định tuyển sinh gồm những gì? Các yêu cầu đầu vào điển hình của các trường đại học cho sinh viên muốn học Bachelor of nursing bao gồm:

  • Hoàn thành bằng cấp trung học phổ thông (QCE ở QLD, HSC ở NSW, VCE ở VIC hoặc tương đương)
  • Phần lớn các trường yêu cầu điểm ATAR từ 65 trở lên. Tuy nhiên, UTS chỉ nhận sinh viên có điểm ATAR trên 84,25, trong khi Đại học Victoria hoàn toàn không có yêu cầu về ATAR.
  • Nếu bạn không phải là 'học sinh mới tốt nghiệp trung học' gần đây thì vẫn có thể ghi danh nếu bạn có kinh nghiệm làm việc liên quan hoặc đã tham gia khóa học EN.
  • Có một số trường yêu cầu sinh viên phải hoàn thành các môn như sinh học, hóa học và toán học trong trường trung học.
  • Có một số trường yêu cầu phỏng vấn hoặc kiểm tra đầu vào.
  • Nếu bạn chưa hoàn thành chương trình tiểu học và trung học ở Úc, có thể bạn cần chứng minh trình độ tiếng Anh của mình thông qua IELTS, TOEFL hoặc PTE.
  • Ngoài ra các trường đại học cũng yêu cầu: Working With Children Check, Police Record Check, chứng nhận tiêm chủng và chứng nhận hoàn thành khóa học sơ cứu.

 

 

 

RN có thể học nâng cao để đảm nhiệm các vai trò có thu nhập cao hơn. Source: Flickr

 

 

Cơ hội phát triển

RN có thể tiếp tục học các chuyên ngành y tế khác nhau, chẳng hạn như y tá cấp cứu, y tá sức khỏe tâm thần, y tá ung thư và huyết học.

 

Bạn cũng có thể học nâng cao nếu muốn phát triển lên vai trò chuyên gia y tá lâm sàng (Clinical Nurse Specialist), Người quản lý Đơn vị Y tá (Nurse Unit Manager), nhà giáo dục y tá (Nurse Educator)... Những vị trí này thường có mức lương cao hơn.

 

Theo trang mạng tuyển dụng Seek, mức lương trung bình hàng năm cho công việc Y tá lâm sàng ở Úc là từ $95,000 đến $105,000/năm, trong khi mức lương bình quân của Người quản lý Đơn vị Y tá là từ $120.000-$130.000/năm.