Hổ Tasmania, hay Thylacine đã bị săn đuổi đến mức tuyệt chủng vào những năm 1930 (Ảnh: SBS)

 

AUSTRALIA – Các khoa học gia Úc cho biết hổ Tasmania có thể được hồi sinh sau khi đã tuyệt chủng. Toán nghiên cứu nói rằng quan hệ đối tác mới với một công ty kỹ thuật di truyền sẽ thúc đẩy các nỗ lực bảo vệ các loài thú.

 

Giáo sư Andrew Pask dẫn đầu nhóm nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Phục hồi Di truyền Tích hợp Thylacine của Đại học Melbourne hy vọng có tái tạo tế bào hổ Tasmania trong vòng 10 năm.

"Chúng tôi cũng hy vọng đến thời điểm đó, chúng tôi đã tìm ra các bước tiếp theo về những gì chúng tôi cần làm để biến các mô tế bào đó thành một con thú sống đầy đủ."

 

Phòng thí nghiệm đã hợp tác với công ty kỹ thuật di truyền Colossal có trụ sở tại Hoa Kỳ, và như vậy sẽ tăng gấp đôi số lượng các nhà khoa học đang làm việc để hồi sinh loài động vật có túi ăn thịt duy nhất của Úc.

Giáo sư Pask giải thích "Rất nhiều vấn đề mà chúng tôi phải giải quyết để làm tuyệt chủng loài Thylacine hơn chỉ là chúi đầu trong phòng thí nghiệm, mà sẽ thử tìm hiểu và giải quyết những rào cản lớn mà chúng tôi đang cố gắng vượt qua vào lúc này".

 

Dự án bao gồm một số bước phức tạp kết hợp khoa học và công nghệ tiên tiến, như chỉnh sửa gene và tạo tử cung nhân tạo. Trước tiên, nhóm nghiên cứu sẽ xây dựng một bộ gene chi tiết của loài động vật đã tuyệt chủng và so sánh với bộ gene của họ hàng gần nhất còn sống - một loài thú có túi ăn thịt có kích thước bằng chuột được gọi là chuột dunnart đuôi béo.

 

Giáo sư Pask giải thích bước kế tiếp là chỉnh sửa ADN của tế bào chuột dunnart cho giống tế bào hổ Tasmania, và đó sẽ là bước quyết định.

"Có thể 10-15 năm trước, điều này thực sự vẫn còn là khoa học viễn tưởng. Nhưng đã có những tiến bộ to lớn trong khả năng tạo ra tế bào gốc và nuôi cấy tế bào gốc của chúng ta, và đặc biệt là những thứ như chỉnh sửa ADN, khả năng đi vào ADN đó hoặc bộ gen của chúng ta và chỉnh sửa gen là những gì thực sự có thể thực hiện được."

 

Hổ Tasmania có kích thước cỡ chó sói đồng cỏ Bắc Mỹ. Loài động vật này biến mất cách đây khoảng 2.000 năm ở hầu khắp mọi nơi trên Trái đất, ngoại trừ đảo Tasmania của Úc. Là động vật có túi ăn thịt đầu bảng duy nhất sống ở thời hiện đại, hổ Tasmania đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái mà nó tồn tại.

 

Tuy nhiên, những người định cư Châu Âu trên đảo vào những năm 1800 cho rằng hổ Tasmania gây thiệt hại cho gia súc nên đã săn bắn đến mức tuyệt chủng những con thú có đặc tính nhút nhát, thường kiếm ăn vào đêm.

 

Con hổ Tasmania cuối cùng sống trong điều kiện nuôi nhốt, tên là Benjamin, chết năm 1936 tại vườn thú Beaumaris ở Hobart, Tasmania. Việc con hổ Tasmania cuối cùng chết diễn ra chỉ ít lâu sau khi chúng được đưa vào danh sách bảo vệ, nhưng đã quá muộn để cứu loài thú này.

 

Tuy vậy có một số người tin rằng hổ Tassmania không bị tuyệt chủng. Người đồng sáng lập hội Thylacine Awareness Group của Úc, Neil Waters, cũng nằm trong số đó.

"Ở Úc, thực sự có hàng chục loài trong vòng 20 năm trở lại đây đã quay trở lại vì ngay từ đầu chúng được xác định không chính xác là đã tuyệt chủng vì không có đủ ngân sách để nghiên cứu những gì ở ngoài thiên nhiên."

 

Nhóm này đã nhận được nhiều báo cáo độc lập về việc nhìn thấy hổ Tasmania trong bụi rậm. Và nó đặt câu hỏi về giá trị của những nỗ lực hồi sinh thú được cho đã tuyệt chủng.

"Bạn biết đấy cuối cùng, trong 10 năm và tiêu tốn thêm 5 triệu đô-la nữa, các nhà khoa học sẽ tạo ra một tế bào, chứ không phải một con vật. Và nó sẽ không bao giờ hết tốn kém. Họ sẽ tạo ra một điều kỳ lạ trong sở thú chẳng hạn. Giống như Công viên Jurrasic, và tất cả chúng ta đều biết điều đó đã kết thúc như thế nào phải không."

 

Tuy nhiên, các nghiên cứu gia tự tin rằng họ sẽ đạt được những tiến bộ cũng sẽ giúp nỗ lực bảo tồn các loài thú có túi dễ bị tuyệt chủng khác như là gấu túi.