Thủ tướng Fiji Sitiveni Rabuka phát biểu tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia ở Thủ đô Canberra. Nguồn: AAP / LUKAS COCH

 

 

Thủ tướng Fiji đã bác bỏ tình huống cho phép bất kỳ căn cứ quân sự nào của Trung Quốc được đặt tại quốc gia này, trong bối cảnh cuộc cạnh tranh giành ưu thế quốc phòng tại khu vực Thái Bình Dương đang diễn ra căng thẳng.

 

Thủ tướng Fiji, ông Sitiveni Rabuka, đang có chuyến thăm tới Úc. Trong một bài phát biểu quan trọng tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia ở Canberra vào thứ Tư, ngày 2 tháng Bảy, ông Sitiveni Rabuka đã kêu gọi Úc ký một hiệp ước chính thức với Fiji nhằm củng cố hơn nữa mối quan hệ ngoại giao song phương.

 

Nhưng đây chỉ là một phần trong bức tranh ngoại giao giữa hai nước, trong bối cảnh thế giới đang có nhiều bất ổn.

 

Thủ tướng Rabuka nói: “Thật không may, hiện nay tôi cho rằng viễn cảnh tương lai đang bất ổn hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ khi Fiji giành độc lập vào năm 1970.”

 

Hiện tại, Úc và Fiji đã có thỏa thuận Vuvale – từ "Vuvale" trong tiếng Fiji có nghĩa là "gia đình" – thể hiện cam kết hợp tác chặt chẽ hơn.

 

Nhưng Thủ tướng Fiji cho biết ông muốn mối quan hệ này được nâng lên một tầm cao mới.

 

“Có lẽ chúng ta đã đến thời điểm trong quan hệ Fiji – Úc, mà thỏa thuận Vuvale cần được làm mới và nâng tầm thêm một bước nữa, tới một thỏa thuận hay một hiệp ước.”

 

Ông Rabuka, 76 tuổi, cho biết một hiệp ước bao gồm cả hỗ trợ phát triển sẽ giúp mối quan hệ song phương được bảo đảm lâu dài, vượt qua những “biến động chính trị của các đảng phái chiến thắng” trong các cuộc bầu cử ở cả hai nước.

 

Ông Rabuka thậm chí còn để ngỏ tiềm năng cho phép công dân Fiji gia nhập quân đội Úc.

 

Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh Canberra đang thúc đẩy một hiệp ước quốc phòng với Papua New Guinea, theo đó công dân của quốc gia này sẽ đủ điều kiện phục vụ trong Lực lượng Quốc phòng Úc.

 

Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh ảnh hưởng tại Thái Bình Dương không chỉ có Úc và Fiji, mà còn có sự tham gia của các quốc gia khác.

 

Khi cuộc đua giành ưu thế quốc phòng trong khu vực đang diễn ra, ông Rabuka khẳng định Fiji sẽ không cho phép đặt căn cứ quân sự Trung Quốc.

Thủ tướng Rabuka nói, “Tôi không tin rằng Trung Quốc cần phải có một căn cứ ở Thái Bình Dương. Họ đã chứng minh rằng họ không cần có căn cứ bên ngoài Trung Quốc để có thể khai triển các võ khí tới bất kỳ nơi nào trên thế giới.”

 

Họ có thể tiến về phía đông vượt qua Trung Quốc và tiến xa đến tận Mỹ nếu họ muốn, hoặc tiến về phía tây tới các điểm xa nhất ở Châu Âu nếu họ muốn. Vì vậy, thực sự họ không cần phải lập thêm bất kỳ căn cứ nào khác ở Thái Bình Dương.”

 

Phóng viên Anna Henderson của SBS có mặt tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia và đã đặt câu hỏi cho Thủ tướng Fiji về mối quan hệ an ninh giữa nước này và Trung Quốc.

 

Thủ tướng Rabuka nói với SBS, “Hiện nay, chúng tôi đang phải ứng phó với một Trung Quốc lớn mạnh và đã trở nên hùng cường, có lẽ họ muốn mở rộng tầm ảnh hưởng ra khu vực Thái Bình Dương.”

“Các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương trong các cuộc thảo luận gần đây đã cố gắng xây dựng các chính sách ‘thân thiện với tất cả, không thù địch với ai’. Đây là một mục tiêu khá khó để duy trì, nhưng hoàn toàn có thể làm được”.

 

Phát biểu này được đưa ra trong bối cảnh khu vực đang chịu áp lực liên quan đến việc chuẩn bị đối phó với tham vọng của Trung Quốc tại Đài Loan.

 

Hòn đảo Đài Loan hiện là tâm điểm của tranh chấp địa chính trị giữa Trung Hoa Dân Quốc (ROC), chính quyền kiểm soát Đài Loan, và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) – tức Trung Quốc đại lục – quốc gia tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình.

 

Ông Rabuka cho rằng thế giới cần phải có những kế hoạch sẵn sàng cho nguy cơ xung đột leo thang trong khu vực.

 

“Chúng ta phải lên kế hoạch cho điều đó xảy ra, và những bên có tiềm năng tham gia phải bắt đầu chuẩn bị ngay từ bây giờ trong lĩnh vực đó. Tôi nghĩ Trung Quốc đã sẵn sàng, và tôi cũng nghĩ phần còn lại của thế giới cũng đã sẵn sàng.”

 

Trong chuyến thăm Úc lần này, Thủ tướng Fiji cũng muốn nhấn mạnh mối quan hệ gắn bó với Úc.

 

Ông mang theo một chai rượu vang làm từ nho trồng tại Nam Úc và bày tỏ cam kết sẽ mở rộng các cơ hội kinh tế giữa hai quốc gia.

 

“Chúng tôi có một nhà sản xuất rượu Fiji đang xử dụng nho Barossa.”

 

Mối quan hệ giữa hai nước được ví như “rượu để lâu năm” – càng để lâu càng quý, nhưng những thách thức phía trước cũng đang ngày càng lớn dần.

 

 

(Theo SBS News)