AFP đã phát đi cảnh báo lễ hội, kêu gọi công chúng hỗ trợ truy tìm Elf - người tí hon nghịch ngợm này, kẻ bị cáo buộc gây ra những rắc rối kỳ lạ trên khắp nước Úc. Source: Supplied / AFP Media

 

 

 

Mỗi mùa cuối năm Cảnh sát Liên bang Úc (AFP) đều sáng tác một câu chuyện truy tìm tội phạm và phá án ly kỳ vui vẻ đóng góp tiết mục giải trí cho không khí mùa lễ hội, nhân dịp nhắc nhớ mọi người về kỹ năng chuyên môn cũng như sự hiện diện hữu ích của họ trong việc duy trì trật tự. Và "trọng án" năm nay...

 

Năm nay, “vụ án lớn” mà họ đối mặt lại liên quan đến một nghi phạm bất ngờ, một người tí hon tinh nghịch vào dịp Giáng sinh.

 

AFP đã phát đi cảnh báo lễ hội, kêu gọi công chúng hỗ trợ truy tìm Elf - người tí hon nghịch ngợm này, kẻ bị cáo buộc gây ra những rắc rối kỳ lạ trên khắp nước Úc. Vụ án, được gọi là Chiến dịch Mở Quà (Operation Unwrapped), bắt đầu sau một vụ đột nhập kỳ lạ tại phòng thí nghiệm của AFP ở Canberra.

 

Khi các chuyên viên pháp y đến hiện trường, họ phát hiện ra các thiết bị chuyên dụng của mình đã bị bọc kín trong giấy gói quà Giáng sinh một cách bí ẩn. Mặc dù không có gì bị đánh cắp, hiện trường lại là một cảnh hỗn loạn với kẹo cây gậy bị đập bẹp, trái châu trang trí bị bể, và dây kim tuyến bị rơi rụng. Một loạt bằng chứng bao gồm các mảnh giấy gói quà, dấu chân nhỏ như của yêu tinh, một mẫu tóc màu nâu, và một mẩu giấy viết tay đầy nghịch ngợm với dòng chữ: "Các người sẽ không bao giờ bắt được Elf này đâu!"

 

Đội Nhận diện Khuôn mặt của AFP đã nhanh chóng vào cuộc, ghép nối các mô tả của nhân chứng và bằng chứng pháp y để tạo ra hình ảnh phác họa của "tội phạm người tí hon". Các nhà điều tra thậm chí còn nhận được thông tin từ một nhân chứng sử dụng biệt danh “S. Klaus,” người khẳng định rằng người tí hon Elf này trước đây được giao nhiệm vụ theo dõi danh sách “Ngoan hay Hư” nhưng đã bất ngờ biến mất.

 

Và để câu chuyện phá án bắt tội phạm chịu trách nhiệm hình sự... như thật, AFP dẫn lời của Tiến sĩ Mark Tahtouh, Quyền Quản lý Pháp y của AFP ca ngợi sự tận tâm của đội ngũ trong vụ án, và kêu gọi sự cảnh giác từ cộng đồng.

 

Ông Tahtouh nhập vai, tuyên bố như họp báo thật, "Chúng tôi quyết tâm giải mã bí ẩn lễ hội này, và mỗi bằng chứng là một mảnh ghép giúp chúng tôi tiến gần hơn đến việc bắt giữ ‘yêu tinh tội phạm’ này. Mùa Giáng sinh có thể là mùa vui nhộn, nhưng hành vi này thuộc diện phá hoại mùa lễ hội theo Luật Tội phạm Giáng sinh,"

 

Bộ phận Pháp y của AFP, với gần 400 chuyên gia trong các lĩnh vực từ phân tích dấu vân tay đến pháp y kỹ thuật số, đang nỗ lực không ngừng để bảo đảm "người tí hon bỏ trốn" này bị đưa ra ánh sáng.

 

AFP khuyến khích công chúng hỗ trợ bằng cách xem video điều tra và luôn cảnh giác. Cuộc truy tìm "tội phạm người tí hon" đang diễn ra, và AFP cho biết sẽ không nghỉ ngơi cho đến khi vụ án Giáng sinh này được giải quyết!

 

 

-- --

 

 

Thảo luận:

Quý vị có thể cho con trẻ trong nhà xem video mô tả lại quá trình điều tra, chủ yếu là công việc của Bộ phận Pháp y. Nếu quý vị nhận thấy câu chuyện này là cách thú vị và hấp dẫn để cha mẹ nói chuyện với con về giải quyết tội phạm, cảnh sát và khoa học pháp y, thì sau đây là một số câu hỏi gợi chuyện cho các nhóm tuổi khác nhau:
 

Về câu chuyện:

  • Con nghĩ người tí hon đang cố gắng đạt được điều gì khi đem gói quà thiết bị chuyên dụng và để lại một ghi chú?
  • Theo con, tại sao cảnh sát điều tra ngay cả những tội nghịch ngợm như vầy?
  • Những manh mối nào đã giúp cảnh sát tìm ra người phải chịu trách nhiệm?

 

Về khoa học pháp y:

  • Con nghĩ dấu chân hoặc mẫu tóc có thể giúp giải quyết tội phạm như thế nào?
  • Tại sao việc bảo vệ hiện trường vụ án lại quan trọng?
  • Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bằng chứng bị hư hỏng hoặc bị mất?

 

Về công việc của cảnh sát:

  • Cảnh sát làm gì để giữ an toàn cho mọi người?
  • Theo con, cần có những phẩm chất nào để làm cảnh sát và nhà khoa học pháp y?
  • Nếu con là cảnh sát, con sẽ cố gắng bắt người tí hon trong vụ này như thế nào?

 

Đạo đức và trách nhiệm:

  • Con có nghĩ người tí hon phải chịu hậu quả cho những gì họ đã làm không? Tại sao có hoặc tại sao không?
  • Làm thế nào chúng ta có thể phân biệt được sự khác biệt giữa trò vui vô hại và hành động gây ra vấn đề?