Ngày 24/8, Google tiếp tục bày tỏ sự phản đối cơ chế giải quyết tranh chấp mà Úc đề xuất trong dự thảo này.

 

 

 

Vào thời điểm chỉ còn vài ngày nữa là đến thời hạn cuối cùng chính quyền Úc Đại Lợi kết thúc việc tiếp nhận ý kiến về dự thảo bộ quy tắc yêu cầu các công ty công nghệ trả tiền cho việc sử dụng tin tức của các cơ quan báo chí, hôm nay, Google tiếp tục bày tỏ sự phản đối cơ chế giải quyết tranh chấp mà Úc đề xuất trong dự thảo này.

 

 

 

 

 

 

Văn phòng của Google tại thành phố Sydney, Úc Đại Lợi. (Ảnh: PCWorld).

 

 

 

 

Trong một tuyên bố đưa ra vào hôm nay, Google cho biết, công ty đồng ý “trả thêm tiền để có quyền sử dụng các nội dung và muốn ủng hộ các nhà báo trong giai đoạn chuyển đổi sang kỹ thuật số”. Tuy vậy Google cho rằng, dự thảo bộ quy tắc do chính quyền Úc đưa ra là “không thể thực hiện được” và quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp thông qua cơ quan trọng tài là “những yêu cầu vô cùng lớn và vô lý” cũng như đã “phớt lờ những giá trị thực mà Google cung cấp cho các cơ quan sản xuất tin tức”.

 

 

Google cho biết họ không phản đối việc xây dựng quy tắc điều phối mối quan hệ giữa các cơ quan báo chí với các công ty công nghệ song Google không đồng ý với các quy định về giải quyết tranh chấp mà dự thảo bộ quy tắc này đưa ra. Goolge khẳng định, dự thảo quy tắc mà chính phủ đưa ra “nghiêng hẳn về một phía và không công bằng”. Google nhấn mạnh “một cuộc thương lượng công bằng hay thông qua cơ quan trọng tài đều cần mang lại lợi ích cho cả hai bên”.

 

 

Google cho biết, họ rất khó đóng cửa trang Google News như đã làm ở Tây Ban Nha vào năm 2014. Trong khi đó, dự thảo quy tắc mà chính phủ Úc đề xuất khiến công ty có thể phải loại bỏ các nội dung tin tức quốc tế.

 

 

Google khẳng định: “Chúng tôi sẽ phải thực hiện một loạt hành động để ngăn các tin tức thế giới hiện thị với người tiêu dùng Úc  - chúng tôi sẽ phải xóa các bài báo nước ngoài, các nội dung mà các bloger và các phóng viên YouTube đã đưa cũng như các tin tức về thể thao, sức khỏe toàn cầu... và rất nhiều các nội dung khác từ tất cả các nguồn trên thế giới”.

 

 

Trước đó vào hồi tháng 7, khi cuộc đàm phán giữa chính phủ Úc Đại Lợi và các công ty công nghệ không có dấu hiệu đạt được thỏa thuận, Ủy hội Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc Đại Lợi đã công bố dự thảo bộ quy tắc quy định mối quan hệ giữa các cơ quan báo chí với các công công ty công nghệ, trong đó yêu cầu các công ty công nghệ phải trả tiền vì đã sử dụng nội dung của các cơ quan báo chí. Nếu không tuân thủ các quy định trong dự thảo này, các công ty công nghệ có thể sẽ bị phạt tới hàng triệu Úc kim.